Nhân quyền cho Việt Nam, cơ hội cho Dân biểu Châu Âu trước khi bỏ phiếu EVFTA (RFA Tiếng Việt)

Sẽ rất khó xảy ra việc nghị viện châu Âu hoãn thông qua EVFTA khi mà quan hệ thương mại mới là vấn đề quan tâm hàng đầu. Vả lại, tâm lý chung của các đối tác đều cho rằng, vấn đề nhân quyền có cải thiện hay không chủ yếu phải dựa vào tinh thần đấu tranh của người Việt chứ không thể trông chờ bên ngoài. Đây là điều dễ hiểu.

Hình minh họa.Ủy viên Thương mại của Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doan nghiệp Romaia Stefan Radu Oprea (giữa) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (phải) ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019
Hình minh họa.Ủy viên Thương mại của Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doan nghiệp Romaia Stefan Radu Oprea (giữa) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (phải) ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019. AFP

Vào ngày 11/2 tới đây, Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu đối với Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA). Đây là lần bỏ phiếu quan trọng quyết định việc hiệp định có đi vào hiệu lực hay không. Đã có nhiều tiếng nói từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, thúc giục các Dân biểu Châu Âu bỏ phiếu hoãn việc thực hiện EVFTA cho đến khi Việt Nam thực sự có cải thiện về nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền quốc tế hy vọng gì vào lần bỏ phiếu tới? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) tại Châu Âu về chiến dịch vận động này.

RFA: Hôm 4/2 vừa qua, tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế cùng một số các tổ chức phi chính phủ khác đã gửi thư đến Nghị viện Châu Âu trước khi Nghị viện nhóm họp để bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên HRW gửi thư đến Nghị viện Châu Âu để thúc giục việc hoãn EVFTA, nhưng lần bỏ phiếu hồi tháng 1 vừa qua của Ủy ban Thương mại Quốc tế vẫn có kết quả là đồng ý với hiệp định. Vậy các ông có hy vọng gì vào lần gửi thư lần này?

Claudio Francavilla: Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gửi thư thế này. Khoảng 1 năm rưỡi trước đây chúng tôi cũng đã gửi thư rồi và cả hồi tháng 1 năm 2019 chúng tôi cũng gửi thư thúc giục các Dân biểu Châu Âu gây sức ép, yêu cầu Việt Nam phải có những nhượng bộ trong vấn đề nhân quyền.

hy vọng và mục đích vẫn không thay đổi, đó là để các dân biểu Châu Âu nhận thấy đây là cơ hội chưa từng có trước đây để có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để có được những cải thiện nhân quyền chắc chắn từ Hà Nội. Nếu không làm vậy mà vẫn đồng ý với Hiệp định trong khi chưa có những cải thiện có ý nghĩa về vấn đề nhân quyền, có nghĩa là họ đã phí phạm mất cơ hội này.

RFA: Ông có nghĩ là phía vận động có đủ phiếu bầu lần này, vì lần trước chỉ có 6 phiếu bầu không và 29 phiếu bầu đồng ý.

Biểu tình trước Nghị viện Châu Âu hôm 21/1/2020 phản đối EVFTA
Biểu tình trước Nghị viện Châu Âu hôm 21/1/2020 phản đối EVFTA Photo: RFA

Claudio Francavilla: Tất nhiên kết quả bỏ phiếu ở Ủy ban Thương mại Quốc tế không phải là điều chúng tôi không dự đoán trước. Tất nhiên, các Dân biểu về thương mại chủ yếu chú ý vào các vấn đề thương mại và không quan tâm lắm đến các vấn đề khác như nhân quyền chẳng hạn. Và điều này là bất chấp những khuyến cáo mạnh mẽ từ nhiều Dân biểu khác như các Dân biểu Saskia Bricmont và Dân biểu Kirton Darling và một số Dân biểu khác. Họ đã cố gắng thuyết phục các Dân biểu khác hoãn lại việc bỏ phiếu này. Cùng lúc, chúng tôi cũng có được ý kiến từ Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện đòi hoãn bỏ phiếu. Tuy nhiên những lời kêu gọi này đã bị các Dân biểu thương mại bỏ qua. Tuy nhiên, các Dân biểu đã biết nhiều hơn về tình hình ở Việt Nam. Vào lúc này, có nhiều các Dân biểu và các nhóm liên tục tìm cách thuyết phục các đồng nghiệp của họ để hoãn lại việc thực hiện Hiệp định trong cuộc bỏ phiếu tới. Các tổ chức phi chính phủ cũng làm tương tự và chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ đạt được kết quả.

RFA: Đã có nhiều sức ép từ phía EU lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền, bao gồm cả nghị quyết từ Nghị viện Châu Âu hồi năm 2018. Tuy nhiên, theo nhận định của HRW thì tình hình nhân quyền của Việt Nam vẫn xuống dốc. Ông nhận định thế nào về điều này?

Claudio Francavilla: Tôi nghĩ các sức ép đã không được chắc chắn và thực chất như đáng ra phải vậy. Các nghị quyết không phải là các công cụ có tính ràng buộc từ phía EU khi những đàn áp này đang xảy ra trong khi Châu Âu đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận. Trong khi đó, nhiều Dân biểu đã gửi thông điệp đến Hà Nội là mọi chuyện đều ổn thỏa, và Nghị viện sẽ đồng ý. Tất nhiên Hà Nội thấy là không phải thay đổi gì cả trong việc họ tiếp tục đàn áp (nhân quyền). Họ thấy là việc đàn áp cũng không mang lại hậu quả gì. Chính quyền Hà Nội thấy là họ không phải lo bị trừng phạt khi có những chỉ trích trên trường quốc tế. Và đó là lý do mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua. Đây là cơ hội mà các Dân biểu không nên bỏ lỡ để gây ảnh hưởng.

RFA: Đã có những nhượng bộ từ phía Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong quá trình đàm phán EVFTA. Theo ông đánh giá thì những nhượng bộ nào là có ý nghĩa và những nhượng bộ nào cần phải rõ ràng và chắc chắn hơn?

Claudio Francavilla: Tôi cho rằng đó là những nhượng bộ nhỏ có tính tích cực thay vì là những nhượng bộ thực sự có ý nghĩa. Một trong những nhượng bộ đó là việc thông qua một trong 3 công ước quan trọng của ILO mà Việt Nam phải thông qua, còn 2 công ước nữa Việt Nam vẫn còn phải thông qua. Thêm nữa là Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua hồi năm ngoái. Tuy nhiên, ILO cơ quan phối hợp với Việt Nam trong những thay đổi này đã nói rằng vẫn còn những thiếu sót. Ví dụ, Bộ Luật Lao động cho phép thành lập công đoàn độc lập, tuy nhiên tên gọi công đoàn độc lập không được nói đến chính thức trong luật. Khi đọc kỹ bạn sẽ thấy là nếu có thì họ chỉ được hoạt động ở mức độ nhà máy và địa phương. Họ phải được chính phủ chấp thuận nếu muốn thành lập. Trong luật cũng có các điều kiện khi nào thì chính phủ cho hoặc không cho phép thành lập các công đoàn như vậy. Cho nên quá trình này là hoàn toàn tùy tiện. Đó là những gì đã xảy ra. Còn những gì chưa xảy ra là việc trả tự do cho các tù chính trị. Như các bạn biết, đó là trường hơp bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã liên lạc với Nghị viện Châu Âu. Tôi thấy có phản hồi của Đại sứ Việt Nam về trường hợp này, nói rằng ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng là tội gì thì không nói. Đại sứ còn so sánh quyền tự do bày tỏ ý kiến ở Việt Nam với các trường hợp khác ở phương Tây hay ở EU.

Hình minh họa. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019
Hình minh họa. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019. Courtesy of baonghean.vn

Kêu gọi quan trọng nhất từ các Dân biểu là kêu gọi Việt Nam thay đổi Bộ Luật Hình sự. Trên thực tế, theo những số liệu thống kê thì có khoảng từ 140 đến 300 nhà hoạt động bị bỏ tù. Họ bị bỏ tù vì các điều luật hà khắc trong Bộ Luật Hình sự. Các điều luật này đã hình sự hóa bất cứ việc bày tỏ ý kiến hoặc bất đồng chính kiến, bất cứ những chỉ trích nào nhắm vào chính phủ. ILO cũng nói rằng các điều luật đó tạo thêm những rào cản cho việc thực thi quyền của người lao động theo hiệp định.

Việt Nam có thể thông qua các công ước hay thông qua bất cứ điều luật nào mà bạn muốn nhưng những điều này gần như là vô nghĩa trừ khi các điều luật trong Bộ Luật Hình sự được thay đổi.

RFA: Có một số người cho rằng việc thông qua EVFTA sẽ dẫn đến những cải thiện về nhân quyền ở Việt Nam. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

Claudio Francavilla: đây là một lập luật trống rỗng, giống như một khẩu hiệu mà chúng tôi cứ nghe đi nghe lại từ những những người ủng hộ việc thông qua hiệp định. Trong lá thư mà chúng tôi mới gửi, chúng tôi đã cố gắng lập luận đối lại lập luật này và chứng minh rằng nó không có ý nghĩa. Một số điểm mà chúng tôi tranh luận lại bao gồm:

Thứ nhất, lập luận của những người ủng hộ cho rằng khi kinh tế phát triển thì tầng lơp trung lưu cũng phát triển và mạnh hơn, và họ sẽ đòi hỏi thêm các quyền về dân sự và chính trị, và sẽ có những thay đổi trong nước. Nhưng nếu nhìn vào ví dụ Trung Quốc thì điều này khác hẳn. Không có bằng chứng nào cho thấy là kinh tế phát triển thêm thì sẽ có thêm quyền chính trị. Mặt khác, Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế rất tốt trong những năm qua, nhưng việc đàn áp lại gia tăng.

Lập luận thứ hai là thỏa thuận thương mại có chương về phát triển bền vững và điều khoản về nhân quyền, cho nên khi hiệp định đi vào hiệu lực nó sẽ mang lại thay đổi trong nước. Chúng tôi đã đọc chương về phát triển bền vững và chúng tôi không thấy các điều khoản bắt buộc, không có chế tài, không có thời hạn. Nó đơn giản chi đề nghị thông qua các công ước của ILO. Nếu bạn đọc Hiệp định bạn sẽ thấy là Việt Nam sẽ xem xét việc tiến hành thông qua các công ước. Hiệp định không nói là Việt Nam phải làm, nên làm trong thời gian nào, nếu Việt Nam cứ trì hoãn việc thông qua. Cho nên ảnh hưởng của chương này là gần như không có.

Lập luận thứ 3 của những người ủng hộ việc thông qua hiệp định là điều khoản nhân quyền trong Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác giữa Việt Nam và EU (PCA). Họ nói là nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền thì Hiệp định sẽ bị ngưng lại. Một số lý do cho thấy điều này là hoang tưởng. Thứ nhất điều này chưa từng bao giờ xẩy ra trong quá khứ khi một thỏa thuận thương mại bị ngưng lại vì vấn đề nhân quyền. Thứ hai là nếu nó bị ngưng thì sẽ có hại cho cộng đồng các doanh nghiệp Châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam. Tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn lên cao, người ta có thể nói là khi thỏa thuận đi vào hiệu lực thì điều khoản nhân quyền sẽ có tác dụng nhưng thực tế không phải vậy.

RFA: Một trong các điều kiện trong thư của các tổ chức phi chính phủ đưa ra đối với Việt Nam là thiết lập một cơ chế giám sát độc lập để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi hiệp định, xin ông có thể giải thích thêm về điều kiện này? Phải chăng hiệp định cũng đã có những điều khoản về vấn đề môi trường và nhân quyền rồi?

Hình minh họa. Ông Lê Đình Kinh với các vết thâm trên người (trái) và cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020
Hình minh họa. Ông Lê Đình Kinh với các vết thâm trên người (trái) và cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020 Courtesy of FB

Claudio Francavilla: Đúng là thỏa thuận có chương về phát triển bền vững nhưng không có điều khoản nào có thể thực hiện. Về cơ chế mà chúng ta nói đến. Nếu nhìn vào vụ Đồng Tâm mới đây thì đây là vụ liên quan đến cưỡng chế đất đai vốn là điều khá phổ biến ở Việt Nam. Với thỏa thuân này thì Việt Nam sẽ sản xuất nhiều hơn và xuất khẩu nhiều hơn. Do đó sẽ cần nhiều đất đai hơn. Ở một đất nước mà tư pháp không độc lập, một cơ chế để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận là điều cần thiết. Việc để những người dân này phụ thuộc vào hệ thống tư pháp Việt Nam như vậy sẽ không phải là điều lý tưởng cho họ. Bạn có thể mở lại đàm phán về hiệp định, hoặc có thể áp dụng một thủ tục tùy chọn để thiết lập cơ chế này.

RFA: Ngày 11/2 tới Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu lần cuối về hiệp định và nếu được thông qua thì chỉ khoảng 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục, hiệp định sẽ đi vào hiệu lực. Ông nghĩ thế nào về khả năng bên vận động có thể thuyết phục các Dân biểu, và nếu phần đông họ vẫn đồng ý như lần bỏ phiếu trước thì kế hoạch tiếp theo của bên vận động là gì?

Claudio Francavilla: Chúng tôi hy vọng sẽ không phải là lần cuối cùng. Chúng tôi đã thấy nhiều nỗ lực từ nhiều Dân biểu và các tổ chức phi chính phủ, thuyết phục Nghị viện Châu Âu hoãn lại hiệp định. Nếu chúng tôi không thành công trong việc này thì tất nhiên công việc của chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục.  Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận những gì xảy ra ở Việt Nam và gây ảnh hưởng tới các bên. Nhưng nếu Nghị viện đồng ý thì điều này sẽ làm mọi việc thêm phức tạp. Nếu các Dân biểu đồng ý với Hiệp định mà không có một dấu hiệu cải thiện về nhân quyền thì thông điệp mà họ gửi cho Hà Nội là tất cả những lời kêu gọi không có ý nghĩa gì, vì họ đã có cơ hội tạo ảnh hưởng mà họ đã không sử dụng. Việt Nam không quan tâm đến những tuyên bố của quốc tế. Tất cả mọi người đều biết về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam mà EU có. Một khi các Dân biểu có cơ hội, họ nên tận dụng vì một khi họ lãng phí nó thì mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn trong tương lai.

RFA: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.