Tiền Trung Quốc cho vay: Bom nổ chậm cho những con nợ (Trọng Nghĩa)

« Quả bom nổ chậm đến từ các khoản nợ mà Trung Quốc cho vay » trên tuần báo Pháp Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Đức Der Spiegel, giới thiệu một công trình nghiên cứu nêu bật sự kiện Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất hành tinh. Có điều là các điều kiện mà Bắc Kinh áp đặt trên các quốc gia con nợ vốn đã yếu kém, đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.

media

Bài báo mở đầu bằng một nhận định : Nếu tính cả Hồng Kông, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất hiện nay trên thế giới. Các khoản cho vay của Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế giống như các loại đồ chơi, điện thoại thông minh và xe trượt điện.

Từ Kenya đến Montenegro, từ Ecuador đến Djibouti, tiền của Trung Quốc mang đến những con đường, đập nước hoặc nhà máy điện. Dĩ nhiên đây là tiền cho vay, và các nước đi vay sẽ phải trả trong những năm tới đây không những cả vốn lẫn lãi, mà cả tiền lãi trên tiền lãi.

Nguy cơ lâm vào cảnh “làm nô lệ để trả nợ”

Nếu tín dụng từ Trung Quốc đã cho phép thế giới không rơi vào suy thoái sau cú sốc ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản năm 2008, thì những khoản cho vay của Bắc Kinh đã gây tranh cãi.

Một số người khen rằng tiền của Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh để xây dựng cơ sở hạ tầng tại những khu vực kém phát triển ở châu Á hoặc châu Phi. Nhưng đối với những người khác, thì các món nợ này đã đẩy một nửa hành tinh vào tình trạng phụ thuộc Trung Quốc về chính trị và kinh tế, thậm chí vào cảnh « làm nô lệ để trả nợ ».

Một báo cáo của một nhóm nghiên cứu Mỹ-Đức, do Carmen Reinhart, trường đại học Mỹ Harvard dẫn đầu, đã cung cấp một phân tích toàn diện nhất về các khoản cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài. Toàn cảnh hiện ra không khỏi làm dấy lên lo ngại, đặc biệt với phát hiện là khá nhiều quốc gia ở các khu vực nghèo trên thế giới đã vay mượn của Trung Quốc những khoản tiền lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.

Những khoản cho vay này đã buộc các con nợ phải chịu những chi phí thanh toán đáng kể, bị các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh chi phối mạnh mẽ và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính cho nhiều nước đang phát triển.

Tính ra, Trung Quốc đã cấp khoảng 5.000 khoản tín dụng và trợ giúp cho 152 quốc gia. Theo bản nghiên cứu, Bắc Kinh không chỉ xuất khẩu vốn sang các nước đang phát triển và mới nổi với một khối lượng nhiều hơn tất cả các quốc gia công nghiệp khác cộng lại, mà các khoản vay của Trung Quốc cũng có nhiều đặc điểm đè nặng lên nước đi vay.

Thời hạn ngắn, chi phí cao, khả năng bị siết nợ nhiều

Trong khi hầu hết các khoản vay mà phương Tây và các tổ chức quốc tế cung cấp cho các nước thế giới thứ ba đều là các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, thì Bắc Kinh thường cho vay với thời hạn ngắn và phí bảo hiểm rủi ro cao. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc thu lợi nhiều hơn.

Các khoản vay của Trung Quốc cũng bao gồm một loạt các điều khoản được thiết kế để bảo vệ Bắc Kinh khỏi bị mất nợ, chẳng hạn như quyền tịch thu thực phẩm, nguyên liệu thô hoặc thu nhập từ các doanh nghiệp nhà nước ở nước là con nợ.

Ngoài ra, các khoản tiền cho vay được rót trực tiếp cho các công ty Trung Quốc xây dựng các sân bay, cảng hoặc đập thủy điện là đối tượng của khoản vay. Do đó, tiền Trung Quốc chi ra lại lọt trở lại các công ty Trung Quốc, một vòng tròn tài chính khép kín, không có chỗ cho nước ngoài chen vào.

Ngoài ra, hơn 75% các khoản tín dụng trực tiếp dành cho phát triển được cấp trong những năm qua, đến từ Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc và Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc. Vì đây là hai đinh chế quốc doanh, Nhà Nước Trung Quốc như vậy hiện diện trong tất cả các giai đoạn của dự án; và trong trường hợp phát sinh khủng hoảng, Nhà Nước Trung Quốc sẽ có thể thâu tóm ngay các khoản bảo lãnh của con nợ trước khi các chủ nợ khác xen vào.

Công trình nghiên cứu kết luận : Trung Quốc đã sáng tạo một hình thức viện trợ phát triển trong đó « các định chế cho vay của nhà nước lại cung cấp tín dụng theo các điều khoản thương mại ».

Nguồn tin: RFI