Dạy con phương pháp tư duy (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Trong hình ảnh có thể có: xe đạp và ngoài trời
Có khả năng tư duy là có cơ hội thành công cao trong cuộc sống, chính vì vậy mà cha mẹ cần dạy con phương pháp tư duy ngay từ khi trẻ còn nhỏ để trẻ có thời gian rèn luyện, học hỏi, khi trưởng thành sẽ đạt được mức độ tư duy cao nhất. 
Quan sát cách giải quyết vấn đề của chính phủ, của quan chức, của phần đông người dân và nhìn vào văn hóa, chương trình giáo dục xưa nay, ta có thể nói rằng người Việt không hề được dạy phương pháp tư duy một cách cẩn trọng. 

Tư duy logic là gì? 

Tư duy hay tư duy logic được hiểu đơn giản là kỹ năng vận hành của bộ não. Qua đó trí thông minh được nuôi dưỡng, phát triển và đạt đến trình độ nhất định. Con người ngày nay khác con vật ở chỗ con người có khả năng tư duy logic. Nhờ có tuy duy logic mà con người đã dần dần tiến hóa vượt xa động vật nguyên thủy thuở ban đầu.
Triết học định nghĩa tư duy là những hoạt động thuộc về tinh thần. Những hoạt động này có thể làm cảm giác của con người thay đổi dần và cải tạo lại thế giới thông qua vận động của vật chất từ đó làm con người có sự nhận thức đúng đắn hơn về sự vật, sự việc và ứng xử tích cực hơn.
Có nhiều cấp độ tư duy, khi mới sinh ra đời, con người chỉ có tư duy bậc thấp, khi lớn dần lên, qua quá trình học hỏi rèn luyện tư duy một cách phù hợp và đúng đắn, trải qua những giai đoạn từ dễ tới khó, được nâng cấp dần lên mới đạt.thành tư duy logic.
Giai đoạn ghi nhớ: Bắt đầu từ khi sinh ra, thông qua các giác quan: mắt nhìn, tai nghe, miệng nếm, mũi ngửi, tay cầm...não bộ của con người ghi nhớ và bắt chước, làm theo.
Nhiều người Việt không chú trọng giai đoạn này của trẻ vì nghĩ nó mới đẻ chưa biết gì. Thật ra não bộ của trẻ đã bắt đầu ghi nhớ rồi, tuy chưa hiểu và chưa thể phân tích. Giai đoạn này bố mẹ nói nhiều lời yêu thương, có nhiều cử chỉ âu yếm, vuốt ve trẻ thì trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương và ghi nhớ. 
Trẻ 5-6 tháng, tuy chúng chưa hiểu lời ba mẹ nói và không hiểu là cần ỉa đái có giờ có chỗ, nhưng nếu chịu khó tập xi cho trẻ vào bô, sau một thời gian ngắn, não trẻ sẽ ghi nhớ rằng khi ngủ thì không đái dầm hoặc khi muốn đái thì đòi. Tập trẻ đái ỉa cũng là tập não bộ của trẻ học bài học ghi nhớ đơn giản và phù hợp nhất.
Giai đoạn hiểu biết: Đây là lúc trẻ bắt đầu nhận thức được sự việc và có khả năng học hỏi rất cao, nhanh. Độ tuổi từ một tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, trẻ cần rất nhiều kiến thức thông qua chơi và học. Trẻ cần sự quan tâm rất lớn của ba mẹ để hướng dẫn, rèn luyện, trao đổi để trẻ có thể tiến đến giai đoạn ứng dụng kiến thức.
Trẻ ở Việt Nam thường bị ba mẹ cho đi nhà trẻ từ rất sớm, thường là khi chúng hai-ba tuổi. Nhà trẻ ở Việt Nam chủ yếu có trách nhiệm giữ trẻ cho ba mẹ trẻ đi làm. Trình độ chuyên môn của giáo viên mầm non không đồng đều. Nhà trẻ thiếu. Phần đông ba mẹ phải gởi trẻ ở các nhà trẻ tư nhân. Trong điều kiện như vậy, trẻ không được chú trọng việc chơi và học mà thường ngừng ở mức được dạy phải nghe lời, ngoan, không khóc nhè làm phiền cô trông trẻ. 
Khi về nhà, trẻ lại tiếp tục bị quăng cho cái ipad hoặc điện thoại hay mở tivi chương trình yêu thích để khỏi quấy ba mẹ. Trẻ liên tục bị đặt trong tình trạng thụ động và thụ động về thể xác lẫn đầu óc.
Tuổi này, trẻ cần được chơi những trò chơi vận động thể xác như chạy nhảy vui đùa, leo trèo, chơi các trò chơi vận động tư duy như xếp hình, tìm hiểu thiên nhiên xung quanh, tạo dựng các mối quan hệ, liên kết gia đình, xã hội. Trẻ cần được yêu thương, được nghe nói yêu thương, được dạy cách yêu thương.
Ngày xưa, bọn trẻ con hay chơi bán đồ hàng. Trẻ nhìn thân cây lục bình bầu bầu dài dài giống giống ổ bánh mì, trẻ biết lấy thân lục bình giả là ổ bánh mì, thái lá lục bình ra giả làm nhân thịt, rồi giả mổ bánh nhét thịt bán, giả hái lá cây làm tiền đề mua...trò chơi bắt chước người lớn bán hàng nhưng trẻ phải suy nghĩ để thực hiện.Ngày nay, trẻ thường được chơi gì? Ai chơi cùng? Ai giúp trẻ tư duy?
Dạy trẻ phương pháp tư duy không khó, nhưng cần có hệ thống và tính liên tục, kiên nhẫn cùng yêu thương, trách nhiệm của ba mẹ dành cho trẻ. Có được chơi, được học, được vận động thoải mái thì trẻ mới có cơ hội tiếp nhận nhiều kiến thức. Sau khi tiếp nhận, trẻ cần trao đổi liên tục với ba mẹ và bạn bè thầy cô để biến kiến thức thành sự hiểu biết của trẻ, nghĩa là não trẻ phải vận động và được kích thích vận động nhằm tiến đến giai đoạn ứng dụng.
Giai đoạn ứng dụng: Đây là lúc trẻ biết ứng dụng những hiểu biết của mình vào thực tế cuộc sống. Ba mẹ dạy trẻ kiến thức về tình yêu thương, "Con phải biết yêu thương ông bà, cha mẹ, bạn bè." Thì phải giải thích cho trẻ tại sao trẻ lại phải biết sống yêu thương và thể hiện (nghĩa là ứng dụng) như: các cử chỉ âu yếm, lời nói yêu thương, thái độ, sự quan tâm. 
Trẻ có hai chiếc kẹo, khi trẻ được day để dành phần cho em hoặc cho ai đó một cái thì não trẻ phải vận động để hiểu tại sao lại phải để dành, cách thức để dành ra sao, cách cho ra sao...đều là tư duy và nhất định cần thiết. Đây cũng là bước đệm tập cho trẻ giai đoạn phân tích.
Bài tiếp theo: Giai đoạn phân tích. Giai đoạn đánh giá. Giai đoạn sáng tạo