Việt Nam đối mặt với khủng hoảng thiếu điện (BBC Tiếng Việt)

Với cách làm chắp vá, đầu cơ và lợi ích nhóm, Việt Nam luôn trong tình trạng “dở khóc dở cười”. Điển hình như trong lĩnh vực điện, cách đây không lâu báo Vietnamnet có lên tiếng về việc đầu tư ồ ạt các nhà máy điện mặt trời, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện. Do đó không khai thác được nguồn năng lượng sạch và vô tận này. Ngược lại chúng ta vẫn gắn chặt số phận với một nguồn năng lượng cực kỳ ô nhiễm, độc hại: than đá chiếm tới 38,1% công suất phát điện cả nước.Vậy mà không thoát cảnh khủng hoảng thiếu điện.

Thiếu điện có thể kìm hãm phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh minh họa)
 HOANG DINH NAM/Getty Images
Thiếu điện có thể kìm hãm phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng khi nhu cầu vượt quá tốc độ xây dựng các nhà máy điện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện có thể xảy ra vào 2021 và yêu cầu các quan chức khác đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ, theo Financial Times.


Truyền thông Việt Nam hồi cuối tháng Chín cũng đồng loạt đưa tin về nguy cơ thiếu điện, trong khi hàng loạt dự án nhà máy điện bị chậm tiến độ.

Việc thiếu điện có thể là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và thách thức vị thế của Việt Nam với vai trò là một trong những nước hưởng lợi nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo phân tích của Reuters.

Thiếu điện nghiêm trọng

Việt Nam có nguy cơ thiếu tới 6,6 tỷ kilowatt giờ vào năm 2021, thiếu 11,8 tỷ kWh năm 2022, và có thể thiếu tới 15 tỷ kWh năm 2023, theo Vietnam News.

Nhu cầu về điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 9% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế - vốn chỉ tăng hơn 7% trong năm 2018, theo Financial Times.

Bồi thêm vào sự thiếu hụt này, nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam đang bị chậm tiến độ, theo thông tin Bộ Công thương cung cấp cho Reuters.

Các dự án chậm tiến độ chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam. Truyền thông nhà nước cho biết 47 trong số 62 dự án sản xuất điện của Việt Nam công suất 200 megawatt (MW) trở có nguy cơ bị chậm tiến độ, một số dự án chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân thiếu điện là do thiếu kết nối giữa dự án điện và dự án đường giao thông, đất đai và phát triển đô thị.

Một số dự án khác thì lại do nhà thầu phải tìm chọn địa điểm mới để đặt trạm điện nhằm tránh dẫm lên các dự án đã có ở các vùng khác. Ngoài ra còn do vấn đề giải tỏa đất đai, do dân không chấp nhận tiền đền bù được đưa ra. Ngoài ra còn do thiếu nguyên liệu thô, như khí ga, để vận hành các nhà máy nhiệt điện, theo Vietnam Insider.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo huy động đủ tiền từ các nguồn địa phương, và chính phủ giới hạn bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài, theo Bộ Công thương.

Việt Nam sẽ cần trung bình 6,7 tỷ đôla một năm để mở rộng công suất phát điện hàng năm thêm 10% từ năm 2016 đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới năm ngoái cho biết, Việt Nam cần đầu tư tới 150 tỷ đôla vào năm 2030 để phát triển ngành điện, gần gấp đôi 80 tỷ đô la chi cho ngành điện kể từ năm 2010.

Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào than đá, chiếm 38,1% công suất phát điện của đất nước, Bộ Công thương cho hay Việt Nam sẽ phải sử dụng 720 triệu tấn than trong nước cùng với 680 triệu tấn than nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016-2030.

Việt Nam cũng sẽ phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện của mình. Và tình trạng thiếu điện dự kiến sẽ giảm dần sau năm 2025 khi một số nhà máy điện chạy bằng khí mới được đưa lên mạng.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

Để đối phó với khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam hiện đang tìm nhiều cách, như phát triển năng lượng mặt trời, xem xét nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, theo giới chức Việt Nam và theo các nhà phân tích trên Financial Times.

Một dự án điện mặt trời 391 triệu đô la, lớn nhất khu vực đông nam Á, bắt đầu vận hành ở Tây Ninh từ tháng 9/2019. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay hơn 4.000 hộ gia đình đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, thu được khoảng 200MW. Khoảng 300MW nữa có thể được sản xuất vào cuối năm 2019.



Dù khen ngợi tốc độ phát triển năng lượng mặt trời của chính phủ Việt Nam, ông Gavin Smith, Giám đốc phát triển sạch của Dragon Capital tại TP Hồ Chí Minh cho rằng vẫn cần phải xem liệu nó có đủ để chống lại nguy cơ thiếu điện trong ba năm tới hay không, theo Financial Times.

Một quan chức Việt Nam xác nhận với Financial Times rằng có thể có nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong những tình huống không trông đợi, như khi các hồ chứa đập thủy điện khô cạn.

Một số công ty của Mỹ đang thúc đẩy bán khí hóa lỏng cho Việt Nam, như một cách để giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ - một vấn đề căng thẳng với chính quyền của ông Trump.

Tuy nhiên, khí hóa lỏng sẽ không phải là một giải pháp đủ nhanh để giải quyết nguy cơ khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra bởi vì Việt Nam cần xây dựng các nhà máy khí hóa lỏng.

Việt Nam cũng đã bàn bạc việc tăng nhập khẩu điện từ Lào, và Trung Quốc - mặc dù điều này được cho là nhạy cảm về mặt chính trị vào thời điểm này - khi căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông đang gia tăng - theo Reuters.

Tờ Vietnam News hồi tháng 7/2019 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng rằng Việt Nam đang "xem xét nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc", nhưng rằng "đó chỉ là giải pháp tạm thời", rằng Việt Nam cần "thúc đẩy tiến độ của các dự án điện lớn hơn".

Trong khi đó, tờ VnExpress hồi tháng 7/2019 dẫn lời Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Phương Hoàng Kim rằng Việt Nam dự kiến nhập khẩu 3.6 tỷ kWh năm 2021 và 9 tỷ kWh năm 2023.

Trang Xinhua của Trung Quốc thì dẫn lại Vietnam News Agency, rằng ông Lê Văn Lực, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay Việt Nam dự kiến lượng điện nhập khẩu từ 
Trung Quốc sẽ tăng lên 3.000 megawatt (MW) vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030, từ mức hiện tại khoảng 1.000 MW.

Tuy nhiên thông tin nói trên hiện không thể tìm thấy trong các bài báo về nhập khẩu điện đăng trên Vietnam News Agency. Hiện chỉ còn lại các thông tin về nhập khẩu điện ở Lào.

Các báo Việt Nam khác cũng chủ yếu chỉ đề cập tới việc nhập khẩu điện từ Lào.