Giai đoạn cùng tồn tại giữa độc quyền chính trị và đa quyền dân sự (Đoàn Viết Hoạt)

Dân tộc có thể phát triển về mặt kinh tế nhưng không thể thực sự độc lập nếu không có sáng tạo độc lập về văn hóa tư tưởng.

Bên này sông là nghèo hèn đói khổ, bên kia sông là sang giàu sung túc - Ảnh minh họa người vô gia cư ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chế độ cộng sản tồn tại ở Việt Nam đã gần nửa thế kỷ. Nếu kể cả miền bắc từ 1954 thì chế độ cộng sản đã ngự trị toàn bộ mọi sinh hoạt văn hóa, chính trị-xã hội, kinh tế tại Việt Nam được gần 70 năm rồi, gần bằng với thời gian tồn tại của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô trước đây. Điều cần chú ý là, ngay sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện kế hoạch "đổi mới". Trước hết họ tiến hành "đổi mới" về kinh tế, và áp dụng nền kinh tế mà họ gọi là "nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đảng lần thứ XIII năm nay, 2020, đã kiểm điểm thành quả của 35 năm thực hiện kế hoạch "đổi mới", trước hết là đổi mới kinh tế thương mại, sau đó đến đổi mới sinh hoạt xã hội, rồi đổi mới văn hóa-tư tưởng, và chính trị. Về văn hóa tư tưởng, đáng chú ý là Hội Triết Học được thành lập, trong ngày ra mắt, 20/09/2020, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên Giáo trung ương của đảng có bài phát biểu nêu rõ nhiệm vụ của Hội, và mong xuất hiện những triết gia tầm cỡ (1).

Việc thành lâp Hội Triết Học, dù muộn màng, nhưng cho thấy thời thế đã đổi thay, chủ nghĩa Mác-Lênin không còn có thể độc tôn được nữa. Đảng cũng cho phép phục hồi các sinh hoạt văn hóa dân tộc (2). Một sự kiện khác cũng đáng chú ý. Đó là năm 2016, đạo luật bầu cử Quốc hội có thêm điều khoản cho phép tự ứng cử. Và năm 2020, trong danh sách 72 người của Hà Nội ứng cử vào Quốc hội, có 30 người tự ứng cử (3).

Như vậy Đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện "đổi mới" trong văn hóa tư tưởng và chính trị. Tuy vẫn đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin trên mặt lý thuyết, nhưng trong thực tế, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kể từ vài chục năm nay đã phải áp dụng những biện pháp điều chỉnh cần thiết để đất nước có thể phát triển, trong đó căn bản nhất là mở ra một không gian xã hội "thoáng" hơn cho nhân dân, không chỉ trong sinh hoạt thực tiễn mà cả trong tư duy, miễn không hoạt động chống lại chế độ. Về mặt đối ngoại, trước sức ép của Trung Quốc, chính quyền Hà Nội đã mở cửa hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với Mỹ và EU, đồng thời tham gia tích cực vào sinh hoạt của khối ASEAN (4).

Nhờ những thay đổi như thế nên, về mặt kinh tế, từ mấy chục năm nay, Việt Nam tuy vẫn còn chế độ chính trị độc đảng, nhưng theo thông tin từ các cơ quan quốc tế, Việt Nam đã phát triển theo hướng các nước tư bản, khác xa với trước đây. Như về mặt ngân hàng, hiện có 61 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài (5), có ít nhất 500 Doanh Nghiệp tư nhân lớn (6).

Mức sống người dân cũng gia tăng đáng kể khiến đại hội đảng XIII có thể dự trù đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung binh cao (7). Trong khi đó, người dân, nhất là giới trí thức trẻ thành thị đã biết vận dụng cơ hội để tạo ra các sinh hoạt dân sự, không mang tính chính trị, và không đả động đến đảng và nhà nước cộng sản, để chủ động thực hiện các sáng kiến dân sự của họ.

Dựa vào những sự kiện và tình hình thực tế này, tôi cho rằng, hiện nay, tại Việt nam có 2 tầng sinh hoạt văn hóa và chính trị, một là tầng trên của đảng và do đảng lãnh đạo, và hai là tầng dưới của dân và do dân tự động, tự chủ thực hiện. Đảng vẫn độc quyền nắm giữ thượng tầng sinh hoạt văn hóa-chính trị chính thức của quốc gia, nhưng người dân đã có cơ hội để thực hiện nhiều hoạt động dân sự do họ chủ động tổ chức, miễn đừng công khai chống lại sự lãnh đạo của đảng.

Tôi cho rằng hiện nay là giai đoạn "cùng tồn tại" giữa đảng độc quyền chính trị với dân đa quyền dân sự. Với nhu cầu phát triển đất nước, trong bối cảnh phân tranh quốc tế mới giữa bành trướng Trung Quốc và Âu-Mỹ, xu thế "cùng tồn tại" này sẽ tiếp tục phát triển, tạo thêm điều kiện và môi trường thuận lợi cho người dân, nhất là giới trí thức trẻ thành thị tăng cường thêm sức mạnh đáy tầng của họ, để cùng với xu thế thời đại, giúp đẩy mạnh thêm cho kế hoạch "đổi mới" trong ban lãnh đạo đảng.

Nếu chúng ta biết tinh tế vận dụng xu thế này thì tiến trình tự do hóa xã hội và dân chủ hóa chính quyền sẽ tiến nhanh và mạnh hơn, vì đây là tiến trình không thể đảo ngược trong thời đại toàn cầu hiện nay, khi mà phong trào cộng sản quốc tế không còn nữa. Chính bản thân ban lãnh đạo Đcộng sản Việt Nam đã thấy rõ như thế nên họ đã thực hiện kế hoạch "đổi mới", và nhờ đó vẫn vừa giữ được độc quyền lãnh đạo chính trị vừa mở đường cho đất nước phát triển dù không nhanh như nếu có được tự do dân chủ thật sự.

Họ sẽ tiếp tục chính sách này và tiến trình tự do hóa xã hội và dân chủ hóa chính quyền sẽ tiếp tục tiến lên từng bước, theo phương thức mà tôi gọi là "chuyển hóa dân chủ" (8), theo đó, chế độ chính trị sẽ chuyển dần sang tự do dân chủ mà chế độ cộng sản không nhất thiết phải hoàn toàn sụp đổ, dù chưa thể biết trước sẽ chuyển hóa như thế nào, và đến bao giờ.

Theo tôi điều chúng ta cần quan tâm hơn không phải chỉ là chế độ chính trị, mà là đường lối và chính sách phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu. Trong nửa thế kỷ cầm quyền ban lãnh đạo cộng sản chỉ cố gắng đem "định hướng" mơ hồ của "xã hội chủ nghĩa" cộng sản đã tan vỡ chắp vá với những phương thức và kỹ thuật phát triển của tư bản. Nói cách khác, trên mặt tầng chính quyền là cộng sản nhưng dưới đáy tầng xã hội là tư bản.

Dưới chế độ độc tài đảng trị, họ không thể sáng tạo ra được một chỉ đạo mới nào khác ngoài chắp vá như thế, cả trong tư duy và trong thực tiễn. Do đó, việc chuyển đổi chế độ chính trị từ cộng sản độc tài sang dân chủ tự do là cần thiết và theo xu thế thời đại, chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên đất nước sẽ không thể thực sự phục hưng và độc lập nếu tiếp tục thiếu vắng một đường lối và phương hướng phát triển có sáng tạo rõ ràng minh bạch, vừa thích hợp xu thế thời đại vừa phát huy được bản sắc dân tộc.

Thiếu vắng này là vấn nạn căn bản nhất của dân tộc hiện nay và là điều mà mọi người quan tâm đến tiền đồ dân tộc cần phải cùng nhau suy nghĩ và giải quyết. Chế độ dân chủ tạo điều kiện cần có nhưng chưa đủ để phục hưng dân tộc nếu không giải quyết được vấn nạn căn bản này. Dân tộc có thể phát triển về mặt kinh tế nhưng không thể thực sự độc lập nếu không có sáng tạo độc lập về văn hóa tư tưởng.

Đoàn Viết Hoạt

Nguồn : VNTB, 18/3/2021

_______________

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/thanh-lap-hoi-triet-hoc-viet-nam-1281750.html

(2)https://www.academia.edu/28798657/Revival_of_Ritual_Ceremony_in_Hue_Royal_Temples_After_Renovation_doi_moi_The_reconstitution_of_identity?email_work_card=title

(3) https://vnexpress.net/30-nguoi-tu-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-tai-ha-noi-4246598.html

(4) https://www.vietnamplus.vn/dai-hoi-dong-nghi-vien-asean-lan-thu-41-se-duoc-to-chuc-truc-tuyen/655724.vnp

(5) https://nganhangviet.org/danh-sach-cac-ngan-hang-tai-viet-nam/

(6) https://vnr500.com.vn/Charts/Index ?chartId=2

(7) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-575315.html

(8) http://doanviethoat.org/indexVN.htm