Thu hút người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh có khả thi? (Diễm Thi)

Bệnh viện quá tải, hai bệnh nhân nằm chung một giường, chất lượng y bác sĩ thấp, y đức kém... bộ y tế còn chưa lo nỗi, lại lập ra những đề án trên trời.
Thu hút bệnh nhân nước ngoài hãy để cho các bệnh viện tư họ làm, chi phí rẻ, chất lượng tốt thì tự động khách hàng sẽ tìm đến; không cần bộ y tế phải bày ra đề án này, đề án nọ để rút ngân sách chia chác.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân tạo một bệnh viện ở Pháp.
Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân tạo một bệnh viện ở Pháp. AFP


Bộ Y tế đưa ra dự thảo đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”.

Dự thảo đề án của Bộ Y tế nêu ra một thực tế là các kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ hoặc phẫu thuật nội soi, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng... có giá cả thấp hơn nhiều so với nước ngoài với kỹ thuật tương tự.

Phát biểu tại buổi góp ý về đề án này sáng ngày 13 tháng 12 tại TP.HCM, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho rằng, TP.HCM có tiềm năng rất lớn bởi các bệnh viện đã quan tâm đầu tư và đào tạo một đội ngũ cán bộ trình độ tay nghề cao.

Như vậy ngoài lợi thế về chi phí, các yếu tố khác như thiết bị y tế, tay nghề của y, bác sĩ có thể thu hút bệnh nhân nước ngoài cũng như người dân có thu nhập cao ở lại chữa bệnh trong nước hay không?

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long từ Việt Nam nhận định:

“Khả thi và tiềm năng rất lớn lại không cạnh tranh dưới góc độ thị trường. Ngay các bác sĩ thiện nguyện ở Mỹ về cũng phải có chúng tôi đi cùng chứ họ không thể tự làm một mình được. Ngoài dịch vụ chữa bệnh, hiện nay họ xây dựng những khu an dưỡng cho người lớn tuổi sang nghỉ dưỡng, kết hợp chữa bệnh.”
Theo Bác sĩ Long, chi phí rẻ hơn ở nước ngoài với cùng một dịch vụ là chuyện quá rõ ràng. Còn chuyện tay nghề thì tùy vào từng người, nhưng ở những bệnh viện lớn, trung tâm lớn thì tay nghề bác sĩ không hề kém. Ông nêu một trường hợp cụ thể về mặt chi phí mà ông có kinh nghiệm thực tế rằng, cách đây mười mấy năm, có một Việt kiều ở Mỹ về làm nội soi dạ dày với chi phí chỉ có 100.000 đồng Việt Nam, trong khi ở Mỹ phải trả đến 1.000 đô la, theo lời bệnh nhân này nói.

Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM thì có cái nhìn thận trọng hơn với nhận định:

“Bây giờ nếu xây dựng đề án thu hút người nước ngoài chữa bệnh thì chi phí phải rẻ hơn và chữa tốt hơn nước họ thì họ mới đến. Nhưng tôi nghĩ cho tới giờ này cũng khó mà Việt Nam có lợi thế nếu đặt lên bàn cân, kể cả về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn.”

Tại Việt Nam, tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn ở thành phố mà báo chí trong nước thường xuyên loan tải ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Tiến sĩ-Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) từng đưa ra nhận định với RFA về tình trạng bệnh viện công bị quá tải:

“Tôi nhìn thấy tình trạng quá tải ở bệnh viện công hiện nay, nguồn gốc sâu xa là đã để cho tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu bị bỏ bê. Hay nói khác là chất lượng chăm sóc y tế của tuyến dưới đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Theo số liệu thống kê không chính thức của Bộ Y tế tính đến năm 2018, Việt Nam với hơn 1000 bệnh viện công có 345 ngàn nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ trên 55 ngàn người, tương ứng tỷ lệ 7,2 bác sĩ/một vạn dân. Bộ Y tế cho biết tỷ lệ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thuộc nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới.

Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, khi xây dựng một dự án, đề án phải nhìn vào kinh nghiệm thực tế. Hiện nay, theo ông, đúng là có một số người bệnh ở nước ngoài muốn đến Việt Nam điều trị, đặc biệt là những quốc gia gần như Lào hoặc Campuchia. Tuy nhiên nhiều người Việt Nam tương đối giàu có hoặc những viên chức Nhà nước thì lại ra nước ngoài chữa bệnh, ví dụ như Singapore hoặc Trung Quốc.

Người bệnh nước ngoài nghĩ gì?

Tình trạng quá tải tại một bệnh viện nhi ở Việt Nam. AFP

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố: "Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh".

Ở chiều ngược lại, kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế thực hiện tháng 8 năm 2019 cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh gần 89.000 lượt và hơn 10.000 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.

Ông Nguyễn Kỳ, một người sống ở Hoa Kỳ trên 30 năm về Việt Nam du lịch chẳng may bị té phải vào bệnh viện nói với RFA:

“Tôi vô nhà thương Pháp-Việt. Trước hết là nó hỏi chú có tiền bạc không. Cái đó thì cũng được nhưng mà tự nhiên chú không thấy tin tưởng. Tôi sợ cả kỹ thuật lẫn trách nhiệm của bác sĩ. Họ khác bên này nhiều lắm. Rủi bị cái gì là thôi luôn chứ không như bên này. Đồng ý là trước khi mổ mình cũng phải ký giấy chấp nhận rủi ro, nhưng trách nhiệm cá nhân, lương tâm, kỹ thuật và khả năng của bác sĩ không thể bằng Mỹ được. Tôi chỉ vô chữa sơ sơ chứ về Mỹ được là tôi về ngay chứ ở đó họ chữa gì cho mình!”

Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có một số bệnh viện được có trang bị hiện đại nhưng chi phí điều trị khá cao, thường được cho là chỉ thích hợp với người có tiền hay người nước ngoài. Ví dụ như Bệnh viện Pháp - Việt là một bệnh viện quốc tế mà những người có tiền mới có thể vô điều trị vì chi phí khá cao so với các bệnh viện khác. Ngoài ra còn một số bệnh viện quốc tế khác nhận chữa trị cho người nước ngoài như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park; Bệnh viện quốc tế City; Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn…

Gần đây nhiều người Việt ở Mỹ cũng hay nói đến việc về Việt Nam làm phẫu thuật thẩm mỹ nhỏ và làm răng giá rẻ hơn, nhưng cũng có trường hợp thiệt mạng.

Giữa tháng 10 vừa qua, một Việt kiều Mỹ về nước căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Q.3 (TP.HCM), đã tử vong khi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng mất hết phản xạ.

Bà Dina Nguyễn, một y tá ở Hoa Kỳ về Việt Nam thăm người nhà bị ung thư cho hay, bà không bao giờ về Việt Nam chữa bệnh cho dù chi phí thấp hơn ở Mỹ. Bà nói:

“Tôi thấy ở Việt Nam, những bệnh viện bình thường, những y tá, bác sĩ đối xử với bệnh nhân không công bằng. Nếu không đưa tiền riêng cho họ thì họ sẽ không chăm sóc cho bệnh nhân. Về kỹ thuật thì rất là tệ. Tôi không hiểu sao người nhà tôi, bị ung thư ruột, phải mổ đến ba lần. Mổ lần đầu xong vài tháng thì bác sĩ nói phải mổ lại để sắp xếp lại ruột. Vài tháng sau lại phải nổ để sắp xếp lại ruột lần nữa. Tôi không hiểu kỹ thuật chuyên môn của bác sĩ như thế nào mà cứ phải mổ đi mổ lại để sắp lại ruột, theo lời bác sĩ nói.”

Theo chỉ tiêu của đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao tại tuyến trung ương là 100%, tuyến tỉnh 20%, tư nhân 15%. Tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%. Tỷ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.