Virus corona: Chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Trung Quốc? (Thuỵ My)
Tin tức thời sự báo chí Pháp ngày 17/2 :
Dịch covid - 19 phơi bày những nguy hiểm từ chế độ độc tài cộng sản không chỉ với người dân Trung Quốc mà cả thế giới. Cho tới nay, thế giới vẫn chưa biết chính xác tầm mức của đại dịch bên trong đất nước Trung Quốc rộng lớn bị kiểm soát chặt chẻ.
Cuộc đấu khẩu Mĩ - Trung tại hội nghị an ninh Munich
Và, bê bối về video sex của ứng viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước trước thềm bầu cử chức đô trưởng Paris là những tin nổi bật.
17/02/2020 - 16:14
Nhân viên y tế kiểm tra bệnh án tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 13/02/2020. REUTERS
Làm thế nào có thể hiện diện tại Liên Hiệp Quốc với tư cách người bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế, nếu không tôn trọng Nhà nước pháp quyền tại chính nước mình ? Đó là vấn đề của Trung Quốc. Và là vấn đề của tất cả chúng ta, nếu nạn dịch corona biến thành đại dịch.
Thời sự nước Pháp hôm nay 17/02/2020 tập trung vào vụ ứng cử viên vào chức đô trưởng Paris của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) cầm quyền Benjamin Griveaux phải từ chức sau khi bị tung clip nhạy cảm, bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn thay thế trong lúc chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ bầu cử. Bên cạnh đó là hồ sơ cải cách chế độ hưu : Quốc Hội bắt đầu họp phiên toàn thể để xem xét hôm nay, trong khi có đến 41.000 đề nghị sửa đổi.
Về quốc tế, hai chủ đề được báo chí Pháp chú ý nhiều nhất là dịch virus corona, và sự đối đầu Mỹ-Trung trong hội nghị an ninh tại Munich (München). Les Echos có một phóng sự dài mô tả « Cuộc sống tại Bắc Kinh trong thời kỳ virus corona ». Le Monde thì cho biết « Cảnh sống khép kín đầy khủng hoảng trên chiếc tàu du lịch Diamond Princess ». Le Figaro nói về « Bài học của một Tchernobyl dịch tễ ».
Không thể chấp nhận một nửa sự thật, trước tính mạng 1,4 tỉ người
Nhà bình luận Dominique Moisi đặt câu hỏi trên Les Echos « Chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Trung Quốc ? ». Dù không muốn bi kịch hóa tình hình, nhưng việc Bắc Kinh giữ bí mật số liệu khiến khó thể đánh giá đúng tầm mức của nạn dịch.
Tác giả nhắc lại việc trong dịch SARS năm 2003, thủ tướng Pháp thời đó là Jean-Pierre Raffarin vẫn giữ nguyên kế hoạch đến thăm Trung Quốc, và được Bắc Kinh coi là người thân thiết. Tuy nhiên tình bạn không có nghĩa là đồng lõa. Khi tính mạng của 1 tỉ 400 triệu người (và có thể hơn nữa) bị đe dọa, thì không thể chấp nhận một nửa sự thật, và trong trường hợp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), là phê phán nửa chừng.
Những gì xảy ra trên thực tế tại Hoa lục ? Y học chưa biết con virus sẽ biến thể ra sao, cộng với thói quen giấu diếm của chế độ Bắc Kinh, khiến khó thể trả lời được câu hỏi này. Nhiều tuần lễ quý giá đã mất đi, gây hậu quả không thể khắc phục được, tạo ra nỗi sợ hãi và chính quyền liền kiểm soát hầu như toàn bộ thông tin.
Để biện minh cho sự tập trung quyền lực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu cao tinh thần đoàn kết phía sau Đảng. Và như thế, theo họ phải duy trì bí mật tình hình, không có tự do báo chí và các quyền tự do công dân. Tuy nhiên Les Echos nhấn mạnh, nhân danh đoàn kết quốc gia, Bắc Kinh siết chặt Hồng Kông và cứng rắn với Đài Loan, dẫn đến phong trào phản kháng ở cựu thuộc địa Anh ; còn người Đài Loan đặt tự do, Nhà nước pháp quyền lên trên sự gắn bó với « mẫu quốc ».
Tư cách ở Liên Hiệp Quốc ?
Bài viết cho rằng nếu nói về một « Tchernobyl Trung Quốc », hoặc so sánh cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) với vụ tự thiêu của người bán hàng Tunisie gây ra Mùa Xuân Ả Rập có thể đôi chút cường điệu. Tập Cận Bình không phải là Gorbatchev hay Ben Ali, Trung Quốc không phải là Tunisia, cũng không trong tình trạng như Liên Xô cuối thập niên 80. Tuy nhiên trước một nạn dịch quy mô như thế, sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền và đối lập khiến việc ngăn chận dịch bệnh cũng khó như tạo được niềm tin nơi người dân.
Tác giả Dominique Moisi cho biết, tháng 5/1986, khoảng 15 ngày sau thảm họa Tchernobyl, ông có mặt ở Matxcơva vì công việc. Rất nhiều lần, ông bị người dân chận lại hỏi với vẻ sợ hãi : « Ông là người phương Tây, có thể nói cho chúng tôi biết có thể ăn uống những thứ gì ? Chính quyền nói dối chúng tôi ».
Nhà nghiên cứu dự báo một khi ra khỏi khủng hoảng virus corona, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục độc quyền lãnh đạo, dù thời gian đầu giọng điệu có bớt vênh vang. Tuy nhiên một câu hỏi căn bản được đặt ra.
Chủ nghĩa toàn trị tuyệt đối bản thân nó ẩn chứa những nghịch lý. Làm thế nào có thể hiện diện tại Liên Hiệp Quốc với tư cách người bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế, nếu không tôn trọng Nhà nước pháp quyền tại chính nước mình ? Đó là vấn đề của Trung Quốc. Và là vấn đề của chúng ta, nếu nạn dịch corona biến thành đại dịch.
Virus corona thách thức mô hình toàn trị của Trung Quốc
Cũng trên Les Echos, chuyên gia tư vấn Jean-Joseph Boillot nhận định « Mô hình Nhà nước toàn trị theo kiểu Trung Quốc bị con virus thách thức ».
Hãy còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế ngắn và trung hạn của nạn dịch virus corona, nhưng đã có thể đặt câu hỏi về nguyên nhân và hậu quả với thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là hồi kết cho toàn cầu hóa quá tự do, và chủ trương tất cả cho thị trường. Còn cuộc khủng hoảng Trung Quốc năm 2020 là hồi chuông báo tử cho mô hình phát triển dưới thể chế độc tài.
Trong khi video về việc xây dựng cấp tốc một bệnh viện 1.000 giường có thể khiến một số người ngưỡng mộ mô hình Nhà nước toàn trị, thông tin về nạn dịch xảy ra ở Vũ Hán từ ngày 08/12/2019 đã khẳng định giả thiết của nhà kinh tế tên tuổi Amartya Sen về mối quan hệ giữa dân chủ và nạn đói. Đói kém không phải do thiếu lương thực, mà do chế độ độc tài kiểm soát thông tin.
Thứ đến, mô hình phát triển kiểu Bắc Kinh – đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, kế hoạch hóa…đại quy mô – mang lại nghịch lý : tàu cao tốc, Con đường tơ lụa mới là lý tưởng để phát tán bệnh truyền nhiễm.
Khủng hoảng tính chính danh của đảng Cộng Sản
Trước mắt tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới sẽ sụt xuống dưới 4%, và hậu quả trong trung hạn được minh họa trong chính chữ Hán « nguy cơ » - vừa nguy hiểm vừa là cơ hội. Đây là sự khủng hoảng tính chính danh của một chế độ hứa hẹn thịnh vượng đổi lấy tự do, mà Hồng Kông và Đài Loan chỉ là bề nổi phía trên cơn sóng ngầm Tây Tạng và Tân Cương.
Từ một năm qua, người dân Trung Quốc rất bất mãn trước khủng hoảng dịch heo : 300 triệu con heo bị tiêu diệt, khiến giá thịt heo mà họ vốn ưa thích tăng vọt. Nhưng câu trả lời của Nhà nước là đầu tư cho những nhà máy kiêm nông trại 12 tầng lầu, để mặc các hộ chăn nuôi gia đình tự xoay sở, trong khi dân chúng mong muốn một cuộc sống « xanh và sạch », thuận với thiên nhiên.
Nhìn chung trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng mô hình Bắc Kinh sẽ làm tăng quá trình phi toàn cầu hóa, tái chuyển dịch sản xuất. Những nước đang phát triển chẳng hạn ở châu Phi sẽ thoát được chế độ thực dân mới, còn với những nước phát triển, có thể hạn chế được tình trạng tiêu dùng quá lố, bất chấp hệ quả xã hội, môi trường. Như vậy con virus corona chưa hẳn chỉ mang lại toàn tin xấu.
« Ăn cắp », « nói dối »…Hoa Kỳ và Trung Quốc đấu khẩu kịch liệt tại Munich
Về quan hệ Mỹ-Trung, đặc phái viên của Le Figaro cho biết « Tại Munich, sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nổ ra công khai ». Hội nghị về an ninh lần thứ 56 là dịp để Washington và Bắc Kinh đấu khẩu kịch liệt.
Người Trung Quốc là bọn ăn cắp, còn người Mỹ là những kẻ nói dối. Những từ ngữ nặng nề như thế đã được tung ra giữa đôi bên. Năm nay, đoàn đại biểu Mỹ đến Munich rất hùng hậu với ít nhất ba bộ trưởng và khoảng 40 dân biểu gồm đủ mọi khuynh hướng chính trị. Bất chấp nỗ lực đối phó với virus corona của Bắc Kinh, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ Mỹ đều tố cáo mối đe dọa từ Trung Quốc đang đè nặng lên thế giới tự do.
Loạt đạn dữ dội nhất là từ bộ trưởng Quốc Phòng Mark Ester, ngay từ sáng thứ Bảy 15/2, ông đã tấn công vào sự độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Rằng đảng « đi về một hướng sai lạc, có thái độ võ biền hung hăng. Trung Quốc xử sự theo kiểu phá hoại và đe nẹt trong khu vực. Chúng ta cần phải thức tỉnh ».
Bị chạm nọc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả đũa, cho rằng cáo buộc trên là « dối trá », do « Hoa Kỳ không chấp nhận sự thành công của một nước xã hội chủ nghĩa ».
Ngoài việc bành trướng trên Biển Đông với việc quân đội Trung Quốc đe dọa tất cả các nước láng giềng và xung đột thương mại, Washington còn lo ngại trước tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, đặc biệt là dự án « Made in China 2025 ». Ông Mark Esper phẫn nộ : « Trung Quốc tiếp tục chính sách đi ăn cắp. Họ đánh cắp công nghệ ! »
Vương Nghị tự ca tụng : « Chúng tôi có đảng Cộng Sản hùng mạnh, có 5.000 năm lịch sử, không sức mạnh nào trên thế giới ngăn được chúng tôi ». Nhưng Mark Esper đáp trả : « Phương Tây có một tương lai rạng ngời và sẽ chiến thắng. Thượng Đế sẽ phù hộ cho thế giới tự do và Hoa Kỳ ».
Pháp : Phía sau việc tung video riêng tư của ứng cử viên LREM
Về thời sự Pháp, Libération chạy tựa trang nhất « Tòa đô chính Paris : Buzyn cứu viện LREM ». Tương tự, trang nhất của Le Figaro đăng chân dung bộ trưởng Y Tế - bây giờ đã thành « cựu » với tựa đề « Giữa khủng hoảng, Macron đẩy bà Agnès Buzyn tranh cử ở Paris ». « Cú sốc sau sự suy sụp của Benjamin Griveaux » - tựa chính của Le Monde. La Croix đăng ảnh ông Benjamin Griveaux nhìn từ phía sau lưng trên nền tối sẫm, với hàng tít « Nền dân chủ bị gài bẫy ».
Le Figaro cho biết « Các nhà điều tra tìm kiếm những gì phía sau các video riêng tư của ông Griveaux ». Cuối tuần qua, cảnh sát bắt đầu thẩm vấn Piotr Pavlenski, nhà hoạt động Nga 35 tuổi tị nạn chính trị tại Pháp, và người phụ nữ sống chung với ông ta từ một năm qua là Alexandra de Taddeo, sinh viên luật 29 tuổi.
Pavlenski nhanh chóng tự nhận mình là người phát tán video nhạy cảm trên trang web pornopolitique.com của ông ta lập ra, khiến ứng cử viên chức đô trưởng Paris, ông Griveaux phải rút lui. Nhân vật tự nhận là « nghệ sĩ hoạt động chính trị » đã từng có vô số hành động gây sốc như tự may miệng, đốt một chi nhánh Ngân hàng Pháp ở Paris…
Người tình Alexandra de Taddeo của Pavlenski hồi tháng 5/2018 từng trao đổi với ông Griveaux qua các ứng dụng bảo mật, các tin nhắn tự xóa sau vài giây. Nhưng cô này chụp lại màn hình, và chờ đến hai năm sau mới tung ra, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đô trưởng. Bên cạnh đó còn có Juan Branco, luật sư 29 tuổi, luôn chống đối ông Macron, là bộ óc của phe Áo Vàng, và từng hiện diện khi phe này phá sập cánh cửa của cơ quan nơi ông Griveaux làm việc.
Luật sư của Benjamin Griveaux cho biết không hề tin rằng Pavlenski hành động một mình. Có bàn tay của Matxcơva chăng ? Nhiều tờ báo không quên nêu ra giả thiết này.
Nguồn: RFI Tiếng Việt