Vũ Khắc Ngọc và giới hạn của ‘tự do ngôn luận’ (Việt Hoàng)


Ai cũng cần phải quan tâm đến chính trị dù giàu hay nghèo. Ô nhiễm môi trường và không khí chỉ là một trong nhiều vấn nạn của Việt Nam. Các vấn nạn đó không thể giải quyết nếu đất nước không có dân chủ bởi vì chỉ có các chế độ dân chủ mới tôn trọng con người và xem hạnh phúc, sức khỏe và nhân phẩm của con người là trên hết. Các chế độ độc tài đều coi thường con người nên không bao giờ họ ưu tư cho các vấn nạn đó. Đất nước Việt Nam cần định nghĩa lại như là ‘một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung’. Không thể luồn lách bằng các giải pháp cá nhân cho các vấn đề chung như ô nhiễm, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…mà phải có một giải pháp chung cho cả đất nước. (Việt Hoàng)


Một trong những sự kiện đang gây xôn xao dư luận Việt Nam là việc ‘thầy giáo’ Vũ Khắc Ngọc, một người khá ‘nổi tiếng’ với những phát biểu gần đây như việc kêu gọi giới trẻ Việt Nam không nên bắt chước biểu tình giống Hồng Kông vì như thế là ‘đập bể nồi cơm của mình’ lại vừa gây ra một ‘cơn bão’ mới. Cơn bão mà Vũ Khắc Ngọc gây ra lần này là việc phát động chiến dịch tẩy chay ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual, sau khi ứng dụng này cảnh báo không khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm nặng, việc làm của Ngọc khiến nhà phát triển AirVisual phải chặn quyền truy cập ở Việt Nam. Cơn bão này không còn là ‘cơn bão trong ly nước’ mà nó đã trở thành cơn bão mang tầm quốc tế khi nhiều cơ quan thông tấn hàng đầu thế giới phải lên tiếng như Reuters, The New York Times và AFP.
 
Trên Facebook của mình, Vũ Khắc Ngọc đã dùng những lời lẽ rất cực đoan và hùng hổ như một ‘Hồng vệ binh văn hóa’ để động viên và kêu gọi 350.000 người theo dõi tài khoản cùng phối hợp tấn công AirVisual. Theo Hãng tin Reuters, AirVisual đã ra thông báo về ‘một chiến dịch tấn công phối hợp’ nhằm hạ uy tín ứng dụng này đã diễn ra ở Việt Nam. ‘AirVisual nhận được nhiều tin nhắn chửi bới, đe dọa trên Facebook và 2 kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store. Do đó, ứng dụng AirVisual và trang Facebook (của app) hiện không thể truy cập được ở Việt Nam’. Không chỉ thế Ngọc còn vu khống AirVisual đã chỉnh sửa dữ liệu nhằm bán máy lọc không khí do công ty mẹ IQair sản xuất dù không đưa ra được bằng chứng nào. “Ngọc không đưa ra được chứng cứ nào cho các phê phán của mình, nhưng lại viết rằng AirVisual làm tổn hại đến du lịch Việt Nam và kêu gọi hàng ngàn người để lại các nhận xét tiêu cực về ứng dụng này”, Reuters viết về hành động của Ngọc.

Việc không khí tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị ô nhiễm là điều mà ai cũng thấy bằng mắt thường, ngay cả chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài trong lúc ô nhiễm không khí gia tăng, bụi mịn ở mức cao tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi hai thành phố lớn nỗ lực hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Mới đây chính phủ các nước Mỹ, Anh, Đức cũng đã ra ‘cảnh báo đỏ’ về ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Trước một vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến nhiều triệu người Việt Nam, nếu Ngọc là một người có trách nhiệm thì nên gửi thư cho AirVisual yêu cầu họ cung cấp những thông tin cần thiết, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng lên tiếng xác thực về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam…Ngọc không làm như thế mà tự ý phát động một ‘cuộc chiến toàn diện’ nhằm bôi bẩn và vu khống AirVisual khiến họ phải tạm thời gỡ bỏ ứng dụng này tại Việt Nam. Hành động của Ngọc đã vượt qua khuôn khổ của ‘tự do ngôn luận’ vì đã vu khống và làm ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người khác trong đó có cả nhiều người Việt Nam, khi không còn công cụ để theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí nơi mình sống.

Hành động của Ngọc là vi phạm pháp luật, ngay cả luật An ninh mạng đầy tai tiếng của Việt Nam cũng có qui định tại điều 16: ‘...Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác’ là vi phạm pháp luật. Rồi đây Ngọc có thể sẽ bị AirVisual khởi kiện và chính phủ Việt Nam phải thực thi pháp luật bằng cách đưa Ngọc ra tòa và xét xử theo qui định của luật pháp.

Có mấy điều muốn chia sẻ nhanh cùng bạn đọc rằng, tuy là không gian ảo nhưng việc phát biểu một cách vô trách nhiệm, thiếu suy nghĩ, a dua theo chính quyền hoặc những người như Vũ Khắc Ngọc nhằm vu khống hay xúc phạm người khác trên các mạng xã hội cũng có thể khiến bạn bị khởi kiện và vướng vào vòng lao lý. Có nhiều khả năng là Ngọc sẽ không bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì Ngọc đứng về phía nhà nước. Tuy nhiên trước những chứng cứ rõ ràng cộng với sức ép của dư luận Việt Nam lẫn quốc tế thì Ngọc vẫn có thể bị đưa ra tòa. Còn tất nhiên là sau này khi đất nước có dân chủ thì bất cứ hành vi vu khống hay xúc phạm người khác đều sẽ bị chế tài bởi luật pháp.

Con số 350.000 người theo dõi Ngọc cũng nói lên nhiều điều, ngoài lực lượng AK47 gồm 10.000 người và dư luận viên có thể lên đến vài chục nghìn người thì không ít người trong số đó là a dua vì thiếu thông tin và kiến thức nên luôn đứng về phía những người ủng hộ chính quyền như Ngọc. Họ chống lại bất cứ ai và bất cứ tổ chức nào dù là người Việt Nam hay các tổ chức quốc tế nếu lên tiếng phê phán đảng cộng sản Việt Nam. Họ chống một cách cực đoan và bất chấp lý lẽ.  Những người như vậy không chỉ vi phạm các giá trị đạo đức và lẽ phải tối thiểu mà còn vi phạm pháp luật. Trong cuộc sống thực tế những người như vậy luôn thất bại vì họ không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Việc làm của Ngọc và những người a dua không khiến Việt Nam hết ô nhiễm mà chỉ làm tăng sự lo lắng của người dân vì không biết khi nào thì không khí bị ô nhiễm khi nào là không. Nếu chính quyền Việt Nam không xử lý những người như Ngọc theo qui định của luật pháp thì dư luận Việt Nam và thế giới sẽ hiểu ra rằng chính quyền hậu thuẫn hoặc bao che cho Ngọc. Việc này sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Các nhà đầu tư quốc tế không thể an lòng khi đầu tư vào một quốc gia mà thiếu vắng sự minh bạch trong đó có sự minh bạch về ô nhiễm không khí nhưng lại thừa mứa sự bôi bẩn và vu khống.

Điều sau cùng muốn chia sẻ với độc giả đó là quan niệm của mỗi người Việt Nam về dân chủ cần thay đổi. Ai cũng cần phải quan tâm đến chính trị dù giàu hay nghèo. Ô nhiễm môi trường và không khí chỉ là một trong nhiều vấn nạn của Việt Nam. Các vấn nạn đó không thể giải quyết nếu đất nước không có dân chủ bởi vì chỉ có các chế độ dân chủ mới tôn trọng con người và xem hạnh phúc, sức khỏe và nhân phẩm của con người là trên hết. Các chế độ độc tài đều coi thường con người nên không bao giờ họ ưu tư cho các vấn nạn đó. Đất nước Việt Nam cần định nghĩa lại như là ‘một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung’. Không thể luồn lách bằng các giải pháp cá nhân cho các vấn đề chung như ô nhiễm, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…mà phải có một giải pháp chung cho cả đất nước. Việc đó chỉ có thể trở thành hiện thực dưới một chế độ dân chủ. Vì vậy việc tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức dân chủ là điều mà mọi người nên làm, nếu muốn một tương lai khác, tốt đẹp hơn cho chính mình và con cháu mình.

Việt Hoàng (8/10/2019)