Hơn 200 công nhân VN kêu cứu ở Uzbekistan, nhiều người nhiễm Covid-19

Về những người công nhân Việt Nam đang bị mắc kẹt tại Uzbekistan, nhiều người nhiễm bệnh Covid-19 và không nhiễm bệnh đang phải chung sống với nhau.

Nhóm công nhân người Việt ở Uzbekistan cầu cứu chính phủ Việt Nam
Nguồn hình ảnh, Duong Ngoc Hai
Chụp lại hình ảnh, Nhóm công nhân người Việt ở Uzbekistan cầu cứu chính phủ Việt Nam
Gần 100 người trong số hơn 200 công nhân đang làm việc tại công trình Khí hóa lỏng Nishan tại Uzbekistan được xác định nhiễm Covid-19, trong đó nhiều người hiện vẫn sống chung với người không bệnh trong khu tập thể.
Hiện nhóm công nhân này đang cầu cứu chính phủ Việt Nam có chuyến bay nhân đạo để đưa họ về nước.
Trong vòng hơn hai tuần qua, nhóm công nhân này đã gửi ba lá thư cầu cứu tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dũng, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga (kiêm nhiệm Uzbekistan), và công ty TNHH tư vấn và nghề nghiệp CEC là nơi đưa người đi lao động xuất khẩu.
Nhóm công nhân này cũng đăng lên mạng xã hội các hình ảnh giương biểu ngữ với dòng chữ: "Cầu cứu. Mong tổ quốc đừng bỏ rơi chúng tôi. Hãy cứu chúng tôi," cùng hình ảnh và video cho thấy một số người đeo khẩu trang đang nằm trên giường, được cho là những công nhân Việt Nam nhiễm Covid-19 đang mắc kẹt ở Uzbekistan.

Ổ dịch trong khu công nhân người Việt

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Uzbekistan chiều 22/7, ông Dương Ngọc Hải, tự giới thiệu là quản lý nhóm công nhân Việt Nam 226 người cho hay khu tập thể nơi họ ở nay thực sự đã biến thành ổ dịch.
Ông Hải nói: "Kết quả mới nhận hôm 20/7 là 92 người dương tính với virus corona. Nhưng hầu hết vẫn ở chung với những người chưa bệnh trong khu tập thể nên có lẽ tất cả đã bị hết rồi."
"Khu này chỉ cách khu tập thể của công nhân chừng 200 - 300m, có thể đi bộ tới được. Hơn 20 người đầu tiên phát hiện nhiễm virus đã được đưa tới đó."
"Nhưng khu này không quạt, không điều hòa trong khi nắng nóng tới 41-42 độ C nên nhiều người dù bệnh cũng không muốn tới đó nằm. Họ muốn ở lại khu tập thể để được anh em chăm sóc và nghe ngóng tình hình anh em cập nhật thông tin chuyến bay về nước thế nào.
"Y bác sỹ không thăm khám thường xuyên. Khi mới tới khu này, chỉ có một y sỹ đến kiểm tra nhiệt độ, đo tim mạch. Sau đó họ cho người đưa cơm mang thuốc vào, chung với phần cơm, chứ bác sỹ không đưa thuốc. Trưa chiều đều thế.
"Hàng ngày chúng tôi phải lên công ty quản lý của chủ Trung Quốc để xin thuốc mà bây giờ thuốc cũng không đủ cho tất cả mọi người. Chỉ có 10 - 15 người có thuốc. Mà thuốc cũng chỉ là một gói thuốc giảm sốt, một viên thuốc khác bằng tiếng Nga tôi cũng không biết là thuốc gì."
"Phòng tôi có bốn người, tuần trước xét nghiệm kết quả âm tính. Nhưng nay chắc cũng bị hết rồi do ở chung khu với các anh em bị bệnh. Tôi chắc cũng bị bệnh rồi. Mấy hôm nay tôi thấy tức ngực, khó thở.
"Hiện giờ có khoảng 40 người trong số này có triệu chứng ho, tức ngực, sốt hơn 37 độ C," ông Hải nói.
Một suất cơm của công nhân Việt ở Uzbekistan
Nguồn hình ảnh, Bui Thanh Tung
Chụp lại hình ảnh, Một suất cơm của công nhân Việt ở Uzbekistan
Một trong những công nhân đang nhiễm Covid-19, anh Bùi Văn Tùng, sinh 1989, quê Thanh Hóa, hiện đang điều trị tại khu cách ly, nói với BBC News Tiếng Việt:
"Đây là khu cách ly tập trung. Công nhân bị bệnh từ các nước như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Ấn Độ… đều vào đây.
"Có tổng cộng năm dãy nhà, mỗi phòng hai người. Điều kiện của khu không tốt, không quạt, không điều hòa. Mỗi ngày người ta mang cơm đến rồi vứt ở ngoài 'như cơm chó', người bệnh tự động ra nhặt vào ăn chứ không ai mang vào cho. Cả năm dãy phòng này cũng đã kín chỗ."
Anh Tùng nói anh nằm tại khu cách ly này đã được một tuần. Hiện tại anh vẫn thấy mệt mỏi, rát họng. Anh được cho uống thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt.
"Cũng không có phác đồ điều trị gì cụ thể. Bên cạnh phòng tôi có phòng của người Uzbekistan và Ấn Độ bị sốt cao, khó thở, đã có xe cấp cứu đưa tới bệnh viện để dùng máy thở."
"Tôi sợ nếu cứ thế này thì nằm đây thêm một tuần nữa cũng sẽ chết hết. Hiện giờ tôi cảm thấy rất lo âu. Muốn cầu cứu chính phủ Việt Nam đưa chuyến bay nhân đạo để tôi có thể về nước điều trị. Khi tôi sang đây con tôi mới hai tháng tuổi, giờ đã tám tháng rồi," anh Tùng ngậm ngùi.
Anh Tùng cũng cung cấp cho BBC bức ảnh mấy chiếc giường đặt ngoài trời, và nói rằng đây là giường cho các anh em bị bệnh muốn vào khu cách ly nằm nhưng không có chỗ nên được cấp giường để 'nằm chờ' ngoài trời.
"Anh em đã nằm đó một đêm rồi," anh Tùng nói.
Giường kê nằm ngoài trời cho các công nhân Việt mắc Covid-19 để chờ có chỗ trong khu cách ly ở Uzbekistan
Nguồn hình ảnh, Bui Van Tung
Chụp lại hình ảnh, Giường kê nằm ngoài trời cho các công nhân Việt mắc Covid-19 để chờ có chỗ trong khu cách ly ở Uzbekistan

Bị nợ lương?

Ông Dương Ngọc Hải và anh Bùi Văn Tùng cùng hơn 200 công nhân khác, tất cả đều là nam giới trong độ tuổi 20-44. Họ đến từ nhiều vùng tại Việt Nam như Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tây, mới sang Uzbekistan được hơn năm tháng, thông qua công ty TNHH Giáo dục và Nghề nghiệp CEC có trụ sở tại Long Biên, Hà Nội.
Căn cứ vào Hợp đồng Cung ứng Lao động mà BBC được tiếp cận, ký ngày 19/1/2019, công ty CEC thỏa thuận cung ứng nhân lực cho Công ty China Petrolium Jili Chemical Engineering and Construction Co., Ltd (Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Hóa chất Dầu khí Cát Lâm, Trung Quốc - JCC) làm việc tại Uzbekistan với thời hạn một năm bốn tháng.
Anh Tùng cho hay tuy hợp đồng trên danh nghĩa là thông qua công ty CEC, nhưng trên thực tế công ty Bảo Sơn chi nhánh ở Hà Nội đưa người sang Usbekistan.
Còn theo ông Hải, hợp đồng làm là 16 tháng, nhưng khi sang tới nơi mới biết công trình tại Uzbekistan đã gần xong, chỉ đủ việc làm trong vài tháng.
Một số người thậm chí không có việc do không tìm được việc phù hợp với tay nghề. Một số khác chấp nhận làm công việc không phải tay nghề chính của mình thì bị chủ Trung Quốc tự động hạ lương.
Ông Hải nói với BBC rằng tới nay các công nhân đã nhận được lương cho hơn hai tháng. Số lương này được chủ Trung Quốc gửi về Việt Nam cho gia đình họ. Nhưng ba tháng lương còn lại thì không biết có nhận được không do từ khi nghỉ dịch Covid-19, mỗi ngày công ty trừ 14 đôla tiền ăn ở vào tiền lương của mỗi công nhân.
"Thời điểm dịch bệnh công ty chậm trả lương. Tháng thứ ba mới trả tháng thứ nhất. Do đó tháng nào công nhân Việt Nam tại đây cũng phải đình công một tuần để đòi lương," theo lời anh Tùng.
BBC News Tiếng Việt chưa liên lạc được với công ty chủ quản JCC của Trung Quốc để xác minh thông tin này.

'Chỉ mong được hồi hương'

Một suất cơm trong khu cách ly của công nhân Việt Nam tại Uzbekistan
Nguồn hình ảnh, Bui Thanh Tung
Chụp lại hình ảnh, Một suất cơm trong khu cách ly của công nhân Việt Nam tại Uzbekistan
Theo tường thuật của ông Hải, khi phát hiện những công nhân đầu tiên bị nhiễm bệnh, họ đã thông báo cho giám đốc công ty Bảo Sơn là ông Đặng Văn Tuấn để nhờ trợ giúp.
Nhóm công nhân có bàn bạc kế hoạch thuê máy bay để chở toàn bộ hơn 200 người về Việt Nam, với chi phí chia ba, công ty chủ quản JCC chịu một phần, công ty Việt Nam một phần và nhóm công nhân một phần. Tuy nhiên công ty Bảo Sơn không đồng ý.
Tâm nguyện của ông Hải, anh Tùng và các công nhân ở Uzbekistan hiện giờ chỉ là được về nước, được chăm sóc, cứu chữa.
Ông Hải nói: "Hiện giờ anh em rất buồn và thất vọng, hoang mang và lo lắng. Gia đình ở Việt Nam như ngồi trên đống lửa, mỗi lần gọi điện về lại khóc lóc. Hiện Uzbekistan có khoảng 18.000 ca bệnh. Mỗi ngày có từ 500 - 800 ca nhiễm mới nên chúng tôi rất lo lắng."
Về phản ứng của chính phủ Việt Nam với lời kêu cứu của các công nhân tại đây, ông Hải nói:
"Đất nước còn nghèo khó mà họ quan tâm được là tốt. Mình về là mang gánh nặng về, không mong nói xong là về được ngay... Chính phủ nói không bỏ ai phía sau, mong là đúng như vậy. Chúng tôi đang trông chờ thông tin tháng Tám được về là chính xác."
BBC đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về kế hoạch đón hơn 200 công nhân tại Uzbekistan về nước, nhưng chưa nhận được phản hồi.
BBC cũng cố gắng liên lạc với công ty CEC theo số điện thoại đường dây nóng đăng trên website. Nhưng số máy bàn không có ai bắt, trong khi số di động có một phụ nữ nghe máy và trả lời không liên quan gì tới công ty CEC. 

Nguồn tin: BBC Tiếng Việt