45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai (Nguyễn Gia Kiểng)


Tình thế đã thay đổi. Những người mà đất nước đòi hỏi, những trí thức chính trị, đã xuất hiện và đội ngũ của họ đang gia tăng. Lớp người mới này sẽ là những tác nhân của cuộc cách mạng loại bỏ chế độ độc tài cuối cùng và mở ra kỷ nguyên dân chủ, Kỷ Nguyên Thứ Hai trong lịch sử dân tộc. Đất nước Việt Nam sau đó sẽ động viên được mọi tiềm năng của mình và sẽ vươn lên mạnh mẽ.


Chúng tôi quen nhau trên mạng xã hội rồi trở thành thân. Vào ngày 30 tháng 4-1975, chúng tôi cùng lứa tuổi nhưng ở hai địa vị khác nhau. Bạn tôi thuộc phe thắng với một tương lai huy hoàng trước mắt, tôi thuộc phe thua và sắp bắt đầu những ngày rất đen tối. Vài ngày trước, chúng tôi chuyện trò về đất nước nhân dịp kỷ niệm ngày lịch sử này. 

Chúng tôi không đả động đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa vì đối với chúng tôi chế độ này đã thuộc hẳn vào quá khứ. Sau một hồi trò chuyện trên nhiều chủ đề, chúng tôi kiểm điểm những nhân vật có chút tiếng tăm hoặc uy tín. Điều mà chúng tôi đồng ý là thế hệ 1945, những người đã trưởng thành vào thời điểm Cách Mạng Tháng 8, đã ra đi hết. Thế hệ 1975, những người vừa trưởng thành vào ngày 30 tháng 4-1975 còn lại lác đác nhưng đã suy yếu lắm rồi nên vai trò kể như đã chấm dứt. Cả hai thế hệ đã ra đi mà không để lại gì ngoài một vài cuốn hồi ký chứng tỏ Đảng cộng sản không có chính nghĩa và mô tả Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản là những người chẳng ra gì, nhưng cũng không giải thích được nghịch lý tại sao những con người tầm thường đó lại đã có thể áp đặt quyền lực của họ và khiến đất nước ta nghèo khổ, tụt hậu và rã hàng như ngày nay.

Nghịch lý đó giải thích một nghịch lý khác. 45 năm đã trôi qua từ ngày chế độ cộng sản được áp đặt trên cả nước. Những người sinh ra vào thời điểm đó bây giờ đã có thể có cháu nội cháu ngoại. Hai thế hệ đã trưởng thành. Nhưng tại sao chế độ cộng sản vẫn chưa gặp một chống đối có tầm vóc nào dù đã có tội lớn, rất lớn, là gây ra một cuộc nội chiến rất dài và đẫm máu và sau đó đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt, trên tất cả mọi phương diện, theo tất cả mọi tiêu chuẩn ?

Đất nước ngày nay

Một lần nữa cần nhận diện thật chính xác chế độ này. Có những sự kiện nhỏ nhưng đủ để khẳng định một thực trạng lớn. Cách đây sáu tháng, cuối tháng 10/2019, 39 thanh niên Việt Nam chết ngạt trong một xe đông lạnh tại Anh trong một vụ nhập cảnh bất hợp pháp. Họ không phải là những thanh niên Việt Nam thiếu may mắn nhất. Họ đã bỏ ra một số tiền tương đương với tài sản của nhiều gia đình Việt Nam cho một cuộc phiêu lưu rất hiểm nghèo mà nếu thành công chỉ cho phép họ rời bỏ đất nước Việt Nam để sống cuộc đời của những "người rơm", nghĩa là những người không có một giá trị gì, kể cả sự hiện hữu hợp pháp, tại một nước khác. Trong khi chính quyền Anh, kể cả thủ tướng, tới nghiêng mình trước thi hài những người xấu số, vì dầu sao họ cũng là người, thì những người cầm đầu chính quyền cộng sản Việt Nam không hề bày tỏ một cảm xúc nào, báo chí nhà nước đưa hình ông bộ trưởng công an tươi cười thuật lại bi kịch này như kể một chuyện vui. Họ không có tình người, chưa nói tình đồng bào. Ông Nguyễn Phú Trọng thường khoe khoang : "đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Đất nước lộng lẫy đến nỗi thanh niên phải liều mạng bỏ đi.

Năm 2020 đã bắt đầu với vụ Đồng Tâm. Bây giờ, sau bốn tháng bàn cãi sôi nổi trên một biến cố xẩy ra ngay tại thủ đô làm cả nước xúc động, người ta đã biết được vài điều chắc chắn. Đêm 09/01 một lực lượng vũ trang hùng hậu hàng ngàn người tấn công vào một gia đình nông dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo một kế hoạch đã quyết định trước. Mục đích của cuộc tấn công này là để cướp đi các tài liệu do ông Lê Đình Kình, chủ nhà, giữ chứng minh quyền sử dụng của xã Đồng Tâm trên một khu đất mà chính quyền cộng sản muốn giao cho một công ty. Họ giết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, đảng viên cộng sản và cựu chủ tịch xã Đồng Tâm, bằng nhiều phát đạn rồi mổ bụng, có lẽ để xem ông già này có nuốt tài liệu nào không. Họ bắt đi hơn 20 người thuộc gia đình và hàng xóm để tra tấn và buộc những người này phải lên đài truyền hình (với những vết thương còn xưng húp trên mặt) nhận tội. Hoàn toàn không có một sự chống cự nào từ phía dân chúng. Trong cuộc tấn công một chiều này có ba sĩ quan công an chết vì tai nạn. Sau đó chính quyền ra thông báo rằng lực lượng vũ trang đã được điều động tới để xây tường rào cho phi trường Miếu Môn cách đó hơn 3 km nhưng bị một bọn quá khích tấn công khiến ba chiến sĩ hy sinh. Thông báo này giờ đây đã bị phơi bày là hoàn toàn bịa đặt. Tổng bí thư Đảng cộng sản và chủ tịch nước đã tặng huân chương cho ba "chiến sĩ hy sinh" này. Thủ tướng cũng khen thưởng lực lượng tấn công. Chưa bao giờ dư luận trong và ngoài nước, trong và ngoài bộ máy Đảng và Nhà nước, nhất trí như trong vụ này. Mọi người đều thấy quá rõ ràng đây là một vụ cướp của giết người dã man. Cách ứng xử của hai nhân vật đứng đầu chế độ xác định một điều: Đảng cộng sản đã thực sự trở thành một đảng cướp.

Hai biến cố nhỏ này nói lên hiện tình của đất nước và chân dung của chế độ. Một thực trạng tủi nhục khác mà nhân dân Việt Nam đã quá quen đến nỗi không còn nghĩ tới để phẫn nộ là tất cả các cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên trong công an và quân đội và từ cấp phó phòng trở lên trong bộ máy nhà nước, dù là hành chính, kinh tế, y tế, giáo dục văn hóa, khoa học hay kỹ thuật đều chỉ dành riêng cho khoảng bốn triệu đảng viên cộng sản chưa về hưu. Hơn 90 triệu người Việt Nam còn lại không được quyền có vai trò và tiếng nói nào. Trên thực tế, chúng ta là một nước bị chiếm đóng và thống trị, không phải bởi một cường quốc mà bởi một đảng cướp.

Đảng thống trị đó mạnh thế nào ? Chính ông Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu Đảng và Nhà nước cộng sản, trong một bài viết cách đây vài ngày, đánh giá các cán bộ cộng sản như là những người "chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội.... Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự". Ông Trọng quên một môn chạy thịnh hành từ mấy năm gần đây : chạy trốn ra nước ngoài. Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước trước ông Trọng, thì nói trong bộ máy Đảng và Nhà nước có cả một bầy sâu. Một đảng như vậy thì làm sao có thể mạnh ? Có lý tưởng chung nào để đoàn kết các đảng viên ? Sự tranh ăn và tranh quyền chỉ có thể khiến họ căm thù nhau. Vậy tại sao nó vẫn có thể tiếp tục cầm quyền một cách không phân chia sau gần một nửa thế kỷ đày đọa dân tộc và tàn phá đất nước ? Tình cảm và ý chí dân tộc Việt Nam đâu ?

Vì gánh nặng di sản

Câu trả lời là vì chúng ta vẫn chưa có một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết cũ đã nhàm chán. Chúng ta vẫn chưa ý thức rằng thay thế một văn hóa đã nhào nặn ra chúng ta trong hàng ngàn năm đòi hỏi một quyết tâm lớn mà chúng vẫn chưa có.

Lịch sử thế giới đã được đánh dấu bằng nhiều đế quốc lớn. Ai Cập, Assyria, Babylon, Alexander, Maurya, Hy Lạp, La Mã, Áo Hung, Ottoman, v.v. để chỉ kể một vài thí dụ. Và dĩ nhiên đế quốc Trung Hoa. Mỗi đế quốc là một khối nhiều nước phục tùng một trung tâm, trung tâm này nắm một quân lực áp đảo để áp đặt một nền văn minh và một số đặc quyền kinh tế. Yếu tố quan trọng nhất của một đế quốc là nền văn minh, hay văn hóa, của nó. Các nước chư hầu càng ở gần trung tâm bao nhiêu càng chịu ảnh hưởng của văn hóa trung tâm bấy nhiêu.

Trong tất cả các đế quốc này, Trung Hoa là đế quốc đặc biệt nhất. Nó là một trong những đế quốc lâu đời nhất nhưng cũng là đế quốc duy nhất vẫn còn tồn tại dù có đổi tên triều đại và người cầm quyền từ Tần, Hán đến Minh, Thanh và bây giờ là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lý do đã khiến đế quốc Trung Hoa tồn tại bền bỉ như vậy là văn hóa Khổng giáo (hay đúng ra phải gọi là Nho giáo).

Trong tất cả các nền văn minh đã là nền tảng cho các đế quốc, những người có học thức và kiến thức luôn luôn là những người tự do nhất và được trọng dụng nhất. Văn minh Khổng giáo ngược hẳn ; nó kiểm soát và tha hóa một cách tuyệt đối những người có học được gọi là giai cấp sĩ. Họ được giáo dục để coi việc phục tùng một cách tuyệt đối và làm dụng cụ vô điều kiện cho kẻ cầm quyền như một vinh dự và một đạo lý. Đạo đức của kẻ sĩ chỉ giản dị là trung thành với vua, ngay cả một hôn quân bạo chúa ; sự thực là những gì vua muốn. Tư Mã Thiên bị thiến vì đã muốn viết sử một cách trung thực, các sử gia Trung Quốc, cũng như Việt Nam, sau đó không ghi chép những gì đã xẩy ra mà chỉ viết những gì họ được phép viết. Lịch sử không có giá trị của những kinh nghiệm cho phép rút ra những bài học mà chủ yếu là dụng cụ để đánh bóng kẻ cầm quyền. Làm quan, nghĩa là làm tay sai cho kẻ cầm quyền, cũng là nghề duy nhất của kẻ sĩ bởi vì họ đã được huấn luyện để coi mọi hoạt động khác -nông nghiệp, công nghiệp cũng như thương nghiệp- là thấp kém. Điều quan trọng cần được lưu ý trong đạo lý của kẻ sĩ là không có vấn để chống lại một chính quyền hung bạo, cùng lắm nếu gặp một chính quyền quá gian ác họ chỉ có thể hoặc đi làm tay sai cho một chính quyền khác hoặc rút về ở ẩn. Khổng Tử đã nói rất rõ điều này trong sách Luận Ngữ. 

Làm một cuộc cách mạng, nghĩa là thay đổi cả người cầm quyền lẫn chế độ  chính trị, đòi hỏi những hiểu biết lớn nhưng những người có kiến thức nhất trong xã hội lại chỉ biết và chỉ muốn làm tay sai cho chính quyền hiện có thì làm sao có thể có cách mạng ? Chính vì thế mà đế quốc Trung Hoa tiếp tục tồn tại và thách thức thời gian, nhưng cũng chính vì thế mà nó dậm chân tại chỗ trong năm ngàn năm. Mọi tiến bộ xã hội đều bắt nguồn từ một tiến bộ về tư tưởng, nghĩa là một bước tiến tới gần sự thực hơn nhờ một đột phá của trí tuệ trong khi quan sát lịch sử. Sự hoại loạn của Khổng giáo là nó áp đặt các giá trị đạo đức sai, xuyên tạc lịch sử và bóp nghẹt trí tuệ. Xã hội ổn định nhưng ổn định trong sự tê liệt. Chủ nghĩa Mác–Lênin sau này cũng thế.

Không phải đế quốc Trung Hoa đã kéo dài vì không bị xâm lược từ bên ngoài. Nó đã hai lần bị chinh phục, bởi Mông Cổ và Mãn Thanh. Nhưng trong cả hai lần, kẻ chiến thắng đã thấy mô hình xã hội Khổng giáo quá an toàn và tiện nghi cho mình nên đã chấp nhận nó và hội nhập vào xã hội Trung Hoa. Cuối cùng chính họ bị Hán hóa và cuộc xâm lăng chinh phục cũng không khác gì nhiều những thoán đoạt cung đình. Sự kiện đế quốc Trung Hoa có thể bị chinh phục bởi những nước bán khai rất nhỏ như Mông Cổ và Mãn Thanh chứng tỏ nó không mạnh, nó chỉ kéo dài với thời gian nhờ đã vô hiệu hóa được thành phần duy nhất có thể thay đổi xã hội, giai cấp sĩ.

Cho tới kỷ nguyên dân chủ, các chính quyền nói chung đều là chỉ là những bạo quyền. Các vua chúa về thực chất chỉ là những kẻ cướp thành công. Được làm vua, thua làm giặc. Điều đặc biệt của văn minh Khổng giáo là nó coi việc phục vụ các bạo quyền là một đạo lý, nghĩa là đặt tội ác vào địa vị của đạo đức. Giai cấp sĩ là những kẻ nô lệ rất đăc biệt, làm dụng cụ cho các bạo quyền để đàn áp và bóc lột quần chúng nghèo khổ. Họ phục vụ những kẻ đáng lẽ phải chống và chống những người đáng lẽ phải bảo vệ. Tuy vậy họ không thấy tội lỗi vì đạo lý của họ là như thế.

Con đường lập thân của kẻ sĩ là con đường của một kẻ nô lệ cô đơn. Đầu đời họ sống đạm bạc, chỉ biết học với ước vọng thi đậu để được làm quan, nghĩa là làm những nô lệ không điều kiện cho các vua chúa, có thể bị nọc ra đánh, bị thiến, bị giết, thậm chí bị giết cả dòng họ một cách tùy tiện, đổi lại với vinh dự được chà đạp những người dân vô tội. Nếu may mắn thi đậu và làm quan thì cũng chỉ là để bắt đầu một cuộc đấu tranh đơn độc để tranh giành ơn huệ của vua. Suốt cuộc đời của kẻ sĩ là một cuộc đấu tranh của một người chống tất cả. Kẻ sĩ tuyệt đối không có ý định chống lại để thay đổi chính quyền nên họ không biết cách đấu tranh để chống lại chính quyền. Đối với họ làm chính trị chỉ là làm quan nên dù có những bằng cử nhân, tiến sĩ họ cũng không biết gì về đấu tranh chính trị. Về đấu tranh chính trị họ chỉ là những kẻ vô học, tệ hơn nữa những kẻ vô học không biết mình vô học.

Trên đây không phải chỉ văn hóa Trung Hoa mà cũng là văn hóa Việt Nam bởi vì, cho đến khi bị Pháp chinh phục và đô hộ, văn hóa và chính trị của chúng ta chỉ là một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Kẻ sĩ nước ta cũng chỉ là những dụng cụ của các vua chúa. Những thay đổi chính quyền cũng chỉ là những thay đổi cung đình. Chỉ có hai ngoại lệ : Lê Lợi là một thủ lãnh Mường nổi lên khi đất nước đã bị nước ngoài chiếm đóng và cai trị, anh em Tây Sơn là một đảng cướp chiếm được chính quyền bằng bạo lực vì cả hai họ Trịnh Nguyễn đều đã hoàn toàn tan nát. Giai cấp sĩ vắng mặt trong những thay đổi chính quyền.

Hai thế hệ trí thức Việt Nam 1945 và 1975 đã qua đi mà không để lại gì ngoài việc góp phần xây dựng ra chế độ này. Họ chưa kịp trút bỏ tâm lý dụng cụ của giai cấp sĩ mà họ kế thừa. Đã chỉ có một số ít người phản kháng nhưng không biết phải đấu tranh như thế nào, vả lại một phần cũng đã chỉ phản kháng vì không được trọng dụng. 

Đó là trí thức phe cộng sản. Còn trí thức phe quốc gia ? Ngày 30 tháng 4-1975 thường được những người chống cộng và luyến tiếc chế độ Việt Nam Cộng Hòa coi là ngày quốc hận. Cũng đúng nhưng còn một mối hận khác bi đát không kém. Đó là từ năm 1975 hàng chục ngàn viên chức cao cấp và tướng tá Việt Nam Cộng Hòa đã ra nước ngoài trong tuổi hoa của đời với những học vị lớn nhưng họ đã không xây dựng được một lực lượng nào cả. Bây giờ họ đã qua đi, con cháu họ đã hội nhập vào nước tiếp cư. Họ cũng là hậu duệ của giai cấp sĩ như các trí thức cộng sản, nghĩa là cũng không biết phải đấu tranh như thế nào.

Hai thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày 30 tháng 4-1975 tuy đã khá hơn nhưng vẫn chưa đạt được thành quả nào đáng kể vì vẫn chưa đoạn tuyệt hẳn được với di sản Khổng giáo. Vẫn còn nhiều người ở lứa tuổi 30, 40 nuôi khát vọng trở thành nhân sĩ. Vẫn còn nhiều người trẻ coi đấu tranh chính trị chủ yếu là để gây tiếng vang và để có tiếng tăm cho mình, coi FaceBook không phải là phương tiện để kết bạn và kết hợp mà là phương tiện cho phép mình trực tiếp đến với quần chúng mà không cần qua một tổ chức nào. Lối đấu tranh chính trị kiểu nhân sĩ đó khiến họ nhìn những người dân chủ khác như là đối thủ thay vì chí hữu, nhìn các tổ chức có đường lối đúng như là những đe dọa cho mình thay vì những hy vọng cho đất nước. Nhiều người vẫn chưa biết rằng chính trị cần phải học vì là chuyên môn khó nhất trong các chuyên môn, chuyên môn tổng hợp mọi chuyên môn. Sự hụt hẫng kiến thức chính trị cũng khiến họ không hiểu được rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Chính vì thế mà chế độ này vẫn còn tiếp tục dù đã mất hết ý chí, lý tưởng và đạo đức, hơn nữa đã rã rượi và kiệt quệ. 

Một truyện thuyết mới cho đất nước

Tuy vậy thời điểm của thay đổi đã đến bởi vì một loại người mà đất nước chưa bao giờ có đã xuất hiện và sẽ là những anh hùng của một truyện thuyết mới.

Kỷ niệm 45 năm ngày 30 tháng 4-1975 là dịp để chúng ta nhận định một khúc quanh lịch sử.

Chúng ta đã vấp ngã khi bước vào thời đại mới. Đã tụt hậu bi đát, đã trải qua một cuộc nội chiến ngu xuẩn dài và đẫm máu. Đã mất đất, mất biển và mất đảo. Môi trường đã tổn hại nặng. Thất vọng và phẫn nộ đã tích lũy khiến lòng người đã ly tán sau khi phải chịu đựng quá lâu một chính quyền hành xử như một lực lượng chiếm đóng và một đảng cướp. Tất cả chỉ vì  chúng ta đã không có những trí thức đúng nghĩa mà kỷ nguyên dân chủ đòi hỏi, thay vào đó do di sản độc hại của văn hóa Khổng giáo chúng ta đã chỉ có những người đi học với mộng ước được làm những tay sai ngoan ngoãn cho một bạo quyền. 

Nhưng tình thế đã thay đổi. Những người mà đất nước đòi hỏi, những trí thức chính trị, đã xuất hiện và đội ngũ của họ đang gia tăng. Lớp người mới này sẽ là những tác nhân của cuộc cách mạng loại bỏ chế độ độc tài cuối cùng và mở ra kỷ nguyên dân chủ, Kỷ Nguyên Thứ Hai trong lịch sử dân tộc. Họ hiểu rằng đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và họ cũng hiểu rằng một tổ chức chính trị mạnh chỉ có thể xây dựng được trên một tư tưởng chính trị lành mạnh và một dự án chính trị đúng và khả thi. Họ khinh bỉ chủ nghĩa nhân sĩ và các nhân sĩ. Đối với họ cuộc đấu tranh này không thể nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai mà phải nhắm tôn vinh mọi người trong một nước Việt Nam hòa giải và hòa hợp được quan niệm như một tình yêu, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Họ vững tin rằng không gì mạnh bằng lẽ phải và một sự thực đã chín muồi và đất nước đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa dứt khoát về dân chủ. Mọi người Việt Nam, kể cả đại bộ phận đảng viên cộng sản, đều đã hiểu như vậy. Nhóm bảo thủ cầm quyền trong Đảng cộng sản, chia rẽ và bất lực trước các thử thách ngày càng lớn trong khi Trung Quốc không còn là một chỗ dựa, sẽ chỉ có chọn lựa tham gia vào tiến trình dân chủ hóa để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một thay đổi phải đến và đang đến.

Đất nước Việt Nam sau đó sẽ động viên được mọi tiềm năng của mình và sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Đó là truyện thuyết mới của Việt Nam đang chờ được kể.

Nguyễn Gia Kiểng
(30/04/2020)