Đảo chính ở Miến Điện : Lỗi ở phương Tây ?
Ngày 01/02/2021, quân đội Miến Điện chiếm quyền chính phủ dân sự và bắt giam lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều thành viên khác của chính phủ. Căng thẳng chính trị âm ỉ từ bao lâu nay. Theo một số nhà quan sát tại Pháp, khủng hoảng lần này cũng có phần trách nhiệm của phương Tây.
Hai ngày sau « cuộc đảo chính », tập đoàn quân sự kết tội bà Aung San Suu Kyi đã vi phạm luật xuất nhập khẩu. Lệnh tạm giam của tòa án cho biết trong cuộc lục soát tại nhà của bà, cảnh sát phát hiện khoảng « một chục máy bộ đàm nhập khẩu mà không có giấy tờ và giấy phép cần thiết. »
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên kênh truyền hình quốc tế France 24, « giới quân nhân sẽ sử dụng bất kỳ một cớ nào để chấm dứt cuộc trải nghiệm dân chủ ».
Bầu cử tháng 11/2020 : Cú tát trời giáng
Đó cũng là 10 năm trải nghiệm ngắn ngủi và mong manh. Dù đang trong quá trình chuyển giao dân chủ, thế lực của quân đội vẫn mạnh trên chính trường Miến Điện. Ba vị trí chủ chốt là Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới vẫn do quân đội nắm giữ.
Theo ông Barthelemy Courmont, chuyên gia về những thách thức chính trị tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), cuộc « đảo chính » này là hoàn toàn có thể dự đoán được. Là cuộc bỏ phiếu thứ hai của tiến trình dân chủ hóa sau năm 2015, cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 đã mang lại thắng lợi vẻ vang cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi với 83% lá phiếu ủng hộ.
Một kết quả « cực kỳ đáng khích lệ » trên bình diện dân chủ, nhưng lại là một cú tát đau điếng cho giới quân nhân. Họ phản đối kết quả bầu cử khi cáo buộc có hơn một chục triệu lá phiếu gian lận, những cáo buộc mà ủy ban bầu cử đã bác bỏ.
Đây cũng chính là cái cớ duy nhất để quân đội tiến hành đảo chính. Cuối tháng Giêng, tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Laing, tuyên bố Hiến Pháp có thể « bị hủy ». Rủi thay, quân đội đã giữ lời. « Trò chơi dân chủ » cũng vì thế bị khép lại, theo như phân tích của chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher.
« Cần phải biết rõ là trước hết quân đội chưa bao giờ có ý định đi đến một sự dân chủ hóa hoàn toàn các trò chơi chính trị này cả. Và cũng nên xem lại bản Hiến Pháp 2008. Người ta thấy rõ là quân đội chấp nhận tiến triển này trong khuôn khổ mà họ đưa ra.
Ở đây có ba điều khoản quan trọng mà người ta giờ biết rõ. Quân đội vẫn chiếm giữ đến 25% số ghế ở Nghị Viện. Tiếp đến là điều khoản cấm mọi công dân Miến Điện có kết hôn với người nước ngoài nắm giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy Nhà nước. Điều khoản này được lập ra là để ngăn cản bà Aung San Suu Kyi.
Thế nhưng bà đã có một bước đi khôn khéo bởi vì sau cuộc bầu cử năm 2015, thành công của đảng LND, bà ấy đã tạo ra một chức vụ cho riêng mình, trở thành Cố vấn đặc biệt của chính phủ. Điều này tương đương với vị trí thủ tướng chính phủ. Sự táo bạo này của bà quả thật đã khiến cho quân đội cực kỳ khó chịu.
Rồi dần dần cùng với thời gian lãnh đạo, người ta thấy là mối quan hệ giữa bà với quân đội ngày càng xuống cấp cho đến tháng 3/2020 khi bà đề nghị một số điều bổ sung để sửa đổi Hiến Pháp. Tôi tin rằng đây thật sự là một điều lăng nhục quá mức trước khi kết quả bầu cử công nhận thắng lợi của đảng LND trong cuộc bỏ phiếu lập pháp tháng 11/2020. »
Chiếc bẫy dân chủ : Lỗi ở phương Tây ?
Giờ đây, bà Aung San Suu Kyi bị bắt, có nguy cơ lãnh đến 3 năm tù giam theo như cáo buộc của giới quân sự. Tình trạng khẩn cấp lại được thiết lập trong vòng một năm. Với nhà báo Cyril Payen, đài truyền hình France 24, « chiếc bẫy dân chủ » mà phe quân đội đã hoàn hảo dựng lên và từng được phương Tây, đi đầu là Mỹ thời chính quyền Obama hồ hởi hoan nghênh, giờ đã sập lại.
Chiếc bẫy đó còn hiệu quả hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng người Rohingya. Barthelemy Courmont cho rằng khủng hoảng sắc tộc bùng nổ nằm trong « mưu đồ phá hoại » mọi sáng kiến chính phủ. Giới quân nhân « đẩy chính phủ dân sự dần đi đến mắc sai lầm hay chí ít đưa ra một hình ảnh xấu ».
Khi « châm ngòi cho kiểu thù hận này », giới quân đội đã tìm cách « gây bất ổn chính phủ » bằng cách tiến hành các vụ thảm sát, để rồi chính giải Nobel Hòa Bình 1991 phải hứng lấy làn mưa chỉ trích của phương Tây về cách xử lý khủng hoảng.
Vẫn theo ông Courmont, các nền dân chủ phương Tây, « bị mù quáng », đã đóng một vai trò quyết định làm trầm trọng thêm những căng thẳng ở Miến Điện. Trả lời báo mạng Sputnik của Nga, chuyên gia Viện IRIS nhận định:
« Cuộc khủng hoảng đương nhiên là nghiêm trọng cho người Rohingya. Nhưng chúng ta, có thể đã quá vội vã và chỉ định một cách tùy tiện Aung San Suu Kyi cũng như là chính phủ Miến Điện là những người phải chịu trách nhiệm. Người ta không bao giờ để ý đến những nét đặc thù của đất nước. Đặc biệt là những bộ chủ chốt do quân đội nắm giữ (…) Phương Tây đã cô lập Miến Điện một cách đáng kể, đồng thời, làm suy yếu nền dân chủ tại một đất nước, vốn dĩ rất cần đến những nguồn ủng hộ mạnh mẽ ».
Quan điểm này cũng được một thành viên tổ chức phi chính phủ Village Karenni cùng chia sẻ. Nhà hoạt động nhân quyền này còn chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận Thiện-Tà của nhiều ký giả phương Tây, những người cáo buộc bà là « quỷ dữ hiện hình » sau khi đã được « ca tụng ».
Điều mỉa mai, khi gió đổi chiều, phương Tây « ngậm bồ hòn » không biết nói gì hơn ngoài những lời kêu gọi suông « dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp », « trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và những người bị bắt khác » hay như dọa dẫm « trừng phạt ».
Nước cờ của Min Aung Hlaing
Một điểm quan trọng khác cũng được giới quan sát đặc biệt chú ý là thời điểm cuộc đảo chính. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Cú đảo chính thứ ba trong vòng 63 năm xảy ra vài ngày sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Olivier Guillard, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Ấn Độ và Nam Á (CERIAS), trên đài RFI lưu ý, tổng thống Mỹ Joe Biden đương nhiên sẽ có những « biện pháp thích đáng ». Nhưng tướng Min Aung Hlaing biết rõ rằng Miến Điện không nằm trong số các hạng mục ưu tiên tại châu Á. Tân chính quyền Mỹ có nhiều việc « phải xử lý với Afghanistan và Bắc Triều Tiên ».
Vị tướng này cũng hiểu rõ rằng tại phương Tây, « Quý bà Rangoon » không còn có được ánh hào quang như sau khi được trả tự do năm 2010. Thái độ im lặng trong các vụ thảm sát người Rohingya do quân đội tiến hành quả thật đã làm xấu đi hình ảnh của bà rất nhiều tại Bruxelles và Liên Hiệp Quốc. Khéo tính toán, Min Aung Hlaing biết rằng thời cơ đã đến, phương Tây đang ngắc ngoải trong vũng lầy dịch bệnh Covid-19, sau cú sốc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Và cũng trong nước tính này, ông hiểu rằng nếu không tiếm quyền lúc này, cơ hội lao vào con đường chính trị xem như khép lại. Nếu Aung San Suu Kyi vẫn tại quyền, ông phải đợi ít nhất 5 năm nữa mới được ra tranh cử, trong khi chỉ còn 6 tháng nữa vị tướng đầy tham vọng này sẽ về hưu.
Nỗi sợ thắng thế ?
Chỉ có điều tham vọng chính trị này của Min Aung Hlaing lại đẩy Miến Điện thụt lùi đến 30 năm về trước, theo như giải thích của nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher trên kênh truyền hình France 24.
« Bất hạnh thay chúng ta quay trở lại với tình cảnh cách đây 30 năm. Sau cuộc bầu cử lập pháp năm 1990, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ LND đã thắng lớn, nhưng họ đã bị Tatmadaw (tên gọi quân đội Miến Điện) tước đoạt thắng lợi đó. Quân đội không chấp nhận việc một định chế hay một đảng nào có thể thắng thế hơn họ. Đây thật sự là một bước lùi lớn. »
Một làn sóng « bất phục tùng dân sự » vừa được khởi xướng. Sức sống đấu tranh của người dân Miến Điện có còn mãnh liệt như xưa hay không ? Nhà nghiên cứu viện IFRI e rằng trong hoàn cảnh hiện nay, có nguy cơ nỗi sợ lấn át khát khao nền dân chủ.
« Tôi tương đối hoài nghi. Đúng là có đến 80% người dân ủng hộ Aung San Suu Kyi và LND, bởi vì đó là kết quả cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11/2020. Điều hiển nhiên là quân đội sau 50 năm lãnh đạo không chia sẻ quyền lực, luôn thể hiện mọi sự hung bạo, thế nên quân đội không được người dân yêu thích.
Tuy nhiên, luật chơi của quân đội là nỗi sợ hãi. Liệu tâm trạng sợ hãi đó có sẽ trở lại hay không ? Hay là ngược lại, người dân sẽ được giải phóng và có thể dấn thân vào một chiến dịch bất tuân dân sự.
Dù vậy, tôi cũng nhận thấy có một điểm đáng chú ý là những người đầu tiên khởi động phong trào này là những bác sĩ. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, chúng ta đang trong một giai đoạn khủng hoảng dịch tễ. Các bác sĩ là không thể thiếu, họ có năng lực nghiệp vụ. Thế nên, cho dù phản ứng của giới quân sự có ra sao, người ta vẫn phải cần đến các bác sĩ.
Liệu những công chức khác sẽ có sự táo bạo đó hay không ? Tôi chưa biết được. Những giờ sắp tới sẽ rất thú vị để quan sát. Nhưng tôi có cảm giác là nỗi sợ hãi rủi thay có vẻ thắng thế ! »
Nguồn tin RFI Tiếng Việt