Tăng trưởng công nghiệp gây ô nhiễm không khí dai dẳng ở Việt Nam (Ralph Jennings)
Chế độ độc tài cộng sản chỉ có một yếu tố duy nhất để biện minh cho sự cầm quyền của chúng là tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, chế độ coi tăng trưởng kinh tế là mục đích cao nhất bất chấp môi trường bị tàn phá. Những thành tích kinh tế có được trong nhất thời, có khi không thấm vào đâu so với hậu quả môi trường mà nhiều thế hệ sau phải gánh chịu.
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - Năm năm trước, một chiếc xe hơi đi đến sân bay ở Thành phố Hồ Chí Minh từ trung tâm thành phố có thể bị vài gặp vài lần ùn tắc giao thông không đáng kể, mất thêm thời gian chỉ một phút. Bây giờ nhiều nơi ở trung tâm tài chính của Việt Nam bị tắc nghẽn, và không chỉ trong giờ cao điểm. Xe cộ đứng yên trong khi máy vẫn chạy đang góp phần gây ra vấn đề ô nhiễm không khí lớn đầu tiên cho đất nước này.
Sự xuất hiện ồ ạt của xe hơi phản ánh sự giàu có đang tăng lên của người dân, một hệ quả của tăng trưởng kinh tế nhanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất để xuất khẩu. Các thành phố ở Việt Nam bao gồm cả thủ đô Hà Nội là những thành phố Châu Á mới nhất chìm trong khói mù. Các thành phố lớn như Bangkok, Bắc Kinh và Jakarta đã chật vật ứng phó với không khí bẩn hơn, và từ lâu hơn, chủ yếu là do khí thải xe cộ và khí thải nhà máy.
“Đây là điều mà chính phủ Việt Nam nhận thức khá rõ và tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách và bất cứ ai sống ở đây đều có thể thấy nó ngày càng trở thành một vấn đề khi nhiều người bắt đầu đổ vào thành phố,” Maxfield Brown, cộng sự cao cấp của công ty Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói.
Mùa màng, đốt rừng làm rẫy và công nghiệp hóa
Chính quyền Việt Nam ban đầu cho rằng khói dạt lên từ phía bắc vì việc đốt cây trồng ở Indonesia làm ô nhiễm không khí. Họ cũng xem xét vai trò của lượng mưa thấp và việc đốt rừng ở địa phương, công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates nói trong một báo cáo quốc gia vào tháng 10 năm 2019.
“Nếu bạn nhìn từ trên máy bay thì thật đáng kinh ngạc,” Frederick Burke, một đối tác của công ty luật Baker McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói. “Một vụ đốt cây từ một cánh đồng làm ô nhiễm cả một thung lũng hoặc cả một đồng bằng. Nó thực sự có ảnh hưởng rộng khắp.”
Đốt rác đô thị, bao gồm nhựa, góp phần làm ô nhiễm không khí, ông Brown nói. Ông nói việc đốt rác là bất hợp pháp nhưng việc thi hành vẫn chưa theo kịp luật pháp.
Một nguyên nhân chính là ngành công nghiệp, công ty tư vấn Dezan Shira & Associates nói. Trong thập niên qua, mức tiêu thụ than đã tăng gấp ba lần và tiêu thụ dầu tăng 70%, báo cáo quốc gia của công ty tư vấn này nói. Việt Nam phụ thuộc vào các nhà máy đốt than để sản xuất điện, và, bởi vì rất nhiều địa điểm ở miền bắc phụ thuộc vào than đá, chúng làm chất lượng không khí ở Hà Nội “tệ hơn,” công ty nói.
Nền kinh tế 300 tỉ đôla của Việt Nam được dự báo sẽ tăng tới mức 6,8% trong năm nay, nghiên cứu của SSI Research tại Hà Nội cho biết. Nó tăng trưởng 7,1% trong năm 2018, mức lớn nhất trong 11 năm qua.
Khói mù ở thành phố Hồ Chí Minh
Độ ẩm cộng với ô nhiễm khí thải từ xe cộ và “rác thải công nghiệp” tạo nên khó mù ở miền nam, đặc biệt là từ tháng 9 đến tháng 10, công ty Dezan Shira nói. Việc xây dựng các tòa nhà chung cư đô thị, trung tâm mua sắm và các tòa nhà văn phòng càng làm không khí thêm mù mịt ở miền nam, công ty nói.
Hôm thứ Hai, Thành phố Hồ Chí Minh bị Dự án Chất lượng Không khí Thế giới cho điểm số là 149, nằm trong phạm vi “ô nhiễm vừa phải.” Điều đó có nghĩa là trẻ em, người già và những người mắc một số bệnh nên tránh các hoạt động ngoài trời dùng nhiều sức lực. Vào nhiều thời điểm trong ngày, bầu trời ngả màu trắng nhợt nhạt. Hà Nội có số điểm là 129, cũng thuộc nhóm không lành mạnh.
Người dân sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nói số lượng người lao động và sinh viên học sinh đang gia tăng trong đô thị, dẫn tới xe cộ đông đúc trên đường. Dân số thành phố hiện đứng ở mức 9 triệu người.
“Dường như chúng tôi không có quy định nào để hạn chế ô nhiễm từ (xe buýt), xe hơi, xe máy,” Phuong Hong, một doanh nhân trong ngành du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh chịu cảnh kẹt xe 30 phút khi đi làm mỗi ngày, nói. “Chúng tôi thậm chí còn có xe máy từ những năm 1980, nghĩa là đã chạy 30 năm nay rồi.”
Các công trường xây dựng cũng tung bụi mù và các dự án trên khắp thành phố khiến cây xanh bị đốn bỏ, cô nói. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng cho thuê làm nhà ở và văn phòng thương mại.
Một năm trước, công ty Vinfast của Việt Nam đã bắt đầu bán xe máy điện, nhưng giờ rất ít loại xe này xuất hiện trên đường phố. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những chiếc xe máy điện có giá cao hơn xe máy chạy bằng xăng và thành phố thiếu các trạm sạc pin. Xe hai bánh là phương tiện vận chuyển chính cho người đi đường.
Các tuyến tàu điện ngầm sắp mở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng hai năm tới sẽ phần nào giảm bớt ô nhiễm, ông Brown nói. Các quan chức thành phố đang nhắm tới một lệnh cấm xe máy ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, truyền thông địa phương cho biết.
Những nơi khác ở Châu Á bẩn hơn
Giới chức quy hoạch đô thi của thành phố có thể coi ô nhiễm không khí là một vấn đề cần giải quyết trong thập niên tới khi họ chứng kiến các trường hợp nghiêm trọng hơn ở các thành phố khác và học hỏi từ đó, ông Brown nói.
Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc là những nước có không khí bẩn nhất thế giới, với Jakarta của Indonesia đang nhanh chóng đuổi kịp Bắc Kinh, cơ quan truyền thông Eco-Business ở Châu Á cho biết vào tháng ba. Các thành phố ở Ấn Độ và Trung Quốc thống trị danh sách 50 thành phố bẩn nhất thế giới năm 2018, theo dịch vụ giám sát chất lượng không khí AirVisual. Không có thành phố nào ở Việt Nam.
Nguồn: VOA Tiếng Việt