Nga và Ukraina đạt thỏa thuận mới về trung chuyển khí đốt qua châu Âu (Thuỳ Dương)
Ukraina dù không muốn cũng phải nhượng bộ về thỏa thuận trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraina sang các nước Liên Âu.
Các nước Liên Âu dù bảo vệ Ukraina nhưng lại lệ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Ukraina nếu không nhượng bộ, khi dự án Nord Stream 2 đi vào hoạt động, họ sẽ còn mất nhiều hơn.
Một cơ sở của tập đoàn khi đốt Ukraina Naftogaz trên lãnh thổ Ukraina. Ảnh minh họa AFP PHOTO/SERGEI SUPINSKY
Trong bối cảnh dự án Nord Stream 2 bị Mỹ cản trở và chỉ còn vài ngày nữa là hợp đồng giữa hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina về việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu xuyên qua lãnh thổ Ukraina hết hiệu lực, hai đối tác Nga và Ukraina ngày 21/12/2019 đã đạt một thỏa thuận trung chuyển mới, dưới sự bảo trợ của Ủy Ban Châu Âu. Thỏa thuận này cũng đánh dấu việc quan hệ Nga và Ukraina chuyển sang một giai đoạn hòa dịu hơn.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert giải thích :
Chiến tranh khí đốt sẽ không xảy ra, ít nhất là trong năm nay. Gazprom trước đây đã dọa ngưng hẳn việc cung cấp ga cho châu Âu qua đường Ukraina sau khi hợp đồng hết hạn vào ngày 31/12.
Sau những cuộc thương lượng rất dài, giờ đây tập đoàn nhà nước Nga đảm bảo sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt ở mức tối thiểu cho châu Âu qua Ukraina, trong thời hạn ít nhất là 5 năm nữa.
Nga đã có thêm động lực để quyết định như trên do việc dự án Nord Stream 2 dưới biển Baltic chuyển thẳng khí đốt từ Nga qua châu Âu bị ảnh hưởng vì các lệnh trừng phạt mới đây của Mỹ.
Để đảm bảo cho thỏa thuận mới, tập đoàn Ukraina Naftogaz từ bỏ vụ kiện ra tòa án quốc tế đòi Gazprom bồi thường 12 tỉ đô la. Quyết định từ bỏ này đã bị chỉ trích rất nhiều ở Ukraina, cho dù đã được làm dịu đi phần nào nhờ việc Gazprom chấp nhận bồi thường 3 tỉ đô la, điều mà tập đoàn Nga từ trước đến nay vẫn không chịu trả.
Ông Yuriy Vitrenko, phó chủ tịch tập đoàn Naftogaz bình luận: "Các thỏa hiệp đều khó khăn cho tất cả các bên". Tuy nhiên, thỏa thuận chứng tỏ là Matxcơva và Kiev vẫn còn có thể thống nhất được với nhau về một số vấn đề cụ thể.
Đối với nhiều người, đây là một dấu hiệu hết sức khích lệ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình đang được nối lại.
Nguồn: RFI Tiếng Việt