Dừng mỏ sắt Thạch Khê, ngàn tỉ 'bốc hơi' (Tuổi Trẻ)

Dự án này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải huỷ bỏ ngay lập tức. Đây là một sai lầm nghiêm trọng thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Chúng ta có thể thấy những quyết định chủ quan, thiếu tầm nhìn, vô trách nhiệm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như thế nào. Tuy nhiên, hoàn toàn không có bất cứ lời xin lỗi nào được đưa ra, và người dân thì chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng những khó khăn, thiệt hại mà đảng và nhà nước đã gây ra.

TTO - Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) vừa kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đóng cửa mỏ vì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và tránh nguy cơ một thảm họa môi trường.

Người dân nay đang phải quay lại mỏ sắt Thạch Khê để kiếm kế sinh nhai - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Nhưng từ góc độ nhà đầu tư, Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) cho rằng đánh giá này chưa đầy đủ, việc đóng cửa mỏ sẽ làm "bốc hơi" hơn 2.000 tỉ TIC đã đầu tư.

Dự án không hiệu quả

Trong báo cáo đánh giá những hệ lụy và giải pháp xử lý đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), Bộ KH-ĐT cho rằng TIC thực hiện dự án chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp.

Trước đó, kết luận thanh tra của Tổng cục Địa chất và khoáng sản cũng chỉ ra mỏ sắt Thạch Khê thực hiện công tác thử nghiệm công nghệ trên nền cát và sét giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3 từ 2007 - 2009 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là chưa phù hợp với quy định của Luật khoáng sản.

Từ 2009 - 2011, TIC tiếp tục bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m, với khối lượng 12,7 triệu m3, thu hồi được 3.000 tấn quặng sắt khi không có thiết kế kỹ thuật dự án được cấp thẩm quyền duyệt.

Theo Bộ KH-ĐT, trường hợp TIC vi phạm các quy định của Luật khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản và các văn bản pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tại giấy phép sẽ bị thu hồi giấy phép và TIC phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Thời gian qua, các cổ đông TIC không có khả năng góp vốn theo tiến độ cam kết, trong khi theo quy định của Luật khoáng sản, TIC phải góp đủ vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư dự án, tương đương 4.350 tỉ đồng.

Một báo cáo gần đây của Bộ Công thương cũng nhận định TIC không còn tiền đầu tư trong khi nhu cầu kinh phí đầu tư lớn. Ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 114 tỉ đồng/năm, cần bổ sung thêm 1.000 tỉ phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Từ góp ý của các bộ, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho kết thúc dự án, bổ sung mỏ này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đến khi hội tụ đủ các điều kiện khai thác, khả thi về hiệu quả kinh tế.

Dân trở lại mỏ sinh sống

Theo ghi nhận, mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà nhưng từ nhiều năm qua đã không thấy bóng dáng công nhân trên công trường. Vào sâu trong khu mỏ là những hồ nước sâu và những bãi đất hoang hóa.

Hệ lụy của việc dừng dự án sau nhiều năm bóc tầng đất phủ của mỏ khiến cuộc sống của người dân khu vực mỏ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Thạch Đỉnh là xã bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất, có một diện tích lớn nằm trong khu vực mỏ.

Ông Bùi Quang Đào, ở xã Thạch Đỉnh, nói: "Đất đã thu hồi để làm mỏ, giờ dân ở đây không có ruộng đất để sản xuất nên không biết làm gì, nghề nghiệp cũng không có nên ai có sức khỏe thì đi làm thuê đủ kiểu theo thời vụ".

Mặc dù theo kế hoạch di dời thì những hộ dân nằm trong khu mỏ phải dọn đi hết, nhưng do quá trình khai thác mỏ sắt bị gián đoạn nhiều năm nên nhiều hộ dân từ khu tái định cư lại quay về vườn cũ để canh tác.

Ông Phạm Văn Ngọc, bí thư Đảng ủy xã Thạch Đỉnh, công nhận từ khi mỏ tạm ngừng khai thác, nhiều hộ dân từ khu tái định cư đã quay về vườn cũ để canh tác. Chính quyền xã thấy người dân sống ở khu tái định cư gặp khó khăn nên cũng tạo điều kiện cho họ về sản xuất trên đất đã bị thu hồi.

Đề nghị dừng dự án

Trong văn bản gửi tới Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất dừng thực hiện dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê vì chủ đầu tư không thực hiện đúng kết luận 72 của Bộ Chính trị, không thực hiện việc khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt gắn với liên hợp luyện thép của TIC.

Năng lực, nguồn lực của chủ đầu tư TIC không bảo đảm, nếu tiếp tục triển khai đầu tư sẽ khó có hiệu quả. Cái được của việc dừng dự án lớn hơn rất nhiều so với mất, tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh và cho rằng những rủi ro tiềm tàng về môi trường đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên trưởng ban chiến lược của TKV, nhấn mạnh không nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời điểm này vì về kỹ thuật chưa có giải pháp chống ngập mỏ khả thi.

Vị trí mỏ Thạch Khê chỉ cách biển 800m, khả năng có hang động phía dưới rất lớn, có nhiều nguy cơ nước biển tràn vào mỏ, trong khi cho đến nay trong tất cả thiết kế kỹ thuật dự án chưa có giải pháp hữu hiệu, chỉ nói chung chung, cảm tính rất nguy hiểm.

Ảnh hưởng lớn tới người dân

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á; quy mô diện tích khai thác lộ thiên được tính toán lên tới 4.821ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỉ đồng, thời gian khai thác 52 năm.

Việc khai thác ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.928 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân.

Doanh nghiệp phản ứng

Trong khi đó, quan điểm của doanh nghiệp trái ngược. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - tổng giám đốc TIC, việc đánh giá các căn cứ, cơ sở dừng dự án của Bộ Kế hoạch - đầu tư trong văn bản mới đây là chưa đầy đủ.

Mỏ sắt Thạch Khê có hàm lượng sắt cao hơn các loại quặng sắt khác đang khai thác tại VN, vị trí mỏ gần cảng biển thuận lợi cho vận chuyển, chi phí vận tải đến các trung tâm sản xuất thép thấp.

Đến nay, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu khoảng 5,2 - 5,7 triệu tấn/năm, phù hợp công suất giai đoạn 1 của dự án.

Dẫn một số doanh nghiệp khác, ông Hưng khẳng định việc tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong nước là hoàn toàn khả thi.




Nguồn: Tuổi Trẻ