Tương lai nào sau Covid-19? (Nguyễn Gia Kiểng)

Việt Nam cho đến nay có vẻ là một trong những nước may mắn nhất. Đại dịch Covid-19 hình như tha cho nước ta. Tuy vậy sẽ là một sai lầm lớn, rất lớn, nếu vui mừng vì đất nước thoát hiểm. Thực ra có lẽ chúng ta là nước bị thiệt hại nhất vì Covid-19. (Nguyễn Gia Kiểng)
 

Một nửa nhân loại bị câu lưu. Mọi hoạt động ngừng lại hoặc chậm lại. Nhiều ngàn người chết mỗi ngày. Thiệt hại kinh tế đã rất bất ngờ và lớn hơn hẳn cuộc khủng hoảng 2008 dù vẫn còn đang tăng vụt. Donald Trump không phải là người lãnh đạo quốc gia duy nhất đánh giá sai sức tàn phá của đại dịch Covid-19. Cho đến đầu tháng 03-2020 các nước Tây Âu vẫn không thể ngờ rằng chỉ một tuần sau họ sẽ trở thành trung tâm của dịch và phải ngừng gần hết mọi hoạt động. Bây giờ đến lượt Mỹ.

Một bài học khiêm tốn đắt giá

Điều đầu tiên đáng nói là thảm họa này không do một sai lầm của con người, dù là các chính quyền hay các thế lực tài phiệt, như trong quá khứ. Cuộc khủng hoảng 1929 – 1933 đã do lòng tham của các ngân hàng lớn và sự thiển cận của chính sách America First (nước Mỹ trước hết) của chính quyền Harding – Coolidge mà Donald Trump đang lặp lại. America First đã là khẩu hiệu tranh cử của Harding với kết quả là một thảm kịch cho cả thế giới lẫn chính nước Mỹ). Hai cuộc Thế Chiến I và II là do chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (nationalism) của các chính quyền quân phiệt, phát xít, quốc xã. Nội chiến Việt Nam 1945 – 1975 đã do sự mê muội của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và nhóm cầm quyền trong Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cuộc khủng hoảng 2008 gần đây đã là hậu quả của chủ nghĩa Tân Phóng Khoáng (Neoliberalism) được đẩy quá xa từ thời Bill Clinton. Covid-19 không như thế. Không ai muốn cũng chẳng ai gây ra. Nó là một thiên tai tự nhiên mà đến và sẽ giết chết cả triệu người và phá hủy thành quả kinh tế của hàng chục năm. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống trên trái đất này rất mỏng manh, đã từng mấy lần suýt bị hủy diệt vì những thay đổi khí hậu và những đột biến hoàn toàn không do con người. Trên quy mô vũ trụ chúng ta cũng chỉ là những vi khuẩn. Có khác chăng là chúng ta có chút trí khôn. Trí khôn đó phải giúp chúng ta hiểu rằng cố gắng chính của loài người phải là tìm cách sống với nhau một cách khiêm tốn và thân thiện. Mọi thái độ huênh hoang, đắc thắng đều chỉ là mê muội. Mọi quyền lực chỉ chính đáng nếu biết khiêm tốn tự thu gọn ở mức tối thiểu cần thiết để bảo vệ và cải tiến môi trường và đời sống con người.

Thiệt hại về kinh tế đã hơn hẳn cuộc khủng hoảng 2008. Cả cung lẫn cầu đều bị tê liệt. Trên 40 thị trường chứng khoán lớn 30.000 tỷ USD đã bốc hơi trong vài tuần vì các cổ phiếu sụt giá trung bình 30% trong tháng 3-2020. Số tiền khổng lồ này là sự mất giá của phần cổ phiếu mà các công ty đem bán trên các sàn chứng khoán để huy động vốn, nó trước hết là sự thiệt hại của những ngân hàng, quỹ và cá nhân đầu tư vào các cổ phiếu. Nếu chúng ta ý thức rằng đại đa số các công ty tầm vóc trung bình và nhiều công ty lớn không đăng ký trên các thị trường chứng khoán và các công ty lớn có đăng ký cũng chỉ đem bán cho công chúng một phần nhỏ tổng số cổ phiếu của mình thì thiệt hại thực cho kinh tế thế giới lớn hơn nhiều, rất nhiều. Và đó mới chỉ là những thiệt hại ban đầu, Covid-19 vẫn còn đang tiếp tục tàn phá. Chưa biết bao giờ nó mới có thể được xem là đã qua đi để có thể tổng kết các thiệt hại. Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn còn đang thực hiện các biện pháp cách ly (confinement), với hậu quả trung bình là mỗi tháng cách ly gây thiệt hại khoảng 3% GDP.

 Cuối tháng 3-2020, gần hai tháng sau khi bệnh dịch được nhìn nhận tại Trung Quốc và vào lúc nó đã chuyển trung tâm qua Châu Âu đồng thời đang lan mạnh tại Mỹ, môt hội nghị thượng đỉnh G20 của 20 nước phát triển nhất mới "họp khẩn cấp" qua truyền hình đi đến thỏa thuận là sẽ cùng bơm vào 5.000 tỷ USD để cứu nguy hoạt động kinh tế thế giới. Quốc hội Mỹ biểu quyết một ngân sách 2.200 tỷ USD, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và các nước Châu Âu cùng biểu quyết các khoản cứu nguy khoảng 4.000 tỷ USD. Các biện pháp cứu nguy này, được đánh giá là "quá trễ quá ít", chỉ có khả năng xoa dịu những đau nhức nhất thời, như giúp các công ty trả lương công nhân trong khi phải cho họ tạm nghỉ, trợ giúp những người mất việc làm, tăng cường thiết bị chống dịch cho các nhà thương, săn sóc các bệnh nhân v.v. Chúng sẽ còn phải được bổ túc thêm và đàng nào cũng chỉ có tác dụng cấp cứu chứ hoàn toàn không thể có tham vọng hồi phục lại tình trạng kinh tế trước Covid-19. Thế giới sẽ cần nhiều năm để gượng dậy và xây dựng lại những gì đã bị tàn phá.

Cho tới hôm nay, 03/04/2020, đã có hơn 52.000 chết trong số hơn một triệu người bị nhiễm, nhưng chúng ta mới chỉ ở trong giai đoạn đầu. Theo bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia chính của Mỹ trong bộ tham mưu chống đại dịch, thì từ nay đến khi Covid-19 khắc phục được tổng số người bị thiệt mạng riêng tại Mỹ sẽ là từ 100.000 đến 200.000. Nếu như thế thì số người thiệt mạng trên thế giới sẽ phải hơn một triệu người mặc dù những cố gắng và tốn kém lớn đã đổ ra.

Thế giới đã văn minh và gần gũi hơn

Những con số tử vong thật là kinh khủng nhưng chúng ta hãy thử bình tĩnh để so sánh với một vài con số khác. Thí dụ như số người chết hàng năm vì các bênh cúm quen biết trên thế giới cũng là hơn một triệu người. Số người chết vì tai nạn giao thông trên thế giới hàng năm cũng tương tự (1.250.000 năm 2016). Còn thua xa số người chết hàng năm vì thuốc lá (6.000.000) hoặc rượu (2.500.000). Riêng tại Mỹ tổng số số tử vong vì Covid-19 theo ước lượng của bác sĩ Fauci tương đương với số người thiệt mạng hàng năm vì opioid (70.000) và vì súng (40.000), những thiệt hại mà Mỹ luôn luôn phải chịu và dầu vậy kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Những so sánh này không khỏi khiến những người thực dụng đặt câu hỏi nếu vẫn tận tình phấn đấu ngăn chặn Covid-19 nhưng không cách ly thì sao? Câu hỏi này không có câu trả lời chính xác của các chuyên gia bởi vì nó đã bị gạt đi ngay khi vừa được đặt ra.

Ít nhất đã có hai người lãnh đạo hai quốc gia lớn đăt ra câu hỏi này, mỗi người một cách. Tại Mỹ Donald Trump lấy lập trường thuần túy thực dụng: biện pháp cách ly quá tốn kém, nó còn hại hơn cả Covid-19, thuốc còn hại hơn bệnh. Donald Trump coi kinh tế và chỉ số Dow Jone là quan trọng hơn cả và trong suy nghĩ của ông nếu không cách ly và giả thử vì thế mà số tử vong cao gấp đôi, thậm chí gấp ba, thì cũng chỉ tương đương với số người chết trong một năm vì rượu nhưng tránh được thiệt hại quá lớn cho kinh tế và cho hy vọng tái đắc cử của ông. Boris Johnson lý luận một cách khác: cứ để cho dịch cúm lan rộng ra, lúc đó cơ thể con người sẽ tự nhiên tạo ra một kháng thể cộng đồng để triệt tiêu nó, thay vì cách ly và chịu những thiệt hại quá lớn.

Cả hai nhà lãnh đạo này đã lập tức bị lên án và đều phải từ bỏ lập luận của họ. Thế giới đã văn minh và chính quyền không thể đùa với mạng sống của con người như Boris Johnson, hay từ chối làm tất cả những gì có thể làm dù tốn kém tới đâu để cứu vãn tối đa các công dân đang bị đe dọa tính mạng như Donald Trump. Không thể so sánh số người thiệt mạng vì rượu hay thuốc lá, trên đó chính quyền đã làm tất cả những gì có thể làm để giảm thiểu, với số người sẽ chết vì chính quyền từ chối làm tất cả những gì có thể làm.

Covid-19 vừa tiết lộ một tiến bộ về tư duy của thế giới: con người từ nay phải là giá trị cao nhất, không thể bị hy sinh vì bất cứ một lý do thực tiễn nào.

Nhưng tại sao cả Boris Johnson lẫn Donald Trump đều phải lập tức nhượng bộ sau khi bị phản đối dù cả hai đều là những lãnh tụ dân túy nổi tiếng ngang ngược? Đó là vì họ bị bắt buộc, không muốn nhượng bộ cũng không được. Phong trào toàn cầu hóa đã tiến sâu hơn họ tưởng. Khi phần lớn các quốc gia Châu Á và Châu Âu đã quyết định cách ly thì dù không cách ly đi nữa họ cũng phải chịu mọi hậu quả như các nước khác và số người bị chết thêm sẽ chỉ chết oan chứ thiệt hại kinh tế vẫn không giảm. Hoạt động kinh tế của các quốc gia đã quá đan xen với nhau. Thí dụ trung bình một chiếc xe hơi sản xuất tại Mỹ hoặc tại Châu Âu sử dụng những bộ phận rời đến từ 40 quốc gia khác, chỉ cần một trong 40 nước này không cung cấp được là dây sản xuất bị ngưng trệ. Tình trạng cũng tương tự như trong hầu hết các ngành sản xuất khác, đặc biệt là dược phẩm phẩm và điện tử. Phát giác của Covid-19 là không làm gì còn nước nào độc lập nữa, ngay cả những nước mạnh nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới liên thuộc, trái đất đã nhỏ lại để trở thành mái nhà chung của nhân loại. Tiết lộ đó đồng thời cũng là một cảnh báo cụ thể để tăng cường một khuynh hướng đã xuất hiện gần đây và đang mạnh lên là khu vực hóa sản xuất công nghiệp. Những chiếc xe hơi được dự trù bán tại Châu Âu sẽ chủ yếu gồm những bộ phận sản xuất tại Châu Âu, tương tự như vậy cho Châu Á và Châu Mỹ và cũng tương tự cho mọi ngành sản xuất. Phong trào toàn cầu hóa sẽ vẫn tiếp tục tiến tới nhưng không bỏ qua giai đoạn hợp tác khu vực như có lúc nhiều người đã nghĩ.

Thế giới nào sau Covid-19?

Cùng với Covid-19 một ám ảnh lớn đã được giải tỏa. Trong những năm gần đây những tiến bộ chóng mặt của truyền thông, tự động và trí khôn nhân tạo bên cạnh những tiện nghi rất lớn và rất mới không thể chối cãi cũng đồng thời tạo ra một đe dọa. Qua những điện thoại di động và đồng hồ đeo tay điện tử người ta có thể biết nhiệt độ, áp huyết, nhịp tim v.v. của một người để biết người đó có cần được săn sóc không. Khi tổng hợp những thông tin từ nhiều cá nhân người ta cũng có thể biết liệu có nguy cơ xuất hiện một bệnh dịch mới không. Nhưng người ta cũng có thể biết người đó đã đi những đâu trong thời gian nào, gặp những ai, xem các website, blog, video nào với cảm giác nào. Với những trí liệu (software) ngày càng tinh vi người ta cũng có thể biết lập trường chính trị, mong ước và ý định của mỗi cá nhân (kể cả có ý muốn chửi thề khi đi ngang tượng chủ tịch Mao Trạch Đông hay Tập Cận Bình không). Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là như vậy liệu con người có đang tạo ra những phương tiện để xóa bỏ tự do của chính mình không?

Covid-19 gần như đã trả lời là KHÔNG. Đã không hề có một chính quyền nào trong lúc đối phó với đại dịch này mảy may tỏ ý định muốn theo gương Trung Quốc dùng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để kiểm soát con người cả. Mặc dù vẫn luôn luôn phải cảnh giác chúng ta có thể tạm yên tâm: con người sẽ được săn sóc và phục vụ hiệu quả hơn nhưng không sợ mất tự do và không gian cá nhân.

Tác dụng nhìn thấy rõ nhất của Covid-19 là đã khiến đường phố vắng tanh ngay cả tại những thành phố nhộn nhịp nhất như Paris, Berlin, New York. Một nửa nhân loại, 2/3 trong các nước phát triển nhất, bị câu lưu tại gia. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị 2015 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, chúng tôi đã tiên liệu: "Cả một thế giới ảo đã hình thành với tầm quan trọng gia tăng nhanh chóng. Ngay lúc này những trao đổi văn hóa, khoa học, kỹ thuật tài chính và thương mại trong thế giới ảo này, qua mạng lưới Internet, đã rất quan trọng. Trong một tương lai không xa thế giới ảo này sẽ lấn át thế giới thực, biến thế giới thực thành một trong những biểu hiện của nó" (1). Covid-19 đã đem tương lai này tới rất gần. Đại đa số công nhân viên đang bị bắt buộc phải làm việc tại nhà qua mạng internet. Một phần đáng kể sẽ còn tiếp tục cách làm việc này sau Covid-19 bởi vì các cơ quan và xí nghiệp đã được tổ chức lại để thích nghi với nó và phần này sẽ tiếp tục tăng lên vì cách làm việc qua mạng tiện cho cả chủ nhân lẫn công nhân. Những công việc bắt buộc sự hiện diện thân xác cũng sẽ chỉ đòi hỏi sự hiện diện này vài ngày mỗi tuần hay mỗi tháng. Sinh viên và học sinh cũng có thể chỉ đến trường cho một số môn học và trong một vài dịp. Nếp sống bình thường sáng đi làm tối về nhà -và những giờ kẹt xe- trong một tương lai gần sẽ thuộc về quá khứ. Ngay bây giờ đã có những dàn nhạc hòa tấu thuần túy qua mạng. Tác động trên hoạt động kinh tế và sinh hoạt hàng ngày sẽ rất lớn. Người ta sẽ không còn cần nhiều xe ôtô, nhu cầu di chuyển hàng ngày sẽ giảm, các công ty cũng không cần những văn phòng lớn.

Quan hệ gia đình và bạn bè cũng sẽ thay đổi. Tại Pháp sau một tháng câu lưu, số bạo hành trong gia đình và số hồ sơ ly hôn đã tăng gấp đôi, tại các nước khác chắc cũng tương tự. Nhiều cặp vợ chồng khám phá ra rằng họ tuy lấy nhau nhưng không thực sự chia sẻ cuộc sống và do đó thực ra không hiểu nhau. Các xã hội sẽ không bao giờ trở lại như trước.

Một khác biệt lớn giữa Covid-19 và các cuộc khủng hoảng trước đây là đã không hề có một phối hợp nào giữa các quốc gia để có những hành động chung, trong khi đáng lẽ ra hơn bao giờ hết thế giới cần một kế hoạch toàn cầu. Phải đợi đến hơn hai tháng sau khi Covid-19 tàn phá mới có cuộc hội ý G20 ngắn ngủi qua truyền hình trong đó không một người lãnh đạo quốc gia nào nói gì với Donald Trump hay đưa ra một đề nghị phối hợp nào. Các nước G20 đồng ý là cần 5.000 tỷ USD để cứu nguy kinh tế thế giới nhưng không quy định ai sẽ bỏ ra bao nhiêu và để sử dụng như thế nào. Mỹ đã không đảm nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới như trong quá khứ và điều này đã không làm ai ngạc nhiên. Sau ba năm dưới sự lãnh đạo của Donald Trump với chủ trương America First Mỹ đã từ chối vai trò lãnh đạo thế giới và sự từ nhiệm này đã được chấp nhận. Dù Joe Biden có đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới ông cũng sẽ không thay đổi được thực trạng này. Sự từ nhiệm và giải nhiệm này sẽ có những hậu quả lớn trong tương lai. Cụ thể là đồng Dollar Mỹ sẽ mất dần lý do để được sử dụng làm đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế, và cho phép Mỹ được tùy tiện phát hành thêm tiền để tiêu xài cho mình dù cả thế giới phải chia sẻ hậu quả. Kinh tế Mỹ sẽ mất vũ khí quyết định nhất.

Còn Trung Quốc? Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu như mọi hoạt động tại Trung Quốc ngừng lại trong gần ba tháng. Ngân Hàng Thế Giới ước lượng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 này sẽ là 0,10%, nghĩa là sát số không. Tuy vậy ước lượng này không đáng tin. Nó dựa trên con số tăng trưởng 6,1% năm 2019 do Trung Quốc đưa ra mà ai cũng biết là sai, kể cả chính thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ suy sụp nặng hơn nhiều, may lắm là ở cùng mức độ dự trù cho kinh tế Đức, nghĩa là -5%. 

Hậu quả sẽ như thế nào? Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng tuyên bố sau cuộc khủng hoảng 2008 rằng nếu mức tăng trưởng xuống dưới mức 8% mỗi năm thì Trung Quốc sẽ lâm vào bạo loạn. Không ai, kể cả Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phản bác Ôn Gia Bảo bởi vì ông này chỉ nhắc lại một khế ước bất thành văn nhưng rất được biết đến giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc theo đó nhân dân Trung Quốc chấp nhận chế độ toàn trị với điều kiện là đời sống của họ được cải thiện nhanh chóng. Mức độ cải thiện nhanh chóng đó được cụ thể hóa bằng tỷ lệ tăng trưởng trên 8%. Tỷ lệ suy thoái -5% là một sự phản bội và một thách đố. Tuy vậy nó không phải là mối nguy lớn nhất đối với Bắc Kinh. Mối nguy lớn nhất là từ nay Bắc Kinh không còn đảo nợ - nghĩa là vay nợ mới để trả nợ cũ - được nữa, trong khi khối nợ tổng cộng của họ đã tới mức kinh khủng 40.000 tỷ USD, hay 350% GDP, và các quỹ đầu tư cũng không còn tiền để cho vay nữa. Nhiều đại công ty sẽ phá sản theo chân tổ hợp HNA. Khủng hoảng kinh tế là chắc chắn. Tình hình càng nguy hiểm vì các dấu hiệu bất phục tùng đã xuất hiện khắp nơi và ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc uy tín của Tập Cận Bình đã bắt đầu bị thách thức.

Lối thoát duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc là co cụm lại và dùng bạo lực để cố duy trì sự thống nhất, ít nhất trên danh nghĩa. Nếu thành công giải pháp này sẽ biến Trung Quốc thành một thế giới riêng, một đế quốc biệt lập với thế giới bên ngoài, tuy nghèo nhưng mức sống cũng đã cao hơn nhiều so với 40 năm về trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giải pháp này cùng lắm chỉ giúp chế độ cộng sản Trung Quốc kéo dài thêm được một thời gian.

Như vậy thế giới sẽ không phải lo ngại một cuộc tranh hùng Mỹ - Trung để giành ngôi bá chủ. Cả hai đều sẽ lúng túng tự lo cho mình dù Trung Quốc khốn đốn hơn nhiều. Chúng ta sẽ không phải lo ngại nguy cơ Trung Quốc uy hiếp các nước trong khu vực và lộng hành trên Biển Đông.

Việt Nam: đang may bỗng rủi

Trong cơn đại họa này Việt Nam cho đến nay có vẻ là một trong những nước may mắn nhất. Đại dịch Covid-19 hình như tha cho nước ta. Tuy vậy sẽ là một sai lầm lớn, rất lớn, nếu vui mừng vì đất nước thoát hiểm. Thực ra có lẽ chúng ta là nước bị thiệt hại nhất vì Covid-19.

Cuối năm 2019, trước khi dịch Covid-19 được biết tới, tất cả các chuyên gia và các viện nghiên cứu đều đồng ý rằng vì nhiều lý do năm 2020 tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới sẽ chậm lại trừ một ngoại lệ: Việt Nam. Họ dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ giữ được mức tăng trưởng 7% mà còn tiến nhanh hơn nữa, có thể rất nhanh. Vì hai lý do. Một là nhiều công ty lớn đang dời các đơn vị sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam. Hai là Hoa Kỳ và mọi nước dân chủ đã nhận ra Trung Quốc là một mối nguy cho hòa bình thế giới và cho an ninh trên Biển Đông, nơi 40% hàng hóa qua lại trong trao đổi quốc tế, do đó họ đều thấy cần phải giúp Việt Nam mạnh lên để thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đóng góp bảo đảm an ninh trên Biển Đông, nhất là khi Việt Nam đã tỏ rõ ý định thoát Trung. Người ta có thể thấy là Donald Trump dù nói rằng Việt Nam còn lợi dụng Mỹ hơn cả Trung Quốc cũng không hề có bất cứ một hành động trả đũa nào. Các quan sát viên có mọi lý do để chờ đợi nhiều dự án đầu tư từ khắp nơi dồn vào Việt Nam. Nhưng Covid-19 đã bất ngờ ập tới. Lý do để giúp Việt Nam không còn vì Trung Quốc sẽ co cụm lại và không còn là mối nguy cho hòa bình thế giới và an ninh trên Biển Đông nữa. Các công ty lớn cũng đều điêu đứng và không còn vốn để đầu tư. Việc chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ chậm lại. Không những thế kinh tế Việt Nam còn sẽ rất khốn đốn vì quá lệ thuộc vào ngoại thương và du lịch, hai hoạt động bị tê liệt nhất trong lúc này và thời gian sắp tới. Đời sống sẽ rất khó khăn và bất mãn sẽ lên rất cao. Tương lai sán lạn biến đi nhường chỗ cho thực tại đen tối.

Như vậy phải chăng cơ hội lớn cho đất nước và dân chủ đã tan biến?

Câu trả lời là tuy đất nước vừa bắt đầu một giai đoạn rất khó khăn nhưng tiến trình dân chủ không bị thương tổn vì chế độ toàn trị còn khốn đốn hơn nhiều. Ngay trước dịch Covid-19 các cấp lãnh đạo cộng sản đã cảnh báo rằng vấn đề nhân sự của Đại Hội 13 sắp tới có thể làm Đảng Cộng Sản tan vỡ, một cách để nhìn nhận rằng đang có chia rẽ nội bộ nghiêm trọng. Sự chia rẽ này sẽ chỉ nghiêm trọng hơn khi không còn gì để chia nhau ngoài những tiếng gào thét của quần chúng phẫn nộ. Sự ly dị giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng không còn đảo ngược được nữa. Dù muốn hay không Việt Nam cũng vẫn phải sáp lại gần hơn với các nước dân chủ. Áp lực dân chủ hóa từ bên ngoài có thể sẽ không lớn như nếu không có Covid-19 vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ khựng lại và các nước dân chủ sẽ phải chật vật với nhiều vấn đề khác nhưng vẫn còn. Mặt khác sự suy sụp nhanh chóng sắp tới của Trung Quốc sẽ khiến rất nhiều đảng viên cộng sản hiểu rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một thây ma đã rữa mà họ phải khẩn cấp tránh xa.

Vào lúc này chưa thể nói Covid-19 sẽ đẩy nhanh hơn hay làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa đất nước. Điều chắc chắn là cuộc vận động dân chủ vẫn tiến tới và đòi hỏi những người dân chủ vất bỏ lối đấu tranh nhân sĩ để kết hợp với nhau trong một tổ chức, chung quanh một dự án chính trị.
Nguyễn Gia Kiểng
(04/04/2020)