Địa chính trị: Sau đại dịch Covid-19 sẽ là khủng hoảng quân sự? (Tú Anh)

Đúng là trật tự thế giới xây dựng với ảnh hưởng của Mỹ từ sau Thế Chiến thứ hai, không còn thích nghi với tương quan lực lượng trong thế kỷ 21. Nhưng thế giới có cần lo lắng về một siêu cường Trung Quốc đang lên sẽ hung hăng hơn và giành lấy quyền lãnh đạo thế giới khỏi tay nước Mỹ bởi vì tham vọng bá quyền của một nước độc tài toàn trị? Có lẽ câu trả lời lạc quan hơn. Trung Quốc từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra đã rất khốn đốn vì núi nợ công khổng lồ hơn 400% tổng sản lượng GDP quốc gia, tăng trưởng sút giảm bên cạnh những vấn đề ngày một nghiêm trọng về môi trường, cơ cấu dân số… Đã vậy, Trung Quốc còn phiêu lưu theo dự án “vành đai, con đường”, để tận dụng hết những phương tiện dư thừa và một lực lượng đông đảo nhân công trong kỹ nghệ xây dựng, đi vay tiền để cho các nước khác vay. Hậu đại dịch Covid-19, chế độ CSTQ chắc chắn sẽ co cụm lại để xử lý những vấn đề nội bộ của nó. Đó là logic hành động của một đế quốc, Trung Quốc cũng sẽ nằm trong logic này. 

Dù vậy, thế giới cần lo lắng trước một kịch bản sụp đổ của Trung Quốc với một hậu quả khó lường như một thùng thuốc súng được châm ngòi của hơn một tỷ dân Trung Quốc. Giữa lúc này, chúng ta càng cần sự sáng suốt, lòng dũng cảm và tinh thần liên đới giữa các nước dân chủ với nhau. Joe Biden - Ứng cử viên tổng thống Mỹ nhiệm kì 2020 của đảng dân chủ, đã đăng một bài xã luận dài trên tạp chí Foreign Affair để lý giải tại sao nước Mỹ phải giành lại vai trò lãnh đạo thế giới sau một nhiệm kì thoái lui toàn bộ America First dưới thời Donald Trump, và giương cao ngọn cờ dân chủ và nhân quyền để làm nền tảng cho những chính sách tiếp theo. Nước Mỹ sẽ hoà giải với thế giới nhưng trật tự thế giới mới sẽ không còn là một trật tự cũ mà ở đó các nước đi theo quyết định của nước Mỹ nữa. Trật tự thế giới mới sẽ là một liên minh giữa các nước dân chủ với nhau, đặt trên một nền tảng nhân quyền, và nước Mỹ vẫn sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong liên minh này. Hiển nhiên, liên minh này có sức mạnh áp đảo để kiềm chế chế độ CSTQ và xây dựng một kịch bản để chuẩn bị cho sự sụp đổ của chế độ CSTQ một cách hoà bình.

Tầu sân bay Charles de Gaulle đuy nhất của Pháp neo ở cảng Toulon (miền nam) sau khi phát hiện virus corona trên tầu. Ảnh chụp ngày 16/04/2020.

Hệ quả đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, kinh tế, địa chính trị là những chủ đề chính trên Le Monde, phát hành sớm một ngày. Tất cả các đồng nghiệp khác đều nghỉ lễ Lao động 01/05/2020.

Kinh tế Pháp bị cú "sốc" chưa từng có, GDP sụt 5,8% trong quý I. Kinh tế Đức suy thoái nghiêm trọng, dự báo GDP sẽ giảm 6,3% trong năm 2020, một kỷ lục trong lịch sử Cộng Hòa Liên Bang. Trong khi đó, đại dịch vẫn tiếp diễn với những biến chứng mới được phát hiện: gây viêm cơ tim cho trẻ em.

Trẻ em: Nạn nhân mới của Covid-19

Báo động triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em. Ngày 27/04, các bệnh viện nhi đồng ở Paris thông báo tin này với bộ Y Tế nghi ngờ có quan hệ nhân quả với siêu vi SARS-CoV-2. Cùng ngày, hệ thống bệnh viện Nhà nước Anh cũng báo động về triệu chứng viêm Kawasaki. Libération nghỉ lễ nhưng kịp bổ sung thông tin mới nhất trên mạng : Bệnh viện công, qua cuộc họp báo chiều nay, xác nhận quan hệ nhân quả giữa Covid-19 và viêm cơ tim.

Từ ngày 15/04 đến nay, sau hai tuần ở Pháp, Bỉ, Anh, Ý, ẩn số đã được giải đáp. Tất cả 21 trẻ em nhập viện ở Paris bị suy tim bất thường đều có dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài suy tim, các bệnh nhân thiếu nhi còn bị viêm mắt, sưng ngón chân, bàn tay, vỡ da... gần giống như triệu chứng mà bác sĩ Nhật Kawasaki mô tả vào năm 1967.

Đại dịch : Lợi dụng thời cơ thực hiện tham vọng bá quyền  

Dịch Covid-19 còn là cơ hội để nhiều nước biểu dương lực lượng. Cho dù chương trình tập trận tạm ngưng nhưng quân đội vẫn chứng tỏ đang ứng chiến.

Le Monde điểm qua một loạt hành động phô trương thanh thế trên khắp địa cầu trong tháng Tư vừa kết thúc. Hùng hổ nhất Trung Quốc, sau khi gây sự với tàu Việt Nam và Nhật Bản, một hạm đội  Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào vùng Biển Đông. Để cảnh cáo Trung Quốc, Mỹ đưa 5 pháo đài bay chiến lược đến đảo Guam, nhưng sau đó rút về, làm các nước châu Á lo âu.

Tại Trung đông, Iran có một số hành động hù dọa lực lượng Mỹ trong Vịnh Ba Tư trước khi phóng lên không gian một vệ tinh quân sự.

Hải quân Pháp, bị chỉ trích sơ suất để hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tê liệt vì siêu vi, khẳng định là lực lượng nòng cốt bảo vệ quốc gia.

Cũng tại châu Âu, Liên Minh NATO phải đưa máy bay lên ngăn chận hai chiến đấu cơ Nga hung hăng áp sát hàng không mẫu hạm Mỹ USS Donald Cook ở ngoài khơi Litva. Matxcơva cũng loan báo lần đầu tiên trong lịch sử thả lính dù xuống Bắc Cực từ độ cao 10.000 mét.

Châu Âu coi chừng bị trễ một cuộc chiến

Song song với các hoạt động quân sự, chiến tranh mạng cũng sôi động không kém. Bị tố gây ra đại dịch, Trung Quốc chọn thái độ cứng rắn phản ứng lại mà cụ thể là qua chiến dịch tuyên truyền theo kiểu một chiều, phản dân chủ. Theo Le Monde, Trung Quốc là nước duy nhất lợi dụng đại dịch, biểu dương sức mạnh ở Biển Đông với mưu đồ rõ rệt : tuyên bố thành lập quận huyện trên quần đảo Trường sa và Hoàng sa là một quyết định chính trị, một hành động xâm lược.

Trong khi đó, châu Âu là nơi bị thiệt hại sinh mạng nặng nhất và với số người lâm bệnh lên đến hàng triệu vì Covid-19. Chuyên gia Bruno Tertrais khuyến cáo coi chừng bị trễ một cuộc chiến : Bởi vì sau khủng hoảng y tế, lần tới sẽ là khủng hoảng quân sự.

Câu hỏi đặt ra là châu Âu phải làm gì ngay bây giờ ? Trong khi Tây phương lo tìm khẩu trang, thì những cường quốc chiến lược như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tầm nhìn xa, thúc đẩy quân bài của họ đi tới phô trương gân bắp. Đã đến lúc các nền dân chủ phải có chiến lược lâu dài, theo khuyến cáo của chuyên gia địa chính trị Bruno Tertrais.

Một thế giới mới hậu đại dịch : Mọi chỉ số đều xấu

Đại dịch Covid-19  tác động mạnh làm biến đổi môi trường địa chính trị một cách triệt để. Vậy thì, thế giới hậu đại dịch có tốt hơn thế giới hiện nay hay không ? Châu Âu phải làm gì trong thế giới đa cực đang chao đảo vì sự trỗi dậy của  Trung Quốc ?  

Le Monde nhắc lại là câu hỏi này đã được nêu lên từ hai tháng nay nhưng tìm cách trả lời là chuyện phiêu lưu. Tương lai ai biết ra sao vì ai biết đại dịch kéo dài đến khi nào và làm cách nào để chiến thắng ?

Tuy nhiên, tác giả bài xã luận cho là ngay từ bây giờ đã có thể rút ra một số bài học về tổ chức thế giới. Thứ nhất, trật tự thế giới xây dựng với ảnh hưởng của Mỹ từ sau Thế Chiến thứ hai, không còn thích nghi với tương quan lực lượng trong thế kỷ 21. Trước đại dịch, trật tự này đã lung lay rồi, có người nói nó lung lay từ khi thế giới Cộng sản sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Liên xô tan rã, Trung Quốc vuơn lên làm chao đảo một thế cân bằng dựa trên tương quan lực lượng Mỹ-Liên Xô.

Khủng hoảng y tế cho thấy rõ là sức mạnh của Trung Quốc làm tan vỡ hệ thống trật tự cũ. Thái độ chậm chạp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trì trệ báo động nguy cơ đại dịch với cộng đồng quốc tế cho thấy bàn tay của Trung Quốc khuynh đảo cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách can thiệp thường trực vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Xung khắc Mỹ-Trung lên đến mức hai bên chỉ lo tố cáo lẫn nhau gieo rắc siêu vi, hơn là tập trung năng lượng để lo sức khỏe cho công dân mình. Bài học khác, là Hoa Kỳ không đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20. Từ vài năm gần đây, Washington ngày càng do dự.

Còn châu Âu ? Bị Mỹ bỏ rơi, bị Trung Quốc dòm ngó, bị Nga hục hặc, châu Âu vẫn tin vào một thế giới đa cực .

Muốn vậy, cần phải xây dựng một thế giới hậu Covid-19. Phải bắt tay vào việc ngay từ bây giờ, tổ chức tái thiết kinh tế chung, trong tinh thần đoàn kết và dứt khoát, Le Monde kết luận.

Nguồn tin: RFI