So sánh giá điện Việt Nam với nước khác là khập khiễng!

Hàng triệu gia đình rơi vào cảnh khốn khó vì đại dịch Covid-19 cũng không ngăn trở được việc tăng thu giá điện một cách bất cập của ngành điện lực độc quyền tại Việt Nam. Những dẫn chứng, so sánh với nước này, nước kia đều chỉ có tác dụng tố cáo sự gian trá, bao biện của chính quyền. Nhưng điều này nằm trong một logic hợp lý của hệ thống toàn trị. Họ không xem người dân là đối tượng phục vụ, mà cai trị người dân như một lực lượng chiếm đóng. Giữa việc thất thu ngân sách và việc người dân bị ảnh hưởng vì Covid-19, họ chỉ có một ưu tư làm sao để tăng thu và tận thu.

Nhân viên Công ty Điện lực lắp đặt đồng hồ điện cho các hộ dân ở một khu dân cư thành phố Hà Nội
Nhân viên Công ty Điện lực lắp đặt đồng hồ điện cho các hộ dân ở một khu dân cư thành phố Hà Nội

So sánh giá điện…

Sau khi có than phiền của người dân về hoá đơn tiền điện tăng vọt trong thời gian qua, truyền thông trong nước so sánh số tiền điện người dân Việt Nam phải trả trong một tháng với số tiền người dân ở Mỹ và châu Âu phải trả trong một tháng, quy ra tiền Việt.
Hóa đơn tiền điện quá cao so với thu nhập là điều người dân phàn nàn, trong khi ngành điện khẳng định giá bán điện không tăng.

Theo lý giải của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn lãnh đạo EVN với truyền thông trong nước, do số lượng điện EVN cung cấp chỉ đạt 40-50% nhu cầu sử dụng của người dân, số còn lại phải đi mua nên buộc phải tính lũy tiến nếu hộ nào xài nhiều. Đó là lý do càng xài nhiều thì càng phải mua điện với giá cao. Ông kêu gọi người dân tiết kiệm điện nếu muốn giá điện không tăng.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính giải thích vì sao ngành điện phải tính lũy tiến giá điện:

Bức xúc của người dân là số tiền điện phải thanh toán tăng cao mặc dù giá điện không tăng. Theo tôi, thứ nhất là mùa nóng người ta sử dụng nhiều năng lượng hơn với máy lạnh. Nhưng đặc điểm của giá điện khác với giá hàng hóa khác là theo lũy tiến, có nghĩa dùng càng nhiều thì giá càng tăng.
Mục đích của chính phủ thứ nhất là thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong xã hội có người giàu và người nghèo. Người giàu sử dụng nhiều điện hơn người nghèo cho nên giá tiền điện chia thành bậc. Những bậc đầu tiên thì giá thấp hơn giá bình quân.
Thứ hai là chính phủ khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Nhu cầu sử dụng điện tăng rất nhanh nhưng nguồn cung ứng không có khả năng đáp ứng cho nên phải tiết kiệm.
Chính phủ chỉ quy định giá điện bình quân thôi, còn Bộ Công thương phải xây dựng biểu giá điện sao cho bảo đảm hai mục tiêu. Một là an sinh xã hội, hai là tiết kiệm.”
So sánh rất là khập khiễng. Giá điện ở Mỹ so với thu nhập thì không cao. Thu nhập chung của người Việt Nam là thấp và trung bình thấp mà giá điện đòi bằng quốc tế thì bất cập, bất hợp lý. - PGS-TS Ngô Trí Long
Hiện Bộ Công thương đang đề xuất 5 bậc thang giá điện với giá thấp nhất là 1.549 đồng/kWh đến cao nhất là 3.105 đồng/kWh. Trao đổi với truyền thông trong nước, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ như tại Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần.

Trong khi đó, báo chí trong nước có những bài viết so sánh số tiền người dân các nước như Anh, Mỹ, Đức phải trả tương đương hoặc cao hơn số tiền người Việt đang trả trong nước, như người Mỹ trả khoảng 3,2 triệu đồng/tháng; người Đức trả khoảng 2,3 triệu đồng/tháng; người Anh trả 2 triệu đồng/tháng.

PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng càng so sánh, biện minh lại càng tối:

Đằng sau tất cả những so sánh đó chẳng qua có lợi hay không có lợi thôi. Kiểu như khi nào tôi so sánh mà có lợi cho tôi thì tôi so sánh, khi nào so sánh mà không có lợi thì lơ đi không so sánh nữa. Ai chả biết điều đó!
Một khi con đường họ đang đi là con đường mờ mịt thì mọi chuyện càng biện luận thì càng tối thôi, không sáng lên tí nào cả. Tất cả sự cố gắng biện minh đều làm nó tăm tối thêm thôi.”

Chỉ lấy một ví dụ nhỏ, theo Nghị định 90/2019 của Chính phủ, mức lương tối thiểu của lao động Việt Nam vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng; vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng. Trong khi mức lương tối thiểu của một công nhân ở thủ đô Washington, DC là 14 USD/giờ mà giá điện chỉ 13,78 cents/kWh. Tức làm một giờ họ mua được hơn 101 kWh điện.

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, báo trong nước so sánh như thế là khập khiễng:

Bên Mỹ giá điện rẻ hơn Việt Nam, đặc biệt so với thu nhập. Thế nhưng tình hình như vậy mà ngành điện vẫn yêu cầu nâng giá điện vì so với giá điện quốc tế vẫn chưa bằng. So sánh rất là khập khiễng. Giá điện ở Mỹ so với thu nhập thì không cao. Thu nhập chung của người Việt Nam là thấp và trung bình thấp mà giá điện đòi bằng quốc tế thì bất cập, bất hợp lý. Nói chung thì chi phí về năng lượng cho sinh hoạt bên Mỹ rẻ hơn ở Việt Nam nhiều cho nên giá điện ở Việt Nam là bất hợp lý.”

Sao không sao sánh nhân quyền?

Ngoài chuyện so sánh giá điện để chứng minh người Việt Nam đóng tiền điện không nhiều so với thế giới, giới lãnh đạo cũng có so sánh về tình hình an ninh chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước khác.

Mới hôm 8 tháng 6, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam. Hay hôm 13 tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh, cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước.

Tuy vậy về tình hình nhân quyền, mỗi khi lãnh đạo Hà Nội bị chất vấn đều cho rằng Việt Nam có đặc thù riêng, không thể theo chuẩn mực nhân quyền của quốc tế. Dân chủ của Việt Nam có bản sắc riêng, là dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo.
Một mặt thì ký những văn bản liên quan đến nhân quyền khi tham gia vào Liên Hiệp Quốc, một mặt lại trả lời là nhân quyền của chúng tôi có những đặc thù riêng, có những vấn đề riêng. - PGS-TS Hoàng Dũng
PGS-TS Hoàng Dũng nêu nhận định về việc này:

Thật ra nếu anh nói anh hiểu nhân quyền riêng theo cách của anh thì không có gì để nói. Nhưng khi nói đến nhân quyền thì người ta phải công nhận một cái giá trị phổ quát. Mà cái giá trị phổ quát đó thật ra Việt Nam đã công nhận vì Việt Nam đã ký các văn bản với Liên Hiệp Quốc.

Một mặt thì ký những văn bản liên quan đến nhân quyền khi tham gia vào Liên Hiệp Quốc, một mặt lại trả lời là nhân quyền của chúng tôi có những đặc thù riêng, có những vấn đề riêng. Chẳng qua họ muốn tránh né việc ở Việt Nam một số gái trị của con người bị xâm phạm. Chừng nào còn tránh né như vậy, chừng nào không công nhận một giá trị phổ quát về quyền con người thì chừng ấy, những hành động trái với đạo đức và pháp lý vẫn còn cơ hội, vẫn còn chỗ tồn tại trong đất nước này.” 

Báo cáo nhân quyền mới nhất được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 3 gồm 7 phần, bao gồm tôn trọng con người, tôn trọng các quyền tự do dân sự, bầu cử tự do, tham nhũng và minh bạch, phản ứng của chính phủ Việt Nam với các cáo buộc và điều tra của quốc tế về vi phạm nhân quyền, phân biệt đối xử và buôn người, quyền của người lao động. Trong tất cả các phần này, Việt Nam đều bị chỉ trích có những vi phạm, mức độ nghiêm trọng tùy theo từng phần.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt