Virus corona : Đóng biên giới sẽ ảnh hưởng nặng đến kinh tế Việt Nam - Tạp chí việt nam (Thanh Phương)

Dĩ nhiên là nếu đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nước có ngoại thương lớn nhất với Việt Nam, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Nhưng nếu dịch bệnh bùng phát, Việt Nam cũng phải làm, vì tính mạng người dân là trên hết. 

Vả lại, nếu việc không đóng cửa biên giới khiến dịch lây lan không kiểm soát, thiệt hại kinh tế còn lớn hơn nữa.

03/02/2020 - 09:15
Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 31/01/2020.
Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 31/01/2020. Reuters

Dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu Việt Nam buộc phải đi đến quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc, chắc chắn tác hại sẽ còn nặng nề hơn, bởi vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế của nước láng giềng phía bắc. RFI Tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Hà Nội.

RFI : Kính chào bà Phạm Chi Lan, theo bà, trước tình hình dịch bệnh đang lan nhanh như vậy, Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc, như một số nước đã làm hay không ?

Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ điều này sẽ tùy thuộc vào việc Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh ở nước họ như thế nào và các biện pháp phòng ngừa của Việt Nam chặt chẽ đến đâu. Hiện nay, số nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng còn rất ít và người Trung Quốc thì đang đi du lịch khắp nơi, chứ không phải chỉ ở những nước lân cận như Việt Nam.

Khả năng lây nhiễm sang Việt Nam có thể cao hơn các nước khác, bởi vì nước ta ở quá gần, người Trung Quốc đi lại Việt Nam khá dễ dàng. Chính phủ đã có biện pháp khẩn cấp là thành lập một ủy ban để chống dịch bệnh này, cũng như trước đây đã giải quyết dịch SARS từ Hồng Kông.

Nếu tình hình quá cần thiết thì chính phủ cũng sẽ phải đóng cửa biên giới thôi, bởi vì tính mạng của người dân Việt Nam vẫn là quan trọng hàng đầu. Cần phải tránh việc lây lan, và qua Việt Nam dịch bệnh có thể tiếp tục đi sang các nước khác nữa, cho nên, việc nghiêm túc bằng mọi cách để tránh dịch đó là điều hết sức cần thiết và Việt Nam sẵn sàng trả giá, kể cả về kinh tế và thương mại, nếu như cần phải thực hiện biện pháp quan trọng nhất và cũng khó nhất là đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Hiện nay, đã có một số địa phương tuyên bố không tiếp nhận du khách Trung Quốc nữa, như tại Lào Cai, Đà Nẵng, nơi có nhiều khách Trung Quốc đến. Tôi nghĩ đó là những bước đầu cần thiết, chứ còn đóng cửa biên giới hoàn toàn sẽ là biện pháp cao hơn và khó hơn rất nhiều. Tôi cũng mong là chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được các biện pháp hết sức tích cực trong thời gian tới, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân Việt Nam, tránh cho dịch bệnh tràn sang Việt Nam.

RFI : Liệu Việt Nam có đủ khả năng để đóng của hoàn toàn biên giới với Trung Quốc ? Đối với các cửa khẩu sân bay thì có thể dễ, nhưng đối với các cửa khẩu trên bộ thì liệu có thể ngăn chận được 100% ?

Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là ngăn chận được, bởi vì hiện nay các cửa khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đều có các cơ quan liên quan làm việc ở đấy, kiểm soát người qua lại biên giới. Tất nhiên vẫn có những tuyến đường buôn bán hàng lậu ở biên giới, có những người chui lủi qua các đường rừng, đường ven rừng, đường khe núi, để mang hàng hóa sang. Những đường đó có thể là khó kiểm soát.

Nhưng nếu tăng cường kiểm soát thì có thể làm được, bởi vì người dân và chính quyền địa phương biết rõ có những ngõ ngách nào mà các nhóm buôn lậu thường lợi dụng để đi qua đi lại. Nhưng kiểm soát 100% thì cũng khó, vì có những người đã sang đây từ trước khi dịch bệnh được công bố ở Trung Quốc. Không thể kiểm soát được nguồn nhiễm bệnh mà họ đã có từ trước, khi họ đã qua đây rồi hoặc họ đã sang đây rồi quay trở lại Trung Quốc. Nhưng tôi cho là muốn kiểm soát thì vẫn có thể kiểm soát được.

RFI : Nếu chính phủ Việt Nam buộc phải đi đến quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào, trước hết là đến du lịch và giao thương giữa hai nước ?

Phạm Chi Lan : Bị trở ngại đầu tiên chắc chắc là ngành du lịch, bởi vì hiện nay lượng du khách sang Việt Nam hàng năm chiếm đến 30-40% tổng số khách du lịch từ nước ngoài. Khách du lịch Trung Quốc đã là một nguồn rất lớn cho việc phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Có nhiều tour du lịch đã được đặt sẵn từ trước, bây giờ không nhận nữa và hợp đồng phải thay đổi, thì sẽ gây tổn hại cho các công ty du lịch Việt Nam, những cơ sở đã nhận hợp đồng tiếp nhận khách Trung Quốc.

Tôi mong là trong việc này Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp ngăn chận người Trung Quốc đi các nơi, với khả năng mang theo dịch bệnh rất lớn và như vậy gây tổn hại cho nước chủ nhà tiếp nhận, ảnh hưởng đến cả uy tín của Trung Quốc trong việc không có những biện pháp ngăn chận cần thiết mà để nó lây sang các nước khác.

Về thương mại, khi ngành du lịch bị tác hại như vậy, các giao thương khác chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, cho đến khi nào phía Trung Quốc ngăn chận được hoàn toàn dịch bệnh này, không để cho nó lây lan sang nữa. Việt Nam đang có quan hệ kinh tế rất nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại, về nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguồn lây nhiễm cũng có thể là qua quan hệ giao thương, về xuất nhập khẩu, đầu tư, vì có những người vì công việc phải đi lại với nhau, chứ không chỉ có du khách.

Nhưng cho dù thế nào, cái giá phải trả cho tính mạng người dân thì không gì có thể tính được. Cho nên điều quan trọng nhất là phải làm sao chặn không để dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam, ảnh hưởng đến người dân, bởi vì khi dịch bệnh xảy ra, cái giá phải trả về kinh tế, thương mại và các mặt khác sẽ còn cao hơn rất nhiều so với cái giá của việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

RFI : Trong trường hợp đóng cửa biên giới, thì lượng hàng theo lẽ xuất sang Trung Quốc sẽ bị ứ đọng lại. Chính phủ phải có biện pháp gì để giải quyết tình trạng đó, để nông dân và thương gia không bị thiệt hại quá nặng?

Phạm Chi Lan : Hiện nay tôi chưa biết chính phủ chuẩn bị và tính đến các phương án nào, nhưng tôi tin là vào thời điểm như thế này thì bản thân các nhà kinh doanh hay những nhà sản xuất của Việt Nam cũng sẽ phải đủ tỉnh táo để thấy là tự họ phải chuẩn bị cho họ rồi.

Khi Việt Nam buộc phải đóng cửa biên giới thì việc làm ăn của họ chắc chắc bị ảnh hưởng, họ cũng phải sẵn sàng chịu và chuẩn bị cho các tình huống khác nhau, chứ không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với tính năng động vốn có của họ, các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm các thị trường khác thôi.

Thật ra, trong những năm vừa qua, trong quan hệ Việt-Trung, đã từng xảy ra những tình huống cũng phức tạp, ví dụ như khi tàu bè Trung Quốc vào khu vực bãi Tư Chính, hoặc là khi quan hệ hai nước căng lên, các nhà kinh doanh phải tính các con đường để có thể xuất hàng của họ đi nơi khác, nếu Trung Quốc không mua, hoặc nhập khẩu từ các đường khác, nếu Trung Quốc không bán.

Tác hại đến du lịch

Như chuyên gia Phạm Chi Lan đã nói ở trên, ngành bị tác hại đầu tiên do dịch viêm phổi Vũ Hán dĩ nhiên là du lịch, vì Trung Quốc đã ra lệnh ngưng mọi chuyến du lịch theo đoàn cả ở trong nước cũng như đi đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, chính phủ Hà Nội cũng đã tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên.
Ngoài ra, ngày 30/01, Cục Hàng Không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch viêm phổi Vũ Hán đến Việt Nam. Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã ban hành chỉ thị tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch virus corona của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa cho biết sẽ tạm ngừng khai thác nhiều đường bay giữa Việt Nam và các điểm của Trung Quốc kể từ 04/02. Riêng hãng Vietjet ngày thông báo tạm dừng bay đến Trung Quốc từ ngày 01/02.

Trong khi đó chính quyền các tỉnh biên giới phía bắc đang siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu. Lạng Sơn tạm dừng thông quan hàng hóa tại nhiều cửa khẩu. Quảng Ninh đã cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới ở tỉnh này, đồng thời giám sát chặt chẽ người qua lại các cửa khẩu của tỉnh.