Chính trị là việc chung (Việt Hoàng)


Nhân đây cũng nói luôn một chuyện cho các trí thức nhân sĩ chờ thời được rõ là việc đánh bóng tên tuổi rồi ngồi chờ để được một chính phủ trong tương lai vời ra nhận một trách nhiệm lãnh đạo nào đó trong bộ máy chính quyền như ngày xưa là điều không thể xảy ra. Bất cứ chính phủ nào cũng có bổn phận giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân vì vậy họ chỉ có thể dùng những người là “nhân sự chính trị” thực sự, là những người có hiểu biết về chính trị, hiểu những vấn đề đặt ra cho đất nước và cách giải quyết và nhất là biết làm việc chung trong một tổ chức. (Việt Hoàng)


“Chính trị”, một thuật ngữ mà chúng ta đang dùng hiện nay được dịch từ chữ Politics, tiếng Hy Lạp. Politics có nghĩa là việc của thành phố hay “việc chung”. Thời đó mỗi thành phố gần như là một nhà nước, ví dụ thành phố Athens, gần như là một vương quốc. Người đầu tiên nói đến thuật ngữ này là triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle, tác giả của tác phẩm nổi tiếng: “Politics” (Chính trị luận). 

“Chính trị” là một từ Hán-Việt được dịch một cách sơ sài và cẩu thả. Nếu dịch đúng như ý nghĩa của nó là “việc chung” hay “việc nước” thì có lẽ người Việt Nam đã không hiểu sai và quan niệm sai về chính trị như vậy.

Hầu như đa số người Việt Nam vẫn cho rằng đấu tranh chính trị là tranh giành quyền lực bằng các thủ đoạn xấu xa nhơ bẩn, chính trị không cần học, không cần đạo đức miễn là đạt được mục đích, chính trị là tìm kiếm công danh riêng cho mỗi người…chính vì thế mà cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có các chính đảng dân chủ thật sự có tầm vóc với những người đấu tranh chính trị chuyên nghiệp (các chính trị gia). Trên các diễn đàn bàn về chính trị, người Việt cãi nhau như mổ bò và không ai nghe ai. Lý do là vì đa số người dân và trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm chính trị hiện đại. Những ngộ nhận lớn này cần được giải tỏa.

Với chủ nghĩa Khổng giáo thì “chính trị” đơn giản chỉ là “cai trị có chính danh” và cái gọi là “chính danh” này rất sơ sài và nhiều lúc rất tùy tiện. Một hảo hán mà cướp được chính quyền thì đương nhiên sẽ có chính danh, ví dụ vua Đinh Bộ Lĩnh hay anh em nhà Tây Sơn. 

Suốt dòng lịch sử Việt Nam và kéo dài cho đến tận bây giờ thì quan niệm về “chính trị” của giai cấp cầm quyền và người dân vẫn không thay đổi. Đảng cộng sản mặc nhiên cho rằng đất nước Việt Nam là “chiến lợi phẩm” do họ cướp được từ tay thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vì thế họ có quyền chiếm giữ, dứt khoát không chia cho bất cứ đảng phái nào. Lập luận của họ là “các ông có công trạng gì mà đòi chia quyền”. Họ vẫn xem đất nước là một vùng lãnh thổ riêng của họ. Mỗi khi bị thế giới lên án vì vi phạm nhân quyền họ đều lớn tiếng “đây là công việc nội bộ, không ai được can thiệp”. Với người dân thì họ chỉ xem như là đối tượng bị cai trị chứ không phải là “chủ nhân” của đất nước. Họ thường vẫn bảo “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”, có nghĩa là “làm gì là việc của chúng tôi, người dân không có quyền tham gia”.

Người dân Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có quyền hay bất cứ tiếng nói gì đối với các vấn đề chung của đất nước. Họ chỉ biết cam chịu và chấp nhận thân phận của một “thần dân” chứ không phải một “công dân”. Khái niệm về quốc gia và công dân chỉ mới được khám phá và công nhận gần đây (từ thế kỷ 18) chứ trước đó nhà nước chỉ là một lãnh thổ của một ông vua bà chúa nào đó. Những ông vua bà chúa đó có toàn quyền chuyển nhượng, cho tặng bất cứ ai lãnh thổ của mình bao gồm cả người dân sống trong vùng đó. Chính vì không có quyền lợi gì nên người dân sống dưới các chế độ đó cũng không có trách nhiệm gì. Họ thờ ơ sống bên lề thời cuộc, chỉ lo kiếm miếng ăn cho gia đình mình. Các vua chúa không xem chính trị là việc chung mà chỉ là việc riêng của hoàng tộc nên họ tự xử lấy chứ không cần đến người dân. Nếu bằng biện pháp hòa bình không được thì họ dùng đến chiến tranh, bạo lực hay các thủ đoạn xấu xa khác để dành/cướp chính quyền bằng mọi giá. Quyền lực là tất cả với họ. Mỗi khi phế bỏ được triều đại cũ thì họ thường bôi bẩn và nếu cần thì bịa ra những chuyện xấu xa, nhơ bẩn để nhục mạ kẻ thua cuộc nhằm tạo cho họ chính danh để cầm quyền. Và các chế độ phong kiến (lẫn cộng sản) đã rất thành công khi nhồi được vào trong đầu của người dân rằng “chính trị là nhơ bẩn, xấu xa, người tốt đừng có dây vào, cứ để mặc họ giải quyết…”.   

Chính vì người dân được khuyến cáo và cấm đoán tham gia vào chính trị và vì họ chưa bao giờ là công dân thực thụ nên họ bàng quang với chính trị, họ xem chính trị là việc của “nhà nước” và “của người khác” chứ không phải việc của họ. Khi quân Pháp xâm lược nước ta và đánh nhau với quân triều đình Huế thì người dân kéo nhau đi xem “quân Tây đánh nhau với quân Nam”. Hiện giờ cũng vậy, không ít người lên mạng chỉ để chém gió và khoe cảnh ăn chơi, thậm chí nhiều trang mạng còn có qui định cấm các thành viên không được bàn luận chuyện chính trị.

Với trí thức Việt Nam thì sao? Chủ nghĩa Khổng giáo và sau đó tiếp nối bởi chủ nghĩa cộng sản luôn luôn khuyến khích “văn hóa luồn lách”. Ngày xưa để làm quan thì chỉ cần thi đậu các kỳ thi do triều đình tổ chức và có những người đỗ đạt đến Trạng nguyên cũng chỉ nhờ giỏi về thơ phú hay những kiến thức không liên quan gì đến chính trị như học thuộc “Tứ thư, Ngũ kinh” hay trả lời giỏi các câu đối. Ví dụ trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần. Ông được lịch sử ghi nhận như là một trạng nguyên làm thơ hay và đối đáp giỏi khi đi làm sứ Trung Quốc.

Trí thức Việt Nam từ xưa đến nay được mặc định như là công cụ để phục vụ chính quyền. Họ không được suy nghĩ độc lập, không được kết hợp với người khác để gây ảnh hưởng lên các chính sách của chính quyền. Dư luận Việt Nam vừa qua chỉ trích nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (người vừa được bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế cho thủ tướng) hay tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) là hơi oan cho họ. Phần lớn trí thức Việt Nam đều thế cả. Họ ca tụng chính quyền, hùa theo chính quyền và tâng bốc chính quyền lên tận mây xanh kể cả những điều hoang tưởng như việc ông Lộc nói “Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!”.

Một thành phần ít ỏi các trí thức có trí tuệ và tấm lòng thì họ dứt khoát không làm “công cụ” cho chế độ nhưng họ, hoặc là im lặng, bỏ ra ngoài làm cho các công ty đa quốc gia hoặc là tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là một mình. Họ không tin ai, không phục ai và không muốn kết hợp với ai. Có lẽ họ không tin vào chính bản thân họ và không tin vào tương lai của đất nước. Họ không tin rằng những người như họ có thể thay đổi được hiện tại. Việc họ lên tiếng chỉ là bày tỏ tiếng nói của lương tâm chứ ít người tin rằng có thể chiến thắng được đảng cộng sản. Việc tranh đấu với đảng cộng sản là việc của người khác. Họ chỉ ủng hộ khi “những người khác” đó thành công. Chưa bao giờ trí thức Việt Nam đặt cho mình trách nhiệm “hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng” dù đó mới chính là sứ mạng thật sự của tầng lớp trí thức trong mọi quốc gia.

Nhân đây cũng nói luôn một chuyện cho các trí thức nhân sĩ chờ thời được rõ là việc đánh bóng tên tuổi rồi ngồi chờ để được một chính phủ trong tương lai vời ra nhận một trách nhiệm lãnh đạo nào đó trong bộ máy chính quyền như ngày xưa là điều không thể xảy ra. Bất cứ chính phủ nào cũng có bổn phận giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân vì vậy họ chỉ có thể dùng những người là “nhân sự chính trị” thực sự, là những người có hiểu biết về chính trị, hiểu những vấn đề đặt ra cho đất nước và cách giải quyết và nhất là biết làm việc chung trong một tổ chức.

Trí thức Việt Nam không phải ai cũng hiểu chính trị là “việc chung” nên họ mới phát biểu một cách “phản chính trị” rằng “chính trị là xấu xa, nhơ bẩn”. Và không ít trí thức Việt Nam trong lẫn ngoài nước hồn nhiên cho rằng “đấu tranh cho dân chủ là việc của người trong nước…”. Đã là việc chung thì ai cũng có quyền và bổn phận như nhau, tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà mỗi người đều có thể đóng góp vào công việc chung. Tại sao lại phân biệt là trong hay ngoài nước? 

Vậy còn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm về chính trị như thế nào? Có lẽ những ai theo dõi lâu đều thấy rõ là chúng tôi quan niệm về chính trị đúng như ý nghĩa gốc ban đầu của từ Politics, tức là xem chính trị là “việc chung” hay “việc nước”. Chúng tôi xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể hiện các giá trị đạo đức vào trong xã hội. Hoạt động chính trị là phải đặt lẽ phải và sự thật lên hàng đầu. Phải đề cao đạo đức và các giá trị tiến bộ đã được minh định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập của Liên Hợp Quốc. Chính trị phải là nơi sạch sẽ nhất với những con người có đạo đức, có tư cách và có trí tuệ nhất. Khi tôi chia sẻ điều này với một số trí thức thì họ đều cười và cho rằng không thể có chuyện đó. Chúng tôi biết là rất khó nhưng sẽ cố gắng làm như vậy.

Khi chúng tôi nói và viết về chính trị thì luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia và nhân phẩm của người dân Việt Nam lên trên tất cả. Chúng tôi thường xuyên chỉ trích đảng cộng sản nhưng không bao giờ xem họ là kẻ thù, mặc dù họ đang là phiến đá cản đường dân tộc Việt Nam đi tới tự do và dân chủ. Chúng tôi luôn khuyến khích đảng cộng sản làm tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân. Chúng tôi cũng không ngại mất lòng một số nhân sĩ trí thức khi nói thẳng, nói thật về chính trị. Chúng tôi cũng không độc quyền chân lý và không bao giờ cho rằng Tập Hợp là duy nhất. Xã hội là đa nguyên nên Tập Hợp chỉ là một trong nhiều khuynh hướng chính trị của Việt Nam. Chúng tôi luôn kêu gọi những người dấn thân hãy đấu tranh có tổ chức và nếu không đồng ý với Tập Hợp thì ủng hộ một tổ chức khác hoặc tự thành lập một tổ chức mới…

Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi và thảo luận về bất cứ chủ đề gì, với bất cứ ai trong tinh thần thẳng thắn và tương kính. Trong Dự án chính trị của mình, chúng tôi cũng xác quyết là sẵn sàng tham gia vào một liên minh dân chủ và nếu có một tổ chức nổi trội hơn thì chúng tôi sẽ đứng sau lưng họ để cùng hợp sức dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ. Chúng tôi nói rất rõ rằng công cuộc đấu tranh cho dân chủ là “những cố gắng chung và thành công chung”. Nếu thắng thì cùng nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc và nếu thua thì sẽ làm một đối lập có trách nhiệm… 

Như vậy, sỡ dĩ chúng ta vẫn chưa đạt được đồng thuận với nhau vì chúng ta hiểu về các khái niệm chính trị rất khác nhau. Đã đến lúc cần quan niệm lại về chính trị và các hoạt động chính trị. Chúng ta cần thẳng thắn trả lời hai câu hỏi quan trọng:  

1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì?

2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng? 

Câu trả lời của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là nhất quán và rất rõ ràng:

1. Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh…Nó không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có. (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - 2015)

2. Đức tính bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Lương thiện, quyết tâm, kiên trì và có bản lãnh chính trị, nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp. Có niềm tin vào thắng lợi sau cùng.

Việt Nam và thế giới đang đứng trước những thay đổi rất quan trọng. Cơ hội dân chủ hóa đất nước đang đến rất gần. Lịch sử đang sang trang. Thời gian không còn nhiều. Tất cả những người Việt Nam có ưu tư với đất nước cần nhanh chóng cập nhật lại các kiến thức cơ bản về chính trị và đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về chính trị và các hoạt động chính trị. Chỉ có thế chúng ta mới tạo ra được đồng thuận để cùng nhau tiến tới tương lai.

Việt Hoàng (15/12/2019)