Myanmar, nốt trầm của làn sóng dân chủ (Nguyễn Việt Anh-Rye Nguyễn)
Dân chủ trước hết là một ước vọng của loài người hướng tới một xã hội tự do hơn, nhân văn và cởi mở hơn. Nó cần phải được chuyên chở trong một dự án chính trị, một giấc mơ chung, hay một truyện thuyết đổi đời cho cả dân tộc. Các giá trị dân chủ phải được khái quát hóa thành một thứ gì đó để mọi người dân cùng có thể chia sẻ.
Bối cảnh
Cuộc đảo chính diễn ra vào lúc 4 giờ sáng theo giờ địa phương, phe quân đội đột nhập vào trụ sở chính quyền bắt giữ tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước, lãnh đạo tinh thần của phong trào dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Người dân Miến Điện thức dậy với một tâm trạng hoang mang và hoảng sợ. Kênh truyền hình nhà nước phát sóng nội dung tuyên truyền của quân đội, kèm theo tin quân đội sẽ tiếp quản chính quyền trong vòng 1 năm để chấm dứt “tình trạng khẩn cấp”. Myint Swe, người giữ chức vụ phó tổng thống dưới sự hậu thuẫn của quân đội được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Lúc này, người ta ý thức rằng đây thực sự là một cuộc đảo chính.
Cuộc đảo chính này là kết quả của những cuộc đàm phán thất bại giữ phe quân đội và đảng Liên Minh Dân Chủ (National League for Democracy-NLD). Trước đó, phe quân đội và chính đảng thân quân đội USDP (Union Solidarity and Development Party) đã liên tiếp đưa ra những cáo buộc vô căn cứ là cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái là gian lận và yêu cầu phải hoãn “triệu tập quốc hội mới cho đến khi những cáo buộc này được giải quyết”. Những người dân Miến Điện ngoài 40 đều trải qua thời kỳ 50 năm sống trong chế độ độc tài quân sự Tatmadaw và 4 cuộc đảo chính, họ hiểu rõ sự trở lại của chính quyền quân sự sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của họ và đất nước Myanmar. Những ngày đầu năm mới, họ vẫn nói về những dự định cá nhân như xây cất, làm ăn mua sắm với mọi niềm hy vọng của một đất nước đang phát triển từng ngày, họ nói về viễn cảnh đầu tư nước ngoài, kinh doanh phát triển tại Myanmar trong những năm tới. Nhưng giờ đây, hy vọng đã biến mất để nhường chỗ cho một viễn cảnh màu xám.
Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, NLD đã giành được 80% số phiếu, tăng 2% so với cuộc bầu cử hồi năm 2015. Đại đa số người dân đều đồng ý rằng Liên Minh Dân Chủ là đảng đại diện cho tiến trình dân chủ hóa cho Myanmar, do vậy họ đã dồn hết phiếu để giúp đảng này dành một chiến thắng áp đảo. 2% tăng thêm có lẽ là sự vào cuộc của những sinh viên đại học đến tuổi đi bầu cử tại đây mà tuyệt đại đa số họ đều mong muốn đoạn tuyệt với quá khứ độc tài để đất nước đi lên dân chủ. Hầu như các đảng địa phương (ethnic parties) đều không giành được ghế nào. Đảng USDP của phe quân đội chỉ đủ phiếu để có được 6 ghế trong quốc hội (+ 25% số ghế nhượng cho quân đội theo hiến pháp). Dù thế, sự hiện diện của quân đội trong quốc hội không thể ngăn cản được tiến trình mở cửa, dân chủ hóa diễn ra từng ngày tại Myanmar.
Bác sĩ, nhân viên y tế Myanmar tổ chức đình công…
Động cơ nào đằng sau cuộc đảo chính?
Đầu tiên phải khẳng định rằng, phe quân đội tại Myanmar không có một triển vọng nào để tiếp tục nắm quyền. Vì nhìn nhận ra sự tuyệt vọng của chính mình nên họ đã có sự chuyển hướng đột ngột vào năm 2015, khi trả tự do cho lãnh tụ tinh thần của phong trào dân chủ Myanmar sau hàng chục năm bị câu lưu tại nhà riêng. Cùng thời điểm đó, các chính đảng được phép hoạt động tự do và cuộc bầu cử công khai, bán tự do đầu tiên được diễn ra.
Tuy vậy, những tướng lĩnh quân sự có toan tính riêng của họ. Họ nghĩ rằng đảng USDP mà họ lập ra sẽ thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên với sự ảnh hưởng và tiềm lực mà phía quân đội sở hữu. Tuy nhiên, đây là một nhận định sai lầm của các tướng lĩnh quân đội. Người dân đã bầu cho những đại diện của dân chủ và cự tuyệt với lực lượng do quân đội dựng lên - những kẻ đã lãnh đạo đất nước một cách thô bạo, đàn áp đối lập bằng cách bắt bớ, bỏ tù và giết hại, những người đã làm cho đất nước Miến Điện thua kém với mọi nước trong khu vực dù có mọi tiềm năng cũng như tài nguyên phong phú.
Tuy nhiên, những tướng lĩnh quân đội dường như đã dự phòng trường hợp xấu nhất sẽ xảy đến. Họ đã lập ra một bản Hiến Pháp cho phép phe quân đội mà theo họ là "người cha của dân tộc" - đại diện cho sức mạnh và tinh thần dân tộc - nắm giữ 25% phiếu không qua bầu cử và nhiều đặc quyền khác. Và để thay đổi Hiến Pháp để loại bỏ ảnh hưởng của quân đội ra khỏi chính trị và kinh tế thì cần phải có trên 75% phiếu thuận. Như vậy, xem như phe quân đội sẽ tạm thời bảo vệ được chỗ đứng của mình trong vòng 5 năm tới.
Phe quân đội tin rằng có một chính quyền dân sự sẽ giúp cho đầu tư nước ngoài và dòng tiền đi thẳng vào các tập đoàn quân sự. Bên cạnh đó, với một bộ máy đồ sộ và tay chân khắp nơi, họ vẫn sẽ là một thiểu số quyền thế trên đất nước Myanmar (cohabitation). Tuy nhiên, đây cũng lại là một tính toán hết sức sai lầm. Đất nước Myanmar khi đã mở cửa, chỉ cần một phần thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân sự thì xã hội sẽ đi lên rất nhanh. Trong những năm qua đất nước này đã phát triển với một tốc độ chóng mặt. Đất nước Myanmar đón một làn gió mới, trở nên tươi đẹp và trẻ trung, đối lập hoàn toàn với bộ mặt già nua, lạc hậu của các tướng lãnh quân sự. Cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền và báo giới, các tổ chức xã hội dân sự địa phương đã làm những phóng sự trực tiếp phơi bày, tố giác tội ác của Tatmadaw và sự lũng đạo của các tập đoàn quân sự (all open to scrutiny), mà chính gần đây các vi phạm nhân quyền của tập đoàn Mytel, được Viettel sở hữu 49% cổ phần, đã bị phơi bày trước ánh sáng.
Cán cân quyền lực (the balance shift of power) đang chuyển hướng về phía những người dân và ngày càng chứng tỏ phe quân đội không còn là một thiểu số có quyền làm chủ đất nước này nữa. Một động cơ của cuộc đảo chính mà ít nhà quan sát chính trị nào để ý là thống lãnh quân đội Min Aung Hlaing năm nay đã 64 tuổi. Ông ta sẽ phải nghỉ hưu vào tuổi 65 theo thông lệ và để lại khoảng trống quyền lực, sự hoảng loạn và tuyệt vọng cho phe quân đội. Có lẽ phe quân đội cảm nhận được tình thế tuyệt vọng của họ và một sự triệt thoái tất yếu khỏi chính trường và khối kinh tế (economic sphere). Và sự bối rối đó chính là động lực cho cuộc đảo chính này.
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar ngày càng tuyệt vọng khi biết phải rút lui khỏi chính trường vì thế họ đã ra tay…
Myanmar trong những ngày hậu đảo chính
Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là phe quân đội sẽ cầm quyền được bao lâu? Thế giới ngày nay đã đạt tới một trình độ tư tưởng chính trị chung khá cao, dân chủ đã tiến xa tới mức mà người ta không còn chấp nhận mọi chế độ độc tài trong đó có chế độ độc tài quân sự. Thời đại của họ đã chấm dứt. Một mặt, họ bị thế giới cô lập nhưng một mặt cũng không thể đóng cửa Myanmar để rơi vào cảnh cấm vận một lần nữa. Đất nước Myanmar ngày nay đã không còn là đất nước mà họ có thể tự tin đàn áp, tùy tiện sinh sát như 10 năm về trước. Họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp để lại do đại dịch mà tự thân một chính quyền độc tài không có lời giải.
Người ta nói rằng nếu muốn nhìn thấy tương lai của một quốc gia, thì hãy nhìn vào những đứa trẻ của quốc gia đó. UNICEF xếp hạng Myanmar là một trong những quốc gia tệ nhất để một đứa trẻ có thể được sinh ra. Đây cũng là quốc gia mà điều kiện người lao động thiếu đảm bảo, bấp bênh nhất và là một quốc gia nghèo đói nhất trong khu vực. Người dân nhìn thấy dân chủ như một ánh sáng giúp họ có một tương lai khá hơn so với thực tại. Người trẻ nhìn thấy dân chủ như một cơ hội hòa nhập, bắt kịp với thế giới và các nước trong khu vực. Vậy mà nay có hội đó đã bị phe quân đội tước đoạt.
Sinh viên Miến Điện đã vượt qua rào cản văn hóa thỏa hiệp, cam chịu của thế hệ trước (conformism) để trực tiếp bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên mạng xã hội. Họ đã biết bày tỏ sự phẫn nộ của mình, biết lên tiếng và nhập cuộc trong những thời điểm quan trọng của dân tộc. Hầu như tại thời điểm này, không một người trẻ nào im lặng và đứng ngoài cuộc trong vụ đảo chính này. Giới công chức (civil servants) đã đồng loạt bãi công, không chịu phục vụ dưới chính quyền quân sự không chính đáng. Cuộc đảo chính như vô tình phá vỡ bức tường để biến những người Miến Điện vốn hiền lành, nhu mì và ngần ngại thể hiện chính kiến (submissive) của văn hóa Phật Giáo Tiểu Thừa thành những công dân có trách nhiệm, có mong muốn được hòa nhập với thế giới dân chủ.
Cuộc đảo chính đã tạo ra sự phẫn nộ của những con người vừa thoát ra khỏi xiềng xích của chế độ độc tài, bắt đầu làm chủ đất nước lại một lần nữa, trước khi bị tước đoạt bởi một lực lượng chiếm đóng. Đây là một dịp làm sôi động không khí nhập cuộc (participatory democracy) của người dân Myanmar, đặc biệt là lớp trẻ. Phe quân đội Myanmar sẽ nhanh chóng nhận ra đây là một hành động ngu xuẩn vì họ đã phá bỏ bức tường (bulwark) rào cản văn hóa mà lâu nay vẫn bảo vệ sự sống còn của họ. Trong một thời gian ngắn, họ buộc phải bước xuống vũ đài chính trị trước khi có cơ hội mong manh trở về làm một phần của dân tộc, cơ hội hòa giải với người dân Myanmar sau những tội ác mà họ gây ra không còn nữa.
Một lý do để chúng ta có thể lạc quan rằng quân đội Myanmar sẽ sớm thất bại là dường như lần này họ chi câu lưu những lãnh đạo lớn của NLD để cướp chính quyền. Cũng có thể quân đội sẽ kết án bà Suu Kyi vài năm tù với một cáo buộc vu vơ nào đó. Mục đích là loại bà Suu Kyi, không cho phép bà ra tranh cử với tư cách là đảng viên của NLD. Có lẽ họ sẽ không kết án các thành viên cấp trung và cấp thấp trong đảng NLD. Họ tuyên bố chế độ quân quản này sẽ chỉ kéo dài 1 năm cho đến khi có một cuộc bầu cử mới và các đảng phái vẫn được tự do hoạt động. Bi kịch của họ dù có trong tay vũ khí nhưng họ sẽ không thể hành xử tùy tiện như trước kia. Khẩu hiệu “It’s not 1988, we’re smarter now” (Đây không phải năm 1988, chúng tôi giờ đã thông minh rồi) được các bạn trẻ Myanmar chia sẻ trên Facebook.
Sinh viên Myanmar động viên nhau không xuống đường biểu tình để quân đội có cơ hội siết chặt an ninh và đàn áp, tuy nhiên họ đã cùng nhau tạo lên một phong trào phản đối lớn trên MXH…
Liên Minh Dân Chủ cần xét lại
Dù vậy, cuộc đảo chính trên cũng có những ảnh hưởng nhất định, ít nhất với đà phát triển hiện tại của Myanmar. Cộng đồng quốc tế và giới đầu tư sẽ mất niềm tin vào tiến trình dân chủ hóa của Myanmar, sự kiện này vạch trần những bất ổn, mong manh của khuynh hướng dân chủ hóa tại Myanmar mà trước nay họ vẫn đánh giá khá ổn định. Một câu hỏi được đặt ra là cuộc đảo chính này đã có tránh được không? Và Liên Minh Dân Chủ cần làm gì trong những ngày sắp tới?
Dân chủ trước hết là một ước vọng của loài người hướng tới một xã hội tự do hơn, nhân văn và cởi mở hơn. Nó cần phải được chuyên chở trong một dự án chính trị, một giấc mơ chung, hay một truyện thuyết đổi đời cho cả dân tộc. Các giá trị dân chủ phải được khái quát hóa thành một thứ gì đó để mọi người dân cùng có thể chia sẻ.
Nhưng đảng NLD đã sai lầm khi đã lấy hình ảnh của một các nhân, ở đây là bà Aung san Suu Kyi (the personification of democracy) thay cho một dự án chính trị. Họ coi sự lãnh đạo tối cao (omnipresent) của bà là con đường duy nhất để đưa Myanmar đi lên con đường dân chủ. Cũng nhờ đó mà nhiều thành phần trong phe quân đội vẫn nuôi mộng tưởng rằng một ngày nào đó bản thân họ cũng khai sinh ra được một hình tượng như bà Suu Kyi.
Chính vì không có một dự án chính trị vạch ra một lộ trình dân chủ rõ ràng, đại đa số những tướng lãnh quân sự tuy hiểu rằng thời đại của họ đang chấm dứt nhưng vẫn nuôi mộng tiến hóa trở thành một lực lượng quyền thế mới có ảnh hưởng lấn át cả về chính trị và kinh tế. Đây cũng là một bài học để nhắc nhở những người đấu tranh dân chủ Việt Nam rằng hình ảnh một cá nhân không thể thay thế một dự án chính trị và câu chuyện của một cá nhân dù có đẹp đẽ, bóng bẩy tới mức nào đi nữa cũng không thể thay thế một truyện thuyết chung cho cả dân tộc.
Để trở thành một lực lượng cầm quyền sáng suốt, những người dân chủ, người hoạt động chính trị cần có một hệ giá trị nền tảng và đạo đức chính trị một cách rõ ràng. Trong nhiều phát ngôn, hành động của bà Aung San Suu Kyi, chúng ta không khỏi thất vọng khi bà nhầm lẫn về những giá trị quan trọng. Trong quá trình chuyển hóa về dân chủ dưới hình thức bất bạo động luôn cần những nhượng bộ, thỏa hiệp giữa các tổ chức chính trị, giữa đảng cầm quyền và đối lập. Tuy nhiên, thứ không thể thỏa hiệp là lẽ phải, sự thật và các giá trị nền tảng.
Để lấy lòng quân đội, bà Aung San Suu Kyi đã phủ nhận tội ác của quân đội với người Rohingya và cho đó là chuyện “không có thật”. Bà cho rằng sự chỉ trích của quốc tế đang làm đổ vỡ quá trình “hòa giải tại Myanmar”. Bà đã hoàn toàn sai khi nghĩ rằng hòa giải là phủ nhận sự thật, là chối bỏ sự đàn áp và dung túng cho những người có tội. Bà đã sai lầm khi cho rằng có thể đánh đổi công lý và phẩm giá của người Rohingya để “hòa giải” với quân đội. Trong nhiều trường hợp, bà đã tỏ ra vô trách nhiệm vì không giải thích cho người dân rằng những nhà hoạt động, xã hội dân sự là một phần của dân chủ. Không có gì sai khi các nhà hoạt động xã hội giám sát (overseeing/ oversight role) chính quyền. Bà đã để mặc cho một bộ phận quần chúng còn nặng tâm lý dân tộc hẹp hòi tấn công những người hoạt động xã hội dân sự, những tiếng nói chỉ trích chính quyền.
Gần đây, trong một bài phát biểu của bà (truyền thông quốc tế gọi là the speech of the garden), bà Aung San Suu Kyi đã ví Myanmar là một khu vườn tươi đẹp, đầy hoa lá và vì vẻ đẹp của nó nên rất nhiều thế lực ngoại bang dòm ngó. Khu vườn đó phải có tường rào, phải được bảo vệ từ những thế lực chống phá từ bên ngoài…Bà nói vậy để nhằm giải thích với quần chúng trước những lời chỉ trích, chất vấn của báo đài phương Tây về trách nhiệm của bà trong vụ đàn áp người Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi đã không phân biệt được ai là bạn và ai là thù. Cộng đồng quốc tế, những người bà gọi là “thế lực thù địch” thực tế là những người mong muốn dân chủ, công lý cho người dân Myanmar và các sắc tộc. Họ (các thế lực thù địch đó) là những người bạn luôn đồng hành với bà trong hành trình dân chủ hóa đất nước và đã góp phần giúp bà chiến thắng. Chính những kẻ thao túng Tatmadaw mới là những người đang phá hoại nền dân chủ Myanmar, đáng tiếc thay, bà lại ra sức bảo vệ, bao biện cho họ.
NLD đã có thể làm khác đi. Họ đã có thể nhân cơ hội này để nhấn mạnh hòa giải dân tộc, nêu cao khát vọng chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc trên tinh thần xem họ là những đồng bào cùng một dân tộc. Đáng tiếc là những người dân chủ Myanmar đã hành động một cách cơ hội, vẽ lên một bức tranh người Rohingya là một lực lượng phiến quân chống phá, không thực sự là người Myanmar đúng nghĩa.
Bà Aung San Suu Kyi có thể mở ra một cuộc tố giác đám tướng lĩnh quân đội và một bộ phận tăng ni cổ xúy khuynh hướng dân tộc, tôn giáo hẹp hòi. Thay vào đó, NLD lại để cho Tatmadaw thắng thế và không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ một tòa án nào. Nếu NLD xem Rohingya như một cuộc khủng hoảng quốc gia, lẽ ra họ đã có thể lớn mạnh hơn, vươn lên sau cuộc khủng hoảng. Nhưng họ đã trốn tránh khủng hoảng, coi đó không phải là chuyện của dân tộc Miến Điện, để rồi quân đội thắng thế. Có thể hiểu kết cục hôm nay là một sự trả giá lớn cho những chuỗi hành động sai lầm mà họ mắc phải trong suốt thời gian cầm quyền.
Hình ảnh một cá nhân không thể thay thế một dự án chính trị và câu chuyện của một cá nhân dù có đẹp đẽ, bóng bẩy tới mức nào đi nữa cũng không thể thay thế một truyện thuyết chung cho cả dân tộc.
Vấn đề thực sự còn xa hơn cuộc đảo chính
Tuy nhiên, chúng ta có mọi lý do để lạc quan với tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar. Như đã trình bày ở trên, phe quân đội sẽ thất bại hoàn toàn sau cuộc đảo chính này. NLD và bản thân bà Aung San Suu Kyi cần tận dụng khoảng thời gian không nắm quyền ngắn ngủi này để tổ chức lại lực lượng và thảo luận để học từ những sai lầm. Cuộc đảo chính sẽ qua đi và lực lượng dân chủ Myanmar trong trung hạn họ sẽ cảm nhận rõ ràng hơn sự thiếu vắng một dự án chính trị cho đất nước, họ sẽ nhận ra sự thiếu vắng tư tưởng chính trị tai hại đến mức nào.
Trong một viễn cảnh không xa, bà Aung San Suu Kyi sẽ buộc phải rời khỏi chính trường vì tuổi cao sức yếu để lại một khoảng trống quyền lực lớn trong nội bộ đảng. Bà là con của anh hùng dân tộc, đã có công đấu tranh dân chủ cho Myanmar nên được người dân rất mến mộ và coi như người mẹ của dân tộc. Tuy nhiên, hình ảnh này sẽ lùi vào quá khứ, ngay cả sự nhập cuộc hăng hái của lớp trẻ Myanmar cũng sẽ qua đi trong một tương lai không xa để lại chỗ cho những bất mãn vì có những ước vọng, kỳ vọng của họ và người dân không thành hiện thực.
Bên cạnh những lạc quan hiện tại, vẫn có những bức tranh màu xám như nhiều người trẻ Myanmar, khi được hỏi về cảm nhận tương lai đất nước của họ, đã trả lời rằng “người giàu sẽ ngày càng giàu lên và người nghèo sẽ ngày càng nghèo đi”. Mối bận tâm này là có cơ sở, khi thiếu vắng tư tưởng chính trị, lực lượng cầm quyền chỉ còn biết phó mặc cho những thế lực tài phiệt và “bàn tay vô hình” của nền kinh tế tự do mà thôi.
Đầu tư nước ngoài quả thật đã thay đổi bộ mặt hai thành phố lớn của Myanmar là Yangon mà Mandalay. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn người dân Miến Điện bị bỏ lại so với đồng bào của họ. Người ta vẫn nói về cuộc sống khổ cực, độc hại và không có an sinh xã hội của những người công nhân đãi vàng, đào mỏ đá quý tại Shan State dưới sự kìm kẹp của phiến quân địa phương hoặc các tập đoàn quân đội. Những vùng như Chin và Rakhine vẫn còn mức đói nghèo trên 50%. Dân chủ sẽ làm mức sống của những người dân nơi đây cải thiện đáng kể, nhưng người dân tại những nơi nghèo đòi, thua thiệt không chỉ cần bắt kịp mức sống với những đô thị giàu có, mà còn cần phải bắt kịp về trình độ văn hóa, cơ hội được hội nhập với thế giới nữa.
Phải có chính sách nào để đẩy mạnh dân trí của Myanmar trong khi nền giáo dục nước này vẫn còn quá lạc hậu, chưa bắt kịp được với thế giới bên ngoài? Phải làm thế nào để lãnh đạo một đất nước rộng lớn khi mà những người lãnh đạo trong đảng Liên Minh dân Chủ hiện nay chỉ có tầm nhìn giới hạn xoay quanh một vài góc thành thị rất nhỏ, với những con người, văn hóa lối sống rất tiêu biểu mà họ nhìn thấy ở Yangon và Mandalay mà thôi?
Các cuộc đàm phán, hòa giải giữa NLD với đại diện các sắc tộc thiểu số vẫn đang bế tắc, do đó họ phải có một lối diễn giải phù hợp, thông qua những góc nhìn mới về lịch sử và văn hóa với những cuộc thảo luận tầm quốc gia để có được những chính sách phát triển toàn diện, để các sắc tộc ở đây có thể cùng chung sống như là một dân tộc chung, một tương lai chung. Myanmar sẽ không thể tồn tại như là một dân tộc đúng nghĩa nếu họ bị lãnh đạo bởi một lực lượng chính trị mà chỉ xem Myanmar như là dân tộc của người Miến/ Burman. Suy nghĩ đó cũng tệ và hẹp hòi như việc chính quyền quân đội coi quốc gia này là của riêng họ và coi Myanmar là một thế giới riêng, có quyền đứng ngoài, cô lập với phần còn lại của thế giới.
Những vấn đề trên tuy rất khó để người dân chủ Myanmar có lời giải trong tức khắc. Nhưng có một lý do khiến chúng ta yên tâm rằng họ là những con người tuyệt đối lương thiện. Sự lương thiện sẽ là ánh sáng giúp họ tìm đến chân lý, là con đường riêng cho dân tộc mình. Họ có mọi lý do để lạc quan khi bước vào một kỷ nguyên mới, sau đại dịch COVID-19.
Tuổi trẻ Thái Lan bày tỏ tinh thần liên đới với người Myanmar…
Nhiều người cho rằng cuộc đảo chính này là một bước lùi của phong trào dân chủ. Tôi và các anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tất nhiên không chia sẻ với nhận định này. Vấn đề lớn của thế giới hiện nay là phong trào dân túy. Xu hướng phản dân chủ này được khai sinh ra ngay tại chính các nước dân chủ, tuy nhiên chúng đã được chặn đứng với sự thất bại của Donald Trump.
Hiện nay thế giới đang đứng trước một thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết để chào đón sự trở lại của làn sóng dân chủ thứ Tư. Những căng thẳng gần đây tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, phong trào sinh viên tại Thái Lan và cuộc đảo chính ở Miến Điện là những tín hiệu báo động những ngày tháng đầy biến động đang đến với Đông Nam Á và rộng hơn là Châu Á, nơi mà phần lớn những đất nước tại đây vẫn sống trong cảnh độc tài, cô lập và tẻ nhạt.
Thế giới ngày nay đã nhận ra rằng toàn cầu hóa, hội nhập và hòa bình chỉ là một giấc mơ nếu vẫn còn các chế độ độc tài. Chế độ độc tài cá nhân tại các nước Trung Á hay khối thuộc Liên Xô cũ, chế độ độc tài quân sự tại Thái Lan và Myanmar hay các nước Phi Châu, chế độ đảng trị độc tài tại Việt Nam và Trung Quốc sẽ không còn đất sống. Thời đại của họ đã chấm dứt.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ phấn đấu để trở thành một lực lượng chính trị của dân tộc Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng cùng với người dân Việt Nam mở ra một kỷ nguyên mới, một tương lai mới cho đất nước. Cùng nhau chúng ta sẽ viết lên một giấc mơ, một căn cước chung mà mọi người dân Việt Nam với 54 bản sắc khác nhau và mọi giai tầng xã hội trên khắp đất nước, đều có thể chia sẻ và tự hào. Chúng tôi luôn cố gắng để trở thành một đối lập có trách nhiệm và là một lực lượng chính trị có bản lĩnh và tầm nhìn.
Tập Hợp dân Chủ Đa Nguyên sẽ phấn đấu vì dân tộc Việt Nam, vì các giá trị tiến bộ, dân chủ đa nguyên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên đây sẽ là một chặng đường dài và gian khổ ngay cả khi thắng lợi của dân chủ đã đến rất gần. Chúng tôi cần sự đồng hành và mong muốn nhìn thấy sự nhập cuộc của trí thức, những người đấu tranh dân chủ Việt Nam. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhau trong thời gian tới thì Việt Nam nhất định sẽ là một điểm sáng của dân chủ và là một nguồn cảm hứng để các nước láng giềng, anh em trong khu vực cùng hòa nhập vào làn sóng dân chủ tất yếu này.
Nguyễn Việt Anh (Rye Nguyễn)
(3/02/2021)