Quan hệ Mỹ-Việt thời Biden: Thương mại sẽ là hồ sơ nóng

Ngày 20/01/2021, tân tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ có gì khác so với thời Donald Trump? Hiện giờ chỉ có thể đưa ra một số phỏng đoán, nhưng có một điều chắc chắn, đó là thương mại có thể sẽ là hồ sơ nóng  giữa hai nước cựu thù. Tuy nhiên, căng thẳng về mậu dịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng tăng cường quan hệ song phương Mỹ-Việt.  

Một nhà máy sản xuất giày xuất khẩu ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/12/2020. Thặng dự mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ sẽ làm một hồ sơ nóng dưới thời chính quyền Biden.
Một nhà máy sản xuất giày xuất khẩu ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/12/2020. Thặng dự mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ sẽ làm một hồ sơ nóng dưới thời chính quyền Biden. REUTERS - KHAM


Ngày 16/12 vừa qua, bộ Tài Chính Mỹ đã chính thức liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, sau nhiều tháng điều tra về thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Việc Washington gắn nhãn « thao túng tiền tệ » lên Việt Nam đã gây phản ứng mạnh từ phía Hà Nội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức là Ngân hàng Trung ương, đã cực lực bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định là việc điều hành tỉ giá những năm qua ở Việt Nam chỉ nhằm « kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô », chứ không nhằm « tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng ».

Trong một bài viết đăng trên trang Asia Times ngày 18/12, tác giả David Hutt cho biết, nhiều nhà bình luận không hiểu vì sao, trong tháng cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Donald Trump lại lấy một quyết định « đi ngược lại một cách căn bản với các mục tiêu địa chính trị sâu rộng hơn của Hoa Kỳ ».

Trong một tuyên bố, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đã cảnh báo: « Thao túng tiền tệ đã không hề là một vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi và mọi hành động tiềm tàng trong những ngày cuối của chính quyền này gây phương hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế mang tính trừng phạt sẽ gây tổn hại cho quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước chúng ta đã phát triển ».

Tuy nhiên, theo David Hutt, ít có khả năng là Mỹ sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt Việt Nam trước khi chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Joe Biden sẽ chịu áp lực, phải chọn lựa, hoặc là rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, hoặc là giữ nguyên “danh hiệu” này, nhưng sẽ không thi hành các biện pháp trả đũa mậu dịch.

Đây cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời RFI Việt ngữ ngày 28/12/2020 :  

« Trong thời gian từ đây đến khi chính quyền Biden nhậm chức, có nhiều khả năng là Hoa Kỳ tiếp tục duy trì áp lực với Việt Nam, có thể giữ nguyên cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nhưng về giải pháp thì sẽ linh hoạt hơn, không nhất thiết sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt thương mại mạnh tay với Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế tiền tệ, mà sâu xa hơn là nó có liên quan đến cán cân thương mại, vốn đã tồn tại rất lâu và càng ngày càng phình to. Đây vẫn là mối bận tâm của các chính quyền Mỹ, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa.

Ngay cả khi bản chất vấn đề kinh tế và tiền tệ không đúng với cáo buộc của Mỹ, ví dụ như là Việt Nam không thao túng tiền tệ như lâu nay Việt Nam vẫn tuyên bố, và thâm hụt của Mỹ là do các yếu tố mang tính cấu trúc, chứ không phải là do hành động chủ quan của Việt Nam, Mỹ vẫn có thể muốn duy trì áp lực này, để từ đó đòi Việt Nam phải nhượng bộ trong các vấn đề khác, như là hợp tác chiến lược, quân sự, hay các vấn đề liên quan.

Vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần theo dõi từ giờ cho đến khi ông Trump bàn giao Nhà Trắng cho ông Biden, đó là ông Trump có ấn định các biện pháp trừng phạt Việt Nam hay không. Khả năng này thì thấp, nhưng không thể hoàn toàn loại bỏ. Nếu ông Trump có một biện pháp trừng phạt nào đó, thì điều này sẽ tạo ra sự đã rồi cho chính quyền Biden và có thể gây khó khăn cho việc chính quyền Biden trong việc dỡ bỏ các biện pháp đó.

Nhưng theo một số chuyên gia, cũng như bản thân tôi nhận định, khả năng này thấp, bởi vì về mặt quy trình, việc bộ Tài Chính gắn nhãn thao túng tiền tệ chỉ là vấn đề mang tính thủ tục, mở đường cho bộ Thương Mại cân nhắc các biện pháp xử lý dựa trên sự gắn nhãn này. Quá trình xem xét, đàm phán với Việt Nam có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm và trong quá trình đó thì có thể có sự thay đổi từ cả hai bên. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền Biden có thể áp đặt một số mức thuế đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào chỉ dẫn vừa rồi, khi chính quyền Trump áp đặt hàng rào thuế đối với mặt hàng săm lốp của Việt Nam, thì mức thuế đó cũng chỉ là 6 đến 10%, không quá lớn, và như vậy thì nếu có biện pháp áp thuế nào đối với hàng hóa Việt Nam, thì tôi nghĩ là cũng sẽ loanh quanh ở mức đó, không thể lên tới mức ví dụ như là 25%, như chính quyền Trump đã áp đặt đối với hàng nhập từ Trung Quốc.

Theo tôi, chính quyền Biden có thể có một số hành động mang tính tượng trưng, gây áp lực để đòi Việt Nam giải quyết các vấn đề về chính sách tiền tệ, chẳng hạn như hứa không can thiệp vào thị trường ngoại hối, hoặc là đặc biệt khuyến khích Việt Nam mua thêm hàng hóa Mỹ và qua đó làm cho cán cân thương mại song phương trở nên cân bằng hơn.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã cam kết sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, nhưng việc triển khai chưa được nhanh và như vậy chưa tạo ra được kết quả tức thì để cân bằng lại cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Như vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần phải triển khai nhanh hơn các cam kết này, để sớm đạt được các kết quả thực chất, cân bằng cán cân thương mại song phương, qua đó xoa dịu chính quyền Biden. »

Tuy nhiên, theo David Hutt, chính quyền Biden rất có thể sẽ thi hành một số chính sách thương mại giống như chính quyền Trump. Tác giả bài viết nhắc lại là vào tháng 9 vừa qua, nhân vật được ông Biden đề cử làm tân ngoại trưởng Antony Blinken đã từng cam kết giống như Trump, đó là sẽ “tăng cường một cách mạnh mẽ các luật thương mại của Mỹ mỗi khi hành động gian lận của nước ngoài đe dọa đến việc làm của dân Mỹ ». Nói cách khác, ngoại trưởng tương lai của tổng thống Biden cũng xem bảo vệ việc làm của dân Mỹ là một ưu tiên của chính sách thương mại. Nếu bộ Tài Chính của chính quyền Biden hủy bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam, họ sẽ bị chỉ trích là mềm yếu trước những quốc gia đang gây phương hại cho việc làm của dân Mỹ, một chỉ trích mà Biden sẽ cố tránh.

Trong bài viết trên tờ Asia Times, David Hutt cũng ghi nhận là việc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ gây khó khăn cho Việt Nam đúng vào thời điểm mà chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam để bầu ban lãnh đạo mới cho chế độ Hà Nội. Theo tác giả bài viết, không phải ai trong đảng cũng mong muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, và một số lãnh đạo có xu hướng bảo thủ vẫn chủ trương tăng cường quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc, hoặc là giữ một lập trường trung lập hơn giữa hai siêu cường quốc.

David Hutt nhận định, trong số các nhân vật ngả theo phía Mỹ hiện nay, có đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà giới phân tích dự báo có thể được bầu làm tân tổng bí thư hoặc chủ tịch nước. Nếu ông Phúc và những người thân cận với ông giành được các chức vụ lãnh đạo tối cao trong kỳ Đại hội Đảng, thì điều này sẽ thuận lợi cho Hoa Kỳ. Phe của ông Nguyễn Xuân Phúc không chỉ thân thiện hơn với Mỹ, mà còn chủ trương tự do hóa kinh tế nhiều hơn, và có thể sẽ đi theo con đường tự do hóa chính trị. Một nước Việt Nam cởi mở rõ ràng là nằm trong lợi ích của Mỹ.

Vấn đề là nếu ông Phúc lên làm tổng bí thư, thì với cương vị này, ông sẽ không thể thảo luận chính thức với các quan chức Mỹ, còn nếu ông lên làm chủ tịch nước, chức vụ này sẽ thích hợp hơn cho các đàm phán ngoại giao. Một điều chắc chắn, theo David Hutt, là vấn đề tiền tệ sẽ khiến cho các lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc cẩn trọng hơn để xem họ có thể tin tưởng Washington tới mức nào với tư cách đối tác kinh tế và chiến lược.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, dù tổng thống Biden nhậm chức ở Hoa Kỳ và dù ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, được bầu trong kỳ Đại hội Đảng lần tới, là những ai, thì chiều hướng của quan hệ Mỹ-Việt cũng sẽ không có thay đổi gì lớn :

« Nhìn chung sẽ không có nhiều thay đổi. Quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo hiện tại và theo chiều hướng đi lên. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trên mọi mặt, đặc biệt là về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng. Quan hệ song phương nói riêng và tình hình khu vực nói chung được định hình chủ yếu bởi các yếu tố mang tính cấu trúc nhiều hơn, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc. Về cơ bản, yếu tố này sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ, nhất là hợp tác về chiến lược và Biển Đông.

Khúc mắc cơ bản nhất khi chính quyền Biden tiếp quản Nhà Trắng có lẽ là hai vấn đề : nhân quyền và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong vấn đề nhân quyền, nếu như chính quyền Biden thật sự nhấn mạnh đến khía cạnh này, thì nó có thể là một trở ngại nhất định đối với quan hệ song phương. Nhưng tôi không cho rằng nó sẽ nghiêm trọng đến mức làm cho quan hệ bị trì trệ, bị ảnh hưởng, tại vì trong bối cảnh Hoa Kỳ cần hợp tác chiến lược với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc, chính quyền Biden sẽ giảm nhẹ vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam. Chúng ta cũng đã thấy trong giai đoạn dưới chính quyền Obama, mặc dù chính quyền Obama cũng coi trọng vấn đề nhân quyền hơn chính quyền Trump, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn tiếp tục phát triển, với điểm nhấn là việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.

Còn về thâm hụt thương mại, thì như tôi đã nói, vấn đề này sẽ tiếp tục gây căng thẳng, nhưng sẽ không căng thẳng đến mức làm quan hệ song phương bị gián đoạn. Có lẽ nếu Việt Nam có những hành động cụ thể để giúp giải quyết mối quan ngại lớn nhất của Mỹ, đó làm giảm thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ đối với Việt Nam, thì quan hệ song phương sẽ được duy trì một cách ổn định và hài hòa. Vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết như thế nào thì có lẽ trong thời gian một năm tới, khi nhìn vào cách mà chính quyền Biden xử lý về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn. Theo tôi, có thể nó sẽ ít gay gắt hơn so với cách tiếp cận của chính quyền Trump. »

Như đã nói ở trên, dù là với chính quyền Biden, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ vẫn phải tăng cường hợp tác chiến lược, vì dù sao thì hai nước có một đối thủ chung là Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam có thể trông chờ những gì từ chính quyền Biden, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nêu ý kiến :

« Theo tôi, Việt Nam sẽ tiếp tục mong đợi Hoa Kỳ dưới thời Biden vẫn duy trì chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc nói chung và trên hồ sơ Biển Đông nói riêng như dưới thời tổng thống Trump. Hiện tại có nhiều khả năng chính quyền Biden sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc cũng như trên vấn đề Biển Đông, do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, quan ngại hiện tại đó là sự cứng rắn có được thể hiện song song qua lời nói và qua hành động hay không, tại vì dưới thời chính quyền Obama, tức là cũng thuộc đảng Dân Chủ, Mỹ cũng đã dần dần trở nên cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, nhưng chủ yếu là qua các luận điệu, trong khi hành động lại thiếu cương quyết và không đủ sức răn đe với Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc càng ngày càng bành trướng trên Biển Đông. Cụ thể là Mỹ đã không có hành động hiệu quả nào để ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough, hoặc là xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn Mỹ có một chính sách cứng rắn trên lời nói cũng như hành động để làm sao kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không muốn những hành động như vậy đi quá xa tới mức có thể dẫn đến xung đột, bởi vì Việt Nam vẫn muốn duy trì một môi trường hòa bình để phục vụ mục tiêu quan trọng nhất, đó là phát triển kinh tế.

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng Việt Nam muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và tận dụng sức mạnh của Mỹ để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng nhận thấy là sẽ không thực tế, cũng như không khả thi, nếu dựa hoàn toàn vào Mỹ để xử lý vấn đề Biển Đông. Nên tôi nghĩ là trong thời gian tới, song song với việc tăng cường quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực nội tại, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác khác có chung lợi ích ở Biển Đông, nhất là Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước Liên Hiệp Châu Âu. Có thể nói là Việt Nam sử dụng nhiều biện pháp, nhiều con đường khác nhau để giải quyết vấn đề Biển Đông, chứ không phải chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ. » 

Nguồn tin RFI Tiếng Việt