(TBKTSG) - Dưới tác động của đại dịch Chính phủ đã phải đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là lúc dễ nảy sinh tiêu cực dưới danh nghĩa kích thích kinh tế.

Chính phủ đang quyết liệt triển khai các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng nhằm phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất háo hức với gói tín dụng hàng trăm ngàn tỉ đồng, cũng như gói tài khóa dự kiến gần 180.000 tỉ đồng thông qua các biện pháp giãn nợ, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giãn thời hạn nộp thuế, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết định tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là chuyển toàn bộ tám dự án giao thông trọng điểm từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công để góp phần đẩy nhanh tăng trưởng GDP trước tình hình vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) giảm sút(1).

Các giải pháp đồng bộ nói trên được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức bật mới cho nền kinh tế, chặn đà suy thoái do đại dịch gây ra.

Làm sao để các gói kích thích kinh tế đó không bị lãng phí, sử dụng sai mục đích là chuyện đáng bàn.

Có thể thấy rằng hiện nay các tổ chức tín dụng cũng đang chịu áp lực rất lớn về nguồn thu, lợi nhuận nên sẵn sàng tăng thu bằng cách giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, động thái sốt ruột này có thể biến các khoản vay trở thành các món nợ xấu về sau, tác động xấu đến nền kinh tế nếu các hồ sơ vay không được thẩm định chặt chẽ. Đặc biệt, mới đây bất động sản cũng được đưa vào nhóm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong tình hình thị trường bất động sản đang chìm xuống đáy như hiện nay thì việc được vay với lãi suất ưu đãi sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường. Nếu các tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ vay không chặt chẽ thì có thể dẫn đến tình trạng vỡ bong bóng bất động sản như thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008; các ngân hàng sẽ phải ôm thêm nhiều món nợ xấu mới mà nền kinh tế phải mất hàng chục năm để giải quyết hậu quả.

Ngoài ra, nương theo lý do dịch bệnh, có khả năng nhiều bộ ngành, địa phương sẽ rầm rộ “phong trào” xin cơ chế đặc thù trong đấu thầu với những lý do nghe rất chính đáng như khó khăn, cấp bách... để “né” đấu thầu rộng rãi mà chuyển qua hình thức chỉ định thầu. Việc thất thoát, không minh bạch, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ chế “xin - cho” trong chỉ định thầu là vấn nạn ai cũng thấy rõ.
Đối với giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thời gian qua cũng bắt đầu manh nha làn sóng vận động các bộ ngành đề nghị Chính phủ chỉ định thầu các dự án trọng điểm, vận dụng điều 26 Luật Đấu thầu 2013 về cơ chế đặc thù với lý do dự án có tính cấp bách, đặc thù trong tình hình dịch bệnh. Với các dự án đầu tư công giá trị đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi dự án, việc chỉ định thầu chứa đựng nhiều rủi ro vì không mang tính cạnh tranh cao về giá đấu thầu, dễ bị các nhóm lợi ích lũng đoạn, có khả năng gây ra thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.


Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong giai đoạn hiện nay là giải pháp đang được nhiều nước áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan tham mưu cần phải giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm các chính sách này đạt được mục tiêu duy nhất là phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tránh thất thoát lãng phí.

Đối với vấn đề tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên có các hướng dẫn cụ thể hơn đối với các món vay mới, đặc biệt là thận trọng hơn với các món vay để đầu tư bất động sản. Tốt nhất đối với lĩnh vực này, nên hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư thi công dở dang, thiếu vốn để giúp các doanh nghiệp này sớm đưa sản phẩm ra thị trường, tránh đình trệ kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đối với các món vay để đầu tư mới bất động sản, nên hạn chế hoặc nếu cho vay thì phải thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ, bảo đảm không để xảy ra nợ xấu trong tương lai. Nên ưu tiên các món vay mới cho các doanh nghiệp yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Đối với vấn đề đầu tư công, nên hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan để tránh thất thoát, lãng phí vì các nhóm lợi ích sẽ tranh thủ cơ hội để “lobby” chính sách; đồng thời việc hạn chế chỉ định thầu cũng giúp tránh vi phạm cam kết về tính công khai, minh bạch trong đấu thầu mà Chính phủ đã ký kết với các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại tự do đa phương...

Chính phủ chỉ lựa chọn phương án chỉ định thầu đối với các dự án, công trình có ý nghĩa quyết định đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế hoặc đối với những công trình, dự án đã kêu gọi xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP nhưng không có nhà thầu, nhà đầu tư nào tham gia.

Nếu bắt buộc phải chấp nhận phương án chỉ định thầu thì phải chọn nhà thầu có năng lực, có kinh nghiệm thực hiện công trình đạt quy mô, giá trị tương tự. Cần lưu ý giá trúng thầu khi được chỉ định thầu phải tham chiếu giá trị trúng thầu các công trình có quy mô tương tự trước đó chứ không phải chỉ căn cứ vào giá trị dự toán được duyệt. Thực tế giá trị dự toán được duyệt thường cao hơn nhiều so với giá đấu thầu nên nhiều nhà thầu sẵn sàng giảm 5-7% giá dự toán để được chỉ định thầu.

Ngoài ra, chỉ nên áp dụng chính sách chỉ định thầu đối với các dự án có khả năng triển khai gói thầu trong năm 2020. Nếu thời gian thực hiện muộn hơn sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi vì theo quy định hiện hành, bên mời thầu có đủ thời gian để xem xét, phê duyệt kết quả đấu thầu, phê duyệt nhà thầu, không cần thiết phải chỉ định thầu.

Một vấn đề khác cần bàn là các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi trục lợi các gói kích thích kinh tế. Không loại trừ một số tổ chức tín dụng, chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt gói thầu... sẽ tranh thủ trục lợi từ những ưu đãi về chính sách. Cần giám sát và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi cho vay không đúng mục đích, chỉ định thầu trái pháp luật, nâng giá gói thầu để trục lợi... nhằm răn đe kịp thời, bảo đảm tiền thuế của người dân được sử dụng đúng mục đích, không xảy ra tình trạng “thả gà ra đuổi” do chính sách lỏng lẻo.

(1) https://tuoitre.vn/chuyen-8-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-khoi-cong-trong-thang-8-20200408145919734.htm

Nguồn tin: Thời báo kinh tế Sài Gòn