Virus corona mới đe dọa sự tồn vong của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (Trọng Thành)
Tổ chức y tế thế giới ( WHO ) đang có dấu hiệu bị Trung Cộng thao túng, đây là điều rất đáng ngại khi mà nhiều định chế quốc tế bảo đảm trật tự quốc tế sau thế chiến thứ hai như WTO, NATO cũng đang đứng trước thách thức về tính hiệu quả.
20/02/2020 - 18:32
Nhiều người chỉ trích lãnh đạo WHO quỵ lụy trước Trung Quốc. Ảnh chụp tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, ngày 28/01/2020. Naohiko Hatta / AFP
Dịch bệnh do virus corona mới, bùng lên từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc, từ tháng 12/2019, khiến ít nhất hơn 2.000 người thiệt mạng, theo số liệu của Bắc Kinh. Dịch Covid-19 không chỉ đe dọa Trung Quốc và nhiều vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc, mà có thể đe dọa chính sự tồn vong của WHO, định chế quốc tế bị chỉ trích đã phản ứng chậm trễ, bao che Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
WHO bị tố đã hành động chậm trễ
Dịch bệnh Covid-19, do virus corona mới (với tên gọi khoa học SARS-CoV2), là một thách thức mới đối với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thành lập từ năm 1948, với sự tham gia của 194 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày 31/12/2019, WHO được chính quyền Trung Quốc thông báo về sự xuất hiện của một virus corona mới gây viêm phổi cấp tính.
Ngày 23/01, chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, ngày 25/01, đến lượt toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với hơn 50 triệu dân bị phong tỏa. Nguy cơ dịch do virus SARS-CoV2 lan ra toàn cầu được coi là nhãn tiền. Vào thời điểm đó, WHO bị tố cao là đã chần chừ trong việc Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp toàn cầu. Phải đến ngày 30/01, sau khi nhiều quốc gia cắt giao thông hàng không với Trung Quốc do sợ dịch bệnh lây lan, WHO mới ra Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp.
Về sự chậm trễ của WHO, mạng Slate đang tải một bài phân tích đáng chú ý của hai bác sĩ, chuyên về y tế công, Jean-Yves Nau và Antoine Flahault (ngày 04/02/2020), mang tựa đề ''Coronavirus : Dịch bệnh tiến triển, nhưng WHO thì hụt hơi''. Hai chuyên gia nhấn mạnh đến sự tương phản cao độ giữa một bên là nỗi lo lắng của các nhà y học hàng đầu, bên kia là phản ứng lừng chừng của WHO.
Ngày 31/01, mạng The Lancet đăng tải lời kêu gọi của các chuyên gia, ''mạnh mẽ khuyến cáo chính quyền các nước trên toàn thế giới sẵn sàng'' cho ''các kế hoạch chuẩn bị đối phó'' và ''can thiệp nhanh'', ''về phương tiện xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, về thuốc men, trang bị phòng hộ cá nhân, vật tư thiết bị y tế, và đặc biệt là các nguồn nhân lực, để hỗ trợ các thành phố có liên hệ mật thiết với Vũ Hán và các đô thị lớn khác của Trung Quốc''. Cũng vào lúc đó tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra một khuyến cáo đầy vẻ lạc quan. Lãnh đạo WHO kêu gọi ''không nên giới hạn việc đi lại, trao đổi thương mại cũng như việc di chuyển của người dân nói chung''. Tổng thư ký WHO thậm chí còn tuyên bố phản đối mọi nỗ lực giới hạn các hoạt động giao thông đi lại (của các nước với Trung Quốc), cho dù đã Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp.
Sự tiến triển nhanh chóng của dịch bệnh tại tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc (theo số liệu của chính quyền Trung Quốc) khiến cho sự tương phản giữa bệnh dịch nguy hiểm với phát biểu lạc quan của WHO càng trở nên nổi rõ. Vào ngày 03/02, số người mắc virus corona mới vượt số người mắc virus Sars, dịch bệnh năm 2002-2003 từng khiến WHO lần đầu tiên đưa ra báo động toàn cầu. Ngày 09/02, số người chết vì SARS-CoV2 vượt số người chết do SARS. Ngày 11/02, lãnh đạo WHO mới thừa nhận là virus corona mới là ''mối đe dọa rất nghiêm trọng với thế giới''.
Quan điểm từ phía WHO
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, với 6 văn phòng khu vực, 145 văn phòng quốc gia, và trụ sở tại Geneve, được cộng đồng quốc tế rất trông đợi, mỗi lần có tình huống khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 lần này không phải là ngoại lệ. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã được Trung Quốc thông báo về virus mới từ ngày 31/12/2019. Ngày 01/01/2020, chính quyền Trung Quốc đóng cửa chợ hải sản, vào thời điểm đó được cho là nơi xuất phát của dịch Covid-19. Khoảng 15 ngày sau, Bệnh viện Đại học Vũ Hán tuyên bố đã giải mã thành công loại virus corona chủng mới.
Ngày 22/01, hai ngày sau khi Bắc Kinh chính thức công bố dịch, tổng thư ký WHO ca ngợi chính quyền Trung Quốc đã có ''các biện pháp rất mạnh, không chỉ cho phép kiểm soát được dịch bệnh tại Trung Quốc, mà còn cho phép giảm được nguy cơ lây nhiễm ra toàn thế giới''. Nhiều lần sau đó, WHO đã liên tục đưa ra những lời ca ngợi phản ứng tích cực của phía Trung Quốc.
WHO đã triệu tập cuộc họp hai ngày của các chuyên gia tại Genève, ngày 11 và 12/02, để bàn về các biện pháp khống chế dịch. WHO tự cho là đã có các phản ứng tương xứng với mức nguy cơ của dịch bệnh.
Theo một số nhà quan sát, hành xử của WHO đối với dịch Covid-19 lần này được đánh giá là "hiệu quả hơn" so với vai trò của WHO trong giai đoạn dịch bệnh Ebola, miền tây châu Phi, năm 2014-2015. Bà Surie Moon, đồng giám đốc của trung tâm Centre de Gouvernance Globale ở Genève, được La Croix trích dẫn, đã đánh giá lãnh đạo WHO, kể từ đầu dịch bệnh đến giờ đã dẫn đầu các hoạt động đối phó dịch của WHO, đến Trung Quốc và đưa ra thông tin hàng ngày, mỗi ngày thậm chí hai ba lần. Giám đốc CGG khẳng định là, WHO đã thực sự cải thiện hình ảnh của mình trong việc xử trí dịch bệnh Covid-19, cũng như đã thành công trong việc thiết lập các chương trình đối phó khẩn cấp với các bệnh dịch trong năm năm gần đây.
Trong một bài trả lời phỏng vấn Đài France – Culture, đăng tải ngày 28/01, trước khi WHO công bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp, bác sĩ – nhà báo Paul Benkimoun cho biết Tổ Chức Y Tế Thế Giới sau vụ dịch Ebola đã bị lên án mạnh mẽ về thái độ thụ động, chậm trễ trong việc đối phó với dịch bệnh. Chính các áp lực đó cuối cùng đã buộc định chế quốc tế về y tế này phải chuyển hướng sang chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các bệnh dịch. Bởi đây là vai trò chính mà WHO phải đảm nhiệm.
WHO bị cáo buộc đã bao che Trung Quốc
Thảm họa y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho dù thiếu các nguồn tin độc lập tại chỗ, do chính sách kiểm duyệt thông tin của chính quyền Trung Quốc, là điều không thể che giấu được cộng đồng quốc tế, với tình trạng bệnh viện quá tải, nhiều người bệnh phải ở nhà, không được chăm sóc y tế, các nhân viên y tế không được trang bị đủ phương tiện bảo hộ…
Đối chiếu với thực trạng này, giới quan sát nhìn chung ghi nhận WHO đã có thái độ thiên vị chính quyền Trung Quốc rõ rệt.
Trước hết, vào đầu thời gian bệnh dịch được tuyên bố chính thức tại Trung Quốc, Le Monde cho biết chuyến công du 24 giờ ngày 28/01/2020, của tổng thư ký WHO tại Bắc Kinh đã mang một thành công lớn cho chính quyền Bắc Kinh. Trong thông điệp chính thức được đưa ra, đã không có một phê phán nhỏ nhất nào nhắm vào chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Bắc Kinh. Không một lời nào nhắc đến 6 tuần lễ trôi qua, và phản ứng thụ động của chính quyền trung ương, giữa thời gian một trường hợp mắc virus đầu tiên được phát hiện từ ngày 08/12, cho đến khi dịch bệnh được chính quyền chính thức tuyên bố. Lời phê phán duy nhất được ghi nhận từ phía WHO là ''nhắm vào các nước phương Tây'', đã kêu gọi di tản kiều dân khỏi Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng tuyên bố của WHO để chỉ trích ngược trở lại nhiều nước phương Tây, từ Hoa Kỳ cho đến Pháp, về chính sách di tản kiều dân.
Ngày 07/02, sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch qua đời, WHO lên tiếng chia buồn về sự ra đi của người bác sĩ dũng cảm, từng bị công an Trung Quốc bịt miệng trong thời kỳ bệnh dịch chưa được chính thức công bố, trước khi được Tòa án Trung Quốc khôi phục danh dự. Tuy nhiên, một lần nữa WHO lại đứng về phía Bắc Kinh, khi khẳng định Trung Quốc ''không che giấu gì'' trong hồ sơ này.
Ngày 14/02, một lần nữa WHO lại đứng ra bao che cho Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh bị Hoa Kỳ tố cao là đã không minh bạch về khủng hoảng Covid-19. Lãnh đạo của bộ phận xử lý các tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, khẳng định chính quyền Trung Quốc "đã hợp tác với quốc tế, đã chia sẻ hiểu biết về virus mới, tiếp tục phối hợp với bên ngoài, và liên tục có các xuất bản trên các tạp chí y học danh tiếng".
WHO trước thách thức ''cải tổ'' sống còn
Thái độ bao che của WHO với Trung Quốc sẽ để lại những hậu quả nào, dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao, hiện tại các câu hỏi trên còn để ngỏ. Có điều, dịch bệnh virus corona mới chưa từng có này đang thách thức không chỉ uy tín mà có thể cả sự tồn vong của WHO.
- Đọc thêm : Để ''virus của nỗi sợ'' lan tràn: WHO ở đâu ? (phần cuối tr
Trong bài phân tích ''Coronavirus : Dịch bệnh tiến triển, nhưng WHO thì hụt hơi'', hai bác sĩ, chuyên gia về y tế công Jean-Yves Nau và Antoine Flahault nhấn mạnh là, trong vòng mấy thập niên trở lại đây, việc quản lý một dịch bệnh mới xuất hiện là thách thức sống còn với định chế quốc tế này. Từ dịch Zika, dịch cúm H1N1, đến Ebola gần đây… Mỗi lần đối mặt với bệnh dịch quy mô mới xuất hiện như vậy, WHO lại đứng trước thách thức phải ''cải tổ sâu sắc'', để đáp ứng các trông đợi của cộng đồng quốc tế. Dịch bệnh lần này cũng không phải là một ngoại lệ.
Có điều, lần này thách thức mang một chiều kích rất khác. Đó là dịch bệnh bùng nổ tại trung tâm Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, và có nhiều dấu hiệu cho thấy WHO bị Bắc Kinh thao túng, đang xa rời tôn chỉ của mình. Liệu WHO có còn khả năng cải tổ hay không ?
Nguồn: RFI Tiếng Việt