Trung Quốc sẽ sụp đổ như Liên Xô? (Việt Hoàng)

Trong dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc rêu rao rằng họ phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử thế giới. Điều đó không đúng, Đức, Nhật, Ý đều trỗi dậy từ đống tro tàn sau thế chiến II. Hàn Quốc, Đài Loan hay cả những nước tách ra từ Liên Xô như ba nước Ban-tích và các nước Đông Âu như Séc, Balan, Hungari đều phát triển rất nhanh chóng và ngoạn mục trong bền vững. Sự phát triển của các nước dân chủ đều lành mạnh và hài hòa, tôn trọng nhân quyền và môi trường sống. Họ phát triển mà không gây ra bất cứ lo sợ cho các nước khác. Nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn duy trì độc tài nên dậm chân tại chỗ, không thể tiến lên được dù đất nước rộng lớn và tài nguyên bao la. (Việt Hoàng)


Trung Quốc vừa long trọng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949-1/10/2019) trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn ngày càng khốc liệt với hành động mới nhất từ phía Mỹ là đưa 28 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen vì vấn đề người Uighur (Tân Cương). Các cuộc biểu tình tại Hong Kong không những không chấm dứt sau 4 tháng mùa hè mà còn nguy cơ gia tăng bạo lực và xung đột giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát…Tại Việt Nam thì tàu chiến, tàu thăm dò đại dương và các giàn khoan của Trung Quốc đang kéo vào sâu trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Một câu hỏi đang được nhiều học giả quốc tế, các quốc gia và quĩ đầu tư cũng như người dân Việt Nam quan tâm là Trung Quốc sẽ đi về đâu? Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và trở thành cường quốc mới thay thế cho Mỹ vào năm 2025 hay sẽ sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế và tiếp sau đó là khủng hoảng chính trị?

TCB1
Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và trở thành cường quốc mới thay thế cho Mỹ vào năm 2025 hay sẽ sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế và tiếp sau đó là khủng hoảng chính trị?

Trước khi đi vào phân tích tình hình Trung Quốc thiết nghĩ chúng ta nên dành chút thời gian để nhìn về quá khứ và tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao Liên Xô, một cường quốc cộng sản lại sụp đổ?

Như chúng ta đều biết, nước Nga là một nước lớn có lãnh thổ kéo dài từ Âu sang Á và bao trùm Châu Âu nhưng lại là một nước kém phát triển so với Châu Âu vào hồi đầu thế kỷ 20. Năm 1914 nước Nga tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ I. Với sự lạc hậu của quân đội và tình trạng đói kém của người dân, quân đội Nga liên tiếp bại trận trên chiến trường và làn sóng bất mãn, phản đối chiến tranh lan rộng khắp đất nước. Trước tình trạng này giới tư sản Nga đã đứng lên làm một cuộc cách mạng ‘dân chủ tư sản’ lật đổ chế độ quân chủ của Sa Hoàng Nhikolai II và vương triều Romanov trị vì nước Nga suốt 300 năm chính thức cáo chung.

Cuộc cách mạng xảy ra vào tháng 2/1917 do giới tư sản Nga phát động và Alexander Kerensky trở thành lãnh đạo chính phủ lâm thời. Sai lầm của chính phủ lâm thời Kerensky là tiếp tục tham gia thế chiến I trong lúc kinh tế Nga hoàn toàn kiệt quệ khiến sự bất mãn gia tăng trong binh lính và người dân trên khắp nước Nga. Đảng cộng sản Nga do Lê-nin lãnh đạo đã lợi dụng cơ hội này để làm một cuộc đảo chính cướp chính quyền và thành lập nên nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới.

Từ năm 1917 đến năm 1922 nước Nga diễn ra cuộc nội chiến giữa Bạch vệ và Hồng quân với chiến thắng sau cùng thuộc về Hồng quân và sự ra đời của Liên bang Xô viết (Liên Xô) gồm 15 nước.

CMT10-1
Đảng cộng sản Nga do Lê-nin lãnh đạo đã lợi dụng cơ hội này để làm một cuộc đảo chính cướp chính quyền và thành lập nên nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. 

Từ năm 1924 đến 1940 Liên Xô đã có những thành công vượt bậc trong công cuộc Cơ khí hóa, Công nghiệp hóa, Điện khí hóa…khiến Liên Xô đang từ một quốc gia lạc hậu, đói ăn trở thành một nước phát triển mạnh về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng. Sự phát triển của Liên Xô hồi đó như là một phép màu giúp cho Liên Xô không chỉ cầm cự mà còn chiến thắng được Phát xít Đức trong thế chiến II.

Năm 1961 Liên Xô đã thành công khi lần đầu tiên đưa được con người vào vũ trụ và tạo ra một cuộc đột phá trong việc chinh phục không gian.

Từ đó trở đi Liên Xô trở thành một siêu cường và trực tiếp đối đầu với Mỹ và các nước Phương Tây trong cuộc chiến tranh Lạnh. Sự thay đổi và vươn lên kỳ diệu như một phép màu đó đã giúp Liên Xô bành trướng ảnh hưởng của mình ra khắp thế giới. Liên Xô đã tài trợ hào phóng cho các nước cộng sản khắp nơi trong đó có miền Bắc Việt Nam và đã giúp đảng cộng sản chiến thắng Việt Nam Cộng Hòa và thống nhất đất nước sau một cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm.

Liên Xô, trong thời kỳ hoàng kim đã ‘chinh phục’ được rất nhiều trí thức trên thế giới. Nhiều phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi để ủng hộ Liên Xô và các nước cộng sản đang bị đế quốc Mỹ can thiệp như Việt Nam, Cuba… Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ trong lúc Liên Xô phát triển mạnh nhất, trước lúc tàn lụi. Nếu Việt Nam Cộng Hòa cầm cự thêm khoảng chục năm nữa thì mọi chuyện có thể đã khác. Rất tiếc là điều đó đã không xảy ra.

Thế rồi một ngày đẹp trời Liên Xô…lăn ra chết. Liên Xô không hề bị quốc gia nào tấn công, đối lập dân chủ trong nước cũng không có (cho đến tận bây giờ). Tại sao lại có chuyện kỳ lạ đó? Cái gì đã làm cho cường quốc thứ hai trên thế giới và là nước đứng đầu khối các nước xã hội chủ nghĩa lăn ra chết bất đắc kỳ tử như vậy cho dù kho vũ khí hạt nhân vẫn còn nguyên? Câu trả lời cũng rất giản dị, chẳng có ai phá, ai chống và lật đổ, Liên Xô chết vì…kiệt sức.

LXsupdo3
Thế rồi một ngày đẹp trời Liên Xô…lăn ra chết.

Những cái gọi là ‘phép màu’ hay ‘kỳ tích’ về sự phát triển của Liên Xô có được nhờ vào việc khai thác, cưỡng bức và lạm dụng con người một cách dã man và trắng trợn. Chúng ta cần biết rằng con người là một cỗ máy vi diệu nhất trên trái đất. Những kỳ quan thế giới như Kim Tự Tháp hay Vạn Lý Trường Thành đều do con người xây dựng trong những điều kiện thiếu thốn và lạc hậu cách đây hàng nghìn năm. 293 triệu người (dân số Liên Xô khi đó) đã bị vắt kiệt sức cho công cuộc ‘xây dựng xã hội chủ nghĩa’ và rồi ‘thiên đường’ cộng sản đã sụp đổ vì chính sức nặng của nó. Dưới chế độ Liên Xô các quyền con người hầu như không có, họ chỉ có biết làm việc và làm việc cho đến lúc kiệt sức.

Một nghịch lý cần nhắc lại là phong trào cộng sản ra đời nhằm phản đối sự đối xử tàn tệ của giai cấp tư sản đối với người công nhân nhưng sau khi cướp được chính quyền rồi thì Liên Xô và các nước cộng sản đều thủ tiêu và dẹp bỏ mọi cơ chế bảo vệ người công nhân. Việt Nam đến tận bây giờ vẫn chưa được phép thành lập các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Liên Xô khác Trung Quốc bây giờ ở chỗ là họ đóng cửa với thế giới bên ngoài bằng cách tự cung tự cấp mọi thứ cho người dân của mình và cho dù lạm dụng sức người tối đa và khai thác tài nguyên cho đến cạn kiệt thì vào những năm 80 Liên Xô vẫn thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo cho đến thức ăn và những nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày. Khi lý tưởng cộng sản được thực tế cuộc sống chứng minh là sai lầm và hoang tưởng thì sự bất đồng trong nội bộ đảng cộng sản Liên Xô gia tăng và rồi họ mất dần đồng thuận và không thể thỏa hiệp với nhau trên các vấn đề cụ thể. Làn sóng chống đối gia tăng, nhiều người bỏ nước ra đi, sự giận dữ của người dân dâng cao. Trước tình hình đó, Liên Xô buộc phải buông bỏ các nước Đông Âu. Công Đoàn Đoàn Kết dành chiến thắng tại Balan (1998), bức tường Berlin sụp đổ (1989) và cái gì đến phải đến. Ngày 26/12/1991 Liên Xô chính thức cáo chung và tan rã thành nhiều quốc gia độc lập.

buctuongBerlin4
Bức tường Berlin sụp đổ (1989) và cái gì đến phải đến. Ngày 26/12/1991 Liên Xô chính thức cáo chung và tan rã thành nhiều quốc gia độc lập.

30 năm sau Trung Quốc, một quốc gia cộng sản đang trỗi dậy với ‘giấc mơ’ trở thành siêu cường số 1 thế giới. Liệu Trung Quốc có đạt được giấc mơ đó hay không? Nếu chịu khó quan sát chúng ta sẽ thấy là Trung Quốc đang mang trong mình những căn bệnh giống hệt Liên Xô trước đây. Suốt mấy thập niên qua Trung Quốc cũng phát triển một cách ngoạn mục khiến cả thế giới ngưỡng mộ và ca tụng hết lời. Tuy nhiên cái gọi là ‘phép mầu kinh tế Trung Quốc’ thực ra không có gì mới. Liên Xô, cũng như Đức quốc xã và nước Nhật quân phiệt còn tăng trưởng nhanh hơn trước khi sụp đổ. Đặc tính chung của các chế độ này là áp đặt lên con người và môi trường những hy sinh kinh khủng để chỉ xây dựng một chính quyền mạnh. Chúng thách đố mọi hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường, sức khỏe. Sau cùng chúng tích lũy những mâu thuẫn không thể giải quyết được rồi kiệt quệ và gục ngã.

Trung Quốc cũng lạm dụng và khai thác con người một cách tối đa. Trung Quốc có 300 triệu người và 1,1 tỉ ‘nô lệ’ làm chỉ đủ ăn và làm việc cho tới chết. Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa rẻ nhiều nhất ra thế giới và đó cũng chính là xuất khẩu sự nghèo khổ mà Đảng cộng sản Trung Quốc là thủ phạm. Sự khác biệt của Trung Quốc so với Liên Xô trước đây là Trung Quốc mở cửa và giao thương với thế giới nhờ vào chính sách thực tiễn của Mỹ và Châu Âu. Trung Quốc đã vay mượn được rất nhiều tiền của các định chế quốc tế và thu về được nhiều tiền lẫn công nghệ tiên tiến của thế giới.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc rêu rao rằng họ phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử thế giới. Điều đó không đúng, Đức, Nhật, Ý đều trỗi dậy từ đống tro tàn sau thế chiến II. Hàn Quốc, Đài Loan hay cả những nước tách ra từ Liên Xô như ba nước Ban-tích và các nước Đông Âu như Séc, Balan, Hungari đều phát triển rất nhanh chóng và ngoạn mục trong bền vững. Sự phát triển của các nước dân chủ đều lành mạnh và hài hòa, tôn trọng nhân quyền và môi trường sống. Họ phát triển mà không gây ra bất cứ lo sợ cho các nước khác. Nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn duy trì độc tài nên dậm chân tại chỗ, không thể tiến lên được dù đất nước rộng lớn và tài nguyên bao la.

Đúng là Trung Quốc không đóng cửa như Liên Xô trước đây mà mở cửa với thế giới nên sự tăng trưởng của Trung Quốc có vẻ ’thần kỳ’ hơn so với Liên Xô. Nhiều công trình vĩ đại của Trung Quốc được xây cất trên mọi miền đất nước nhưng đừng quên rằng có nhiều thành phố xây xong rồi bỏ hoang. Hơn 70 triệu căn hộ không có người ở, nhiều xa lộ thênh thang không có phương tiện lưu thông. Nợ công của Trung Quốc đã vượt ngưỡng 300% GDP với số nợ khoảng 40.000 tỉ USD và mỗi năm Trung Quốc trả lãi cỡ 1.000 tỉ USD. Dự án ‘Vành đai và Con đường’ sẽ góp phần làm cho kinh tế Trung Quốc kiệt quệ nhanh hơn khi tiền chỉ bỏ ra mà không thể thu lại. Không dừng lại ở đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, năm 2019 ngốn khoảng 180 tỉ USD nhưng đây có lẽ là con số tượng trưng. Một đội quân thường trực đứng hàng đầu thế giới với 2,3 triệu quân nhằm duy trì sức mạnh trên một vùng lãnh thổ rộng lớn là vô cùng tốn kém chưa kể đến các loại vũ khí mà Trung Quốc sở hữu và chế tạo thời gian qua. Ngoài ra phải kể đến chi phí cho Bộ công an Trung Quốc, số tiền này có thể còn lớn hơn cả cho quốc phòng.

Đức, Nhật, Ý sau thất bại trong thế chiến II họ đã chọn con đường dân chủ nên sự phát triển của họ rất lành mạnh và bền vững. Họ không phải đầu tư cho quân đội mà dựa vào cái ô an ninh của Mỹ. Sự trỗi dậy ngoạn mục của họ không hề làm bất cứ ai lo lắng. Không những thế, Đức, Nhật còn chia sẻ gánh nặng quân sự với Mỹ đồng thời hành xử ngày càng có trách nhiệm với nền hòa bình chung của nhân loại. Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại. Trái với kỳ vọng của Mỹ và Phương Tây là khi Trung Quốc phát triển sẽ cải thiện dân chủ và tôn trọng nhân quyền, Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh cho quốc phòng và liên tục gây hấn với các nước láng giềng mà Việt Nam là một điển hình. Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc đang đe dọa hòa bình thế giới. Kỳ ‘trăng mật’ giữa các nước dân chủ và Trung Quốc đã kết thúc.

Chính quyền của Obama đã nhận ra mối nguy Trung Quốc trong hai năm cuối của nhiệm kỳ hai và đã sửa sai bằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm bao vây và chế tài Trung Quốc. Donald Trump, một tổng thống dân túy đã chọn lối đối đầu mang nặng kịch tính bằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ồn ào, ăn miếng trả miếng khiến cả hai đều lao đao. Thái độ chống Trung Quốc hiện nay của thế giới đã trở thành cao trào và không thể đảo ngược dù có Trump hay không.

Như vậy có thể tạm kết luận rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc là khó tránh khỏi. Tất cả vấn đề của thế giới là làm thế nào để nó kết thúc mà không gây ra một tai họa toàn cầu. Các qũi đầu tư đang đau đầu tìm cách ‘giúp’ Trung Quốc ‘hạ cánh an toàn’ với ít đỗ vỡ nhất. Việt Nam chúng ta càng phải thận trọng vì ở ngay sát đám cháy của một núi lửa. Điều đáng lo ngại nhất là sự tan rã của Trung Quốc có thể kết thúc trong bạo lực mà Hong Kong là điểm khởi đầu. Liên Xô đã sụp đổ trong hòa bình sau khi để mặc các nước chư hầu Đông Âu sụp đổ trước và vì thế mà tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô Gorbachev được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1990. Trung Quốc trong lúc nguy biến và bối rối có thể gây ra một cuộc chiến trước lúc sụp đổ. Hơn lúc nào hết Việt Nam đang rất cần một chế độ có trí tuệ và bản lĩnh để đối phó với sự tan rã của Trung Quốc cũng như các thay đổi dồn dập trên thế giới.

Việt Hoàng (14/10/2019)