Huỷ toàn bộ bản án đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại (RFA Tiếng Việt)

Tìm hiểu về vụ án Hồ Duy Hải chúng ta không khỏi ghê sợ trước sự tùy tiện của hệ thống pháp luật cộng sản, nó là thứ pháp luật man rợ coi mạng người như cỏ rác.
Việc đình chỉ vụ án là một thắng lợi từ áp lực của xã hội dân sự trước bạo quyền. Dù sau này, nếu Hồ Duy Hải được minh oan, thì những tổn thất về tinh thần, thể xác, của anh và gia đình là không thể bù đắp.

Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải
Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải
Courtesy of FB

 Vẫn biết án oan có ở khắp nơi, do sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những rõ ràng những án oan ở Việt Nam chủ yếu do sự lộng hành của bộ máy công an, một bộ máy được trao quá nhiều quyền.

Sau hơn 10 năm kêu oan, tử tù Hồ Duy Hải, người bị kết tội giết người và cướp tài sản vừa có thêm một cơ hội sống khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xoá bỏ toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30/11.

Theo truyền thông trong nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, để nghị Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Toà án Nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Toà phúc thảm Toà án Nhân dân tối cao TP. HCM đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào năm 2011.

Trong quyết định kháng nghị mới nhất, Viện KSND tối cao đã chỉ ra một loạt các sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng như: bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai làm trong giải quyết vụ án.

Theo Viện KSND tối cao, trong lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008, Hồ Duy Hải đã không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.

Viện KSND tối cao cũng xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Vụ án Hồ Duy Hải được coi là một trong những vụ được chú ý nhiều nhất trong các năm qua tại Việt Nam và khiến quốc tế phải lên tiếng.

Theo nội dung vụ án, Hồ Duy Hải quen biết với 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An vào năm 2007. Sáng ngày 14/1/2008, người ta phát hiện 2 nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.

Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó ở tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 2008 và 2009 đều xác định Hải, lúc đó mới 23 tuổi, đã “giết người” và “cướp tài sản”, và tuyên án tử hình,

Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đã đi kêu oan cho con ở khắp nơi nhiều năm ròng rã.

Hồi tháng trước, Ân xá Quốc tế Na Uy đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng Bí Thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi huỷ bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Trước đó, vào tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.

Năm 2015, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.

Trước đó, vào tháng 12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.