Truyện thuyết mới nào cho Việt Nam? (Nguyễn Gia Kiểng)

Đất nước đang thay đổi tác nhân và trong lớp trẻ hôm nay, những tác nhân mới, có một thành phần mà nước ta chưa bao giờ có : những trí thức chính trị, những người đầu tư thời giờ và cố gắng để hiểu rõ những vấn đề của đất nước, dám có ý kiến của mình và sẵn sàng trả giá để dấn thân tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng cho đất nước. Họ là những người hướng dẫn quần chúng và là trí tuệ của dân tộc. (Nguyễn Gia Kiểng)

Ba mươi chín thanh niên trong tuổi xuân của đời chết ngạt trong một thùng xe đông lạnh. Ai không rơi nước mắt ? Họ đã trả một số tiền tương đương với tài sản của một gia đình Việt Nam trung bình cho cuộc phiêu lưu hiểm nghèo này chỉ để được rời Việt Nam sang Anh và sống cuộc đời lầm lũi của những "người rơm" theo cách gọi của chính họ. Đây không phải là một ngoại lệ mà là một trào lưu đã diễn ra từ nhiều năm. Mộng ước hiện nay của rất nhiều người Việt Nam chỉ giản dị là được ra đi và sống tại một nước khác. Họ không còn hy vọng vào đất nước. Chúng ta đang cần khẩn cấp một truyện thuyết đổi đời.
Trong một thế giới hoang mang
Những ai theo dõi các cuộc thảo luận chính trị đang sôi nổi hiện nay về chủ đề "làm thế nào để thoát khỏi ngõ cụt của chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) và tránh cho thế giới một cuộc khủng hoảng lớn ?" đều có thể thấy là các nhà tư tưởng có uy tín đều đồng ý trên ít nhất một điều : thế giới đang rất cần một truyện thuyết (story, récit) mới để thay thế chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn và tật nguyền. 
Thế giới đang rất cần một truyện thuyết (story, récit) mới để thay thế chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn và tật nguyền.
Chúng ta sẽ nói về đề tài này trong một dịp khác, trong bài này hãy tạm chỉ nêu những nét chính cần thiết. Một cách rất vắn tắt chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism), mà nhiều người gọi là tân phóng khoáng (neoliberalism) từ cuối thập niên 1970, là một trong ba ý thức hệ xung đột dữ dội với nhau trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa phát xít bị đánh gục sau Thế Chiến II và chủ nghĩa cộng sản sụp đổ cùng với bức tường Berlin năm 1989. Từ ba mươi năm qua chủ nghĩa phóng khoáng là chủ nghĩa duy nhất còn lại. Nhưng kể từ khi đắc thắng, nó đã liên tục trầm trọng hóa những tật nguyền vốn có từ trong bản chất khiến chênh lệch giầu nghèo gia tăng nhanh chóng trong trong mọi quốc gia ; đồng tiền trở thành chúa tể và lấn áp quyền lực chính trị, lợi nhuận trở thành mục tiêu duy nhất ; ý niệm quốc gia mất dần ý nghĩa tạo ra phản ứng ngược là phong trào dân túy bùng lên khắp nơi, kể cả tại Mỹ cho đến nay vẫn được coi là trung tâm của trật tự dân chủ ; các chế độ hung bạo chà đạp nhân quyền không còn bị lên án, Trung Quốc mạnh lên và ngày càng để lộ tham vọng bá quyền đồng thời khẳng định chế độ cộng sản chuyên chính. Ngay cả kinh tế, cứu cánh và niềm tự hào của chủ nghĩa phóng khoáng, cũng ngày càng nguy ngập, các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn chưa khắc phục được trong khi một nguy cơ khủng hoảng mới đang ló dạng. Câu hỏi mà các nhà tư tưởng đặt ra là tại sao chủ nghĩa phóng khoáng vẫn còn ngự trị dù đã bộc lộ quá rõ những sai lầm về mặt tư tưởng và dù đang tiếp tục xô đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới ? Câu trả lời của họ là chủ nghĩa phóng khoáng –cũng như chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản- không chỉ là một tư tưởng hay một lý luận, hay một phương pháp mà còn là một truyện thuyết, và một truyện thuyết chỉ có thể thay thế được bởi một truyện thuyết mới đang cần được tìm ra.
Vậy thế nào là một truyện thuyết ?
Trước hết đó là một câu chuyện, nghĩa là một chuỗi những sự kiện kế tiếp nhau theo. Có những câu chuyện ngắn ngủi không ảnh hưởng gì tới cách sống như khi ra đường thấy một người hối hả chạy theo cái nón bị gió thổi bay, nhưng cũng có những câu chuyện dài hơn và diễn tả một ý nghĩa nào đó. Mỗi đời người là một câu chuyện, mỗi quãng đời trong một đời người cũng là một câu chuyện. Mỗi xã hội cũng là một câu chuyện chứa đựng nhiều câu chuyện khác. Những câu chuyện đó có thể khiến người ta bỡ ngỡ trong một thời gian nhưng sau đó vẫn hiểu được trong bối cảnh văn hóa và xã hội mình đang sống. Điều cần được nhấn mạnh là con người dù ở lục địa nào cũng đều sống và nhận định các diễn biến theo trình tự của những câu chuyện. Khi chúng ta ta muốn hiểu một sự việc nào đó, dù để tán thành hay ngờ vực, thì câu hỏi đầu tiên chúng ta đặt ra, dù có ý thức được hay không, là nó có phù hợp với cách ứng xử của con người và xã hội mà chúng ta chờ đợi hay không, có nằm trong một câu chuyện "có đầu có đuôi" nào không. Con người sống và nhận thức theo khuôn khổ của những câu chuyện. Chúng ta thích đọc tiểu thuyết, coi phim, xem kịch vì đó là những câu chuyện.
Mỗi đời người là một câu chuyện, mỗi quãng đời trong một đời người cũng là một câu chuyện. Mỗi xã hội cũng là một câu chuyện chứa đựng nhiều câu chuyện khác.
Truyện thuyết là một câu chuyện lớn về cuộc sống của một khối người –một cộng đồng, một quốc gia hay cả thế giới- trong khuôn khổ của một chủ thuyết được mọi người chấp nhận. Chủ thuyết được hiểu như là một cách tổng hợp của một số giá trị được đề cao ; sự chấp nhận có thể là vì được thuyết phục hay bị áp đặt và không thể chống lại. Dần dần chủ thuyết tạo ra cho khối người đó một nếp sống và một cách ứng xử. Lịch sử dù góp phần quan trọng tạo ra con người không hẳn là một truyện thuyết vì chỉ tường thuật quá khứ. Một truyện thuyết giải thích quá khứ và hiện tại nhưng đồng thời cũng vạch ra lối đi về tương lai với sự gắn bó của một câu chuyện.
Nói như thế có vẻ phức tạp và mông lung, vậy ta hãy lấy vài thí dụ. Chủ nghĩa phóng khoáng, với hệ luận quyền tư hữu và kinh tế thị trường tối đa của nó, là nền tảng của truyện thuyết chung của các nước dân chủ tư bản từ thế kỷ 19 và trở thành truyện thuyết chung của thế giới từ 30 năm qua sau khi bức tường Berlin sụp đổ, vì là yếu tố nền tảng quyết định chính sách của các quốc gia. Một cách tương tự, chủ nghĩa cộng sản đã là nền tảng của truyện thuyết của các nước cộng sản trước đây, chủ nghĩa phát xít đã là nền tảng của truyện thuyết của các nước Đức, Ý và Nhật cho đến sau Thế Chiến II.
Người ta có thể hỏi có gì khác biệt giữa một truyện thuyết và một lý thuyết, hay một chính sách, hay một kế hoạch, hay một chương trình ? Câu trả lời là không bao nhiêu về nội dung, nhưng rất to lớn về hiệu ứng và hậu quả. Một truyện thuyết có thể rất sai, thậm chí độc hại -như các chủ nghĩa khổng giáo, cộng sản và phát xít- nhưng có tác dụng trên cuộc sống và nếp sống của cả tỷ người trong khi một lý thuyết và một chương trình có thể rất có giá trị, như lý thuyết nước cộng hòa của Plato, nhưng không có ảnh hưởng bao nhiêu. Sự khác biệt là một truyện thuyết không chỉ lý luận mà còn chuyên chở một câu chuyện giải thích quá khứ và vạch ra hình ảnh tương lai.
Một truyện thuyết chứa đựng những phân tích và đề nghị nhưng cũng có cấu trúc của một câu chuyện và do đó có khả năng xâm nhập được nhiều người bởi vì, như vừa nói, con người suy nghĩ và hành động theo trình tự của những câu chuyện. Những lý luận, những sự kiện và những con số dù chính xác tới đâu cũng khó thay đổi được một truyện thuyết, người ta vẫn sống, suy nghĩ và hành xử theo đường xưa lối cũ. Chỉ có một truyện thuyết mới thay thế được một truyện thuyết. Điều mà các nhà tư tưởng đang cố gắng làm là tìm ra một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết phóng khoáng, hay tân phóng khoáng, đã lỗi thời và đang dẫn thế giới tới khủng hoảng. Họ chưa tìm ra nhưng họ đã hiểu là truyện thuyết mới đó phải đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị đặt kinh tế và tài chính ở dưới quyền lực chính trị và đề cao con người, tự do cá nhân, hòa bình, liên đới xã hội và môi trường.
Còn truyện thuyết đổi đời ?
Mỗi cố gắng thay đổi truyện thuyết này tự nó cũng là một truyện thuyết. Một truyện thuyết đổi đời, hay một truyện thuyết cách mạng. Nó diễn ra như sau :
Chủ thuyết hiện hành đã bộc lộ sự sai lầm và cho phép một thế lực độc hại thao túng, đưa xã hội tới khủng hoảng và bế tắc. Những anh hùng của kỷ nguyên mới xuất hiện chống lại trật tự cũ nhân danh một truyện thuyết mới hợp tình hợp lý hơn, đánh bại được lực lượng cầm quyền bằng cách phế truất nó hay buộc nó phải thay đổi, thiết lập một trật tự mới, bắt đầu một truyện thuyết mới và hướng dẫn xã hội về một tương lai khác.
Đó đã là kịch bản của cuộc cách mạng dân chủ tại Mỹ và Châu Âu. Đó cũng đã là kịch bản của phong trào cộng sản tại nhiều nước và của các chế độ phát xít tại Đức, ý và Nhật. Nét đậm của các truyện thuyết đổi đời là chúng luôn luôn cần những anh hùng (heros), anh hùng hiểu theo nghĩa "nhân vật chính". Đó là những người kể chuyện, những người chấp nhận một cách nhiệt tình truyện thuyết mới và nỗ lực truyền bá nó vào quần chúng.
Đến đây xin mở một ngoặc đơn ngắn về phong trào dân túy hiện nay. Phong trào này chống lại câu chuyện toàn cầu hóa thể hiện qua các công ty đa quốc và các thỏa ước hợp tác giữa các quốc gia. Nó đã bùng nổ khá mạnh, đưa được Donald Trump, Erdogan, Bolsanero, Dutarte lên cầm quyền. Lý do vì tác động tổng hợp của chủ nghĩa phóng khoáng và phong trào toàn cầu hóa không chỉ tạo ra một khối người bất mãn quá đông đảo mà còn công phá cả khái niệm quốc gia, một khái niệm vừa là phát minh chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới vừa là nền tảng của dân chủ. Tuy vậy phong trào dân túy này sẽ không đi xa bởi vì nó không phải là một truyện thuyết ; nó không có một tư tưởng chính trị mới nào mà chỉ lặp lại một cách gượng gạo và lúng túng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã từng là một tai họa cho nhân loại.
Và truyện thuyết Việt Nam ?
Chúng ta sẽ thảo luận thêm về một truyện thuyết mới cho thế giới trong một dịp khác nếu cần. Bây giờ hãy trở lại với trường hợp của nước ta.
Cuộc đổi đời tại Việt Nam trong suốt dòng lịch sử hàng ngàn năm qua chỉ là những truyện thuyết nghèo nàn, chỉ có thay đổi người cầm quyền chứ không có thay đổi tư tưởng và mô hình chính trị. Trước sau vẫn là truyện thuyết Khổng Giáo.
Truyện thuyết Việt Nam cho tới nay có thể nói một cách vắn tắt là một truyện thuyết Nho Giáo. Chủ nghĩa cộng sản về bản chất cũng chỉ là một thứ Khổng Giáo cải tiến. Cũng độc tôn giáo điều, cũng cai trị bằng bạo lực, cũng trung ương tập quyền, cũng phân chia giai cấp, cũng bưng bít thông tin, cũng quan niệm pháp luật như một dụng cụ đàn áp, cũng dị ứng với tư doanh. Cả hai đều là những chủ thuyết nửa chính trị nửa tôn giáo. Cả hai có thể gọi bằng một tên chung là chủ nghĩa luồn lách bởi vì chúng đều buộc con người phải cúi rạp và luồn lách để sống. Cải tiến của chủ nghĩa Mác-Lênin so với Khổng Giáo chỉ vụn vặt như xét lý lịch ba đời thay vì chu di tam tộc. Chính sự liên tục đó giữa chủ nghĩa Khổng Giáo và chủ nghĩa cộng sản đã giúp ba chế độ cộng sản Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên tồn tại được sau khi phong trào cộng sản thế giới sụp đổ. Trong ba thập niên gần đây, sau khi bức tường bưng bít không còn đủ kiên cố để che đậy sự phá sản toàn diện, hai chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã phải chấp nhận chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" với hậu quả là xã hội không không còn bị khống chế chặt chẽ như trước nhưng vẫn ngoan cố tôn sùng chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong chiều sâu "chính sách đổi mới" này chỉ là một triệt thoái về gần hơn chế độ Khổng Giáo. Không phải là một sự tình cờ mà Trung Quốc phục hồi Khổng Giáo và lập các "Viện Khổng Tử" tại khắp nơi.
Trong bối cảnh ý thức hệ đó, các cuộc đổi đời tại Trung Quốc cũng như Việt Nam trong suốt dòng lịch sử hàng ngàn năm qua chỉ là những truyện thuyết nghèo nàn, chỉ thay đổi người cầm quyền mà vẫn giữ nguyên chủ thuyết nền tảng. Lý do của sự thay đổi chính quyền có thể là vì bị ngoại bang chinh phục, hay vì chính quyền suy nhược và bị đảo chính cung đình, hay đôi khi bị một cuộc nổi loạn đánh gục. Chỉ có thay đổi người cầm quyền chứ không có thay đổi tư tưởng và mô hình chính trị. Trước sau vẫn là truyện thuyết Khổng Giáo. Di sản lịch sử này khiến chúng ta thiếu cả hai yếu tố của một truyện thuyết đổi đời : một truyện thuyết mới và những người kể chuyện. Trong truyện thuyết của chúng ta cho tới nay chính trị chỉ có nghĩa là làm quan chức, và làm quan chức đồng nghĩa với hy sinh lẽ phải và phẩm giá của chính mình để làm những tay sai ngoan ngoãn cho một bạo quyền. Những tay sai này không thể có tư tưởng chính trị vì không được quyền có. Tình thế chỉ thay đổi phần nào rất gần đây khi thế giới bước vào kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa buộc chế độ cộng sản phải miễn cưỡng nới lỏng ách thống trị.
Ai sẽ kể truyện thuyết đổi đời nào cho đất nước ?
Trước khi viết bài này tôi đã trao đổi với nhiều bạn bè trong cũng như ngoài nước để cùng với họ kiểm điểm những khuôn mặt trí thức còn có thể có ít nhiều ảnh hưởng lên cuộc vận động dân chủ. Tôi làm như vậy vì nếu một điều cần được nhận định thật dứt khoát thì đó là cuộc cách mạng nào -cách mạng hiểu theo nghĩa là thay đổi cả chính quyền lẫn triết lý cầm quyền- cũng đều phải do các trí thức chủ xướng. Các bạn tôi đều rất bi quan.
Trong nước các nhân vật từng gây được sự chú ý và hy vọng đều đã già yếu, đa số đã ngưng hoạt động, nhiều vị đã qua đời. Ảnh hưởng họ để lại không nhiều bởi vì trừ một vài ngoại lệ rất hiếm hoi họ là những người phản biện trung thành chỉ lên tiếng ở mức độ họ nghĩ là được phép. Phần lớn vẫn còn hãnh diện với những chức vụ "nguyên là" đáng lẽ phải là lý do để xấu hổ cho một quãng đời phải hy sinh lẽ phải và danh dự của mình để phục vụ một chính quyền vừa tồi dở vừa gian ác.
Tình trạng hải ngoại không khá hơn, có lẽ còn đáng buồn hơn. Rất nhiều trí thức có chút tài năng và tiếng tăm đã chết mà không để lại được gì đáng kể. Những người còn lại chỉ sống với quá khứ trong những năm chót của cuộc đời hoặc không còn nuôi một mộng ước nào cho đất nước. Những ngoại lệ cũng hiếm hoi như trong nước.
Trái với các bạn này, tôi không hề bi quan mà còn lạc quan hơn trước. Lớp trí thức cũ, trừ một vài "Phan Châu Trinh mới", ngay cả khi có tấm lòng đáng quý thực ra không có khả năng thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ, dù họ đã đóng góp hâm nóng ý chí đấu tranh, một điều cần được ghi nhận và trân trọng. Có lúc họ còn tạo ra ảo tưởng làm tuổi trẻ yên tâm và mất đi sự bồn chồn cần thiết cho cố gắng đổi đời. Về bản chất họ vẫn là những nhân sĩ, nghĩa là những con người của truyện thuyết cũ. Họ không thể kể truyện thuyết đổi đời. Bây giờ họ rút lui và đặt tuổi trẻ trước trách nhiệm của mình. Đây là một tin mừng : đất nước đang thay đổi tác nhân.
Mừng vì trong lớp "trẻ" hôm nay –những người trưởng thành sau năm 1975- có một thành phần mà nước ta chưa bao giờ có : những trí thức chính trị. Đó là những người đầu tư thời giờ và cố gắng để học hỏi kiến thức chính trị và để hiểu rõ những vấn đề của đất nước, dám có ý kiến của mình và sẵn sàng trả giá để dấn thân tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng cho đất nước. Họ hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Họ khinh bỉ chủ nghĩa luồn lách và vất bỏ lối đấu tranh nhân sĩ. Họ là những người hướng dẫn quần chúng và là trí tuệ của dân tộc. Chính sự thiếu vắng thành phần trí thức chính trị này trong suốt dòng lịch sử đã khiến nước ta thua kém và trôi dạt từ sai lầm này đến thảm kịch khác. Họ đã bắt đầu xuất hiện và sẽ là những anh hùng của truyện thuyết đổi đời. Họ đến đúng lúc bởi vì đất nước sắp sống một thay đổi lớn. Chế độ cộng sản sắp bắt buộc phải trải qua một cuộc giải phẫu rất lớn và hiểm nghèo là tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và sáp lại với các nước dân chủ, vào giữa lúc nó đang rất yếu bệnh.
Truyện thuyết đổi đời của họ sẽ phải là một tư tưởng chính trị lành mạnh và phong phú làm nền tảng cho một dự án chính trị vừa đúng vừa khả thi lại vừa có khả năng tranh thủ sự hưởng ứng nồng nhiệt của tất cả mọi người không phân biệt thành phần xã hội, địa phương và quá khứ chính trị. Nó cũng sẽ phải dự đoán được những thay đổi sẽ tới trên thế giới, nhất là sau cố gắng xét lại chủ nghĩa phóng khoáng.
Một cách cụ thể, nó phải cho phép chúng ta chuyển đổi từ một hệ thống nhất nguyên, tập trung và chuyên quyền sang một chế độ đa nguyên, tản quyền và phân quyền ; thay thế một kinh tế hoạch định đặt nền tảng trên các xí nghiệp quốc doanh bằng một kinh tế thị trường lấy các xí nghiệp tư làm sức mạnh ; thay thế một guồng máy chính quyền tham nhũng, quan liêu, bàn giấy, công cụ của một đảng thành một nhà nước hữu hiệu, trách nhiệm, lành mạnh, phục vụ cho công ích. Nó phải phải nói lên quyết tâm chấm dứt lối quản lý tùy tiện bằng nghị quyết và chỉ thị để thiết lập một nhà nước dân chủ pháp trị đúng nghĩa ; thay thế bộ máy công an được quan niệm và tổ chức như một dụng cụ đàn áp của Đảng Cộng Sản bằng một bộ máy công an bảo vệ trật tự an ninh và dân quyền ; thay thế các tòa án được coi như cánh tay nối dài của công an bằng những tòa án độc lập chỉ có sứ mạng thể hiện luật pháp ; thay thế một nền giáo dục tuyên truyền, nhồi sọ và thiếu phẩm chất bằng một nền giáo dục khách quan, khai phóng và phẩm chất cao, bởi vì giáo dục và đào tạo là cuộc đấu sống còn của đất nước.
Khó khăn lớn nhất là chúng ta kế thừa một đất nước chồng chất hận thù, chia rẽ và thất vọng. Chúng ta sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ mà không gây ra những đổ vỡ mới. Chúng ta sẽ phải hòa giải người Việt Nam với nhau và với đất nước Việt Nam để cùng lạc quan bắt tay nhau xây dựng và chia sẻ một tương lai chung trong một đất nước Việt Nam đáng sống, đáng yêu và đáng tự hào.
Có quá khó để tìm ra một truyện thuyết như vậy không ?
Dứt khoát là không. Bằng cớ là đã có một truyện thuyết như vậy : dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đó là một truyện thuyết để thay thế truyện thuyết độc hại cũ mà dân tộc ta đã phải chịu đựng quá lâu và để đưa đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh.
Trí thức chính trị Việt Nam, những anh hùng của hôm nay và ngay mai, sẽ ngày càng nhận ra rằng đó là một truyện thuyết xứng đáng để họ góp ý kiện toàn và kể cho nhân dân Việt Nam nghe.
Nguyễn Gia Kiểng
(13/11/2019)
---------------
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có thể đọc và tải xuống với các link này :
hoặc :
Bạn đọc cũng có thể mua sách trên AMAZON theo chỉ dẫn tại đây :