46 năm sau, vết thương 30 tháng Tư vẫn còn nhức nhối (Nhiều tác giả)

Tuy đã 46 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng vết thương cuộc chiến để lại vẫn còn rỉ máu. Dù Chính phủ không tổ chức rầm rộ nhưng những thông tin về 30 tháng 4, những hình ảnh, câu chuyện vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội từ phía những người dân. Họ không phải là những cây viết chính thống, họ cũng không phải là những nhà bình luận. Họ là nạn nhân của cuộc chiến, cho đến bây giờ !



Kỷ niệm 30 tháng 4 năm nay : Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ?

Diễm Thi, RFA, 30/04/2021

Không tổ chức rầm rộ

Kể từ năm 1975, cứ vào dịp 30 tháng 4 hàng năm, Nhà nước Việt Nam luôn tổ chức những buổi lễ ăn mừng được gọi là ‘chiến thắng’, ‘giải phóng miền Nam’ của quân Bắc Việt. Họ gọi những người lính và chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là ‘ngụy quân - ngụy quyền’.


Bộ đội Việt Nam tái hiện cảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh chụp hôm 30 tháng 4 năm 2005. Reuters

Theo nhận xét của nhiều người thì năm nay không diễn ra những sự kiện ‘ăn mừng’ rầm rộ như mọi năm vì nhiều lý do.

Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét :

"Mình không quan sát được hết nhưng có vẻ cái không khí năm nay im ắng hơn, không ồn ào. Không thấy mít-tinh gì cả. Không biết họ có làm âm thầm ở đâu hay không. Cũng không hiểu do dịch hay do chủ trương của các ông ấy. Nhưng cờ thì tổ trưởng dân phố vẫn đến từng nhà nhắc phải treo trước 30 tháng 4.

Nói một cách khách quan thì năm chẵn người ta mới làm lớn. Tức là tính từ 1975, thì cứ 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm…thì họ mới làm rùm beng. Còn năm lẻ thì chỉ sơ sài. Khoảng chục năm trở lại đây thì người ta cũng ít đề cập trên truyền thông, ngay cả bộ máy Nhà nước họ cũng làm nhẹ nhàng trong phạm vi hẹp chứ không rầm rộ".

Nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Sài Gòn nhận định, đặc biệt năm nay, ở rất nhiều nơi người ta thấy Nhà nước chủ động tự mình treo cờ dọc các con đường. Không còn cảnh công an khu vực hay tổ trưởng đến từng nhà người dân thúc treo cờ nữa. Có lẽ nhiều năm rồi người ta mệt mỏi chuyện yêu cầu mà không phải ai cũng đáp ứng. Ông Tuấn Khanh nói thêm :

"Trên tinh thần của Nhà nước Việt Nam thì năm nào họ cũng nói 30 tháng 4 là một ngày lễ lớn tổ chức lớn. Các cơ quan Nhà nước thì có treo cờ và cờ của Đảng cộng sản nhiều hơn cờ đỏ sao vàng. Trên truyền hình hay đài phát thanh, những chương trình ca ngợi chiến thắng năm nay hoàn toàn không có mà chỉ có những bản tin ngắn, vừa phải. Chỉ còn duy nhất một nơi là Thông tấn xã Việt Nam gọi ‘cuộc chiến thắng Mỹ Ngụy’ mà thôi. Còn tất cả mọi nơi, kể cả Đài truyền hình quốc gia Hà Nội cũng gọi ‘Việt Nam Cộng Hòa’".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận xét rằng, không thấy Chính quyền tổ chức kỷ niệm 30 tháng 4. Theo ông, đây là chủ ý của họ vì dần dần họ phải nhận thức rằng, sự thống nhất đất nước không toàn vẹn, không tốt và thực tế cho tất cả mọi người.

Có sự thay đổi ?

Nhiều người nhận xét rằng, cái nhìn của ‘bên thắng cuộc’ đã phần nào thay đổi khi trong bài phát biểu tại họp mặt kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên không còn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Giải phóng Miền Nam nữa mà gọi là ngày Thống nhất Đất nước. Ông Nguyễn Văn Nên cũng không còn gọi chế độ nguỵ quyền mà gọi đúng tên chính danh chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Dĩ nhiên, những phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên không phải là những phát biểu cá nhân, mà đó là tiếng nói của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét :

"Từ lâu rồi những người hiểu biết họ có đề nghị bỏ cái chữ ‘giải phóng’ đi, thậm chí bỏ luôn chữ ‘thống nhất’, thay bằng một cái tên nào đó hướng đến sự hòa hiếu. Cái xu hướng và suy nghĩ này ngày càng có nhiều người ủng hộ.

Người ta còn phải nhận thức một điều nữa là cuộc chiến tranh đó không phải là cuộc chiến tranh chống Mỹ mà là cuộc chiến tranh người Việt đánh nhau với người Việt. Nó mang tính chất của một cuộc nội chiến. Cần phải thay đổi cái suy nghĩ ấy đi và dần dần bỏ đi những từ ngữ không còn đúng nữa. Còn đến bao giờ người ta bỏ thì mình cũng phải hiểu rằng sẽ còn lâu nữa vì sự thù hận giữa người nọ với người kia".

Nhiều người nhận xét rằng, ngay từ năm 2019, Nhà nước đã thay đổi cách tổ chức ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Việc tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm đó là một hiện tựợng đặc biệt và bất thường khi liều lượng và mật độ tuyên truyền giảm hẳn, chỉ bằng từ một phần tư đến một phần ba so với những năm trước.

Đặc biệt là khẩu hiệu ‘Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước’ không còn nhiều trên mặt báo mà chủ yếu chỉ còn ‘Thống nhất đất nước’ và bỏ đi cụm từ ‘Giải phóng miền Nam’. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không duyệt binh, không bắn pháo hoa…liên quan đến ngày 30 tháng 4.

Năm nay, Chính quyền cũng không tổ chức bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội rình rang. Nhưng những điều đó chưa đủ để người dân tin rằng, Chính quyền thật sự thay đổi từ trong nhận thức về cuộc chiến cũng như ngày kết thúc cuộc chiến. Nhạc sĩ Tuấn Khanh bày tỏ quan điểm của ông :

"Nó không phải là sự thay đổi mà đó là sự mệt mỏi của nhà cầm quyền, đặc biệt lại do dịch Covid nên họ thất bại trong chuyện bắn pháo hoa. Chính quyền này sẽ không bao giờ có sự thay đổi bằng một thiện chí hết là bởi vì với tinh thần tập trung dân chủ, với những tiêu chí của Nhà nước Việt Nam thì không bao giờ có chuyện đột ngột Nhà nước Việt Nam thay đổi mà không có những cuộc bàn thảo, nhận định, những cuộc xét lại cả một thời gian dài trước đó để đưa đến một kết luận hết.

Cho nên, nếu như có một sự thay đổi nào đó thì mình sẽ thấy người ta bắt đầu bàn về tính chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, có nên hòa giải hòa hợp và xóa bỏ hận thù, đừng gọi là Mỹ Ngụy nữa hay không.

Nó sẽ kéo dài trước đó cho đến 30 tháng 4 sẽ có màn diễn kịch là ‘kể từ hôm nay sẽ không gọi là Mỹ Ngụy nữa…"

Tuy bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có thay đổi trong cách dùng từ ngữ, nhưng ở một lãnh vực khác, hai cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu của Việt Nam là Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân vẫn không thay đổi.

Trang tin tức của Thông tấn xã Việt Nam hôm 30 tháng 4 có bài viết tựa đề : "Người chỉ huy 12 chiếc xe tăng bắt được của địch đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn" với lời nhắn gửi của Thượng úy Lê Viết Linh – người được cho là nhân chứng lịch sử của ngày 30 tháng 4 rằng :

"Chuẩn bị đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi muốn viết bài này để tìm lại đồng đội cũ ở Tiểu đội trinh sát, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đã cùng tôi ngồi trên xe tăng chiếm được của địch đánh vào Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đồng đội xưa ai còn, ai mất, đồng chí nào còn nhớ, xin liên lạc với tôi !"

Trước đó một ngày, Báo Nhân Dân có bài viết nhan đề : "Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".

Tuy đã 46 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng vết thương cuộc chiến để lại vẫn còn rỉ máu. Dù Chính phủ không tổ chức rầm rộ nhưng những thông tin về 30 tháng 4, những hình ảnh, câu chuyện vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội từ phía những người dân. Họ không phải là những cây viết chính thống, họ cũng không phải là những nhà bình luận. Họ là nạn nhân của cuộc chiến, cho đến bây giờ !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/04/2021

**************************

Ngày 30/04 : Nếu còn thiết tha hãy giúp một tay để lịch sử không bị đánh mất

Alex Thái Đình Võ, BBC, 30/04/2021

30/4 năm nay bạn nghĩ gì ?

Tôi nghĩ nhiều về lịch sử, và trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn và làm sáng tỏ lịch sử.


Hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh minh họa

Lịch sử thu nhỏ là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gôm chung sẽ là lịch sử của một đất nước, của nhân loại.

Nhà hùng biện Marcus Garvey từng nói "Một người không có kiến thức về lịch sử nguồn gốc và văn hóa của mình [thì cũng] giống như một cây không có rễ".

Lịch sử giải thích quá khứ, định hình hiện tại, và định hướng tương lai nên việc thông hiểu lịch sử luôn là điều tất yếu.

Nhưng đây là điều không dễ, vì lịch sử rất dễ bị ghi lại một cách sai lạc.

Mỗi thể chế chính trị khi lên cầm quyền thường củng cố lịch sử theo định hướng của mình, vì nắm được lịch sử tức nắm được não trạng của dân.

Các cường quốc trong lịch sử được hình thành không chỉ ở sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà còn ở việc tạo dựng một nền tảng lịch sử vững vàng theo định hướng chính trị của thể chế cai trị.

Một lịch sử bị 'định hướng'

Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, chính quyền Việt Nam cũng làm điều này, qua việc triệt sản tất cả các nhân vật, sự kiện, và khía cạnh mang dấu ấn của thể chế trước hoặc mang tính trái chiều.

Các nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu đều bị xóa mờ trong sách sử. Các tên tuổi trí thức yêu nước như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, hay Nhất Linh cũng cùng số phận.

Biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, từ lá cờ cho đến tên đường và tác phẩm nghệ thuật, đều bị xóa hoặc cấm. Thay vào đó là sự độc quyền trong việc trưng bày và phổ biến biểu tượng của chính thể mới.

Đinh Độc Lập trở thành Đinh Thống Nhất, Đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trường trung học Gia Long được thay tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa bị bỏ hoang.

Qua thời gian, mọi ngóc ngách của xã hội đều bị vây phủ bởi những biểu tượng cách mạng, từ hình ảnh Hồ Chí Minh đến màu cờ đỏ, đến sự nở rộ của những tên Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Phạm Văn Đồng trên khắp mọi nẻo đường.

Và qua thời gian, người Việt, nhất là thế hệ trẻ, nghiễm nhiên cho rằng sự tồn tại của Việt Nam là do công của các nhà lãnh đạo cộng sản.

Mặt khác nhiều người Việt không muốn nhắc đến cuộc chiến đã kết thúc ngày 30/4/1975, cơ bản vì sự khốc liệt và gây chia rẽ của nó.

"Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Thắng thua cũng đã định thì không còn gì để nói và chỉ nên để cho lịch sử phán xét.'' Họ nói.

Câu nói này thoáng nghe có vẻ bình thường, nhưng cho thấy một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người Việt về lịch sử.

Lịch sử không phải là một thực thể tự có thể tìm tòi, so sánh, suy luận thì tự nó làm sao có thể nhận định, phán xét ?

Không biết bao nhiêu sách báo đã viết về cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt 46 năm, nhưng chúng ta cần nhìn nhận sự thật là đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về cuộc chiến này.

Nhất là về những khía cạnh xã hội, kinh tế, và văn hóa, từ quan điểm và tầm nhìn của những thường dân, dù bên thắng hay bên thua, hoặc những người vô can, đứng giữa hai lằn đạn.

Thủ Tướng Winston Churchill từng nói "Lịch sử đã và sẽ được viết bởi kẻ thắng".

Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi phe thắng cuộc, những kẻ nắm quyền, vậy bên thua cuộc, những người ở vị thế không có quyền lực thì sao ?

Có phải vô hình trung tiếng nói của họ sẽ tiếp tục bị vùi dập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử và các cuộc bàn luận ?

Hệ quả của những hiểu biết chưa tường tận là những ngộ nhận và cáo trạng đầy phiến diện được nhét vào đầu các thế hệ thanh thiếu niên trong thời gian 40, 50 năm qua.

Điều này sẽ tiếp tục xảy ra với những thế hệ sau nếu không có những nỗ lực hầu quân bình lại cái nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam cũng như hậu quả của nó.

'Em không biết gì về Tù cải tạo'

Có lần, khi được mời thỉnh giảng cho một lớp sử tại một trường đại học ở Hà Nội với chủ đề người "Việt trên đất Mỹ", tôi ghi hai từ "Vượt Biển" và "Tù Cải Tạo" trên bảng và hỏi sinh viên nghĩ gì về hai từ ấy.

Tôi khá ngạc nhiên khi thấy đa số đều không hiểu biết ý nghĩa lịch sử phía sau hai từ đó trong sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đa số đều không biết diện HO là gì, hay bao nhiêu phần trăm những người được qua Mỹ sau này là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng bị giam cầm nhiều năm trong những trại tù cải tạo.

Sau lớp, vài sinh viên lên găp tôi và rưng rưng nước mắt thú nhận : "Em không hề biết gì về Tù cải tạo. Xưa nay em chỉ nghĩ những người ở Mỹ là những người phản quốc. Không biết sự cực khổ họ đã phải trải qua. Em cứ tưởng họ qua đấy là được chu cấp nhà cửa và mọi tiện nghi".


Lần khác, trong năm học lớp 7, sau khi người thầy chiếu bộ phim 'Vietnam : A Television History' (1983), một cậu học sinh người Mỹ hỏi tôi :

"Nhà mày ở bên phe nào (cuộc chiến) ?"

Tôi trả lời "Miền Nam", lập tức cậu ấy chỉa tay vào mặt tôi, cười và la lên như vẻ đang đưa ra một phán quyết, "À, vậy gia đình mày thua là đáng !"

Lần khác nữa, trong năm học ở Đại học Berkeley, trong lớp về "Hòa Bình và Xung Đột", tôi viết một bài luận phản ảnh sự thiên lệch trong cách giảng dạy và tài liệu dùng trong lớp về cuộc chiến Việt Nam.

Thay vì tìm hiểu và trao đổi, vị giáo sư của lớp cho tôi điểm "F-", điểm thấp nhất có thể, cùng với một trang viết, lý giải rằng tôi được điểm ấy vì không theo nguyên tắc của một bài luận, và những phản ảnh của tôi xuất phát từ việc tôi chưa vứt bỏ được cái đắng cay của kẻ thuộc bên thua cuộc.

Trên đây là những họa tiết nhỏ, nhưng phản ảnh những bài học và nhận định về lịch sử chiến tranh Việt Nam mà con cháu của chúng ta đã, đang, và sẽ được dạy ở học đường.

'Bóp méo' chiến tranh Việt Nam

Điển hình và gần đây nhất về sự bóp méo chiến tranh Việt Nam được thể hiện trong hai bộ phim : 'Việt Nam : Thời đại Hồ Chí Minh' sản xuất ở Việt Nam và 'The Vietnam War' sản xuất ở Hoa Kỳ.

Lấy danh nghĩa công bằng, trung thực, nhằm nói lên tiếng nói của nhiều người, từ nhiều khía cạnh, cả hai bộ phim tạo cho người xem cảm giác mới lạ, nhưng trên thực tế chỉ là một màn ảo, nhai lại những định kiến của 40, 50 năm qua.

Với 'Việt Nam : Thời đại Hồ Chí Minh', khi đoàn làm phim liên lạc để nhờ tôi giúp kết nối phỏng vấn một số học giả ở Hoa Kỳ, danh sách họ đưa đa số là các học giả thuộc nhóm phản chiến, ít thiện cảm với Việt Nam Cộng Hòa hoặc chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.

Còn với 'The Vietnam War', dù với tiêu chí là sẽ đưa vào nhiều tiếng nói khác nhau, công bằng và quân bình hơn, nhưng thực tế không như vậy.

Trong 79 chứng nhân hai đạo diễn Ken Burns and Lynn Novick chọn để đưa hình ảnh và tiếng nói lên màn hình, thì 50 là người Mỹ và 29 là người Viêt Nam. Nhưng trong 29 người Việt Nam thì 13 người thuộc quân đội và chính quyền miền Bắc, ngoại trừ Huy Đức, 6 thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tức tổng cộng là 19 người liên quan với miền Bắc, trong khi chỉ có 9 người đại diện cho miền Nam Việt Nam.

Với những con số lệch lạc này thì thời lượng để bày tỏ quan điểm về sự việc cũng theo đó mà sai lệch, trong khi cuộc chiến đa phần xảy ra ở miền Nam Việt Nam.

Kết quả là cả hai bộ phim này góp tay xóa hầu hết những khám phá mới và quân bình hơn mà nhiều nhà nghiên cứu đã dầy công tìm hiểu trong 15-20 năm qua.

Nói cho cùng, nếu lịch sử của chính mình mà chúng ta không quan tâm, không tìm hiểu, không viết ra, không trân quý giữ gìn, thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết có những sai lệch, phiến diện và đầy định kiến.

Ai có bổn phận 'giữ gìn lịch sử' ?

Đã đến lúc người Việt cần góp phần mình trong việc giữ gìn lịch sử.

Lịch sử không thể chỉ là những trang sách về câu chuyện rồng tiên đầy xa lạ, hay dừng lại ở vài bức tranh về những anh hùng chống ngoại xâm được phóng đại bởi dân tộc chủ nghĩa, hoặc ở những cái tên như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn, hay Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.

Lịch sử công bằng và trung thực là lịch sử ghi nhận tất cả sự phức tạp và những sắc thái cấu tạo nên một con người, một xã hội, một dân tộc, và một đất nước.

Là nhìn nhận rằng Việt Nam không chỉ có những hình ảnh rừng vàng biển bạc, mà phải nói cả về sự nghèo đói bao người Việt phải trải qua bao thế hệ từ xưa đến nay.

Là nhìn nhận rằng song song với những cuộc chiến chống ngoại xâm đầy tự hào là những cuộc huynh đệ tương tàn đầy bi ai.

Lịch sử trung thực phải là bức tranh về con người thật, xã hội thật, cũng những vui buồn đắng cay mà một cuộc đời, một dân tộc phải trải qua.

Bức tranh ấy phải cho ta sự tàn khốc của bom đạn ở Khâm Thiên, thảm sát ở Huế, phải làm rõ những vụ thanh trừng và đàn áp, phải bám theo những gót chân di cư năm 1954, cũng như của những người tập kết ra Bắc, của hệ quả từ các chính sách cải cách ruộng đất, đánh tư sản, và tù cải tạo, hay những diễn biến kinh tế và xã hội đưa đến vấn nạn vượt biên, vượt biển bỏ nước ra đi.

Bức tranh ấy phải vẽ rõ hơn về những con số và bộ mặt của bao thanh niên thanh nữ bỏ xác trên chiến trường, dọc theo con dường mòn có tên Hồ Chí Minh.

Nó phải là bức tranh có những câu chuyện của những người phụ nữ một thân lo gia đình khi chồng bị tù đầy.

Nó phải là bức tranh về cuộc sống thường ngày của con người trong thời cuộc, từ những sinh hoạt ở nông thôn đến thị thành, ở công sở cũng như nhà trường, hoặc những nỗi lo ngại tính toán mỗi khi vật giá leo thang do lạm phát và thất nghiệp.

Nó phải là bức tranh của những cuộc sống trên đất người, từ những khó khăn đến thành công, vì dù muốn hay không, đó cũng là câu chuyện của con người Việt Nam, tức lịch sử Việt Nam.

Bức tranh đa dạng ấy về lịch sử chiến tranh Việt Nam phải bắt đầu từ mỗi chúng ta.

Từ sự mở lòng để kể rõ chuyện của mình với con cháu, từ sự hiếu kỳ với cuộc đời của cha mẹ và anh chị, từ sự khoan dung giữa người với người, dù trước kia từng là người bên kia giới tuyến.

Điều đó tất cả chúng ta đều nên làm và có thể làm, chỉ cần bắt đầu với cây bút, tập vở, hay chiếc iPhone hoặc Samsung.

Làm sao để giữ gìn lịch sử ?

Tôi nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu với những câu hỏi rất bình thường :

- Bố sinh năm nào ? ở đâu ? Nhà bố có bao nhiêu anh chị em ? Ông, bà tên gì ?

- Khi còn nhỏ, giấc mơ của mẹ là gì ?

- Bố mẹ gặp nhau trong cơ duyên nào ? Cảm giác đầu khi nhìn nhau là gì ?

- Ba nhập ngũ năm nào ? Tiểu đoàn của ba đóng ở đâu ? Ba đã từng đánh bao nhiêu trận ?

- Đường Trường Sơn khó nhọc ra sao ? Bố mất bao nhiêu đồng đội và xác của họ giờ ở đâu ?

- Khi phải đối diện Bác Hai ở chiến trường, suy nghĩ đầu tiên của ba là gì ?

- Tết Mậu Thân gia đình mình đang làm gì ?

- Khi bom rơi xuống Khâm Thiên thì nhà mình đang ở đâu ?

- Chị nhớ gì về ngày Tết ? Những ngày học ở Gia Long ?

- Người cán bộ cai tù trong trại cải tạo đối xử với ba như thế nào ?

- Ngày mẹ đẩy con và em lên thuyền, mẹ có nghĩ sẽ gặp lại chúng con ?

- Bao cấp khổ như thế nào mẹ ? Anh Hai có gởi tiền về giúp mẹ không ?

- Hôm ra khỏi cổng trại, hít hởi thở tự do sau 6 năm tù, ba cảm thế nào ?

Vâng. Hãy cứ bắt đầu bằng những câu hỏi và sự tò mò như khi ta đọc một cuốn tiểu thuyết.

Cứ để nhân vật chính dẫn ta vào thế giới của họ. Để họ vẽ bức tranh riêng, đậm nhạt cùng những nụ cười trên vành môi hay những giọt nước bên mí mắt. Hãy để họ tức giận theo cơn phẫn nộ và trầm tư khi cần một phút nghỉ.

Hãy bắt đầu gom nhặt những mảnh đời, rồi ghép lại thành bức tranh lịch sử về anh chị về mẹ cha.

Trước tiên, hãy trao tặng bức tranh ấy cho con cháu, vì một ngày chúng sẽ khát khao được xem, được biết.

Sau đó, hãy trao tặng những câu chuyện này cho các sử gia, các trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, hoặc các thư viện, như Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ, với lòng tin rằng một ngày, một ngày không xa, những câu chuyện ấy sẽ góp phần vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy sắc mầu.

Bức tranh ấy sẽ làm sáng tỏ hơn về một giai đoạn lịch sử còn nhiều khúc mắc hầu giúp người sau hiểu rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra.

Công việc này đòi hỏi sự góp tay của nhiều người, và bắt đầu với từng mỗi cá nhân ở mỗi gia đình.

Đã 46 năm rồi ! Nếu chúng ta thiết tha nghĩ đến một giai đoạn lịch sử thì xin hãy góp tay để lịch sử đừng bị đánh mất.

Alex Thái Đình Võ

Nguồn : BBC, 30/04/2021

Alex-Thái Đình Võ, tiến sĩ sử học, hiện làm việc và cư ngụ tại Honolulu, Hawaii.

**********************

Vấn đề hòa giải, hòa hợp 'vẫn còn nhức nhối' sau cuộc chiến Việt Nam

Carl Thayer, Tina Hà Giang, BBC, 30/04/2021

Vấn đề hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhức nhối giữa những người Việt thuộc hai phe, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC News tiếng Việt.

Đây là khía cạnh của cuộc chiến mà, theo nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế từ Canberra, Úc, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành.


Một làn sóng vượt biên ồ ạt đã diễn ra sau 1975

Trả lời phỏng vấn của Tina Hà Giang, BBC News tiếng Việt, ông nói về thái độ đối xử của những người chiến thắng đối với những người bị coi là bại trận sau ngày 30/4/1975 :

Carl Thayer : Hiệp định Hòa bình Paris hướng tới việc tổ chức bầu cử tại Việt Nam và thành lập Hội đồng Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc.

Trong cuộc xung đột ở Campuchia, ông Bùi Tín là người cùng toán quân đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào Phnom-penh [hồi năm 1979].

Khi viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết, ông nói một trong những lý do khiến ông rời bỏ chính thể là bởi ông thấy thay vì hòa giải, họ đã đối xử rất tàn nhẫn với cựu thù.

Từng là người cộng sản, phụ trách tờ báo cộng sản [báo Nhân dân], nhưng ông Bùi Tín đã bỏ đi. Lời kể của ông ấy có sự chân thực.

Tôi từng nói chuyện với những người phải đi trại cải tạo. Họ nghĩ là sẽ đi một thời gian ngắn, nhưng hóa ra là đi rất lâu. Nhiều người không được đối xử tử tế.
'Không chấp nhận' và 'không được tin cậy'

Cho nên dù đã 45 năm trôi qua, vẫn có khía cạnh của Cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ được hòa giải.

Cộng đồng người Việt tị nạn chưa bao giờ chấp nhận chế độ hiện thời ở VN. Họ tiếp tục gặp nhau, mặc những bộ quân phục của mình, và có lẽ là tự hào - tôi chắc chắn là họ thấy tự hào - nhớ về quá khứ.

Nhưng họ chỉ là thiểu số, giống như bản thân tôi vậy, sẽ dần dần biến mất.

BBC : Đó là ông nói tới cộng đồng người Việt đi tị nạn. Còn những người ở lại sau 1975 thì sao, thưa ông ?

Carl Thayer : Tôi tin là trong một tài liệu của Việt Nam có phân chia, phân chia theo nguồn gốc gia đình.

Điều gì đã xảy ra với con trai, con gái họ, với thế hệ thứ ba của những người Việt có liên hệ với bất kỳ ai bị coi là phản động, cho dù đó là nhân viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thành viên của một trong nhiều đảng phái chính trị khi đó, hay là người trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ?

Với những người Việt trẻ tuổi không bỏ nước ra đi, họ ở lại đó, và thấy bị chặn mọi ngả.

Đại tá Bùi Tín nói đến kẻ thù, nhưng mà đó là con cái, thế hệ con cái đang phải trả giá. Họ không được tin cậy do lý lịch, vì bị coi là con nhà phản động.

Vấn đề là thế này : quý vị có thể nói là họ đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng cũng có nhiều người bị mắc kẹt trong cuộc chiến, mà đa số người Việt là thế.

Họ phải làm việc để kiếm sống. Họ là những nông dân được hưởng lợi từ chương trình cải cách ruộng đất kiểu Mỹ, theo đó cho người nông dân quyền kiểm soát đất ruộng.

Họ là những người sống nơi đô thị, những người do cuộc chiến mà buộc phải ly tán. Quý vị có thể nhìn thấy họ lang thang trên đường phố trong thời thập niên 1960.

Đột nhiên hệ thống chính trị thay đổi. Khi người cộng sản vào chiếm quyền, miền Nam trở thành kẻ thù.

Đã 45 năm trôi qua, Việt Nam vẫn cần nửa thế kỷ nữa những vết thương này mới lành được.

Tôi nghĩ tới ý tưởng ban đầu, đó là cần phải có một Hội đồng Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc, và hai bên phải bằng cách nào đó thành lập ra một hệ thống chính trị có khả năng đưa mọi người xích lại bên nhau.
'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế'

Carl Thayer : Với chiến thắng bất ngờ, những người cộng sản giành chiến thắng.

Những người thua cuộc hay những người bị kẹt trong cuộc chiến có xu hướng bị phân biệt đối xử trong những năm đầu.

Tôi có thể nói là điều đó diễn ra cho đến năm 1986 khi bắt đầu quá trình Đổi Mới.

Từ đó thì ta có 'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế' - đó là cách diễn tả mà tôi nghe được. Sức mạnh mới của miền Nam, kinh tế thị trường, đã có hiệu quả.

Và đúng là một khi các hạn chế được dỡ bỏ, Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu gạo đáng gờm, xuất gạo ra thế giới. Nhưng tôi cũng nói rằng còn có cả chuyện xuất khẩu gạo từ miền Nam ra miền Bắc nữa, bởi mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.
'Việt Nam mới đã biết cảm thông hơn so với thời Việt Nam 1975'

BBC : Nhìn lại 45 năm qua, theo ông thì nay mỗi bên của cuộc chiến có thể làm gì để hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự ?

Carl Thayer : Tôi đã nói về một phía của câu chuyện, và tôi đã nói mạnh mẽ.

Nhưng phải thấy là tuy người cộng sản nắm quyền năm 1975 và người cộng sản ngày nay vẫn cùng có hệ thống chính trị độc đảng, vẫn đàn áp, nhất là với những ai muốn cổ suý nhân quyền và tự do tôn giáo, nhưng Việt Nam đã trở nên đa nguyên hơn, nhiều cảm thông hơn.

Rất nhiều ý tưởng đã có thể được bày tỏ.

Tôi nghĩ về sự chia rẽ Bắc - Trung - Nam. Đảng cộng sản cố tình chọn người lãnh đạo, tổng bí thư Đảng có lẽ luôn là người miền Bắc, nhưng người miền Nam đã giữ các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng..., như ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, hay ông Trương Tấn Sang.

Và bởi vì Việt Nam chuyển mình, cho nên đã có phong trào, tuy không phải luôn thế, lúc ban đầu là người miền Bắc, các viên chức hành chính miền Bắc, chuyển vào Nam, và nay thì cả các công việc khác, giáo dục, kinh tế tư nhân... mọi người dịch chuyển và nhiều hơn nhiều.

Nhưng trong nước Việt Nam mới này, mọi người vẫn muốn có thêm tự do, nhất là muốn nói trên Facebook về các vấn đề gây tranh cãi, về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường...

Họ muốn bày tỏ quan điểm về những chuyện đó và việc này không liên quan gì tới giai đoạn 1975 hết. Nó là chuyện của Việt Nam ngày nay.

Tuy vẫn chưa được chính thức nêu ra ở Việt Nam nhưng nhiều khía cạnh đã được thực hiện.

Điểm chung ở đây là quý vị có thể là người từng đi cải tạo, là đảng viên cộng sản, là người chống cộng, nhưng quý vị đều có thể trở về kỷ niệm các vị vua, các vị chúa Nguyễn, những chương trong lịch sử Việt Nam, những phong tục, tập quán, những ca khúc cả hai bên có chung với nhau.

Tôi nghĩ là chế độ hiện nay đang thúc đẩy mặt trận văn hóa để bản sắc văn hóa Việt Nam mà cả hai bên có chung với nhau không bị chìm nghỉm, bị thất lạc tại Mỹ, Pháp hay Đức, khi người Việt hòa nhập vào những môi trường đó.

Tina Hà Giang thực hiện
Nguồn : BBC, 30/04/2021

**********************

Liệu có phải đợi thêm 46 năm mới có tự do mở miệng ?

Nguyễn Hùng, VOA, 30/04/2021

"Thời gian thấm thoắt thoi đưa" ; mới thế mà đã 46 năm kể từ khi sự thử nghiệm tự do và dân chủ lần đầu tiên trên một phần Việt Nam trong hàng chục năm đã kết thúc bằng sự lan phủ của cỏ dại cộng sản từ miền bắc vào ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong 46 năm qua, các báo đài, nhà xuất bản tự do cùng với các hội đoàn độc lập không còn có đất sống. Cả triệu người không chịu nổi cái giá của thống nhất dưới họng súng đã đổ ra biển ; hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên con đường rời địa ngục cộng sản. Chẳng mấy chốc nửa thế kỷ sẽ qua đi và câu hỏi đặt ra là thêm 46 năm nữa liệu tự do và dân chủ, dù ở dạng manh nha như ở Việt Nam Cộng hòa năm xưa, sẽ có khả năng trở lại dải đất hình chữ S.


Đoan Trang trong phim tài liệu về Nhà xuất bản Tự Do chiếu ở Frankfurter Buchmesse. Ảnh : Chụp màn hình/IPA.

Từ xa nhìn về, cách các quan chức Việt Nam trị dân hiện nay chẳng khác gì những tay chơi cá cảnh. Họ muốn càng có nhiều người dân hài lòng như những con cá nằm trong bể kính càng tốt. Số người có điều kiện đi ra nước ngoài để có trải nghiệm dân chủ tự do thật sự hay tự tu thân để hiểu và thực hành tự do và dân chủ vẫn chỉ là thiểu số. Phần đông hài lòng với cảnh chim lồng, cá chậu ; sự tự do chẳng như bể khơi mà chỉ là bể cá, chẳng phải là bầu trời lồng lộng mà chỉ là cái lồng chưa tới mét vuông.

Khi tôi viết những dòng này, người bạn Facebook của tôi, Phạm Đoan Trang, đã bị tống giam gần bảy tháng. Trang không kêu gọi lật đổ chế độ và cũng không lập ra đảng đối lập. Trước khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái vài tháng, Trang còn đành rời khỏi Nhà xuất bản Tự Do như giải thích của cô với Đài Á Châu Tự do : "Có nhiều lý do nhưng có một lý do quan trọng là anh em Nhà Xuất Bản [NXB] Tự do khổ quá. Có người nói với tôi rằng đấu tranh kiểu này là tự sát. Chỉ làm sách nhưng bị chính quyền xem là tội phạm, đối đầu trực diện nên chính quyền sử dụng vũ lực dẫn đến tổn thất nhiều.

"Anh em mỗi lần bị bắt, bị đánh phải chịu tổn thất lâu dài. Trường hợp mới nhất là anh Phùng Thủy bị bắt cóc và bị đánh vào ngày 8 tháng 5 vừa rồi đến nay anh gần như tàn phế, tay chân không co duỗi được, có dấu hiệu suy thận, dạ dày luôn ra máu…

"Trước tình cảnh này, tôi nghĩ rằng với tư cách là người đại diện và tác giả chính của Nhà xuất bản Tự Do, tôi cũng phải chịu trách nhiệm cho việc anh chị em Nhà xuất bản (và cả độc giả – tức là những người không phải thành viên Nhà xuất bản) bị trấn áp, sách nhiễu, và đứng trước rủi ro bị bắt bất cứ lúc nào."

Vậy đó, trong bể cá cảnh lại có những con cá sát thủ răng đao và trong lồng chim lại sẵn có những con đại bàng.

Sau khi Trang bị bắt, Giáo sư Anh văn và Báo chí từ New York, Thomas Bass đăng lại trích đoạn từ cuốn sách ông viết hồi năm 2017 ‘Kiểm duyệt ở Việt Nam : Thế giới Gan dạ Mới’ . Đề cập tới các nhà báo gan dạ và hiếm hoi ở Việt Nam, ông viết : "Họ chẳng làm gì hơn là khám phá thế giới xung quanh họ, mà, thật không may biến họ thành tội phạm ở Việt Nam."

Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng. Riêng chuyện họ không thừa nhận này đã đủ để cho thấy họ thành thật tới đâu. Không có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng ?

Trong trích đoạn sách mà Giáo sư Bass đăng lại , Trang được dẫn lời nói : "Khi tôi được đề nghị đi tị nạn [chính trị tại Hoa Kỳ], tôi nói với quan chức lãnh sự ‘Tôi không muốn là gánh nặng. Quý vị đã có đủ người tị nạn chính trị rồi’.

"Cô không phải là gánh nặng. Cô là tài sản," ông ấy nói với tôi. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những lời như thế ở chính đất nước tôi nơi tôi đã bị bắt và đánh đập nhiều lần."

Với chính sách bàn tay sắt được ráo riết thực thi trong những năm gần đây, phong trào dân chủ Việt Nam đã mất đi nhiều gương mặt biểu tượng. Nhiều người bị tống giam như Phạm Đoan Trang, nhiều người khác buộc phải rời khỏi Việt Nam để tránh bị ở tù thêm nhiều năm nữa như blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Dân chủ ở Việt Nam thiếu vắng một lãnh tụ tinh thần như Aung San Suu Kyi của Myanmar và không có trải nghiệm dân chủ thực tế như ở Hong Kong hay Thái Lan, cả ba xứ sở đều có những bước đi lùi về tự do dân chủ trong những năm gần đây. Những diễn biến này cho thấy khó có nhiều hy vọng cho sự sớm trỗi dậy của những gốc rễ dân chủ bị chôn vùi suốt 46 năm qua ở một nửa dải đất hình chữ S.

Nguyễn Hùng

Nguồn : VOA, 30/04/2021

**********************

30/04/1975 có ngăn được Việt Nam không trở thành một loại Bắc Hàn ?

Thục Quyên, VNTB, 30/04/2021

Tỏ thái độ bằng biểu tình

Đảng cộng sản Việt Nam có thể hy vọng người Việt sẽ ngoan ngoãn như người dân Bắc Hàn, không cần dự phần tự quyết cho tương lai của mình và con cháu mình ?

Hai năm sau những cuộc biểu tình của vài trăm ngàn người trên các đường phố Nhật Bản và Philippines chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc (1) thì "Cách mạng Ô dù" (2) cũng nổi lên tại Hồng Kông năm 2014 với những cuộc biểu tình, những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, với hàng trăm ngàn người dân già trẻ lớn bé thuộc mọi tầng lớp tham dự, để chống lại nguy cơ vùng đất của mình bị nhà cầm quyền Trung Quốc nuốt trọn.

Những nữ sĩ quan Bắc Triều Tiên ngưỡng mộ Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh minh họa

Trong khi đó 91,7 triệu dân Việt Nam từ Bắc chí Nam chỉ có được một số cuộc biểu tình lẻ tẻ vài chục người dám xuống đường tỏ thái độ bằng vài cái biểu ngữ, hô to vài câu chống đối, cách xa tòa đại sứ Trung Quốc vài trăm thước mà vẫn phập phồng bị đánh, đạp vào mặt hay ăn mưa dùi cui. Cuộc biểu tình của các công nhân tại Bình Dương là cuộc biểu tình duy nhất được cho là lên tới gần 10.000 người thì trở thành bạo động và bị nghi là có sự nhúng tay của những đặc vụ Trung Quốc gây ra biến loạn, cướp bóc, để lấy cớ có thái độ với Việt Nam (3).

Thức tỉnh chính trị và sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp dân chúng

Năm 2019 bắt đầu làn sóng biểu tình thứ hai tại Hong Kong còn gọi là "Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ"(4). Nhưng "Dự luật dẫn độ" chỉ là nguyên nhân trực tiếp, trong khi nguyên nhân cơ bản theo khảo sát của Đại học Hồng Kông là do càng ngày càng ít thanh niên Hồng Kông tự nhận mình là người Trung Quốc, do luật pháp, xã hội và văn hóa có qúa nhiều sự khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Ngoài ra "Cách mạng Ô dù" tuy sau cùng không thay đổi được giới cầm quyền nhưng là nguồn cảm hứng và sự thức tỉnh chính trị cho mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Khi Trung Quốc không tuân thủ cam kết là cho tới năm 2047 sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông, thì những cuộc "Biểu tình của người cao tuổi" hay " Biểu tình của các bà mẹ" cho thấy một nền dân chủ Hồng Kông lâu đời không thể dễ dàng khuất phục trước "mẫu quốc". Sự đồng lòng nhất trí của dân Hồng Kông đã mạnh tới mức các chính phủ Mỹ và Âu Châu đã phải tiếp cậu sinh viên Joshua Wong, một trong những người nổi của phong trào, trong khi những chính phủ này đã nhiều lần né tránh tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay cả Tổng thống Đài Loan.

Một quốc gia nhỏ bé khác, Myanmar, mới được hưởng một nền dân chủ tương đối và ngắn ngủi trong vòng 10 năm, nhưng từ đầu tháng 2/2021 cũng đã có một làn sóng biểu tình vũ bão và kiên định của người dân, chống lại chính quyền quân đội đã đảo chính bắt giam một số người của chính phủ dân sự (5).

Cho tới nay, mặc dù gần 800 người dân đã bị bắn chết, những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Dân lao động, nhà tu, giới y tế, sinh viên học sinh, phụ huynh…đang vẫn bền bỉ biểu tình đấu tranh bảo vệ nền dân chủ mong manh của họ và tố cáo ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhóm quân đội đang cầm quyền. Sự bền bỉ tranh đấu của người dân đã khiến thế giới phải lên tiếng và Mỹ đã cấm vận các doanh nghiệp Myanmar để cắt nguồn tài chánh của lãnh đạo phe quân sự.

Bắc Hàn và Việt Nam, hai quốc gia yên ắng

Cộng hòa dân chủ nhân dân Tiên (Bắc Hàn) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hai quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền hoạt động và đảng cầm quyền này chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Về địa lý, cả hai quốc gia đều giáp ranh với Trung Hoa.

Bắc Hàn là một quốc gia cô lập, thường được cho là bí ẩn vì các số liệu thường được đưa ra chỉ dựa trên ước đoán. Bắc Hàn dựa phần lớn trên sự tự cung tự cấp, một phần nhận viện trợ của Trung Hoa và một phần nhỏ viện trợ nhân đạo từ quốc tế. Chính quyền kiểm soát chặt người dân và con số ít ỏi dân chúng được phép tiếp xúc với bên ngoài thì bị quản lý sát sao, không được lên tiếng.

Việt Nam trái lại, tuy kiểm soát chặt chẽ người dân nhưng mở rộng giao thiệp với toàn thế giới và biết cách xin viện trợ nước ngoài. Viện trợ quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong ngân sách nhà nước, song vai trò này cũng đang có xu hướng giảm dần. Dân chúng tiếp xúc bên ngoài dễ dàng nếu không bị chính quyền xếp vào loại có tư tưởng không tùng phục họ.

Hoàn toàn không có tiếng nói tranh đấu cho dân chủ tại Bắc Hàn, ngoại trừ lẻ tẻ từ những người dân đã trốn được qua Nam Hàn tỵ nạn. Còn Việt Nam thì được biết tới như một thiên đường du lịch, người dân vui vẻ, không than vãn, ngoại trừ con số vài trăm người bất đồng chính kiến thì đã nối tiếp nhau bị bắt và đang lãnh những án tù nặng nề.

Bao giờ dân chủ là một nhu cầu ?

Sau 30/04/1975, sự gặp gỡ trực tiếp của người dân hai miền Nam Bắc Việt Nam đã xóa bỏ những tuyên truyền láo khoét về một miền Nam đói khát bị Mỹ xâm chiếm. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến câu "tư bản giãy chết" biến mất. Sự trù phú của miền Nam được tải ra xây dựng miền Bắc, còn ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ thì chưa được đáng giá.

Khách đến Việt Nam ngày nay thấy nhiều nhà cao cửa rộng, xe chạy chật đường hơn xưa. Nhưng đa số người Việt Nam có vẻ không có cái nhu cầu dân chủ của người Myanmar hay người Hồng Kông.

Hay là họ có, nhưng 20 năm chiến tranh đã làm họ mệt mỏi, xuôi xị chấp nhận chút đầy đủ vật chất, nhắm mắt với tương lai ? Và Đảng cộng sản Việt Nam có thể hy vọng người Việt sẽ ngoan ngoãn như người dân Bắc Hàn, không cần dự phần tự quyết cho tương lai của mình và con cháu mình ?

Thục Quyên

Nguồn : VNTB, 30/04/2021

____________________

Ghi chú






*******************

30/04 : Người Chăm, người sắc tộc miền Trung và cuộc chiến Việt Nam

Đồng Chuông Tử, BBC, 27/04/2021

Trong cuộc chiến 'nồi da xáo thịt' giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam (1954-1975), có 'một lực lượng không nhỏ' binh lính, sĩ quan, nhân sự các lĩnh vực trong hệ thống bộ máy chính thể Việt Nam Cộng Hòa là người gốc gác sắc dân thiểu số miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm Chăm, Ê Đê, Raglay v.v...


Lễ hội Kate của người Chăm ở Bình Thuận

Sau sự kiện lịch sử 30/04 đầy chết chóc, tang thương và sụp đổ ấy, trong hàng triệu sinh linh người Việt bỏ nước ra đi, kéo theo hệ lụy hàng trăm, hàng ngàn số phận chưa là tử sĩ sắc dân thiểu số cũng nằm chung cảnh huống 'chết bờ chết bụi', bị tù đày cải tạo, truy xét lý lịch hoặc phân biệt đối xử thậm tệ trong cuộc sống thường nhật.

Hậu chính sách cải tạo của 'bên thắng cuộc', một bộ phận rất nhỏ bé thôi trong lực lượng không nhỏ ấy, nhận được những 'cánh tay ơn nghĩa' giang ra giúp đỡ, dù muộn màng từ chính sách H.O của chính phủ Hoa Kỳ.

Song đến thời điểm hiện nay, dù đã 45 năm trôi qua, di sản của nỗi bi kịch khổng lồ ấy dường như vẫn không thể nào phai nhòe, bớt ám ảnh những người một thời 'trong cuộc' khiến dây dưa vắt sang cả những thế hệ tiếp nối.

Lát cắt người thân bất hạnh

Theo lời kể từ những cấp dưới của cha tôi, cách đây hơn hai mươi năm, khi họ tề tựu chung quanh quan tài ngày ông mất, trước 30/4/1975, ông là một sĩ quan người Chăm phụ trách tuyển quân bổ sung vào các vùng chiến sự, trực thuộc Tổng khu hành dinh Phan Thiết.

Sau 'tháng Tư đen tối' đó, ông trở thành tù cải tạo vài năm, ra tù tay trắng cùng đàn con nheo nhóc, vô công rỗi nghề lại bị chính quyền mới đưa vào diện theo dõi quản thúc, phân biệt đối xử, chèn ép thô bạo khiến tinh thần ông tổn thương nặng nề.

Cha mất khi tôi còn rất bé, nhưng những trang nhật ký để lại, được mẹ tôi đem cất giữ kĩ lưỡng, sau này bất ngờ lục lọi trong đống giấy tờ cũ, có dịp đọc đã khiến tôi khóc nhiều và thương cha hơn bao giờ hết.

Tiếc là cách đây bảy, tám năm, trước khi qua đời, mẹ tôi bị lẫn nên trong một lần nhóm bếp nấu cơm đã đem đốt sạch bút tích của cha.

Bác trai tôi, một người lính thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã kinh qua nhiều chiến sự khốc liệt ở Plei Ku, Buôn Mê Thuột, sau khi bị đạn ghim vào đầu, vào chân trở thành thương phế binh lúc tỉnh lúc mơ.

Khi chính quyền mới vào tiếp quản, bác mất hết chế độ khám chữa bệnh, tiền trợ cấp.

Cách đây hai năm, có lần tôi ghé thăm nhà lúc bác tỉnh táo, mới hay bác mình giờ chỉ sống rặt với kí ức năm tháng tuổi trẻ và luôn tự hào kể về những trận đánh của bác và đồng đội, lúc ở đồng bằng khi ở đồi dốc.

Nhiều lần, bác hay than phiền về sự hành hạ của vỏ đạn còn nằm trong đầu mình, nó khiến bác mệt mỏi nhức nhối. Những lúc tột cùng đau đớn, nửa đêm tôi còn nghe tiếng bác hét bi thương vượt qua năm, sáu mái nhà vọng vào cửa sổ mở hé để làn gió lùa vào nơi tôi ngủ.

Ít tháng sau thì bác mất trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, không có đồng đội đến phúng viếng.

Vài số phận may mắn

Cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, hầu hết đều biết và có thể kể vanh vách về những giai thoại 'đánh giặc' của Thiếu tá Thêm, Trung tá Sở.

Họ là những quân nhân người Chăm đầu tiên đeo lon cấp tá trong lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là những người nổi tiếng chiến đấu gan dạ mưu lược, dũng cảm bất khuất, kiên cường bất chấp hiểm nguy trước lối đánh du kích ưa chuộng của du kích cộng sản.

Theo nhiều cụ ông Chăm cho biết, Thiếu tá Thổ Thêm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 320, quận Thiện Giáo (nay là huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) luôn là nỗi khiếp sợ kinh hồn bạt vía của đối phương.

Ở nhiều trận chiến, ông đã thoát chết một cách thần kỳ bởi những bẫy bom mìn được cài dày đặc, những kẻ nằm vùng chỉ điểm, những trận đánh khốc liệt… Người Chăm kháo nhau rằng ông có bùa hộ mệnh của ông bà tổ tiên lận trong người. Thậm chí, nhiều người còn thêu dệt chuyện ông dùng bùa ngải của người Miên, người Lào tặng.

Nhiều nguồn tin kể lại, sau ngày 30/4, ông bị đem đi cải tạo tận ngoài Bắc để cho các lãnh đạo xem mặt 'hung thần' một thời, coi như ra đi bặt tăm tích, không có ngày trở về quê hương, hoặc bi kịch tù đày cải tạo chết mất xác như cách chính quyền cộng sản thủ tiêu Phó Tổng thống Fulro Huỳnh Ngọc Sắn, người làng dệt thổ cẩm truyền thống Chăm Mỹ Nghiệp ngày nay.

Tuy nhiên, có một sự kiện hy hữu tình cờ cứu được ông, trong khi cả làng ông không trông mong hi vọng gì về ngày trở về.

Đó là chuyện người lính 'thiếu niên' Bắc Việt gầy gò, xanh xao năm xưa, trong một trận giao tranh nọ, có lần ông trỗi niềm thương cảm cứu sống, lúc bấy giờ đang làm lớn trong quân đội ''bên thắng cuộc''.

Một dịp vô tình vào thăm trại tù đã nhận ra vị ân nhân bên kia chiến tuyến năm xưa của mình, nên đã ra tay nghĩa hiệp, bảo lãnh và giúp tiền tàu xe cho ông được về quê nhà sau hơn thập niên cải tạo. Thiếu tá Thêm mất ở quê nhà khi tuổi già sức yếu.

Một buổi chiều cuối tháng Tư rất nóng, tôi ghé về làng Chăm Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, quê hương của Trung tá Dương Tấn Sở để tìm hiểu tiểu sử, giai thoại về ông.

Qua những người thân cận, được biết, ông xuất thân từ Trường Võ bị Đà Lạt, là người học cao hiểu rộng, am hiểu sâu sắc văn hóa mẹ đẻ.

Ông được bổ nhiệm làm Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) khi còn rất trẻ. Thuở làm quận trưởng, ông có vài xích mích với các tướng lĩnh Sài Gòn chỉ vì bênh vực người Chăm của mình.

Năm 1965 ông là người đưa ra ý tưởng 'phần hội' chủ yếu tạo cho không khí tưng bừng, sinh động hơn đối với lễ hội Kate. Ngày nay, lễ hội truyền thống này được biết đến rộng rãi, nổi tiếng nhất của cộng đồng Chăm nhờ có được các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao bổ trợ.

Sau 30/4, ông bị bắt đi tù cải tạo 5 năm, quản thúc tại gia 3 năm, hết thời hạn đó, ông đã cùng gia đình qua Hoa Kỳ định cư theo diện HO năm 1994.

Khoảng thời gian sau đó, ông bị bệnh nặng tai, di chứng của hàng trăm lần tham gia chiến sự lẫn vai trò lãnh đạo quân sự. Ông mất đột ngột ở tiểu bang California bởi tai nạn giao thông năm 2009, được bạn bè đồng ngũ, đồng niên vinh danh theo nghi thức quân đội Hoa Kỳ.

Ngoài những số phận đó, người Chăm chỉ có thêm ít ỏi những quân nhân lẫn những người phục vụ bên lãnh vực dân sự khác đã được diện HO cứu xét định cư, lưu vong bên các xứ sở văn minh.

Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu họ vẫn còn sống như là những chứng nhân một thời oanh liệt như các ông Lưu Quang Sang, cựu dân biểu nghị viện Sài Gòn, ông Đặng Chánh Anh, Quận trưởng Phan Lý Chàm,… góp vào bức tranh đa sắc tộc Hoa Kỳ thêm một tộc người thiểu số mới mẻ : người Chăm xứ Cờ Hoa.

45 năm sau giải phóng…

Nhà thơ cộng sản Nguyễn Duy có hai câu thơ khái quát về sự đương nhiên thất bại của người dân, mặc dù chính thể nào đó có giành lấy được chiến thắng : "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Tôi xin phép trích dẫn hai câu thơ này để phác họa số phận của những người Chăm trong cuộc chiến, bất kể cuộc chiến nào trong lịch sử gần hoặc xa, họ đều trở nên bất hạnh, làm vật tế thần và thất bại thảm thương.

Từ cuộc chiến giữa Tây Sơn với nhà Nguyễn, giữa nhà Nguyễn với Lê Văn Khôi, chiến trận nào cũng có người Chăm, người thiểu số khác tham gia, nhưng những kẻ lên ngôi chiến thắng luôn nhanh chóng lãng quên quyền lợi dân tộc thiểu số, hoặc giả nhớ mà ban phát quyền lợi rất ư kẻ cả.

Đến cuộc chiến ý thức hệ (1954-1975), phần lớn người Chăm 'ở lại', đi theo chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Ít ỏi đếm trên đầu ngón tay thì bị dụ dỗ, thoát ly lên rừng theo Việt cộng và bất ngờ giành chiến thắng lịch sử. Nhưng rốt cuộc đến nay, số phận của những người theo hoặc không theo bên này bên kia, xét cho công bằng cũng không sáng sủa là mấy.

Cuộc sống kinh tế hôm nay của người Chăm nói chung, sau 45 năm được 'giải phóng' cũng còn chật vật, đếm đong từng bữa, bệnh tật cũng ít có điều kiện được chăm sóc y tế tốt nhất. Đối với những gia đình 'ngụy quân ngụy quyền' còn kẹt lại, các thế hệ con cháu có nguyện vọng làm việc trong chế độ mới thì việc bị thẩm tra lý lịch ba đời vô cùng gắt gao, khốc liệt.

Với những nhà hoạt động, tranh đấu cho tự do dân chủ người Chăm thì bị tù tội, triệt đường kinh tế, theo dõi, nghe lén điện thoại, khủng bố đủ kiểu.

Chính sách cộng cư, xen cư, chia nhỏ không gian thôn xóm làng mạc ngày nay cũng phần nào phá vỡ cấu trúc xã hội mẫu hệ Chăm.

Ngôn ngữ Chăm ngày càng rơi rụng, nhiều nhà khoa học, trí thức Chăm uy tín cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo nguy cơ trở thành tử ngữ cao. Đền tháp Chăm thì bị tịch thu, quản lý yếu kém. Tín ngưỡng tôn giáo bị siết chặt, lũng đoạn, sắp xếp người thân chính quyền và can thiệp thô bạo.

Bản sắc văn hóa Chăm rõ ràng ngày càng phai nhạt, lai căng và mất mát từng ngày từng giờ không gì cứu vãn nổi.

Đó là tổng thể thảm trạng văn hóa - xã hội, đời sống - kinh tế của người Chăm nói riêng, dân tộc Việt nói chung sau 45 năm dưới sự lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam.

Một thảm trạng đầy chấp vá, hoàng kim của nỗi buồn, lạc lõng đến quái dị và xám xịt đến u mê, trái ngược vời vợi đối với xu thế chung của xã hội văn minh, tiến bộ.

Đồng Chuông Tử

Nguồn : BBC, 27/04/2021

Đồng Chuông Tử là một nhà thơ, nhà báo tự do, nghiên cứu văn hóa Chăm, hiện đang sống và làm việc tại Ninh Thuận - Bình Thuận, Việt Nam.