Ấn Độ : Chính quyền cắt internet đề phòng dân chúng biểu tình (Thuỳ Dương)

Chính quyền Narendra Modi phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác. Sự vớ vẩn của đạo luật khi cấm cấp quyền công dân cho người Hồi giáo không chỉ ở chỗ nó mang tính phân biệt, mà còn ở chỗ, với tình trạng kinh tế, điều kiện sống hiện nay tại Ấn Độ. Có mấy ai muốn trở thành công dân nước này ?

27/12/2019 - 12:29
Cảnh sát dùng gậy đánh những người biểu tình chống luật công dân mới tại Lucknow, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 19/12/2019.
Cảnh sát dùng gậy đánh những người biểu tình chống luật công dân mới tại Lucknow, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 19/12/2019. STR / AFP

Phong trào phản kháng xã hội ở Ấn Độ liên quan đến luật mới về quyền công dân hôm qua vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố. Hôm nay 27/12/2019, chính quyền Ấn Độ lại tiếp tục ngắt đường truyền internet ở nhiều nơi trong cả nước để ngăn ngừa làn sóng biểu tình lan rộng, tiêu biểu nhất là ở bang Uttar Pradesh.

Có 20% dân bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, theo Hồi Giáo. Thứ Sáu hàng tuần là ngày có lễ cầu nguyện quan trọng của người Hồi Giáo. Lo sợ biểu tình bùng phát mạnh trong ngày hôm nay, tại bang Uttar Pradesh, vài ngàn cảnh sát được vũ trang sáng nay đi tuần ở những quận đa số dân chúng là người Hồi Giáo và bắt giữ 5.000 người để đề phòng họ đi biểu tình. Hơn 1.000 người khác cũng bị bắt vì có liên quan đến phong trào phản kháng.

Chính quyền bang cũng ra lệnh cắt đường truyền internet trên điện thoại di động và dịch vụ tin nhắn tại 21/75 quận, kể cả ở thủ phủ Lucknow. Tại nhiều khu vực của bang này, internet đã bị cắt gần một tuần và mới được khôi phục lại hôm thứ Ba 24/12.

Phong tỏa internet là biện pháp thường xuyên được nhà chức trách Ấn Độ sử dụng để hạn chế dân chúng biểu tình. Theo AFP, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số vụ cắt đường truyền internet. Trang mạng internetshutdown.in thống kê trong năm 2019, chính quyền Ấn Độ đã cắt internet khoảng 100 lần.

Du khách nước ngoài bị trục xuất vì biểu tình

Một nữ du khách Na Uy tên là Janne-Mette Johansson, 71 tuổi, hôm nay cho AFP biết là bà bị nhà chức trách Ấn Độ trục xuất vì đã tham gia biểu tình phản đối luật mới quyền công dân của nước này. Bà Johansson phải rời Ấn Độ vào tối hôm nay. Đây là công dân châu Âu thứ hai bị New Delhi trục xuất trong tuần này vì tham gia biểu tình.