Vụ 39 nạn nhân chết ở Anh: Bao giờ thi thể mới được hồi hương? (RFA Tiếng Việt)

Nhiều gia đình trong số 39 nạn nhân trong vụ Essex phải cầm cố gia tài, vay mượn lãi suất cao với hy vọng thoát nghèo. Nay người thân thiệt mạng, gia đình lại phải vay mượn tiếp để đưa thi hài người thân về. Họ không thể trông chờ gì ở chính quyền cộng sản. Một chính quyền hoàn toàn không phải của họ.

Gia đình bên di ảnh của chị Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân ở Anh. Ảnh chụp tại Nghệ Nghệ An vào ngày 26 tháng 10 năm 2019.
Gia đình bên di ảnh của chị Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân ở Anh. Ảnh chụp tại Nghệ Nghệ An vào ngày 26 tháng 10 năm 2019. AFP

Vào tối ngày 8/11/2019, Bộ Công An Việt Nam đã chính thức công bố danh sách của 39 người Việt bỏ mạng trên chiếc xe container đông lạnh vào Anh hôm 23/10 vừa qua.

Trong danh sách được công bố, địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người và Hà Tĩnh với 10 người. Các địa phương khác cũng có người đi chung chuyến xe là: Quảng Bình – 3 người, Hải Phòng – 3 người, Hải Dương –  1 người và Thừa  Thiên Huế - 1 người.

Tuy nhiên, cho đến nay, gia đình các nạn nhân vẫn chưa thể lo cho con em mình an nghỉ một cách trọn vẹn. Trong khi thông tin về hỗ trợ đưa thi thể hồi hương từ phía chính quyền các địa phương lại bất nhất.

Trả lời RFA hôm 18/11, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, hiện quản nhiệm giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện yên Thành, tỉnh Nghệ An, Giáo phận Vinh, cho biết dù chính quyền vào cuộc, nhưng ông vẫn được những gia đình nạn nhân liên lạc. Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam trình bày thực tế mà ông nắm được:

“Lâu nay, trong hoàn cảnh đó họ không chỉ bi đát, đau buồn, hoang mang, mà ngay cả chuyện đưa hài cốt về cũng rất nhiều nguồn tin, cũng rất là bất ổn. Thứ nhất, trước đây khi người ta hỏi nguyện vọng của gia đình, thì trong 39 gia đình đó, chỉ có 1 gia đình nguyện vọng nhận tro cốt, còn 38 gia đình khác thì xin nhận thi hài. Trước thời gian làm đơn xin hỗ trợ đưa thi hài về, thì chính quyền Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đến gia đình để ép làm lại hồ sơ xin nhận tro cốt. Lúc đầu gia đình cũng thấy thuyết phục, nhưng sau người ta thấy sao không có bằng chứng công văn gì cả, vì vậy có một số người ở Hà Tĩnh làm đơn rồi, nhưng rút đơn lại xin nhận thi hài mà thôi. ”

Vào ngày 9/11, trên mạng Facebook lan truyền thông tin, hình ảnh tin nhắn và các văn bản giống như một đơn đề nghị giữa một gia đình nạn nhân ở Hà Tĩnh với chính quyền địa phương, đồng ý đưa tro cốt nạn nhân về nước.

Các thông tin trên Facebook đi kèm hình ảnh này cho biết địa phương đã đến các gia đình vận động họ lấy tro cốt về Việt Nam, thay vì nhận xác và phải đóng góp một phần chi phí. Tuy nhiên, cũng theo thông tin này thì chỉ có một gia đình đồng ý đưa tro cốt, 38 gia đình khác muốn đưa xác các nạn nhân về mai táng.

Trả lời tờ Guardian của Anh hôm 12/11, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chính quyền địa phương đã trao đổi với gia đình các nạn nhân về việc nhận tro cốt người thân thay vì thi thể do việc đưa thi thể từ Anh về Việt Nam rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cũng bác bỏ với báo chí trong nước về thông tin trên mạng xã hội cho rằng gia đình các nạn nhân trong vụ 39 người Việt chết ở Anh muốn đưa thi thể về nước phải ký vào đơn đồng ý chịu một phần chi phí.

Để tìm hiểm thêm, hôm 18/11 RFA liên lạc ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có 10 nạn nhân trong số 39 thi thể, và được ông cho biết:

“Đưa thi thể về thì do chính phủ Anh và chính phủ Việt Nam phối hợp, bọn anh vẫn chờ… thật ra phải chờ hai chính phủ làm việc thì bọn anh mới làm được… tình hình cũng không biết hai chính phủ làm việc thế nào… chính phủ Anh bao nhiêu còn chính phủ Việt Nam bao nhiêu… bon anh vẫn chờ… Lâu nay bọn anh có đi động viên, chia sẻ một phần… anh có đi thăm hỏi trực tiếp… thực ra họ rất ngại… vì cơ quan báo chí đến nhiều quá… họ rất là khủng hoảng… cần động viên, nhưng báo chí đến cũng ảnh hưởng về mặt tinh thần.”

Ông Nguyễn Đình Gia ở huyện Cần Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có con trai là Nguyễn Đình Lượng 20 tuổi, hiện mất tích ở Anh. Ảnh chụp hôm 29/10/2019. AFP


Trước nhiều thông tin trái ngược nhau, hôm 18/11 RFA liên lạc ông Trần Văn Ký, cha của nạn nhân Trần Thị Ngọc, ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh, và được ông cho biết về trường hợp gia đình ông:

“Bữa ni công an thành phố họ đến họ nói… kiểu là có cái giấy… gia đình giả sử muốn thiêu thì phải chịu bốn mươi mấy triệu đồng, còn đưa nguyên thi hài về thì hết sáu mươi mấy triệu… Nhưng thấy giấy đó chưa hợp lệ gì lắm nên gia đình chưa ký.”

Ông Trần Văn Ký cũng cho biết thêm, gia đình ông cùng một số gia đình nạn nhân khác vẫn chưa nghe gì về thông tin phía Anh tài trợ giúp đưa thi hài 39 nạn nhân về Việt Nam. Ông nói tiếp:

“Thật sự số tiền đó thì có lớn thật, nhưng bây giờ con cái xảy ra vụ việc này thì dù số tiền quá lớn thì mình cũng phải vay mượn để mà làm mọi hình thức để đưa con về đây, nhưng giấy tờ không hợp lệ cho nên chưa ký.”

Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cho biết, theo thông tin ông có được từ Bộ Ngoại Giao, dù chưa có thể xác định, nhưng phần lớn ông nghiêng về khả năng gia đình phải chịu chi phí đưa thi thể về Việt Nam. Cụ thể, chi phí đưa một lọ tro cốt về Việt Nam là 1.170 Bảng Anh gồm đưa thi hài đi hỏa táng và vận chuyển ra sân bay, hoàn thiện các giấy tờ liên quan, còn vận chuyển hàng không là 200 Bảng trên một lọ tro, giá này theo văn bản ông có được cho biết chỉ 50% so với giá thị trường. Như vậy theo Linh Mục Nam, tổng chi phí đưa một lọ tro về VN là 1.370 Bảng Anh, tương đượng 44 triệu 100 ngàn đồng. Còn đưa thi hài đến sân bay Nội Bài là 66 triệu 240 ngàn đồng…

Vậy hỏa táng hay địa táng có ảnh hưởng gì không về vấn đề tôn giáo ở vùng này? Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cho biết:

“Với tôi thì trong số nạn nhân rất ít người công giáo, ví dụ ở Hà Tĩnh 10 người thì chỉ có một người công giáo mà thôi, 9 người kia là lương hết. Với chúng tôi thì cho dù Công Giáo hay Phật Giáo hay Đạo Ông Bà thì không ảnh hưởng cho dù là tro cốt hay thi hài… cho dù thổ táng hay hỏa tang, giáo luật của các tôn giáo cũng cho phép. Nhưng nhận tro cốt hỏa táng thì ở miền Trung này rất ít.”

Mặc dù đã có lò thiêu hiện đại nhưng theo Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam thì một năm chỉ có vài ba trường hợp hỏa táng… còn lại họ thường chôn cất. Ông cho biết hiện người dân hoang mang rất nhiều.

Ông Trần Văn Ký, cha của nạn nhân Trần Thị Ngọc, ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh, cho biết mong ước của gia đình ông:

“Mong ước của gia đình là mần răng (làm sao) chính phủ hai nước tạo điều kiện để cho cháu về nhanh nhất và về nguyên thi thể. Nói thật thì không phải vì mình là người công giáo, cho dù ngoài công giáo thì ai cũng muốn trước khi con ra đi thì nguyên vẹn, bố mẹ anh em có thể nhìn mặt con lần cuối. Còn về nghi thức thì bữa lễ bữa lạy, đó là bên đạo công giáo, về để làm các nghi thức lễ cho cháu là một, hai nữa là toại nguyện gia đình và tròn trách nhiệm ba mẹ.”

Đối với nhiều người Việt Nam ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ nên chuyện hậu sự cho người qua đời là quan trọng và thân nhân luôn mong mỏi được lần cuối thấy mặt và lo liệu đưa người quá cố đến nơi ‘an nghỉ cuối cùng’. Việc chờ đợi quá lâu cũng làm người thân thêm phần đau đớn trước sự ra đi; đặc biệt là việc qua đời trong đớn đau, khổ sở của những người con bỏ mạng trong thùng xe lạnh tại xứ người.