Tại Châu Âu, nước Nga đang dần chuyển thành vùng tâm dịch Covid-19 khi số ca lây nhiễm tăng cao thời gian gần đây. Bên cạnh với tác động kép của cuộc khủng hoảng giá dầu lửa, tình hình kinh tế nước Nga sẽ còn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và chính quyền Putin không thể là giải pháp. Nhìn sang cộng đồng người Việt tại Matxcơva, 70-80 % làm việc ở các
khu chợ, bán buôn quần áo, giày dép, đồ tiêu dùng...nên hầu như không có việc làm kể từ tháng 3 cho đến hiện tại. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, "cộng đồng người Việt tương trợ nhau rất tốt.
Có nhiều người nghèo, nhưng họ được các quỹ khác nhau giúp đỡ, giúp mua
thực phẩm và thuốc."
People buy vegetables at a street market on the outskirts of Moscow on April 11, 2020.AFP - KIRILL KUDRYAVTSEV
Dịch Covid-19 đẩy phần lớn cộng đồng người Việt tại
Matxcơva vào cảnh thất nghiệp : « Ai cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng
không một ai chết đói hay bị vất ra đường » như ghi nhận của thông tín
viên Hoàng Dung tại thủ đô nước Nga. Về mặt y tế, tỷ lệ bị lây nhiễm
virus corona trong cộng đồng bị đánh giá là khá cao. Người Việt tại
Matxcơva là nạn nhân kép của đại dịch.
Tính cho đến ngày 14/05/2020
tại Nga đã có hơn 250.000 ca nhiễm Covid-19 và trên 2.300 người thiệt
mạng theo các thống kê chính thức. Về mặt y tế, trong hơn một chục ngày
liên tiếp của đầu tháng 5/2020, mỗi ngày Nga ghi nhận thêm hơn 10.000
trường hợp dương tính với virus corona.
Tránh dùng cụm từ « phong
tỏa » nhưng tổng thống Vladimir Putin đã cho « cả nước nghỉ việc ăn
lương » kể từ ngày 01/04/2020. Biện pháp này chỉ được dỡ bỏ một phần hôm
12/05/2020.
Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế và làm xáo trộn trong đời sống của gần 150 triệu dân Nga.
Riêng cộng đồng người Việt tại Matxcơva là những nạn nhân kép của khủng hoảng lần này. Thông tín viên Hoàng Dung cho biết :
Hoàng Dung : Khi
kinh tế dừng lại, chỉ có những ngành cần thiết cho hoạt động của xã hội
được phép làm việc thôi, đã dẫn tới một vấn đề : rất nhiều người bị mất
việc làm, đặc biệt là những người bán hàng ở chợ, ở những trung tâm
thương mại hay trong ngành dịch vụ … Giờ đây họ không có việc làm. Người
ta cho rằng sau khi được quyền mở cửa trở lại, 1/3 các dịch vụ như nhà
hàng, quán cà phê … bị xóa sổ ; một nửa các tiệm quần áo, đồ tiêu dùng
cũng vậy. Lý do là sau hơn một tháng phải ngừng hoạt động họ không đủ
sức trang trải cho các chi phí vẫn phải gánh chịu trong thời gian qua.
Hậu quả kèm theo là số lượng người thất nghiệp tăng vùn vụt. Chính vì
khó khăn kinh tế đánh vào tầng lớp dân nghèo và có thu nhập trung bình
thấp, cho nên vừa rồi, tổng thống Putin đã đưa ra một loạt các biện pháp
cứu trợ kinh tế cho những người bị thiếu hụt, đặc biệt là cho những
gia đình đông con. Nga không đủ giàu để phát tiền cho tất cả mọi người
như nước Mỹ, nên chỉ nhắm vào những đối tượng rất là nghèo và gặp khó
khăn lớn : Chẳng hạn như người già, người về hưu, những hộ gia đình có
thu nhập thấp và con nhỏ… Người thất nghiệp sẽ được nhận một khoản tiền
tối thiểu nữa để sinh sống. Ngoài ra, một số ngành nghề bị tác động nặng
nề cũng sẽ được vay tiền và sẽ được trợ cấp để trả lương tối thiểu cho
nhân viên, tức khoảng 300 đô la/người, tránh sa thải hàng loạt.
RFI :Trong một tháng rưỡi các sinh hoạt chỉ được giữ ở mức tối thiểu, thì cụ thể là đời sống tại Matxcơva ra sao thưa chị ?
Hoàng Dung :Suốt
từ cuối tháng 3/2020 khi nước Nga bắt đầu áp dụng các biện pháp an
toàn, chống Covid-19 lây lan, tất cả các khu chợ và trung tâm thương mại
đóng cửa. Chỉ có các cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc được hoạt động.
Ngoại trừ hai lĩnh vực này, nhân viên không có việc làm. Bây giờ, tức là
từ ngày 12/05/2020 mới có một số cửa hàng về điện thoại … hay một vài
ngành khác được mở cửa lại. Vì vậy, số người thất nghiệp trong những
tuần qua đã rất lớn.
RFI :Cộng đồng
người Việt ở Matxcơva chủ yếu tập trung vào các dịch vụ mua bán ở các
khu chợ, nhà hàng vậy chắc là bị tác động nhiều ?
Hoàng Dung : Đặc
biệt trong cộng đồng người Việt tại Matxcơva, 70-80 % làm việc ở các
khu chợ, bán buôn quần áo, giày dép, đồ tiêu dùng …Vì thế có thể nói
cộng đồng người Việt không có việc làm trong suốt thời gian từ cuối
tháng 3/2020 đến nay. Nhưng có điều, người Việt tương trợ nhau rất tốt.
Có nhiều người nghèo, nhưng họ được các quỹ khác nhau giúp đỡ, giúp mua
thực phẩm và thuốc.
RFI :Các quỹ thiện nguyện đó trong cộng đồng hoạt động thế nào vào giúp đỡ lần nhau dưới những hình thức nào ?
Hoàng Dung :Các
hiệp hội tương trợ những người bị dịch bệnh và những ai bị khó khăn vì
tác động của Covid-19 là những nhóm tự phát. Mọi người liên hệ với nhau
qua hệ thống Viber. Người nọ giới thiệu cho người kia. Mọi người đóng
góp cho hội tương trợ nạn nhân Covid-19. Còn về hình thức giúp đỡ, thì
có từ khâu dịch thuật, khi bệnh nhân cần liên lạc với bệnh viện, bác
sĩ ; cũng có những người giúp tư vấn về thuốc. Còn những trường hợp
nghèo đói quá thì được giúp để mua thực phẩm. Những người mất nhà ở thì
cộng đồng giúp đỡ, tìm cách cưu mang … Nói chung, ở thời điểm này, người
Việt gặp rất nhiều khó khăn : ai cũng không có việc làm, ai cũng không
có thu nhập. Nhưng không có ai bị chết đói hay bị vất ở ngoài đường hết.
RFI :Người Việt có bị nhiễm virus corona nhiều không thưa chị Hoàng Dung ?
Hoàng Dung : Có
thể nói số người Việt bị nhiễm trong đại dịch này khá là cao về mặt tỷ
lệ so với cả người Nga. Đến nay Nga không có thống kê là sắc tộc nào bị
nhiễm, bởi vì ai bị nhiễm virus corona đều được cứu giúp như nhau, được
đưa vào bệnh viện điều trị miễn phí như nhau. Cho nên không có cơ quan
nào đưa ra thống kê về số ca lây nhiễm hay tử vong tùy theo sắc tộc. Tuy
nhiên theo thông tin trong cộng đồng, mọi người thông báo cho nhau
biết, thì số ca nhiễm là khoảng vài trăm người và khoảng 20 chục trường
hợp tử vong. Suốt cuối tháng 4/2020, ngày nào cũng có cáo phó và đó là
những người chết vì Covid-19. Trong số những người thiệt mạng, có cả các
vị cao niên, nhưng cũng có những người còn rất trẻ, mới 28-29 tuổi
thôi. Rất may là gần một tuần lễ trở lại đây, không thấy có thêm người
nào qua đời về dịch bệnh.