Ảnh minh họa: ĐBQH Lê Thanh Vân
Ảnh minh họa: ĐBQH Lê Thanh Vân
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, tại buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 12/5 cho biết: Sau quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, bôi nhọ nền tư pháp và Chánh án TAND Tối cao.

Cụ thể theo ông Nguyễn Trí Tuệ được truyền thông trong nước trích dẫn nguyên văn, cho rằng: “Nguy hiểm hơn nữa là một vài đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) phát biểu không đúng những nội dung của vụ án, đưa ra những ý kiến chủ quan dựa trên những thông tin trên mạng xã hội làm cho vấn đề phức tạp thêm.”

Không lâu sau đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đã lên trang Facebook cá nhân viết đáp trả: “Tôi tìm mãi trong Hiến pháp cùng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta, để tìm xem có quy định nào cho phép Phó Chánh án TAND Tối cao được "kết tội" ĐBQH là phát ngôn "nguy hiểm" khi họ thực hiện quyền giám sát của mình không, nhưng tìm không ra. Phải chăng ông Nguyễn Trí Tuệ tự cho mình cái quyền nhân danh cơ quan xét xử để phán quyết ý kiến của ĐBQH - người mà Hiến pháp trao sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân?”

Không chỉ ĐBQH Lê Thanh Vân dùng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng ngoài lên tiếng tại nghị trường, cũng thường trang Facebook để lên tiếng về những vấn đề bức xúc trong xã hội.

Qua sự việc này cho thấy Facebook trở thành nơi mà các quan chức bày tỏ quan điểm, các vị lãnh đạo thừa nhận việc sử dụng mạng xã hội của mình.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này qua tin nhắn hôm 13/5, Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện sinh sống ở Sài Gòn, nhận định:

“Tôi tin rằng, đến thời điểm hiện nay thì trang mạng xã hội Facebook đã chiếm lĩnh một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Không chỉ giúp công chúng truyền thông đi những thông điệp mà mình muốn gởi đến cộng đồng, mà nó đã có thể khuynh đảo xã hội, tạo nên quyền lực mạnh mẽ bên cạnh những quyền lực truyền thống như lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông của chính quyền... Vì thế, nó mau chóng được các đại biểu Quốc hội tận dụng để làm phương tiện bày tỏ quan điểm đến với công chúng theo cách nhanh nhất, lan tỏa nhất và dĩ nhiên, hiệu quả nhất.”

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân dùng trang Facebook cá nhân của mình để phát biểu quan điểm đánh giá về phán quyết của Hội đồng Thẩm phán - Tòa án Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải là chứng cứ minh chứng.
Không chỉ phản bác vị Phó Chánh án TAND Tối cao, ĐBQH Lê Thanh Vân còn giải thích rõ, ông rất thận trọng khi viết status trên Facebook, khi xem xét một vấn đề nào đó bao giờ cũng xem xét nhiều chiều, điều gì hiểu rõ ràng thì nói, điều gì chưa rõ ràng thì không nói.
Từ Sài Gòn hôm 13/5, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cho RFA biết ý kiến của mình:
“Tôi đánh giá hai ông này (ĐBQH Lê Thanh Vân và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng) tiến bộ hơn các đồng chí của ổng, ví dụ như ông Võ Trọng Việt không biết sử dụng Facebook và còn đòi kéo đám mây điện toán gì đó về VN rất buồn cười. Thứ hai, việc ông Nhưỡng và ông Vân sử dụng Facebook, điều đó đồng nghĩa rằng chính các ổng là đảng viên, là người đại diện cho dân, cũng bị bóp nghẹt tự do ngôn luận, mà các ông buộc phải nói. Đó là điều để cho mọi đảng viên, thấm thía, tự do ngôn luận, tự do báo chí quan trọng như thế nào trong bối cảnh xã hội VN nhiều chục năm qua. Chắc chắn ông Nhưỡng và ông Vân đã được báo chí phỏng vấn rồi, xoay quanh vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, tuy nhiên chưa nói được hết các ý bởi vì nền báo chí kiểm duyệt gắt gao, cắt xén hết những gì đụng chạm tới sự thật, đụng chạm tới chế độ.”

Một ý nữa theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, khi ông Nguyễn Trí Tuệ nhậm chức Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, tức là do Quốc hội phê chuẩn. Điều này có nghĩa là ông Vân và ông Nhưỡng có góp phần trong đó và bây giờ họ phải nhớ lại câu thành ngữ ‘gậy ông đập lưng ông’. Chính ông Nhưỡng và ông Vân là một trong năm trăm người bổ nhiệm ông Tuệ, tức là ông Tuệ là cấp dưới, mà bây giờ dám chụp mũ các ổng ăn nói nguy hiểm. Điều đó theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, là một điều cay đắng cho hệ thống chính trị và nhà nước pháp quyền gọi là xã hội chủ nghĩa.

Phiên giám đốc thẩm y án tử hình anh Hồ Duy Hải. Screen Capture of CAND
Phiên giám đốc thẩm y án tử hình anh Hồ Duy Hải. Screen Capture of CAND
Nhà báo tự do Sương Quỳnh, hiện sống ở Sài Gòn, hôm 13/5 cho RFA biết ý kiến của mình về việc các ĐBQH trình bày quan điểm trên Facebook:

“Theo tôi đó là một sự tiến bộ, như vậy họ đã biết có một số đại biểu Quốc hội có lòng với nhân dân, họ phải dùng mạng xã hội để lên tiếng, tức là họ muốn được sự ủng hộ của người dân, điều đó rất tốt và tích cực. Thật sự thì xưa nay, cũng đã có một số cán bộ dùng mạng xã hội để đưa ra thông tin nội bộ nhá ra, để dùng dư luận của nhân dân đánh nhau. Nhưng bây giờ ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Mạnh Hà, và một số ĐBQH đã dùng mạng xã hội để đối thoại, để đưa ý kiến của mình. Mặc dù họ rất dè dặt, nhưng như thế là tốt, vì họ đã lên mạng, họ đọc, họ hiểu những người dân có những tiếng nói như thế nào... Và như thế sẽ mở rộng được tiếng nói mà họ tiếp nhận từ chính người dân.”

Tại Việt Nam, việc cán bộ công chức sử dụng mạng xã hội thường không được khuyến khích, dù chưa có luật quy định cụ thể trừ ngành công an. Theo Thông tư 27 của Bộ Công an, quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân như: cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không giới thiệu, sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu đơn vị công an lên các trang mạng xã hội, ví dụ Facebook, Instagram…

Một số tỉnh thành cũng có những quy định cấm hay hạn chế việc cán bộ sử dụng Facebook. Đơn cử như trường hợp Chủ tịch tỉnh Cà Mau cấm cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh này, sử dụng các trang mạng xã hội khi trao đổi thông tin, xử lý công việc hành chính của cơ quan, đơn vị.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, một số tổ chức, cá nhân sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… với dụng ý xấu, đưa thông tin không đúng sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây dư luận không tốt trong nhân dân...

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho biết thêm:

“Tôi nghĩ qua sự việc quá chấn động này, đến nỗi ngay cả những đại biểu quốc hội như ông Nhưỡng và ông Vân phải lên tiếng... thì có thể sắp tới Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam sẽ ban hành thêm điều thứ 20, những điều đảng viên không được làm, đó là đảng viên không được sử dụng Facebook, và nếu điều này xảy ra nói sẽ trở thành trò cười bởi vì nó càng bộc lộ tự do ngôn luận, tự do báo chí bị bóp nghẹt. Và tôi tin chắc rằng, nếu Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu tất cả đảng viên, ĐBQH không được sử dụng Facebook, thì đó là một yêu cầu bất khả thi... Và nó càng phơi bày ra một chế độ độc đảng toàn trị và một chế độ luôn luôn dối trá và bóp nghẹt thông tin.”

Trở lại với phát biểu của ĐBQH Lê Thanh Vân liên quan tử tù Hồ Duy Hải. Ông cho biết dưới góc nhìn của ông trong vụ án Hồ Duy Hải, là sự tuân thủ pháp luật, một số người hiểu nhầm cho rằng ông nói về sự tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự đồng nghĩa với việc bảo vệ cho Hồ Duy Hải. Hiểu như vậy là không đúng. Việc hiểu sai như thế mới là sự lạm dụng xuyên tạc, bịa đặt. Ông chỉ đưa ra quan điểm của mình trong đó không hề bao che, biện hộ hoặc tìm những chứng cứ trên mạng xã hội. Nếu ai nói ông dựa trên thông tin từ mạng xã hội để phát biểu về vụ án Hồ Duy Hải thì đó là sự bịa đặt.

Liên quan đến quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, Nhà báo tự do Sương Quỳnh, nhận định:

“Cái phán quyết vừa rồi của 17 thẩm phán do ông Nguyễn Hòa Bình chủ trì thì người dân như tôi, đã từng đấu tranh, đã từng lên tiếng cho Hồ Duy Hải cách đây sáu bảy năm, thì ngày hôm nay khi nghe phán quyết giám đốc thẩm của ông Nguyễn Hòa Bình, thì chúng tôi rất hẫn nộ, vì đấy là chà đạp lên pháp luật. Họ làm điều đó trong khi có rất nhiều chứng cứ cho thấy sai phạm trong quá trình điều tra. Thậm chí, có cả những bài báo cũ đưa ra hẳn nghi phạm là Nguyễn Văn Nghị, mà họ rút hồ sơ không làm mà phải dứt khoát là Hồ Duy Hải phải nhận tội này. Điều này cho thấy ngay đó là sự oan khuất. Cho dù khẳng định là Hồ Duy Hải, vậy tại sao không lật hồ sơ và điều tra lại, khi đầy đủ tình tiết luật sư đã đưa ra, và họ chứng minh rằng vi phạm luật tố tụng, nhưng họ vẫn bao che cho nhau. Bởi vì nếu không tuyên như vậy thì phải điều tra lại và đưa ra xử án những người sai phạm... và ông Nguyễn Hòa Bình chính là người đã ký bác đơn kháng án của Hồ Duy Hải, mà ổng bây giờ lại bác tiếp, thì làm sao mà công bằng được, và sự phán quyết đó gây phẫn nộ vô cùng, trong đó có tôi.”

Nhà báo Sương Quỳnh cho biết, hôm 9/5 Chị cùng các tổ chức Xã hội dân sự và các cá nhân đã ký tên trong Tuyên bố “Yêu cầu làm rõ sự thật về vụ án Hồ Duy Hải”. Cụ thể, yêu cầu ĐCSVN nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến vụ án này và làm mọi việc có thể làm để buộc các cơ quan dưới sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSVN phải làm rõ tất cả sự thật liên quan đến vụ án này; yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khởi tố vụ án làm mất chứng cứ và sai lệch hồ sơ, di lý Hồ Duy Hải ra Hà Nội để điều tra; yêu cầu Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội xem xét lại vụ án...

Dù hiện nay chưa nhiều vị ĐBQH, những người được cho là đại diện cho tiếng nói của người dân, dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo nhà báo tự do Sương Quỳnh, đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy họ có lên mạng xã hội, họ đọc, họ hiểu những người dân có những tiếng nói như thế nào... Và như thế sẽ mở rộng được tiếng nói mà họ tiếp nhận từ chính người dân.

Chính vì Facebook trở nên ngày càng phổ biến, vừa qua những công ty viển thông thuộc nhà nước Việt Nam trong thời gian qua tìm cách gây khó khăn cho việc truy cập vào Facebook buộc tập đoàn này phải chịu nhân nhượng những yêu cầu của Hà Nội.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt