Virus corona - Covid-19: Giới chuyên gia phản bác cách thống kê bệnh nhân của Trung Quốc (Đức Tâm)
Thật buồn cười khi Trung Cộng dùng biểu hiện lâm sàng thay cho xét nghiệm y khoa để xác định người bị nhiễm bệnh. Càng lạ hơn khi đại diện của tổ chức y tế thế giới ( WHO ) lại bảo vệ cách làm của Trung Cộng.
20/02/2020 - 14:51
Nhân viên y tế luyện tập cách xử lý hành khách bị nhiễm virus corona tại sân bay quốc tế Viru Viru, Santa Cruz, Bolivia, ngày 06/02/2020 REUTERS/Rodrigo Urzagasti
Số người nhiễm virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc do chính quyền công bố hàng ngày có phản ánh đúng tình hình bệnh dịch ở nước này hay không ? Theo tạp chí khoa học Nature, ngày 20/02/2020, giới chuyên gia quốc tế và Trung Quốc đang tranh cãi về phương pháp thống kê của Bắc Kinh.
Tạm gạt sang một bên những nghi ngờ minh bạch hóa thông tin và chỉ đề cập đến phương pháp, tiêu chí của chính quyền Trung Quốc để xác định người bị bệnh và đưa vào con số thống kê.
Cho đến nay, số người bị bệnh mà Trung Quốc công bố chỉ bao gồm những người có triệu chứng. Những người có xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng không có triệu chứng thì không được tính đến.
Nhiều nhà khoa học rất lo ngại vì phương pháp này không cho thấy được quy mô của dịch bệnh. Thế nhưng, một số chuyên gia khác cho rằng Trung Quốc có lý khi ưu tiên tập trung chữa trị bệnh nhân có triệu chứng để ngăn chặn dịch lây lan.
Đầu tháng 2, các quan chức tỉnh Hắc Long Giang thông báo có 13 người được xác định dương tính với virus corona, nhưng được rút ra khỏi danh sách thống kê người bệnh, vì theo chỉ thị hướng dẫn của ủy ban phòng chống trung ương, thì chỉ thống kê những ca được khẳng định và không tính những trường hợp dương tính.
Chuyên gia dịch tễ học Wu Zunyou, thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh Trung Quốc, khẳng định điều này. Cơ quan y tế địa phương áp dụng cách ly 14 ngày đối với những người bị dương tính nhưng không có triệu chứng. Trong thời gian cách ly, nếu xuất hiện các triệu chứng thì nhóm người này được coi là bệnh nhân và lúc đó mới đưa vào số thống kê.
Theo chuyên gia này, một người có kết quả xét nghiệm dương tính chưa hẳn là đã bị nhiễm virus corona. Các xét nghiệm ở phòng thí nghiệm thường phát hiện ra chất di truyền của virus trong cổ họng hoặc nước mũi. Đối với một số người, virus có thể chưa thâm nhập vào tế bào và sinh sôi nẩy nở. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, không rõ có trường hợp xét nghiệm dương tính nhưng lại thực sự không bị nhiễm virus hay không và đó là « một trong những câu hỏi lớn trên phương diện khoa học ».
Nhiều chuyên gia dịch tễ học ở bên ngoài Trung Quốc nói với tạp chí Nature là họ không đồng ý với cách giải thích như vậy. Theo nhà dịch tễ học Angela Rasmussen, đại học Columbia, New York, virus phải phát triển, nẩy nở đến một mức độ nào đó trong cơ thể con người thì mới có thể phát hiện được (xét nghiệm dương tính). Mặt khác, khó có thể tin vào việc virus tuy được phát hiện trong nước mũi nhưng lại chưa thâm nhập vào tế bào người bệnh.
Về phần mình, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) biện minh cho cách tính của Trung Quốc. Tarik Jašarević, phát ngôn viên tổ chức này cho rằng dưới góc độ y tế công cộng, Trung Quốc có lý khi tập trung chữa trị bệnh nhân có triệu chứng để ngăn chặn virus lây lan, cho cách ly những người được xác định dương tính, thay vì quan tâm đến nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Mặt khác, nếu một người không có triệu chứng thì cũng không thể có giải pháp chữa trị và do vậy không cần phải thống kê.
Giới chuyên gia khác cảnh báo : Việc gạt bỏ những trường hợp dương tính không triệu chứng ngăn cản nỗ lực « mô hình hóa » virus giúp hiểu biết rõ hơn về quy mô và tốc độ lây lan dịch, trong khi nhiều quốc gia phải dựa vào số liệu do Bắc Kinh công bố để trù tính các tác động của dịch bệnh đối với dân chúng. Phương pháp và số liệu của Trung Quốc có thể làm cho các nước tính toán sai lầm.
Nguồn: RFI Tiếng Việt