Pháp kêu gọi đối thoại chiến lược về vũ khí nguyên tử, châu Âu dè dặt (Thuỵ My)
Liên Âu là khối liên minh thành công nhất lịch sử thế giới, đây thực chất là dự án xây dựng một quốc gia dựa trên đồng thuận. Trên hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kĩ thuật... Liên Âu đều đạt đồng thuận. Vấn đề quan trọng và gai góc còn lại là quốc phòng đang ngày càng được quan tâm trong khối. Những đề xuất của tổng thống Pháp Macron như thành lập quân đội chung, hay mới nhất là đối thoại chiến lược về vũ khí nguyên tử là ví dụ.
08/02/2020 - 13:15
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu về tầm nhìn chiến lược châu Âu tại Học viện Quân sự, Paris ngày 07/02/2020. Francois Mori/Pool via REUTERS
Trong bài diễn văn tại Học viện Quân sự hôm 07/02/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nước châu Âu mở đối thoại chiến lược, đặc biệt về kiểm soát vũ khí và răn đe hạt nhân.
Sau khi Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Pháp trở thành cường quốc nguyên tử duy nhất trong số 27 quốc gia thành viên, nước duy nhất sở hữu tàu ngầm hạt nhân trang bị hỏa tiễn đạn đạo. Pháp cũng là thành viên duy nhất có được chiếc ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Macron muốn tăng cường quốc phòng châu Âu, một đề nghị chưa hẳn là ưu tiên đối với các nước thành viên khác.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet tường trình :
« Các đề nghị của tổng thống Pháp về kiểm soát vũ khí, và nhất là răn đe nguyên tử không hoàn toàn gây ngạc nhiên cho châu Âu, vì những lời mời gọi tương tự đã từng được các tổng thống tiền nhiệm là Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy đưa ra. Nhưng bối cảnh địa chính trị lần này lại khác, cho dù với Brexit, Anh quốc dồn mọi nỗ lực quốc phòng cho NATO.
Trong số 27 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, đã có đến 21 nước là thành viên NATO, và nhiều nước gắn bó với Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương hơn là ý tưởng một tổ chức quốc phòng cho châu Âu. Đặc biệt là đối với các nước Trung Âu và Đông Âu.
Ngược lại, việc tổng thống Donald Trump đánh giá NATO là « lỗi thời », rồi sau đó Emmanuel Macron nói rằng NATO « chết não », khiến một số nước phải tự hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo đảm được hoàn toàn an ninh cho châu Âu.
Trong lúc đó, các dự án nhằm cụ thể hóa chính sách quốc phòng chung châu Âu nở rộ, và « Liên Hiệp Châu Âu địa chính trị » nay là một ưu tiên của Ủy Ban Châu Âu. Tuy nhiên sự cởi mở của Pháp có thể thúc đẩy một số nước lại đòi hỏi Paris phải chia sẻ chiếc ghế thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ».
Nguồn: RFI TIếng Việt