Lợi dụng dịch Covid-19, nhiều nước châu Á mở rộng mô hình "Big Brother"

Tác động của Covid-19 lên tính mạng và sức khỏe cộng đồng vẫn đang trong tình trạng rủi ro. Nhưng các chế độ độc tài đã nhân cơ hội này đã tăng quyền kiểm soát thông tin, vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Một quan chức tình báo Indonesia đội mũ có lắp thiết bị đo thân nhiệt những người đến làm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Surabaya, ngày 04/06/2020.
Một quan chức tình báo Indonesia đội mũ có lắp thiết bị đo thân nhiệt những người đến làm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Surabaya, ngày 04/06/2020. AFP - JUNI KRISWANTO

Lấy cớ chống dịch virus corona chủng mới, nhiều quốc gia cho thiết lập nhiều chương trình giám sát hàng loạt gây bất lợi cho việc bảo vệ đời sống riêng tư và các quyền tự do công dân. Rủi thay, trong lĩnh vực này, châu Á là khu vực đi đầu trong việc vi phạm đời sống riêng tư của công dân theo như cáo buộc của giới nhân quyền.

Trong một báo cáo công bố ngày 01/10/2020, cơ quan tư vấn về các rủi ro của Anh, Verisk Maplecroft, ghi nhận nhiều quốc gia trên thế giới, lấy cớ phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã cho thiết lập nhiều « biện pháp triệt để với những khả năng không thể kiểm soát », có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của hàng triệu người dân.

Các nhà phân tích của cơ quan này ghi nhận các công cụ và nhiều công nghệ giám sát như mắt kính đo thân nhiệt, thiết bị bay giám sát lệnh giới nghiêm và các ứng dụng theo dõi đường lây nhiễm đã được triển khai rộng rãi.

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp đài RFI, bà Sofia Nazalya - tác giả của báo cáo và cũng là chuyên gia phân tích của Verisk Maplecroft tại Singapore - cho rằng trong số 198 nước, châu Á là châu lục đứng đầu trên phương diện này :

« Khi phân tích những phát triển công nghệ khác nhau và khả năng giám sát hiện hành kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi nhận thấy rất nhiều quốc gia đã cho thiết lập cùng một kiểu công cụ được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát dịch bệnh virus corona. Ví dụ như ứng dụng theo dõi đường lây lan, áp dụng mã vạch, sử dụng quá mức các camera giám sát hay như là các kiểu công nghệ tân tiến nhận diện khuôn mặt chẳng hạn. Tất cả những loại công cụ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước châu Á. »

Vẫn theo bà Sofia Nazalya, điều đáng lo là những công cụ và biện pháp có nguy cơ tồn tại lâu dài, trở nên thường trực hơn.

« Bởi vì đó là những gì đang diễn ra tại một số thành phố ở Trung Quốc. Ứng dụng theo dõi đường lây nhiễm giờ đang trở thành chuyện bình thường. Nhiều nước khác còn mở rộng ứng dụng này dù là mối đe dọa Covid đã nằm trong tầm kiểm soát. Đương nhiên, nguy cơ đợt dịch thứ 2 và virus tái bùng phát luôn hiện hữu ở một số khu vực của châu Á. Nhưng câu hỏi thật sự đặt ra là những công cụ này có tuân thủ theo những quy định và luật lệ, bảo đảm cuộc sống cá nhân hay không ? »

Nghiên cứu Verisk Maplecroft nêu rõ nhiều nước châu Á đã vi phạm đời sống riêng tư của các công dân mình như tại Ấn Độ hay Pakistan, những quốc gia không có các quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân.  

« Đối với Pakistan, cơ quan tình báo đã triển khai một ứng dụng theo dõi chưa từng thấy trên khắp cả nước. Ứng dụng này do các hãng công nghệ lớn phát triển và cơ quan tình báo có cả những mã nguồn mở nghĩa là họ có thể biết được các dữ liệu cá nhân được lưu giữ ở đâu. Ứng dụng này do cơ quan tình báo Pakistan kiểm soát. Khía cạnh thiếu minh bạch tuyệt đối là một mối đe dọa hiển nhiên cho tất cả những ai bị nghi ngờ nhiễm virus corona. »

Báo cáo của Verisk Maplecroft đặc biệt chỉ trích Cam Bốt có những hành động trấn áp đối với những người phê phán cách xử lý dịch bệnh của chính phủ.

« Hệ thống chính trị Cam Bốt là chế độ trấn áp và chuyên quyền. Một đạo luật chống Covid-19 đã cho phép chính phủ theo dõi vô giới hạn các mạng xã hội và các cuộc trao đổi. Chính quyền nói là theo dõi dịch bệnh Covid, nhưng trên thực tế những ứng dụng này được sử dụng vì những mục đích chính trị. Những cư dân mạng nào chỉ trích nhà nước trong việc xử lý dịch bệnh đều bị bắt giam. Chúng tôi đã quan sát được nhiều trường hợp tương tự như thế. Do vậy, chúng tôi cũng chẳng mấy ngạc nhiên những biện pháp này sẽ còn được áp dụng lâu dài để nhắm vào các nhà đối lập ».

Thu thập dữ liệu về những di chuyển, các hồ sơ bệnh lý, giám sát hàng loạt, khám xét nhà, quản thúc tại gia, hay bắt bớ tùy tiện, là những hành động lạm dụng quá đà nhưng thường đó cũng là cách thức để các chính phủ chuyên quyền củng cố quyền lực như trường hợp các nước Philippines, Miến Điện hay như Thái Lan.

« Miến Điện và Thái Lan, hai chế độ tập đoàn quân sự, mà ở đó việc sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa hay camera video giám sát giờ là những biện pháp thông dụng nhắm vào các nhà đối lập chính trị. Cả hai nước này cho triển khai những chương trình được thiết lập giống như tại Cam Bốt khi bỏ phiếu thông qua các đạo luật cho phép thực hiện các hoạt động nhắm vào các nhà đối lập chính trị ».

Ấn Độ đang nhắm tới từ đây đến năm 2021 thiết lập một hệ thống lưu trữ dữ liệu ở cấp độ toàn quốc. Dưới vỏ bọc chống tin giả, nhiều nước đã hạn chế quyền tự do ngôn luận khi cho bắt giữ các blogger, hay các nhà báo. Những sự trượt đà này không chỉ giới hạn ở châu Á, giờ còn lan rộng sang cả Trung Đông, một khu vực được cho là dễ bị ảnh hưởng.

Donald Trump : Nguồn lợi dồi dào cho giới xuất bản sách

Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử tổng thống sôi động. Mọi cặp mắt giờ đang đổ dồn vào cặp ứng viên tổng thống Trump - Biden. Với câu hỏi lớn : Ai sẽ thắng cuộc ? Nhưng bất kể là ai đi chăng nữa, với giới xuất bản sách, Donald Trump, vị tổng thống đời thứ 45 của Hoa Kỳ, là một « ngôi sao » văn đàn. 

Kể từ khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng đã có bao nhiêu đầu sách viết về ông ? « Lửa và Cuồng nộ » của nhà báo Michael Wolff (2018), « Nỗi sợ hãi : Donald Trump ở Nhà Trắng » của phóng viên điều tra Bob Woodward (2018), rồi « Disloyal : A Memoir », từ cựu luật sư của chủ nhân Nhà Trắng Michael Cohen (2020) hay như tập sách « The Room Where It Happened » của cựu cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton… Thật khó mà nhớ hết !

Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là tập sách của cháu gái Donald Trump, bà Mary L. Trump cũng xuất bản trong năm nay, đã thật sự gây chấn động. Chỉ trong vòng 48 giờ, hơn một triệu bản được bán ra. Trong tập sách này, Mary Trump đưa ra một mô tả trên góc độ tâm lý học về vị tổng thống thứ 45 là một người dối trá tự mê, bị rối loạn nhân cách chống xã hội.

Khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter tại Paris qua điện thoại, Mary L. Trump với tư cách là cháu gái tổng thống Mỹ và công dân Mỹ, cho rằng bà muốn đánh động công luận về tính cách nguy hiểm của ông Donald Trump.

« Tôi không đưa ra những chẩn đoán. Đơn giản tôi chỉ muốn thu hút sự chú ý của mọi người về một số triệu chứng thấy được rất giống với chứng bệnh rối loạn tính cách. Tôi cho rằng ông ấy tuyệt nhiên không nên giữ một vị trí có nhiều quyền hành như thế, bởi vì ông ấy không có sự vị tha, thiếu bình tĩnh. Ông ấy gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và xử lý thông tin. Hơn nữa, khi tình hình có biến đổi xấu đi, một điều chắc chắn là ông ấy sẽ dùng rất rất nhiều chất cafein và như vậy thì không tốt cho sức khỏe. Đó là một người ngủ rất ít và điều này thì không tốt chút nào ».

Vẫn theo cháu gái Donald Trump, mọi sự tồi tệ đó bắt nguồn từ cách giáo dục trong gia đình, đặc biệt là từ sự hung dữ của ông nội bà :

« Đó là một người thật sự rất hung dữ, đáng ghê sợ, một người cha tồi tệ. Ở một mức độ lớn hơn, những khó khăn của ông Donald Trump một phần là do tính cách của cha ông. Ông nội tôi có 5 người con và mỗi người trong số họ đều bị hủy hoại tính cách mỗi người một kiểu. Ông nội tôi có trách nhiệm rất lớn trong việc làm hỏng nhân cách của cha tôi và ông Donald Trump ».

Giới quan sát Pháp có cái nhìn như thế nào về Donald Trump ? Hai nhà báo, Gilles Paris và Jérome Cartillier - lần lượt là thông tín viên thường trú của báo Le Monde và hãng thông tấn Pháp AFP tại Washington đã có những mô tả chi tiết khá thú vị về nhiệm kỳ Donald Trump trong tập sách đề tựa « Nước Mỹ, những năm tháng Trump ».

Trả lời câu hỏi của thông tín viên Anne Corpet đài RFI tại Washington, nhà báo Jérome Cartillier đầu tiên hết có nhận xét về vị tổng thống Mỹ thứ 45 như sau :

« Có một điều chắc chắn là Donald Trump có một khiếu trình diễn phi thường. Ông ấy thích đám đông, và có khiếu phản ứng. Donald Trump luôn rình rập để biết xem màn trình diễn của ông có chạy tốt hay không, hướng này hay hướng khác hay từ nào đánh trúng hồng tâm. Thế nên điểm tuyệt đối gây ấn tượng là  ở mọi lúc, dù là khi mệt mỏi, đang đi vận động hay ở Nhà Trắng, kể cả lúc trong chiếc Air Force One, ông ấy lúc nào cũng có cùng một cách thức : Thành công màn trình diễn ʺhoàn hảoʺ ».

RFI : Người ta thường hay nói là ông ấy dối trá, nhưng các thành phần cử tri của ông vẫn đi theo một cách trung thành, bất kể Donald Trump có làm gì đi chăng nữa ?

Jérome Cartillier : « Sự trung thành của các thành phần cử tri của ông là đặc biệt. Địa điểm thể hiện sự trung thành chính là cuộc mit-tinh vận động tranh cử. Chính ở đó mà cỗ máy chính trị thật sự của Donald Trump hoạt động hiệu quả nhất. Điều thú vị là chiến dịch này của ông đã bị gián đoạn vì Covid-19, nhưng vì Donald Trump rất cần đến các cuộc mit-tinh này nên ông ấy vẫn quyết tâm trở lại với chúng bằng mọi giá bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ. Bởi vì đây chính là địa điểm của chính trị gia Donald Trump, chính ở chiếc bục vận động tranh cử này mà Trump có thể thực hành bài tập ưa thích của mình ».

RFI : Nhưng Donald Trump đã đoạt tuyệt với những quy định truyền thống ?

« Đúng vậy, ông ấy đã phá vỡ các phong tục tập quán. Tất cả những quy định bất thành văn, mà một vị tổng thống buộc phải đi theo chẳng hạn như vị thế tập hợp người dân, nhưng chiếc áo khoác tập hợp này ông chưa bao giờ muốn khoác lên cả, ngoài ra còn có tính trang nghiêm trong hành chức, kiệm lời phát biểu… tất cả những điều đó, những thông lệ, tập quán đó đã bị ông phá vỡ từng điều một ».

RFI : Và ông đã làm thay đổi vị trí của nước Mỹ trên thế giới ?

« Vào cuối nhiệm kỳ, Donald Trump khoe khoang rất nhiều ý tưởng ʺNước Mỹ rồi lại sẽ được tôn trọngʺ. Nhưng người ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đúng hơn là điều ngược lại ʺNước Mỹ đã co cụmʺ. Với khẩu hiệu ʺNước Mỹ trước đãʺ, Donald Trump lao vào những cuộc đọ sức không chỉ với các nước thù địch mà điều gây ấn tượng là với cả các nước đồng minh. Những nước này, hoặc phẫn nộ, hoặc lạnh nhạt trước những cuộc đấu khẩu dữ dội đến mức không ai nghĩ là phải nhận một cú sốc điện như vậy ».

 RFI Tiếng Việt