Đầu tư châu Âu-Trung Quốc đau đầu vì yếu tố nhân quyền

Vế chính trị lấn át những tính toán được thua trong hiệp định đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, phân tích về thế « bất cân đối » thường trực có lợi cho Trung Quốc sau 40 năm mở cửa vẫn đè nặng lên thỏa thuận đầu tư song phương. 

Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis họp báo sau một cuộc họp giữa các bộ trưởng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 09/11/2020.
Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis họp báo sau một cuộc họp giữa các bộ trưởng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 09/11/2020. AP - Francisco Seco

Giữa Bruxelles và Bắc Kinh cơm không lành canh không ngọt. Ba tháng sau khi rầm rộ thông báo về nguyên tắc Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đạt được một hiệp định đầu tư toàn diện Comprehensive Agreement on Investment (CAI), Nghị Viện Châu Âu đã hủy cuộc họp để bàn về thỏa thuận từng được đánh giá là có lợi cho cả đôi bên này. Lý do là Liên Âu trừng phạt bốn quan chức cao cấp của Trung Quốc về trách nhiệm trong vụ đàn áp thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Bắc Kinh đáp trả bằng một đòn mạnh hơn : cấm 10 công dân châu Âu gồm các nghị viên và các nhà nghiên cứu đặt chân đến Hoa Lục, Hồng Kông hay Macao. Bốn tổ chức phi chính phủ của châu Âu cũng trong tầm ngắm của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc.

Vào những ngày cuối 2020, dưới áp lực của thủ tướng Đức Angela Merkel trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles và Bắc Kinh đạt được một hiệp định quan trọng dựa trên ba trục chính : một là « bảo đảm cho các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập thị trường » Trung Quốc, hai là bảo đảm các bên cùng áp dụng « luật chơi công bằng » và ba là Bắc Kinh và các đối tác châu Âu « cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ».

Thông cáo chính thức của Ủy Ban Châu Âu nêu lên một vài con số cụ thể : tổng đầu tư trực tiếp của Liên Âu vào Trung Quốc trong 20 năm trở lại đây đạt 140 tỷ euro, và ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã đầu tư gần 120 tỷ vào Lục Địa Già. Bruxelles cho rằng CAI sẽ là động lực để đẩy mạnh đầu tư của châu Âu vào một thị trường « rộng lớn và đầy tiềm năng » 1,4 tỷ dân. Thông cáo báo chí của Ủy Ban Châu Âu ngày 30/12/2020 vẫn tin vào điều đó và khẳng định thỏa thuận đầu tư toàn diện sẽ « bảo đảm những điều kiện cạnh tranh công bằng hơn » cho các doanh nghiệp châu Âu khi hoạt động tại Trung Quốc.  

RFI hôm 12/01/2021 đã trả lời hai câu hỏi CAI gồm những gì và vì sao đôi bên đã cố gắng để đạt bằng được một thỏa thuận then chốt đó trước khi Mỹ có một chính phủ mới. Trong tạp chí hôm nay chuyên gia Jean-Joseph Boillot, cố vấn kinh tế thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, phân tích về khả năng hiệp định đầu tư toàn diện giữa Liên Âu và Trung Quốc chết yểu, đồng thời căng thẳng song phương về vế nhân quyền ở Tân Cương chỉ là bề nổi của tảng băng.

Hơn 40 năm trong thế « bất cân đối »  

Trước hết chuyên gia Jean-Joseph Boillot trở lại với bối cảnh Trung Quốc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu thập niên 1980 và cho biết Bắc Kinh chưa khi nào biết đến hai chữ « nhượng bộ », kể cả với hiệp định đầu tư CAI lần này :

Jean-Joseph Boillot : « Như thường lệ, chúng ta thiếu một tầm nhìn để đánh giá đúng tình hình và rõ ràng đây là khúc mắc trong quá trình đàm phán về thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu với Trung Quốc. Để hiểu được thỏa thuận này, cần nhắc lại bối cảnh quan hệ kinh tế song phương kể từ quãng đầu những năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa.

Ngay từ khi đó đã có một sự bất cân đối giữa hai bên : Bắc Kinh quyết định và chấp thuận mở cửa đón các nhà đầu tư quốc tế với điều kiện là Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các luồng tư bản đó. Đấy là chủ trương của ông Đặng Tiểu Bình và châu Âu đã chấp nhận điều này, vì họ kỳ vọng chen chân vào được thị trường đầy tiềm năng của Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu từng xem đấy là cái giá phải trả để có được chỗ đứng tại Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là 40 năm sau, Bắc Kinh vẫn giữ ưu thế đó, có nghĩa là Trung Quốc tiếp tục kiểm soát gắt gao đầu tư trực tiếp nước ngoài và thậm chí còn tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp ngoại quốc. Trái ngược hẳn với điều châu Âu mong đợi, trong thời gian qua, chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã tạo điều kiện để các tập đoàn Trung Quốc phát triển trong mọi lĩnh vực.

Liên Hiệp Châu Âu nhận thấy rằng chính sách mở cửa thị trường của Trung Quốc chỉ là ảo mộng. Nhiều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đã phải đóng cửa, họ đã phải ít nhiều chuyển nhượng lại các cơ sở hạ tầng cho các đối tác địa phương. Chính trong bối cảnh đó, năm 2020 đã kết thúc đàm phán về những điều khoản để các doanh nghiệp của mỗi bên tham gia thị trường của phía bên kia.

Ngoài vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, bài toán đặt ra cho châu Âu ở đây là mỗi lần Bruxelles đòi cải thiện điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, thì Liên Âu luôn trong thế của một người đi năn nỉ. Ngược lại, Trung Quốc muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu và dùng lá bài đó để điều đình. Bắc Kinh luôn trong thế thượng phong. Đó chính là cốt lõi của vấn đề khi Liên Âu đàm phán với Trung Quốc về hiệp định đầu tư toàn diện CAI ».

« Trung Quốc nhượng bộ nhỏ giọt »

Jean-Joseph Boillot : « Khi văn bản với nội dung chi tiết về đàm phán theo từng lĩnh vực được công bố, mọi người đã vỡ lẽ ra rằng, thế bất cân đối vừa nêu vẫn nghiêng về phía Trung Quốc và thế thượng phong đó của Bắc Kinh một lần nữa đã được thể hiện rất rõ rệt trong quá trình đàm phán CAI lần này.

Trong văn bản này, Bắc Kinh chỉ nhượng bộ nhỏ giọt, châu Âu thì lùi bước rất nhiều. Thí dụ như trong lĩnh vực công nghệ xe hơi : dưới áp lực của Đức, đầu tầu trong ngành ô-tô, đồng thời Trung Quốc muốn thâu tóm công nghệ xe hơi của Đức nên Bắc Kinh đã nhường Đức một bước. Ngược lại, nhìn đến lĩnh vực phân phối thực phẩm, xét cho cùng, Trung Quốc không thay đổi gì hết. Một điểm quan trọng khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của ngành dược phẩm. Đây là một lĩnh vực mà châu Âu dẫn đầu và muốn giữ các bằng sáng chế, giữ các quyền sở hữu trí tuệ, nhưng tất cả đòi hỏi này đều bị phía Trung Quốc khước từ. Tóm lại, thỏa thuận đầu tư toàn diện châu Âu-Trung Quốc chỉ có lợi cho một vài tập đoàn đa quốc gia của châu Âu, nhưng nhìn một cách tổng thể thì các công ty khác và người tiêu dùng trên lục địa này chẳng có lợi gì cả ».

Tân Cương chỉ là một yếu tố có thể khai tử CAI

Tuần trăng mật giữa Liên Âu và Trung Quốc đã không bền. Yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng lấn lướt mọi tính toán kinh tế trong thỏa thuận đầu tư toàn diện song phương. Cộng đồng quốc tế đã không thể nhắm mắt trước những báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Tân Cương. Bắc Kinh bị lên án cưỡng bức lao động, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, triệt sản phụ nữ tại Tân Cương… Từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, lần đầu tiên Bruxelles áp dụng chính sách trừng phạt nhắm vào một số quan chức Trung Quốc. Nhưng khác với hơn 30 năm trước, Bắc Kinh đã mạnh mẽ đáp trả. Về điểm này trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia Jean-Joseph Boillot lưu ý, Tân Cương chỉ là bề nổi của tảng băng :

Jean-Joseph Boillot : « Thật là xuẩn ngốc và không bình thường nếu như cho rằng để đàm phán về một hiệp định kinh tế, các bên bắt buộc phải đồng tình với nhau về chính trị, về địa chính trị hay nhân quyền. Tuy vậy, phương Tây đánh cược rằng phát triển về kinh tế sẽ tạo đà cho Trung Quốc có một chính sách cởi mở hơn cả về chính trị lẫn nhân quyền. Đây là động lực đã thúc đẩy tổng thống Nixon chìa bàn tay thân thiện với Bắc Kinh vào thập niên 1970, thế rồi châu Âu cũng đi theo con đường đó vào những năm 1980. (…) Câu hỏi đặt ra giờ đây là liệu rằng hiệp định đầu tư song phương CAI có giúp đem lại những kết quả mong muốn về nhân quyền hay không ? Ở đây không chỉ liên quan đến chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, mà còn liên quan luôn cả đến những dân tộc khác nữa ở vùng Trung Á. Lập trường của Bắc Kinh hiện tại cực kỳ cứng rắn và không cho phép chúng ta nghĩ rằng dưới tác động của thỏa thuận đầu tư với Liên Âu, Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng gọng kềm trên vế nhân quyền.

Dưới góc độ này, theo tôi, sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua thỏa thuận đầu tư song phương vào cuối năm 2020, đó chỉ là một văn bản tổng quát, nhưng cả đôi bên sẽ không đi xa hơn. Đây không phải là lần đầu tiên mà một thỏa thuận về nguyên tắc có thể bị hủy bỏ. Có rất nhiều khả năng chúng ta tiến tới kịch bản này. Bất đồng liên quan đến chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và hơn thế nữa là thái độ ăn miếng trả miếng của Bắc Kinh nhắm vào các nghị sĩ châu Âu, vào giới nghiên cứu châu Âu, chỉ vì họ nhắm đúng vào những cái huyệt nhạy cảm của Trung Quốc, sẽ khiến hiệp định đầu tư toàn diện không thể đi xa hơn.

Ván chưa đóng thuyền

Jean-Joseph Boillot : « Trong khi đó, vế nhân quyền chính là một trong những điều kiện để Bruxelles đàm phán với Bắc Kinh về CAI. Trung Quốc cần trấn an các đối tác châu Âu về nhân quyền, về thiện chí tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về lao động. Dù vậy, ván chưa đóng thuyền, do tại châu Âu có nhiều nhóm lobby rất mạnh và vì quyền lợi kinh tế, thương mại của một số ít đại tập đoàn, họ vẫn nỗ lực động vận động hành lang để hiệp định đầu tư song phương ra đời (…) Đây cũng chính là một trong những giới hạn của khối châu Âu. Nhưng một khi bất đồng quá lớn đã được phơi bày ra ánh sáng, mà vấn đề Duy Ngô Nhĩ chỉ là một cái cớ, tôi thiển nghĩ, có lẽ đàm phán không đi xa hơn được ».

Nhưng liệu Bắc Kinh có thực sự muốn đạt được thỏa thuận đầu tư toàn diện với châu Âu hay không ?

Jean-Joseph Boillot : « Đương nhiên là Trung Quốc muốn có được thỏa thuận đó, vì hai lý do. Một là chúng ta cần nhớ lại vì sao xưa kia ông Đặng Tiểu Bình chủ trương mở cửa kinh tế : họ Đặng muốn Trung Quốc làm chủ công nghệ và hoạt động như tất cả những đại tập đoàn quốc tế, để đưa kinh tế Trung Quốc đi lên. Ở thời điểm này, Trung Quốc vẫn còn rất cần hợp tác với các doanh nghiệp của Âu, Mỹ, để thu hẹp sự chậm trễ của mình trong một số lĩnh vực. Lý do thứ hai là Trung Quốc muốn chinh phục thế giới (…) trong lúc mà cuộc đọ sức với Hoa Kỳ càng lúc càng rõ nét, thành thử Trung Quốc lại càng phải hiện diện ở khắp mọi nơi (…) Với châu Âu, Bắc Kinh cần hiện diện tại châu lục này hơn bao giờ hết, vì ngoài lợi ích kinh tế và thương mại, Trung Quốc còn cần mở rộng ảnh hưởng chính trị để phần nào vô hiệu hóa những đồng minh thân thiết của Mỹ.

Cách nay vài ngày, một chuyên gia Trung Quốc đã nhắc lại rằng nguyên tắc « chia để trị » luôn cần phải được áp dụng với châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác lá bài đó. Chỉ riêng trên lập trường của Liên Hiệp Châu Âu về nhân quyền ở Tân Cương, chúng ta thấy ngay là chỉ có một vài quốc gia trong Liên Hiệp mạnh mẽ lên án Bắc Kinh đàn áp sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng các thành viên không « nhất trí » là phải gắn liền vế hợp tác kinh tế với nhân quyền ! Ngày nào mà Liên Âu còn không đoàn kết thì sẽ không thể đảo ngược được thế bất cân bằng đang có lợi cho Trung Quốc mà chúng ta đã đề cập đến ở trên ».

Khả năng hành động của Liên Âu ? 

Vậy đâu là khả năng hành động của Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc đọ sức lần này với Trung Quốc ? Cần chú ý rằng, trong số 10 công dân châu Âu bị Bắc Kinh cấm cửa, không có một doanh nhân nào. Một số nhà ngoại giao châu Âu vẫn hy vọng các đòn ăn miếng trả miếng giữa Bruxelles và Bắc Kinh chỉ dừng lại trong lĩnh vực chính trị và nhân quyền, mà không làm phương hại đến quan hệ kinh tế và đầu tư song phương. Các doanh nhân châu Âu cũng đang hy vọng là như vậy.

Nhưng theo quan điểm của chuyên gia về Trung Quốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Jean-Joseph Boillot, trớ trêu thay, một phần hồi kết sắp tới tùy thuộc vào trọng lượng của các nhóm vận động hành lang với chính quyền 27 thành viên Liên Âu, với Ủy Ban Châu Âu và cũng có thể là với Nghị Viện Châu Âu.

Chuyên gia của viện IRIS cũng lưu ý rằng, châu Âu nói riêng, phương Tây nói chung cần phân biệt rõ công luận Trung Quốc với chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Phương Tây không có lợi gì khi tạo cơ hội cho Bắc Kinh khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để vận động quần chúng đứng lên chống lại các nền dân chủ, như điều đang bắt đầu manh nha với các chiến dịch tẩy chay hàng của một số tập đoàn Âu, Mỹ dám lên tiếng vì bông vải Tân Cương « nhuốm máu » người Duy Ngô Nhĩ bị lao động khổ sai.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt