Ô nhiễm không khí gây bất an Hà Nội nhưng dân tự lo (Nguyễn Hà Hùng)

Giải pháp cá nhân không thể bảo vệ được người dân trước những đe doạ ngày càng trầm trọng. Đảng cộng sản Việt Nam thì ưu tiên sự tồn vọng của họ hơn tính mạng của người dân. Lúc này đương nhiên người dân phải tự lo, và cái tự lo đúng đắn nhất đó chính là dành ưu tư cho chính trị.

Hà Nội
AFP
Người dân Hà Nội ngoài phố - ảnh minh họa


Đánh răng, rửa mặt, sẽ không còn là việc trước tiên mỗi buổi sáng của người Hà Nội.
Nếu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng không chấm dứt, họ sẽ đọc các chỉ số bụi mịn, khí thải khi thức giấc. Đến nay đã hơn bốn tuần, Hà Nội bất an.
Đối mặt ô nhiễm, người Hà Nội phải tự làm mọi việc, phát hiện, nêu vấn đề và giải quyết nó.


Dân tự phát hiện ô nhiễm


Dân đọc chỉ số ô nhiễm không khí bằng các ứng dụng quốc tế trên điện thoại. Họ không nhận được cảnh báo tình trạng ô nhiễm mỗi ngày của các cơ quan nhà nước.

Hiện tại, bản tin thời tiết của báo chí, của cơ quan chức năng, không có thông tin mức độ ô nhiễm không khí. Ủy ban Nhân dân Thành phố có một trang "Cổng thông tin quan trắc môi trường" nhưng có vẻ còn dở dang.

Trang này không có nhiều thông tin, không nêu rõ cách thức tính toán. Số liệu ô nhiễm mà họ công bố có khi thấp hơn một nửa so với các ứng dụng khác.

Người đọc có thể nhận ra họ làm theo chuẩn Việt Nam. Website này hiện không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, thông tin của họ ít khả năng tiếp cận được người dân là điều dễ hiểu.


Dân nêu vấn đề

Dân công khai trạng thái lo lắng của mình ngay sau khi có chỉ số ô nhiễm. Họ bày tỏ lo lắng khi bị Air Visual đánh giá Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vẫn như trước đây, báo chí đưa tin chậm, phản ứng của quan chức còn trễ hơn nhiều.

HN
Linh Pham
Bán khẩu trang chống bụi cho người đi xe máy - ảnh minh họa

Mức độ chậm trễ của truyền thông nhà nước có thể tính theo ngày, trong khi phản ứng của các quan chức có thể tính theo tuần.

Vấn đề của dân là không thể sống nổi trong môi trường bị đầu độc. Trong khi đó, vấn đề của báo chí và quan chức có vẻ là thứ hạng ô nhiễm. Tuy công nhận tình trạng nghiêm trọng, quan chức và báo chí cho rằng thông tin của Air Visual không chính xác.

Họ khuyến cáo dùng số liệu của các nhà cung cấp ít tên tuổi, trong đó có cổng thông tin của Hà Nội nêu trên và AQICN, thiết lập tại Bắc Kinh.

Phản đối hay ủng hộ ý kiến cho rằng Air Visual không đáng tin là quyền của mỗi người. Mọi cáo buộc vắng mặt Air Visual và/hoặc người đại diện của họ là cách làm không chính đáng, không công bằng. Đây cũng là dịp tốt để báo chí điều tra về các giá trị của Air Visual, nếu mục tiêu của báo chí là đem đến cho bạn đọc thông tin trung thực để ra quyết định và hành động đúng đắn.

Dân tự giải quyết

Người dân phải làm sạch không khí trong phòng, đóng hết các cửa, ra đường bịt khẩu trang, giảm thời gian ngoài phố. Không còn cách khác. Kể cả dân mua được máy lọc không khí trong nhà và khẩu trang chuyên dụng, rủi ro vẫn đứng ngoài cửa và bủa vây cả xã hội. Người lớn không thể nghỉ việc, trẻ em phải đi học. Bố mẹ tự cho con nghỉ thì không theo được chương trình, bị trừ điểm thi đua…

Giải pháp toàn diện chính quyền có thể công bố sau, nhưng giải pháp trước mắt phải có ngay để bảo vệ sức khỏe người dân thì chưa thuyết phục. Học sinh chưa được nghỉ học, dân chưa được hỗ trợ dù chỉ một cái khẩu trang.
Báo chí có thể điều tra độ tin cậy của các nhà cung cấp chỉ số ô nhiễm dễ dàng. Thay vì làm điều đó rõ trắng đen, họ khuyên người dân thận trọng, không chạy theo đám đông.


'Chính quyền đang làm hết sức'?

Pháp 
BSIP
Các nước châu Âu đều có trạm quan trắc thông báo chi tiết mật độ bụi, nitrogen dioxide, và nhiều chất độc hại khác trong không khí - hình minh họa

Cho rằng phải quan tâm đến thứ hạng, nhất là khi bị nước ngoài đánh giá nước mình ô nhiễm nhất thế giới. Tự hào Việt Nam để đâu? Xin thưa, điều người dân cần nhất, trong những lúc như thế này, là không khí sạch để thở. Không có tinh thần dân tộc nào rửa sạch được nội tạng nhiễm bụi. Vì thế, báo chí nhà nước không nên lệch trọng tâm.

Ai đó có thể nói, chính quyền đang làm hết khả năng, đừng kêu ca nữa. Thà thắp một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối. Xin thưa, phản hồi của dân là tài sản đấy, dân im lặng, quay lưng là mất tất cả. Dân tự giải quyết sẽ khó tránh khỏi tình trạng "đèn ai, nhà nấy rạng". Xã hội sẽ mãi chìm trong bóng tối. Vả lại, đó không phải là cách thức quản trị xã hội đúng đắn.

Chúng ta sẽ phải sống ra sao, con trẻ sẽ phải chịu đựng ô nhiễm đến khi nào?

Nhân dân không thể không trông cậy chính quyền. Họ trả lương cho chính quyền để chính quyền bảo vệ họ.

Đừng để dân phải nai lưng đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, rồi sau đó họ phải làm hết mọi việc, từ phát hiện vấn đề, nói lên thực trạng, rồi rốt cuộc phải tự mình giải quyết.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Hà Hùng ở Hà Nội. Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả.