9 tháng: lượng doanh nghiệp có quy mô vốn 10-20 tỉ đồng rời thị trường tăng 107,4%
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 78.300 doanh
nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: gần 38.630 doanh nghiệp đăng ký
tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể; và
12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch; và lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất trong chín tháng vừa qua. Đặc biệt, số doanh nghiệp quy mô vốn lớn với hơn 100 tỉ đồng phải rời thị trường đã lên đến con số hàng trăm, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có lượng doanh nghiệp rời thị trường tăng nhiều nhất. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Theo dữ liệu lịch sử của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của chín tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 là 21,9%.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh này cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong chín tháng đầu năm nay tăng đến 81,8% với cùng kỳ năm ngoái, lên đến gần 38.630 doanh nghiệp.
Đây là mức tăng cao nhất về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ chín tháng giai đoạn 2015-2020, tăng cao hơn gấp 3,7 lần so với mức tăng trung bình năm năm qua, thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự gia tăng mạnh của số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cho thấy sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ năm năm trở xuống là 19.294 doanh nghiệp chiếm khoảng 50%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ năm đến mười năm là 10.687 doanh nghiệp (chiếm 27,7%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 8.648 doanh nghiệp (chiếm 22,4%).
Như vậy điều này cho thấy khó khăn kinh tế và đáng chú ý là ảnh hưởng của "bão" Covid-19 này đã không chừa cho bất cứ nhóm đối tượng doanh nghiệp nào, ngay cả những doanh nghiệp đã có thâm niên hoạt động hơn thập kỷ.
Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, có đến năm lĩnh vực có số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản dẫn đầu tăng 161,4% với 1.103 doanh nghiệp tạm rời thị trường.
Kế tiếp đó là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 745 doanh nghiệp tạm rời thị trường (tăng 129,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống thì cùng thời gian trên có 2.414 doanh nghiệp tạm rời thị trường, tăng 120,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 2.320 doanh nghiệp, tăng 109,4%; và nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí có số doanh nghiệp rời thị trường trong chín tháng qua tăng 102%. Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Đối với những lĩnh vực khác dù lượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải rời thị trường tăng không theo cấp số nhân nhưng vẫn tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác tăng 81,5%, với 2.377 doanh nghiệp rời thị trường.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động quá khó khăn phải đóng cửa. Ảnh: Lê Hoàng |
Một chi tiết đáng chú ý hơn nữa là lâu nay lượng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ luôn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm rời thị trường luôn tăng cao, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 này thì tình hình có chiều hướng ngược lại.
Cụ thể dù số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 10 tỉ đồng trở lại chiếm đến 91,2%, với 35.247 doanh nghiệp tạm rời thị trường trong 9 tháng vừa qua, nhưng chỉ tăng 79,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỉ đồng trong cùng thời gian trên có lượng doanh nghiệp rời thị trường tăng 107,4% so với cùng kỳ ngoái (có 1.854 doanh nghiệp, chiếm 4,8%).
Ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỉ đồng có 964 doanh nghiệp (chiếm 2,5%, tăng 121,1% so với cùng kỳ); ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỉ đồng có 343 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 109,1% so với cùng kỳ).
Và đặc biệt doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng có tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường tăng 151,1% so với cùng kỳ năm ngoái (có 221 doanh nghiệp, chiếm 0,6%).
Ngoài ra, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 27.588 doanh nghiệp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Trong số này, có 337 doanh nghiệp với quy mô vốn trên 100 tỉ đồng (chiếm 1,2%, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: bán buôn, bán lẻ (10.248 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (3.164 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); xây dựng (3.022 doanh nghiệp, chiếm 11%).
Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, cả nước còn có 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó có 192 doanh nghiệp quy mô trên 100 tỉ đồng (chiếm 1,6%, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh bất động sản; sản xuất phân phối, điện, nước, gas; và giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 50,3%; 39,6% và 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn 627.750 người lao động bị ảnh hưởng ! Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 78.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: gần 38.630 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể; và 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng năm 2019. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rời thị trường này có tổng vốn đăng ký lên đến hơn 1,026 triệu tỉ đồng và có tổng số người lao động làm việc là hơn 627.750 người. Cụ thể số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng đầu năm 2020 có tổng số vốn là 280.293 tỉ đồng, với 277.180 lao động (bằng 19,6% tổng số vốn và bằng 35,6% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020). Các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể này có tổng số vốn là 587.638 tỉ đồng, với 242.420 lao động (bằng 41,1% tổng số vốn và bằng 31,2% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020). Và các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể này có tổng số vốn là 158.832 tỉ đồng, với 108.151 lao động (bằng 11,1% tổng số vốn và bằng 13,9% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020). |
Nguồn tin: TBKTSG