Tương lai nào cho Đảng Cộng Sản ? (Nguyễn Gia Kiểng)

 Lý do chính khiến vấn đề nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản không giải quyết được là vì người lãnh đạo phải là người đại diện tiêu biểu nhất cho đồng thuận của tổ chức và họ không có đồng thuận. Họ gượng gạo nói "kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" trong khi tất cả, kể cả Nguyễn Phú Trọng, đều biết rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là tầm bậy còn tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thì hoàn toàn không có.

daihoi1

Nhân dịp Đảng Cộng Sản họp Hội Nghị Trung Ương 14 để chuẩn bị cho Đại Hội 13 sắp tới của họ, tôi có yêu cầu một số bạn trẻ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nghiên cứu các văn kiện được chuẩn bị cho Đại Hội 13, gồm báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội. Một tuần sau tất cả đều nói đọc các tài liệu này là một cực hình, một người nói yêu cầu của tôi trên thực tế là một hình phạt. Họ chỉ hơi châm biếm.

Hội nghị lần thứ 14 của ban chấp hành trung ương của Đảng Cộng Sản khóa XII (sau đây viết tắt là HNTW14) khai mạc tại Hà Nội ngày 14/12 và dự kiến kết thúc ngày 20/12. Hai mục đích chính của hội nghị này là hoàn tất các văn kiện trình Đại Hội Đảng lần thứ 13 (sau đây viết tắt là ĐH13) và quyết định nhân sự cho hai cơ quan đầu não của đảng là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư cho 5 năm sắp tới, trong đó có bốn chức vụ được coi là chủ chốt : tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Hội nghị đã kết thúc hai ngày sớm hơn dự định dù chưa đạt được mục tiêu nhân sự. Phải hiểu như thế nào ?

daihoi2

Các văn kiện này, đánh giá một cách đầy tự hào là : "đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo", "tập trung trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo" và "thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta".

Tầm cao trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng Sản

Các văn kiện chính, gồm "Báo cáo chính trị" được coi là báo cáo trung tâm và các báo cáo chuyên đề (gọi chung là "Báo cáo kinh tế - xã hội") gồm "Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030" "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025". Những tựa đề dài lòng thòng này tự chúng đã phần nào nói lên bản chất của các tài liệu được Trung Ương Đảng và ông Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu Đảng Cộng Sản đồng thời là trưởng ban soạn thảo các văn kiện này, đánh giá một cách đầy tự hào là : "đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo", "tập trung trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo""thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta".

Quả đúng là một khổ hình cho những ai cố đọc. Ba tài liệu dài gần bằng nhau, tổng cộng hơn 100 trang A4 và trên 110 ngàn chữ nhưng không đưa ra được một nhận xét hay một ý kiến đáng chú ý nào cả trên những vấn đề lớn của đất nước. Biển Đông, tài sản lớn nhất của Việt Nam đang bị Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chiếm đoạt, được đề cập tới trong một câu là "ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển". Tình hình gay go tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương được đánh giá là "tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên". Không một kết luận chiến lược nào. Cũng thế, sự lệ thuộc quá nhiều vào ngoại thương (trên 200% GDP) không được bàn tới. Sự hủy hoại môi trường chỉ được đề cập qua loa. Chiều dài của những văn kiện là do cách hành văn dài, luộm thuộm, lòng thòng, trùng lắp, viết để cố tình cường điệu chứ không có ý kiến. Thí dụ như : "Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước ; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm ; xây dựng Đảng là then chốt ; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội ; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Những câu như vậy đầy rẫy trong các văn kiện.

Cũng có những câu sai một cách lố lăng như :

"Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011-2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỉ USD năm 2010 lên 268,4 tỉ USD vào năm 2020".

Làm sao GDP có thể tăng gấp 2,4 lần từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ năm 2020, trong vòng 10 năm, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 5,9% ? Nếu ta bảo một cậu học sinh viên trung học tính nhẩm lại cậu ấy sẽ nói nếu GDP năm 2010 là 116 tỷ USD thì, với tỷ lệ tăng trưởng 5,9% mỗi năm, GDP năm 2020 chỉ là khoảng 200 tỷ USD mà thôi. (Chính xác là tăng gấp 1,77 lần, lên thành 205,8 tỷ USD). Một sai lầm lộ liễu như vậy mà trong hơn hai năm (các văn kiện được soạn thảo bắt đầu từ giữa năm 2018) không một ai nhìn thấy thì quả là tầm cao trí tuệ của của đội ngũ lãnh đạo cộng sản có vấn đề lớn. Sự ngạc nhiên không dừng ở đó bởi vì tháng 9 năm nay, hơn một tháng trước khi báo cáo này được công bố, chính quyền đã thông báo rằng GDP năm 2020 đã được ước tính lại và đã vượt 300 tỷ USD. Các con số kinh tế của chế độ cộng sản này không chỉ sai trong cách tính mà còn rất tùy tiện.

Cũng không thiếu những câu vô duyên như : "Văn hóa trong chính trị và trong kinh doanh bước đầu được coi trọng". Nghĩa là cho tới gần đây văn hóa không được coi trọng trong chính trị và kinh doanh ? Hay "Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế". Đó là sau hơn 45 năm cầm quyền trên cả nước !

Bối rối của Đảng Cộng Sản là tuy nói "tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển""Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn" nhưng những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản vẫn chưa hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Hoặc là kinh tế thị trường hoặc là kinh tế hoạch định chứ không thể có kế hoạch nhà nước trong một nền kinh tế thị trường. Chính sự lấn cấn này khiến cho các lý luận của họ chỉ có thể là vớ vẩn.

Vả lại làm sao có thể hoạch định kinh tế được khi kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào bối cảnh bên ngoài ? Bình thường khi ngoại thương –tổng số xuất khẩu và nhập khẩu- vượt mức 50% GDP là đã có vấn đề rồi, huống chi ngoại thương của Việt Nam hiện là trên 200% GDP.

Còn bối cảnh bên ngoài ? Đại dịch Covid-19 đang tàn phá tất cả các nền kinh tế đối tác của Việt Nam và vẫn chưa chấm dứt. Ngay cả các nước phát triển nhất, với những khả năng tiên liệu cao nhất, cũng chưa thể biết phải cần bao nhiêu năm mới lấy lại được mức độ hoạt động kinh tế trước đại dịch. Về dịch Covid-19, các văn kiện báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội cũng chỉ biết nói một cách chung chung là "dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến ngành du lịch và nhiều ngành dịch vụ".

Điều đáng chú ý trong báo cáo chính trị lần này là ban lãnh đạo cộng sản vẫn ngoan cố chống lại khuynh hướng đổi mới về dân chủ mà họ gọi là "tự diễn biến, tự chuyển hóa" và đồng hóa nó với sự xuống cấp về tư tưởng và đạo đức chính trị. Báo cáo chính trị viết : "Chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Hai ngày trước HNTW14, ngày 12/12, ông Nguyễn Phú Trọng trong một bài chuẩn bị cho hội nghị đã viết : "Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Điều này có nghĩa là chống tham nhũng cũng là môt lý cớ để triệt hạ những người muốn dân chủ hóa chế độ. Ông Trọng và những người chung quanh ông không đủ sáng suốt để nhìn dân chủ hóa như một lối thoát cho Đảng Cộng Sản. Họ hô hào đẩy mạnh đổi mới nhưng lại thù ghét tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đổi mới nhưng không thay đổi.

Khó có thể nghĩ rằng gần 200 ủy viên trung ương kém đến nỗi không nhìn thấy những sai khuyết của các văn kiện chuẩn bị ĐH13. Giả thuyết hợp lý hơn là họ không đọc hoặc chỉ đọc qua loa vì biết là các văn kiện này không quan trọng.

daihoi3

Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng đều đã gào thét thống thiết rằng nếu không giải quyết tốt được vấn đề nhân sự lãnh đạo thì sự nghiệp 75 năm của đảng sẽ tan tành.

Với sự nhất trí rất cao

Mục đích quan trong hơn nhiều của HNTW14 là quyết định nhân sự cho hai cơ quan đầu não của đảng là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư cho Khóa 13 trong 5 năm sắp tới. Thông báo của Trung Ương Đảng viết :

(…) Tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới (…).

Tại sao đã "biểu quyết với sự nhất trí rất cao" mà còn phải "tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện" chờ hội nghị trung ương 15 sắp tới xem xét và quyết định ? Đã thế còn phải ngừng hội nghị hai ngày trước dự định. Triệu tập hội nghi trung ương thứ 15 là một điều không bình thường và khó khăn trong hoàn cảnh đang có dịch Covid-19. Giả thuyết có nhiều triên vọng đúng nhất là HNTW14 đã gặp bế tắc trong vấn đề chọn lựa nhân sự lãnh đạo đến độ có tiếp tục thảo luận cũng không đi đến đâu và đành phải ngừng lại để giải quyết trong hậu trường.

Nhưng bế tắc không nhất thiết đồng nghĩa với xung đột. Người ta không thấy một dấu hiệu căng thẳng nào, như trong hai đại hội 11 và 12 trước đây khi có tranh giành giữa Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng. Trong các đại hội đảng trước đây người ta biết trước ai sẽ là tổng bí thư ai, chủ tịch nước, thủ tướng ít nhất hai tháng trước ngày khai mạc đại hội. Lần này hầu như không có đấu đá nhưng cũng không tìm ra được người lãnh đạo. Điều này không có nghĩa là tất cả những người lãnh đạo cao nhất đều không xứng đáng. Nói chung họ văn minh và hiểu biết hơn hẳn các ông Hồ Chí Minh, Trương Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ v.v. trước đây. Lý do chính khiến vấn đề nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản không giải quyết được là vì người lãnh đạo phải là người đại diện tiêu biểu nhất cho đồng thuận của tổ chức và họ không có đồng thuận. Họ gượng gạo nói "kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" trong khi tất cả, kể cả Nguyễn Phú Trọng, đều biết rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là tầm bậy còn tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thì hoàn toàn không có. Mỗi người trong ban lãnh đạo đều biết mình đang nói dối và cũng biết là những người khác đang nói dối. Cam kết trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như vậy trên thực tế chỉ là cam kết không suy nghĩ. Như vậy làm sao có thể có đồng thuận ? Khi không có một tư tưởng chung thì người ta không thể kết hợp lâu dài. Hy vọng có thể hợp tác trên những vấn đề cụ thể chỉ là một ảo tưởng bởi vì đặc tính của các vấn đề cụ thể là chúng luôn luôn có những giải đáp khác nhau và gây chia rẽ. Một tư tưởng chính trị chung khiến những người có những đề nghị khác nhau trên một vấn đề cụ thể nhận ra rằng các giải pháp tuy khác nhau nhưng vẫn nhắm cùng một định hướng. Không có một tư tưởng chính trị chung thì chia rẽ là điều chắc chắn. Vấn đề nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản không có giải đáp bởi vì nó tương đương với tìm người đại diện tiêu biểu cho một cái gì không có. Cho tới nay Đảng Cộng Sản đã may mắn có được một người lãnh đạo như ông Nguyễn Phú Trọng, một người còn có thể nói trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà không thấy ngượng nhưng tình trạng sức khỏe của ông không còn cho phép ông đảm nhiệm vai trò này nữa. Mọi giải pháp thay thế ông đều không ổn.

Từ nhiều tháng trước cả hai người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng Sản –ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng- đều đã gào thét thống thiết rằng nếu không giải quyết tốt được vấn đề nhân sự lãnh đạo thì sự nghiệp 75 năm của đảng sẽ tan tành. Bây giờ thì đúng là vấn đề không có giải đáp thỏa đáng.

Một đoạn tuyệt hoàn toàn và dứt khoát

Như vậy cả hai mục tiêu của HNTW14 vừa qua đều thất bại. Việc thông qua các văn kiện nhàm chán và vô nghĩa là một thú nhận thất bại về tư tưởng chính trị ; thất bại trong có gắng giải quyết vấn đề nhân sự lãnh đạo là hậu quả của của thất bại về tư tưởng chính trị và báo hiệu những khó khăn rất lớn trong tương lai. Nhưng điều quan trọng nhất của ĐH13 là đã hoàn toàn không có một góp ý nào từ nhân dân và trí thức. Trước đây mỗi dịp đại hội đảng đều có những thảo luận, yêu cầu và kiến nghị từ trí thức trong và ngoài nước, kể cả các đảng viên lão thành đã từng giữ những chức vụ tương đối quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước. Trước Đại hội 12, tháng 01 năm 2016, cũng đã có kiến nghị của 127 người ký tên chung và nhiều phát biểu với tư cách cá nhân. Lần này thì tuyệt đối không, ngay cả trên mạng xã hội, dù đã có những tranh cãi gay go về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và về Donald Trump. Đại hội đảng lần này chỉ còn là chuyện riêng của đảng, không ai quan tâm. Nhân dân Việt Nam đã đoạn tuyệt một cách hoàn toàn và dứt khoát với Đảng và chế độ cộng sản. Dưới mắt nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng Sản chỉ còn là một lực lượng chiếm đóng và thống trị. Nghĩa là một lực lượng thù địch.

daihoi4

Những người cộng sản, kể cả những người sẽ lãnh đạo Đảng cộng sản đã có cuộc sống sung túc hơn đa số đồng bào của họ, đã có điều kiện học hỏi để có trình độ văn hóa cao và cũng đã có kinh nghiệm điều hành các cơ quan và các công ty. Nói chung họ vẫn sẽ là những người rất may mắn. Ảnh minh họa Khu biệt thự đẹp nhất Hà Nội

Như vậy tương lai của Đảng Cộng Sản sẽ ra sao ?

Tệ hơn một cạn kiệt về ý kiến, Đảng Cộng Sản còn phải cố bám lấy một chủ nghĩa độc hại đã ruỗng nát mà ngay cả trong nội bộ đảng cũng không còn ai tin. Sau hơn ba thập niên mất lý tưởng, Đảng Cộng Sản cũng đã mất luôn đoàn kết trong nội bộ. Tuy vậy nó vẫn tiếp tục thống trị dân tộc Việt Nam một cách hung bạo. Bao lâu nữa ?

Không phải là những người lãnh đạo cộng sản không hiểu rằng tình trạng thách thức này không thể tiếp tục, nhưng họ không nhìn thấy giải pháp. Họ kế thừa di sản của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, những người đã thành công không phải vì sáng suốt mà vì nông cạn. Đảng Cộng Sản đã chiến thắng sau một cuộc nội chiến tàn khốc làm đất nước tan hoang và sáu triệu người chết ; nó cũng đã phạm vô số tội ác khác trước và sau chiến tranh, chỉ để cuối cùng nhận ra rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một sai lầm. Các cấp lãnh đạo cộng sản kế tiếp đã nghĩ rằng họ đã đi quá xa để có thể chuyển hóa về dân chủ một cách an toàn. Nguyễn Phú Trọng là một trong những người lãnh đạo cộng sản cuối cùng đại diện cho tâm lý tuyệt vọng đó.

Nhưng bây giờ tình hình đã khác nhiều. Hơn 45 năm đã trôi qua từ ngày 30/04/1975 và cả một thế hệ cũng đã trưởng thành kể từ khi người tù binh Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng rời trại cải tạo. Tuyệt đại đa số những người cộng sản, kể cả những người sẽ lãnh đạo Đảng Cộng Sản sau Đại Hội 13, không có trách nhiệm gì về những sai lầm và tội ác trong quá khứ. Nếu Việt Nam chuyển hóa về dân chủ, Đảng Cộng Sản có thể mất chính quyền và tan rã sau một cuộc bầu cử tự do như các đảng cộng sản Đông Âu trước đây nhưng các đảng viên cộng sản không có gì để phải lo âu. Họ có thể mất một số đặc quyền đặc lợi nhưng dù sao họ cũng đã là những người được thụ hưởng nhiều nhất trong đại khối dân tộc rồi. Họ đã có cuộc sống sung túc hơn đa số đồng bào của họ, đã có điều kiện học hỏi để có trình độ văn hóa cao và cũng đã có kinh nghiệm điều hành các cơ quan và các công ty. Nói chung họ vẫn sẽ là những người rất may mắn. Tương lai của họ không hề bị đe dọa. Hơn nữa, từ nay họ sẽ được sống an toàn, hạnh phúc, lương thiện và tự hào trong một đất nước Việt Nam dân chủ, hòa giải và hòa hợp để cùng chinh phục tương lai.

Ngược lại, nếu họ nghe lời Nguyễn Phú Trọng để tiếp tay ngoan cố duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ độc tài toàn trị, họ sẽ mắc tội đồng lõa ngoan cố dày đạp dân tộc và ngăn cản bước tiến của đất nước về một tương lai xứng đáng. Đó sẽ thực sự là một sai lầm rất lớn bởi vì chế độ này đàng nào cũng phải cáo chung và sắp cáo chung. Nó không còn lý tưởng chung, không còn đoàn kết nội bộ và bị nhân dân thù ghét, trong một thế giới mà làn sóng dân chủ đang ào ạt dâng lên. Sự ngoan cố không kéo dài được chế độ mà còn có thể tạo ra một sự phẫn nộ lớn với những hậu quả không lường được.

Chọn lựa đúng đắn nhất của những người cộng sản ở lứa tuổi dưới 60 là nói KHÔNG với Nguyễn Phú Trọng và cố gắng đẩy mạnh xu thế tự diễn biến tự chuyển hóa để hòa nhập trong đại gia đình dân tộc. Để cứu đảng mình và chính mình.

Nguyễn Gia Kiểng

(29/12/2020)