Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ‘truy vấn’ tổng thầu Trung Quốc về tàu Cát Linh-Hà Đông (RFA)

Thời gian gần đây yếu tố “Trung Quốc” được truyền thông Việt Nam ưu ái đưa tin với tần suất dày đặc, nhưng thay vì dùng những mỹ từ “láng giềng tốt”, “hợp tác chặt chẽ”,.. như mọi khi, thì hiện tại nó gắn chặt với những yếu tố tiêu cực “tội phạm”, “phim sex”,“chậm tiến độ”,…Điều này minh chứng rõ ràng cho nhận định “thoát Trung” của cộng sản Việt Nam.

Hình minh họa. Đoàn tàu Cát Linh Hà Đông
Hình minh họa. Đoàn tàu Cát Linh Hà Đông (Photo: RFA)

Hôm 1/10, theo báo Người Lao Động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc “truy vấn” đối với ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông về việc dự án này chậm trễ tiến độ, không biết đến khi nào mới vận hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được trích lời:
"Vấn đề phải sớm, phải nhanh! Các ông hứa bao giờ làm xong? Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều!"
Ông Đường Hồng được ghi nhận đáp lời:
Hiện đơn vị tổng thầu cũng rất sốt ruột. Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu. Tổng thầu đã làm nhiều dự án tương tự ở Trung Quốc và đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều. Thông tin nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm là không có cơ sở." 
“Còn việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định."
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.
Các báo Việt Nam ghi nhận dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông “đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng”.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án giao thông vận tải hôm 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông để khắc phục. Đồng thời, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể phải chịu trách nhiệm báo cáo thủ tướng trước ngày 30/9/2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông, tuyệt đối không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong dân.
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải , tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, đưa ra nhận định với RFA về khả năng kiện nhà thầu Trung Quốc do chậm tiến độ:
“Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án, xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa xong. Ngoài ra cần đặt vấn đề kỷ cương ở đâu, tại sao các cơ quan có thẩm quyền lại bất lực việc chây lì của nhà thầu Trung Quốc.”

Nguồn: RFA