Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ: Tiền đề để mở rộng khai thác, chế biến bauxite (RFA)

Các dự án Bauxite đóng góp vào một thảm họa môi trường cho Việt Nam. Không những thế, đây là những dự án được điều hành bởi các tập đoàn nhà nước yếu kém, để xảy ra việc thất thoát và lãng phí triền miên. Thế giới đã tiến tới một đồng thuận văn minh hơn trong đó việc bảo vệ môi trường lành, sạch cũng thuộc vào những quyền con người. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên được điều hành bởi một chính quyền đứng đắn, chúng ta không chấp nhận đánh đổi việc hủy hoại môi trường đổi lại với bất cứ con số tăng trưởng nào.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 16/4 khẳng định 2 dự án thí điểm khai thác bauxite và chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tây Nguyên, là tiền đề để tính tới việc mở rộng khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo trong nước đăng tin cùng ngày, trích nội dung cuộc họp về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite giai đoạn từ năm 2007-2015, xét đến năm 2025.

Tin cho biết, 2 dự án vừa nêu là những dự án được triển khai ở thời điểm có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên trong lúc giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp. 

Tuy nhiên, kể từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Bộ Công Thương khẳng định, cả 2 dự án thí điểm này cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp 3 lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng theo yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành đều đánh giá rằng 2 dự án khai thác và chế biến bauxite Tân Rai và Nhân Cơ sau 10 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. 

Đồng thời đem đến hiệu quả tổng thể cả về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên.
Dựa vào những kết quả vừa nêu, cần tính đến kế hoạch, cũng như huy động các nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt