Nước nhiễm bẩn – đâu là trách nhiệm của chính quyền? (BBC Tiếng Việt)

Đất nước trước hết là đất và nước. Nếu đất đai cằn cỗi, không khí ô nhiễm không thở được, nước bị đầu độc thì chúng ta cũng không còn chuyện gì để nói với nhau. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn nhấn mạnh sự cấp thiết của ưu tư môi trường xuyên suốt từ khi thành lập đến nay. Đặc tính của các chế độ độc tài là họ không coi trọng nhân quyền, vốn là cứu cánh, thì chắc chắn họ cũng không dành một sự quan tâm nào đến môi trường. Họ, tức chế độ CSVN, đang đưa đất nước vào ngõ cụt đêm đen theo đúng nghĩa.

Nhiều người dân Hà Nội xách thùng đi lấy nước sạch trong nhiều ngày qua
Nhiều người dân Hà Nội xách thùng đi lấy nước sạch trong nhiều ngày qua

TS Nguyễn Quang A nhận định rằng, việc giao cho tư nhân kinh doanh những lĩnh vực có tính chất đôc quyền, cho thấy 'lỗi hệ thống' trong tư duy quản trị đất nước.

Hàng trăm ngàn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.


Nguồn nước nói trên do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp.

Công ty này quản lý Nhà máy Nước sạch Sông Đà.

Do công ty không báo?

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc tối 15/10 chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố; đồng thời, có giải pháp bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm.

Công văn cũng yêu cầu, Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm nói trên.

Trước đó cùng ngày, hơn 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt có mùi lạ, UBND TP Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.

Báo Lao động dẫn lời ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Sáng 15/10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phân trần trong cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội rằng, "Nhà máy nước sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, không có hành động để ngăn chặn, do đó dầu chảy vào nhà máy," theo báo Người lao động.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 16/10 rằng, bên cạnh việc phải xử lý hình sự những người đổ dầu trộm vào đầu nguồn nước sông Đà, thì việc nhà nước thả cho một công ty hoạt động trong một lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát, trước hết là lỗi của nhà nước.

Các cửa tiệm tạp hóa 'cháy hàng' nước lọc
Các cửa tiệm tạp hóa 'cháy hàng' nước lọc

Ông A nói:

"Tôi nghĩ, lỗi chính trong chuyện này là về mặt nhà nước, về mặt chính quyền. Một mặt là chính quyền không giám sát chặt chẽ. Nếu họ phân biệt rõ ràng, những công ty cung cấp nước sạch kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên và ảnh hưởng đến rất đông người, nhà nước phải kiểm soát rất chặt và đôi khi chính quyền có thể sở hữu luôn các công ty công ích này. Việc giao chúng cho tư nhân làm là vô trách nhiệm và chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa. Tôi cảnh báo rằng, những chuyện như ô nhiễm nước hay vỡ đường ống nước sẽ còn xảy ra nữa, bởi một công ty hoạt động chạy theo lợi nhuận, trong một lĩnh vực độc quyền, thì họ sẽ có những động lực lợi ích hoàn toàn khác với mục tiêu của công ty công ích."

Lỗi hệ thống?


TS Nguyễn Quang A phân tích rằng: "Điều rất đáng tiếc là ở Việt Nam, những công ty hoạt động công ích người "cổ phần hóa" mà thực chất là tư nhân hóa. Thực sự những gì có tính chất độc quyền thì người ta viện vào cớ là bây giờ nhà nước không còn tiền để đầu tư nữa, ngân sách đang khó, nên phải huy động nguồn vốn của dân, của doanh nghiệp để làm.

Theo ông, việc trao cho tư nhân kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát chặt chẽ cũng là một kiểu tham nhũng.

Ông nói rằng:

"Những vụ tham nhũng trong quá trình chuyển tài sản công thành tài sản tư, ví dụ như vụ 'bán' Cảng Quy Nhơn vừa rồi thì thực ra dễ nhìn thấy hơn. Của nhà nước trị giá tới 1000 mà họ bán cho tư nhân chỉ có 100; hay ngược lại, ở vụ AVG, của tư nhân chỉ đáng giá chẳng hạn có 100 thì mua tới 1000. Kiểu tham nhũng đó dễ phát hiện. Còn việc trao những hoạt động độc quyền cho một nhóm người thì tinh vi hơn, vì nó hoàn toàn hợp pháp."

"Điều quan trọng nhất là trong tư duy của lãnh đạo chính quyền cho đến tận những người chop bu của đất nước này là họ không phân biệt rõ, khu vực nào cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả, nơi nào cơ chế thị trường không hoạt động tốt và nhà nước phải giám sát chặt chẽ. Nguyên nhân chính nằm ở đó." TS Nguyễn Quang A bình luận thêm.

Ông cũng nói rằng, đây là "lỗi hệ thống trong tư duy quản trị đất nước của cả Đảng Cộng sản Việt Nam và cả chính phủ này. Nếu người ta biết, cái nào nhà nước phải làm thì dứt khoát làm cho tốt; cái nào có thể để tư nhân làm hiệu quả hơn thì để tư nhân làm, nhà nước chỉ giám sát thôi. Tiếc là [ở Việt Nam], nhà nước cứ lao vào làm những việc không phải của nhà nước, những việc mà giao cho tư nhân làm thì hiệu quả hơn, còn những việc đáng lẽ nhà nước phải làm thì lại giao cho tư nhân. Tư duy cứ lộn đầu lộn đuôi như thế."

Nước nguồn sông Đà cấp cho khu vực nào?

Báo Lao động dẫn Kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 do UBND Thành phố Hà Nội ban hành từ tháng 7 vừa qua, thì Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 có tổng công suất là 300.000 m3/ngày đêm, có thể nâng công suất lên 330.000 m3/ngày đêm.

Với lưu lượng hiện nay, nhà máy này cấp nước cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000 - 260.000 m3/ngày đêm.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà từng dính rất nhiều sự cố vỡ đường ống nước.

Năm 2018, có chín bị cáo liên quan đến các vụ vỡ đường ống nước lãnh án với tội danh"Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng."