Mơ mộng hão huyền của người Việt Nam: Đòi Đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ (RFA Tiếng Việt)

Thế cho nên dân Việt Nam đừng mơ mộng hão huyền đòi hỏi các ông nghị lên tiếng đòi làm sạch không khí, hay bất cứ cái gì thuộc về quyền của người dân nữa nhé. Nhà thì không bao việc nhưng còn bao tiền phải tiêu, chúng ông không rảnh!

Hình minh họa. Quốc hội Việt Nam họp hôm 22/10/2018. AFP

Có những bạn trẻ hỏi: “Vụ ô nhiễm không khí Hà Nội thật kinh khủng. Mình có thể yêu cầu Đại biểu Quốc hội lên tiếng không? Mình có thể yêu cầu họ phát biểu chất vấn chính phủ trên báo chí và diễn đàn Quốc hội không?”

Tôi nói: Các em hỏi rất trúng. Đó là quyền của người dân và là nghĩa vụ của đại biểu. Nhưng họ có làm hay không lại là chuyện khác. Và mình có thể tìm ra họ để yêu cầu họ lên tiếng hay không, cũng không phải dễ.

Mỗi người dân Việt Nam có ít nhất bốn vị đại biểu

Theo luật, mỗi người dân Việt Nam có ít nhất bốn vị đại biểu cho mình: Đại biểu Hội đồng nhân dân (viết tắt là HĐND) cấp xã-phường; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp quận-huyện; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh-thành phố và Đại biểu Quốc hội.


Tùy từng cấp, mỗi vị đại biểu hoạt động trong phạm vi ranh giới đã được nêu rõ trong chức danh, nhưng nói chung đều “ do dân trực tiếp bầu ra”, phải “đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân”, “thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước” tại các cấp chính quyền.

Luật cũng quy định họ phải “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe tiếng nói của dân, được dân tín nhiệm”.

Vậy trong khi cả xã hội lo sợ nạn ô nhiễm thì sao?

Quý vị sẽ tự rút ra câu trả lời vào cuối bài.

Đại biểu của dân hay của Đảng?

Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Việt Nam thời gian qua. Nên để làm ví dụ, chúng ta sẽ đi tìm các vị đại biểu ở thành phố này.

Từ cao nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội có tổng cộng 25 vị. Trong đó hết 22 người là quan chức Nhà nước, từ ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư, Chủ tịch nước), ông Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), đến các bí thư huyện ủy, Chánh án TAND Hà Nội, lãnh đạo các ngành công an, Học viện quân sự…

Theo quy định của nhà nước Việt Nam, từ cấp trưởng phòng công sở trở lên đều phải vào Đảng mới được bổ nhiệm, do vậy 22 vị này tất tật đều là đảng viên.

Ba vị còn lại gồm một luật sư, một giám đốc doanh nghiệp và một nhà sư. Nhưng vị luật sư lại là Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tp Hà Nội. Thế thì vị này nhất quyết cũng phải Đảng.
Còn lại 2 vị, trong tổng số 25 là ngoài Đảng.

Giả sử họ có ý kiến (chắc gì có) thì nó cũng lọt thỏm đi mất.

Hội đồng nhân dân Tp Hà Nội cũng vậy. Tổng cộng 105 vị thì hết 93 vị có Đảng. Chỉ 12 vị ngoài Đảng, gồm một số giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn độc lập, một luật sư và hai nhà sư.

Đến cấp quận. Tôi tìm đại quận Hoàn Kiếm, là một quận trung tâm của Hà Nội.
Kết quả có 37 đại biểu. Trong đó “đồng chí Dương Đức Tuấn (tức Dương Tuấn), Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (93,9% phiếu bầu). Nhiều đồng chí có tỷ lệ phiếu bầu cao như: Trần Đức Hiếu, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy (90,75% phiếu bầu); Nguyễn Chí Lực, Phó bí thư Thường trực Quận ủy (90,04% phiếu bầu); Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận (85,45%); Nguyễn Thị Phương Chung, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận (83,86%); Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận (75,87% phiếu bầu)....” (trích nguyên văn từ trang web dẫn chiếu dưới phần tham khảo).

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam bắt buộc đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng (…) phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Phải thực hiện biểu quyết, phát ngôn bảo đảm Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật phù hợp với mức độ vi phạm, thậm chí có thể bị khai trừ khỏi Đảng.
Dù đảng viên đang sắm vai đại biểu của nhân dân, cũng vậy.

Chính vì đảng viên không được phép phát ngôn hay biểu quyết khác, hoặc vượt ra ngoài nghị quyết Đảng, nên nếu các vấn đề mà người dân quan tâm hay lo lắng, nhưng Đảng lại chưa, hoặc không lo lắng quan tâm (hỡi ôi, ở Việt Nam là chuyện thường ngày ở huyện), thì các đại biểu-đảng viên này sẽ không ai dám hó hé.

Đứng về phía dân, chẳng may bị khai trừ thì mất chức, mất quyền, mất tiền, bị chèn ép. Ai dại?

Quốc hội là một đảng bộ to

Cho rõ ràng hơn việc bản chất của Quốc hội chính là một Đảng bộ to, ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, viết trên Tạp chí Cộng sản vào ngày 26-8-2019 như sau (xin trích):

-Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, HĐND là vô cùng quan trọng (…), đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, HĐND là toàn diện, trực tiếp và liên tục. Đảng phải lãnh đạo và nắm được tư tưởng chính trị của hệ thống cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử, bảo đảm không chệch hướng. Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo thông qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đối với cơ quan dân cử mang tính chủ trương, định hướng lớn.

Theo đó, có các nguyên tắc:

Nguyên tắc đầu tiên, điều kiện tiên quyết là số lượng đảng viên của Đảng trong Quốc hội, HĐND phải chiếm tỷ lệ đa số.

Nguyên tắc thứ hai, đảng viên phải nắm được các vị trí then chốt trong Quốc hội, HĐND, nhất là các chức danh quan trọng, ở khâu trọng yếu nhất.
Nguyên tắc thứ ba (…)

Nguyên tắc thứ tư, phải có cơ chế quản lý, kiểm soát bảo đảm các nguyên tắc sinh hoạt đảng: nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng của hệ thống cơ quan dân cử.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng ra một quyết định về cơ cấu số đại biểu, cụ thể như sau:

-Đại biểu trẻ dưới 35 tuổi, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%.

-  Đại biểu nữ, phấn đấu đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên.

-  Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 10%.

Nghĩa là ngoài bản chất Quốc hội cũng chính là Đảng thì về hình thức, nó còn phải được cơ cấu cho đẹp đội hình. Tóm lại, Quốc hội cũng chỉ một thứ trang trí (tốn tiền) không hơn không kém. Người biết thì buộc phải ngậm miệng. Người được “cơ cấu” có khi đọc còn chưa “thõi”, lấy đâu ra kiến thức để đọc hiểu, thẩm định, góp ý, sửa đổi dự án luật cho oách với người ta.

Hơn thế, một Quốc hội cơ cấu còn là cái giấy chứng nhận chìa ra với các đòi hỏi của thế giới văn minh về thể chế xã hội tam quyền phân lập. Đấy đủ cả lập pháp, tư pháp, hành pháp đấy, bố bảo đứa nào dám chê là thể chế độc Đảng toàn trị, thiếu dân chủ?

Nghị câm, nghị gật

“Ruột” thì đỏ, vỏ thì “xanh”, thế cho nên dân Việt Nam mới có những đại biểu “lu”, đại biểu “lon”, đại biểu lừa đảo kinh doanh, đại biểu âm thầm cài cắm sẵn quốc tịch thứ hai ở nước ngoài, đại biểu tham nhũng... Còn lại đa số là nghị câm và nghị gật.

Nhưng câm và gật không phải vì dốt mà là cực khôn, ngậm miệng hưởng các chế độ ưu đãi cho đại biểu, tăng thêm uy danh ở địa phương hay nơi làm việc, đóng đinh vào các chân ghế, sắm cái bao an toàn cho những trò lậu lá nếu có. Chứ phát biểu với ai, phát biểu để làm gì, ai nghe mà phát? Phát xong rồi cái ghế béo ngậy có còn ngồi yên không?

Thế cho nên dân Việt Nam đừng mơ mộng hão huyền đòi hỏi các ông nghị lên tiếng đòi làm sạch không khí, hay bất cứ cái gì thuộc về quyền của người dân nữa nhé. Nhà thì không bao việc nhưng còn bao tiền phải tiêu, chúng ông không rảnh!

Tham khảo:



* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do