Brexit và bài học nào cho Việt Nam?


Việt Nam sẽ có hai vấn đề trong khu vực, với hai nước láng giềng Lào, Campuchia và khối ASEAN. Lào và Campuchia là hai nước rất cần Việt Nam để có đường ra biển (biển của Campuchia quá nhỏ và khuất). Việt Nam trong tương lai sẽ không lập ra bất cứ liên minh chung nào giữa Việt - Miên - Lào trong khối ASEAN để người dân Lào và Campuchia hiểu lầm là Việt Nam có tham vọng mở rộng biên giới quốc gia. Việt Nam sẽ hợp tác đầy đủ và toàn diện với Lào và Campuchia trên tinh thần minh bạch, dân chủ, đôi bên cùng có lợi. (Việt Hoàng)


Vào 23 giờ đêm 31/01/2020, Vương quốc Anh chính thức chia tay Liên Hiệp Châu Âu (EU) sau 47 năm “chung sống” (1973-2020). Tuy nhiên thủ tục hậu “hôn nhân” còn kéo dài đến hết năm 2020 với việc giải quyết gần 600 hiệp ước giữa Anh và EU.

Người dân EU đón nhận sự kiện này với một tâm lý bình thản vì đã được chuẩn bị tâm lý suốt 4 năm qua. Người dân Anh thì gần như chia làm hai phía, một phía vui mừng và một phía không hài lòng.

Đây là một sự kiện đặc biệt vì lần đầu tiên có một nước xin ra khỏi EU. Từ trước tới nay chỉ có những nước muốn gia nhập EU. Đơn xin gia nhập còn rất nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine…

EU bao gồm 27 nước (sau khi Anh rút ra) với dân số gần 440 triệu người sống trên diện tích hơn 4,2 triệu km vuông. Nền kinh tế của EU đứng thứ 2 thế giới chỉ sau mỗi Mỹ và tương lai sẽ qua mặt Mỹ. Còn nước Anh hiện tại có dân số là 62 triệu người với nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới và thứ hai ở Châu Âu sau Đức.

Việc nước Anh ra khỏi EU là điều đáng tiếc nhưng không bất ngờ vì nước Anh có nhiều khác biệt với EU. Đầu tiên, Anh là một đảo quốc trong khi EU là lục địa. Điều thứ hai, cho đến cuối thế kỷ 19 thì Anh vẫn là một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới với các thuộc địa trải dài khắp 5 châu. Điều này ai cũng biết qua câu nói nổi tiếng: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”. Đến năm 1890, lần đầu tiên một cường quốc có GDP vượt qua Anh đó là Mỹ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Anh phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, nền kinh tế Anh đã rơi vào khó khăn khi xếp sau cả Đức lẫn Nhật Bản. Anh đã phát triển mạnh mẽ trở lại sau khi gia nhập EU vào năm 1973. Hiện tại thì Anh vẫn là một cường quốc thế giới và nằm trong nhóm G7 với một nền kinh tế năng động, một thị trường tài chính lớn và một quân đội hùng mạnh, đặc biệt là hải quân.

Chúng ta cùng nhớ lại sự kiện trưng cầu dân ý năm 2016 về việc nước Anh ở lại hay rời khỏi EU, kết quả người dân Anh chọn Brexit với một tỉ lệ sát sao là 51,9% (48,1% chọn ở lại EU). Xung quanh cuộc trưng cầu dân ý này, như Tập Hợp đã phân tích, đây là một sai lầm của cựu thủ tướng Cameron khi ông đã đẩy công việc khó khăn đó cho người dân trong khi chính các chính trị gia Anh phải đưa ra quyết định vì chỉ có họ mới đủ kiến thức và sáng suốt để làm điều đó. Trong cuốn hồi ký sắp ra mắt tới đây ông Cameron cũng đã thừa nhận sai lầm bằng sự “hối tiếc đã cho mở trưng cầu dân ý tháng 6/2016”.

Hậu quả là những người Anh lớn tuổi đã chọn Brexit trong khi giới trẻ chọn ở lại EU. Nghịch lý ở đây là những người già quyết định bỏ phiếu cho một tương lai mà họ không còn có mặt trong khi thế hệ trẻ lại bị áp đặt một tương lai mà họ không muốn bởi những người không còn sống tới lúc đó. Sự hoài niệm, lòng tự hào về một quá khứ huy hoàng của nước Anh và nỗi lo sợ mất quyền lợi khiến tầng lớp lớn tuổi Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

Một lý do nữa khiến người Anh chọn Brexit là họ sợ “mất độc lập”. Điều này đúng một phần, khi gia nhập EU thì mọi quyết định quan trọng đều được thảo luận và biểu quyết tại Bruxelles thay vì London. Các bộ luật của EU có giá trị pháp lý cao hơn các bộ luật của các nước thành viên. Tuy nhiên đó là một cái giá hoàn toàn xứng đáng khi gia nhập EU để đổi lấy các thuận lợi về hợp tác kinh tế-chính trị. Ví dụ, khi gia nhập EU thì ngành đánh cá của Anh bị thiệt hại khi vùng đặc quyền đánh bắt cá thuộc về cả EU thay vì mỗi mình Anh như trước đây. Bù lại Anh được xuất khẩu rượi whisky của Scotland vào EU không bị đánh thuế. Nói chung Anh được lợi rất nhiều khi tham gia vào EU. Trước đây muốn mở mang bờ cõi và thị trường thì nhiều nước, trong đó có Anh, đã gây ra nhiều cuộc chiến đẫm máu. Lập luận cho rằng nước Anh sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi phải giúp các nước nghèo trong EU cũng không thuyết phục lắm vì trong bất cứ một cuộc chơi hay sự hợp tác nào thì người giỏi và giàu luôn hưởng phần lợi nhiều hơn. Với kinh nghiệm gần 30 năm kinh doanh tôi dám khẳng định điều đó.

Một lý do nữa của Brexit là nhiều người muốn nước Anh trở thành thiên đường về tài chính của thế giới. Tuy nhiên với Brexit thì trung tâm tài chính thế giới mà London đang có sẽ chuyển sang nơi khác như New York (Mỹ) hoặc Frankfurt (Đức).

Nghịch lý của việc Anh rời EU là họ đi ngược lại với phong trào “toàn cầu hóa”. Nhu cầu kết hợp và liên minh với nhau giữa các quốc gia trên khắp thế giới đang ngày càng mở rộng và là trào lưu chung của thế giới. Ngay cả Đông Nam Á cũng kết nạp 4 quốc gia cuối cùng để trở thành một liên minh thống nhất trong khu vực là ASEAN. Sau khi rời EU trọng lượng của nước Anh sẽ giảm đi đáng kể, nước Anh sẽ sớm cảm nhận được sự cô đơn.

Chúng ta cần biết một điều rằng EU là một kết hợp lớn nhất và đẹp nhất từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại khi ra đời trong hòa bình và tự nguyện chứ không hề có một tiếng súng hay bất cứ sự áp đặt nào. Kết hợp này cũng là nhân văn và xứng đáng nhất khi được đặt trên nền tảng các giá trị đúng như dân chủ tự do và tôn trọng các quyền con người. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nghe và biết đến các liên minh vì quyền lợi. EU cũng là kết hợp mạnh nhất, có tương lai nhất vì gồm nhiều quốc gia hùng mạnh và văn minh nhất tại Châu Âu. EU đang trong giai đoạn thay đổi và hoàn thiện để tiến lên và trong một tương lai gần sẽ thay thế Mỹ đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ.

Bài học nào cho Việt Nam từ sự kiện Brexit?

Một bài học quan trọng cần rút ra cho Việt Nam đó là không nên tiến quá nhanh trong các quan hệ quốc tế và khu vực. EU đang phải đối mặt nhiều vấn đề vì phát triển quá nhanh, từ 6 nước ban đầu (1951) lên 12 nước (1986) nước rồi 28 nước (2013). Một câu hỏi quan trọng đặt ra khi mở rộng EU: Đó sẽ là một liên hiệp giữa các quốc gia độc lập hay một liên bang với luật pháp, ngoại giao và quân đội chung? Những vấn đề quan trọng như vậy chưa được thảo luận một cách rốt ráo và vì thế chưa có câu trả lời rõ ràng cho người dân các nước EU. Đây là lý do khiến khuynh hướng dân tộc hẹp hòi trỗi dậy trong nhiều quốc gia EU, trong đó có Anh. Các quan niệm cũ về quốc gia đã thay đổi hoàn toàn trong thế kỷ 21, đặc biệt sau khi phong trào toàn cầu hóa đã trở thành xu thế của thời đại mới. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi có nói rằng quan niệm cũ, xem quốc gia như một lãnh thổ, một dân tộc, một ngôn ngữ và một lịch sử đang bị xét lại và mọi người ngày càng nhìn quốc gia như là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.

Việt Nam sẽ có hai vấn đề trong khu vực, với hai nước láng giềng Lào, Campuchia và khối ASEAN. Lào và Campuchia là hai nước rất cần Việt Nam để có đường ra biển (biển của Campuchia quá nhỏ và khuất). Việt Nam trong tương lai sẽ không lập ra bất cứ liên minh chung nào giữa Việt - Miên - Lào trong khối ASEAN để người dân Lào và Campuchia hiểu lầm là Việt Nam có tham vọng mở rộng biên giới quốc gia. Việt Nam sẽ hợp tác đầy đủ và toàn diện với Lào và Campuchia trên tinh thần minh bạch, dân chủ, đôi bên cùng có lợi. Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền của hai nước. Theo quan niệm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì sức mạnh của một quốc gia (hay dân tộc) là sự lan tỏa ảnh hưởng ra thế giới chứ không phải việc giành giật một vài miếng đất của hàng xóm. Không nên đặt vấn đề thiết lập lại Liên bang Đông Dương như trước đây ngay cả khi Lào và Campuchia đề nghị điều đó. Nếu cần Việt Nam sẽ ký các hiệp ước song phương với từng nước với cùng một nội dung. Dứt khoát tránh gây mọi hiểu lầm từ người dân Lào và Campuchia là Việt Nam có định xâm lược hay nhòm ngó đất đai của họ. 

Tất nhiên ai cũng biết hiện tại thì Lào và Campuchia đang phụ thuộc rất nặng vào Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Tuy nhiên sớm muộn thì Trung Quốc cũng sẽ rút lui và co cụm lại. Họ sẽ buông, không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Campuchia.

Với hiệp hội ASEAN thì có lẽ Việt Nam nên dừng ở chỗ tự do đi lại như hiện nay. Không nên đi quá nhanh, mà mọi bước đi đều phải cân nhắc kỹ càng. Chúng ta cam kết tuân thủ mọi qui định của ASEAN cũng như góp phần tối đa cho sự phát triển chung của cả khối. Không nên đặt những mục tiêu quá lớn và quá tham vọng với ASEAN để tránh thất vọng cho cả hai. Khiêm tốn và thận trọng sẽ giúp Việt Nam phát triển một cách hòa bình và hài hòa với các nước trong khu vực, đặc biệt là với hai nước láng giềng Lào và Campuchia.

Việt Hoàng (16/2/2020)