Công lý và kỳ thị : Nhận thức và thực tại - Nhã Duy

Khá nhiều người đã từng bào chữa vấn đề kỳ thị tại Mỹ bằng lập luận và dẫn chứng rằng, khi tổng thống Obama đắc cử tổng thống, khi có vô số người da đen thành đạt trong nhiều lãnh vực và đạt đến các chức vụ cao, thì làm sao xem là người da đen bị kỳ thị ?

USA-RACE/ASIANS-SEATTLE

Có vô số người da đen thành đạt trong nhiều lãnh vực và đạt đến các chức vụ cao, thì làm sao xem là người da đen bị kỳ thị ? Ảnh minh họa

Đó cũng là lý do không ít người Việt, phần lớn những người từng ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump đã viện dẫn mọi lý do để cho rằng không có sự kỳ thị nói chung, không có làn sóng tấn công vào người Châu Á hiện nay mà chỉ là các xách động của truyền thông nhằm chia rẽ nước Mỹ.

Mới nhất là sự lên tiếng phản đối của họ về kết quả chung cuộc vụ xét xử cựu cảnh sát viên Derek Chauvin phạm tội sát nhân. Cho dù phần lớn người dân Mỹ và thế giới xem đây là kết quả đương nhiên và cần thiết cho nền công lý nước Mỹ, mở ra hy vọng về sự thay đổi của hệ thống cảnh sát cùng sự thuyên giảm các vụ bạo hành với người da đen hay người da màu nói chung.

Những nhận thức và lý luận này có điểm gì để bàn luận ?

Hãy quay lại với vấn đề của Việt Nam trước khi bàn sang vấn đề tại Hoa Kỳ. Nếu năm 2017, trong Bộ Chính trị khóa 12 của Việt Nam có ba phụ nữ trong số 18 thành viên thì báo chí Việt Nam đã xem đây là một cuộc cách mạng, xem vai trò phụ nữ được đề cao cho dù tỉ lệ này cũng chỉ là 16%. Đến khóa 13 này, ngoài bà Trương Thị Mai còn sót lại, cả hai bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đã ra khỏi Bộ Chính trị, đưa tỉ lệ này xuống còn khoảng 5%. Tỉ lệ thành viên chính phủ cũng chẳng chẳng khác hơn khi chỉ có hai phụ nữ trong số 28 thành viên nhưng người Việt dường như xem đây là điều bình thường, ít nhắc đến. Và liệu có thể lý luận rằng, nếu đã có phân biệt nam-nữ thì tại sao những phụ nữ này đạt đến vị trí quyền lực như vậy trong Bộ Chính trị hay Chính phủ Việt Nam ?

phunu2

Cũng vậy, tại Việt Nam hiện nay ắt cũng không thiếu phụ nữ thành đạt, quản trị, điều hành trong các vai trò và vị trí quan trọng đó đây. Nhưng như vậy thì Việt Nam đã hết còn phân biệt giới tính và người phụ nữ đã có được vai trò và sự đối xử xứng đáng trong xã hội ?

Chắc chắn là không, bởi theo như cuộc điều tra quốc gia về Bạo Lực với phụ nữ do Bộ Lao động, thương binh và xã hội phối hợp cùng Tổng cục Thống kê Việt Nam đã cho thấy có đến 63% phụ nữ Việt bị bạo hành về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế. Các nghiên cứu từ chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cũng báo cáo rằng, trong khi chiếm hơn 50% dân số Việt Nam thì chỉ có một tỉ lệ khá nhỏ phụ nữ được tham gia các vai trò quan trọng, cũng như có sự phân biệt đối xử lớn lao về thu nhập, tuyển dụng và thăng tiến giữa phụ nữ và nam giới.

Câu chuyện nước Mỹ cũng không khác hơn vậy. Trong khi quả thật có những cá nhân thăng tiến và thành công tột bực, họ không hề đại diện cho tình trạng chung của một cộng đồng.

Phong trào Black Lives Matter ra đời năm 2013, là một phong trào chính trị xã hội nhằm phản đối tình trạng bạo hành nhắm vào cộng đồng người da đen do một số người da trắng quá khích hay cảnh sát gây nên. Nó ra đời sau vụ một thiếu niên da đen 17 tuổi là Trayvon Martin bị một người đàn ông da trắng bắn chết nhưng được xử trắng án với mọi tội danh. Black Lives Matter lan rộng và phát triển không chỉ trong nước Mỹ mà ra cả thế giới, với vụ án George Floyd bị cảnh sát chặn cổ chết ngạt là một trong những cuộc bùng nổ.

Các cuộc khảo sát và nghiên cứu từ chính phủ, các tổ chức dân sự cho đến đại học đều cho thấy, dù có những bước tiến bộ to lớn cũng như được luật pháp bảo vệ, trên thực tế thì các phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, tuổi tác... vẫn còn hiện hữu trong xã hội Mỹ. Riêng trong vấn đề bạo lực cảnh sát thì rủi ro một người da đen hay da màu bị cảnh sát bắn chết hay đối xử bất công đều cao hơn người da trắng. Trong một nghiên cứu từ đại học Harvard thì tỉ lệ này cao gấp 3.23 lần trong các vụ cảnh sát bắn người tại các đô thị nói chung, hay riêng với người da đen tại Chicago thì cao hơn 650% (*).

Điều đáng nói là trong hầu hết các vụ bắn người hay sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát thì hiếm có vụ nào đã có những bản án thích đáng, mà phần lớn là được trắng án. Kết quả vụ xét xử cựu cảnh sát Derek Chauvin dù không ngạc nhiên nhưng là vụ án hiếm hoi mà một cảnh sát đã bị kết án với tất cả các tội danh sát nhân. Đây không chỉ là vấn đề công lý cho cá nhân George Floyd hay nhằm trừng phạt Derek Chauvin mà nó còn mang đến một hy vọng về sự cải tổ của cảnh sát, thiết lập niềm tin của công chúng vào sự công bằng và công lý của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ.

Bản án đã đem lại công lý chung, không chỉ với cộng đồng da đen mà cả các sắc dân da màu khác. Nó là lời cảnh báo cho việc cần thiết phải cải tổ lại lực lượng nhân viên công lực, vốn hầu hết là những người tận tâm phục vụ và bảo vệ người dân, nhằm tái huấn luyện, thanh lọc hay loại trừ những "bad cop" - những viên cảnh sát kỳ thị, giúp gia tăng thanh danh, sự tín nhiệm và tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa cảnh sát và người dân, cũng như ngăn ngừa những hành động tương tự tái diễn trong tương lai.

Khi nhìn vào các vấn đề xã hội hay quốc gia, không thể lấy dăm cá nhân hay kinh nghiệm của chính mình để suy diễn. Một tổng thống Barack Obama, một tỉ phú tài chính Robert Smith, một nhà truyền thông tỉ phú Oprah Winfrey hay một cầu thủ nhà nghề tỉ phú như Michael Jordan cùng vô số nhân vật da đen lẫy lừng khác thì cuộc đời và thành công của họ không hề là cơ hội cùng khuôn mẫu đại diện chung cho cả một cộng đồng, cũng như các vấn đề kỳ thị mà người da đen chịu đựng.

Cũng như không thể lấy vài tướng lãnh hay sự thành công đáng ghi nhận của một số giới trẻ tài năng gốc Việt để cho rằng cộng đồng gốc Việt tại Mỹ là một cộng đồng tài ba, thành công hơn các cộng đồng khác. Nếu cá nhân ai đó chưa từng bị kỳ thị hay bị hành hung, cũng không thể lấy đó để kết luận là không có sự kỳ thị hay việc tấn công vào người gốc Á nói chung đang xảy ra.

Nếu George Floyd là một nạn nhân gốc Việt, kết quả bản án đã có thể khác hơn rất nhiều. Khi không ít người trong cộng đồng Việt Nam vẫn chưa nhận ra vấn đề, chưa thấy sự cần thiết của công lý, chưa thấy việc mình cần được bảo vệ và đối xử công bằng cho đến khi trở thành nạn nhân, thì giải pháp là điều khó khăn hơn.

Mỗi người có thể có những nhận thức tích cực lẫn tiêu cực khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả xu hướng chính trị. Cho dù vậy thì nhận thức và thực tại vẫn là hai điều hoàn toàn khác biệt. 

Nhã Duy

(22/04/2021)

(*) https://journals.plos.org/plosone/article ?id=10.1371/journal.pone.0229686