Irak chìm sâu trong khủng hoảng, toà lãnh sự Iran bị đốt (Tú Anh)
Irak là trường hợp để các nhà đấu tranh Việt Nam rút ra bài học. Đánh đổ chế độ độc tài tuy là mục tiêu cam go nhưng cũng chỉ là một mục tiêu giai đoạn, điều quan trọng là phải có sự chuẩn bị về mặt tổ chức và dự án chính trị cho mục tiêu quốc gia mới.
Ngay cả khi chế độ độc tài bị phế bỏ và được một cường quốc đưa lên nắm quyền thì tình hình cũng rất khó khăn nếu không có một đội ngũ nhân sự chính trị có lý tưởng, có quyết tâm cống hiến vì tương lai đất nước. Đặc biệt là phải xây dựng được một đồng thuận quốc gia trước khi chuyển tiếp về dân chủ, để có hậu thuẫn quần chúng và nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đất nước.
Lãnh sự quán Iran tại Najaf (Irak) ngày 28/11/2019 sau khi bị người biểu tình Irak tràn vào và phóng hỏa hôm trước.
REUTERS/Alaa al-Marjani
Bị đàn áp mạnh sau hai tháng xuống đường chống chế độ tham nhũng, phong trào phản kháng tại Irak bùng lên một cách dữ dội ở Bassorah,Kerbala, Nadjaf… với khẩu hiệu "Iran cút đi". Theo AFP, tòa lãnh sự của Iran tại Nadjaf ngày 27/11/2019 đã bị hàng trăm thanh niên xông vào đốt phá.
Người biểu tình tiếp tục tố cáo chính quyền trung ương tham nhũng, bị Iran kềm chế, vô tâm trước những khao khát cải cách của người dân. Theo AFP, hôm nay có thêm 13 người biểu tình bị bắn chết, nâng số tử vong lên gần 360 người từ đầu tháng 10.
Từ Bagdad, thông tín viên Lucile Wassermann tường thuật :
"Phong trào chống chính phủ càng ngày càng lan rộng tại Irak. Trong những ngày qua, bạo lực leo thang cực độ và một phần dân chúng lại xuống đường. Tại miền nam, thêm nhiều thành phố tham gia vào phong trào biểu tình.
Khắp nơi, những người tranh đấu áp dụng cùng một chiến thuật : cắt đường giao thông, bao vây các cơ quan hành chính và trường học và tìm cách làm tê liệt kinh tế để "tiếng nói được lắng nghe", theo tuyên bố của người biểu tình.
Những cột khói đen, cuồn cuộn bốc lên từ những đống vỏ xe, gần như thường xuyên bao phủ bầu trời miền nam Irak.
Tại thủ đô Bagdad, phong trào phản kháng cũng lại bùng lên. Trung tâm thủ đô Irak bị cắt làm đôi. Một bên là quảng trường Tahri (Giải phóng), sinh hoạt như ngày lễ hội, có hòa nhạc và phân phát thức ăn. Ngược lại, không khí trên những cây cầu và con đường Al Rasheed chung quanh quảng trường không khác gì ở chiến tuyến : người biểu tình xung đột dữ dội với cảnh sát.
Tại Bagdad, cũng như ở miền nam, lực lượng an ninh sử dụng lựu đạn cay chống lại người phản kháng và đôi khi bắn cả đạn thật, theo các nhân chứng tại chỗ."
Nguồn: RFI Tiếng Việt