Người Việt hời hợt (phần 3 - Viễn Huỳnh)

So sánh tư duy logic tiếng Việt và tiếng Anh:

Tôi là người học tiếng Anh từ nhỏ (4 tuổi đã bắt đầu), đã có một thời gian 6 năm sống ở Mỹ trong một môi trường hầu như không có người Việt và đã dạy tiếng Anh được 12 năm. Sở dĩ tôi phải nói điều này để các bạn hiểu rằng tiếng Anh đối với tôi gần như là một ngôn ngữ phổ thông chứ không phải là một ngoại ngữ. Hơn nữa, tôi học cử nhân và thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài nên tôi rất chú trọng đến tư duy bên trong của các ngôn ngữ và sự tương quan của các ngôn ngữ với nhau. Điều này rất quan trọng đối với tôi vì nó giúp tôi hiểu được những vấn đề sau đây:

1. Tại sao người Việt bỏ rất nhiều thời gian để học tiếng Anh nhưng hiệu quả thực tế lại rất thấp?
2. Tại sao có những khái niệm rất đơn giản trong tiếng Anh nhưng rất khó giải thích trong tiếng Việt và ngược lại?
3. Tại sao nhiều người được xem là giỏi tiếng Anh ở Việt Nam vẫn mắc những lỗi rất cơ bản về dịch thuật?
4. Tại sao người Việt Nam ít khi chịu đọc thêm tài liệu hoặc thông tin bằng tiếng Anh để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và đa chiều hơn?

Những vấn đề nói trên có thể sẽ không quan trọng với bạn nếu bạn chỉ là người học tiếng Anh ở mức độ giao tiếp, nhưng đối với một người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ đồng thời nghiên cứu về tâm lý học, chúng làm tôi mất ăn mất ngủ vì tôi muốn tìm cách để giúp các học viên của tôi tiếp cận tiếng Anh một cách logic và hiệu quả nhất.

Để sử dụng tốt một ngôn ngữ, bạn phải hiểu rõ được tư duy logic của ngôn ngữ đó trong việc sử dụng văn phạm, cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và cả phát âm. Nếu không làm được điều đó thì việc giảng dạy hoặc học tập một ngôn ngữ chỉ có thể dừng ở mức độ học thuộc lòng để đối phó chứ không thể đạt được sự thông thạo.

Khi tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính chất giao tiếp quốc tế và người Việt Nam trên lý thuyết bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh cả trong chương trình chính quy và ngoại khóa mà kết quả vẫn rất tệ, theo tôi đó là một sự lãng phí rất lớn. Không thông thạo được tiếng Anh, bạn chẳng những mất rất nhiều cơ hội trong công việc và học tập mà nó còn là một chướng ngại vật cực kỳ to lớn để tiếp nhận thông tin đa chiều cũng như kiến thức của nhân loại: cánh cửa dẫn tới tự do dân chủ.

1. Từ vựng tiếng Anh mô tả khái niệm chuẩn xác hơn tiếng Việt rất nhiều: Một trong những thử thách lớn nhất đối với những người sử dụng ngoại ngữ là sự hiểu biết về từ vựng vì có những từ có thể đồng nghĩa trong ngôn ngữ này lại hoàn toàn không đồng nghĩa trong ngôn ngữ kia. Đặc trưng của tiếng Anh là mỗi từ đều có một ý nghĩa rất chính xác và cụ thể, thể hiện đúng bản chất của về nghĩa mà tiếng Việt không có được.

Tôi lấy ví dụ từ “gặp” trong tiếng Việt nếu được dịch sang tiếng Anh một cách hời hợt sẽ là “meet” nhưng trên thực tế có đến 4 từ khác nhau trong tiếng Anh để dịch một từ “gặp” trong tiếng Việt, và bốn từ này về ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Từ “meet” chỉ có thể dùng trong trường hợp hai người gặp nhau có một mục đích cụ thể nào đó vì thế nó không thể dùng trong trường hợp “hôm qua tôi tình cờ gặp anh ta ở ngoài đường” được. Đối với hành động “tình cờ gặp nhau ngoài đường”, người Anh-Mỹ dùng từ “see” đúng nghĩa là “chỉ nhìn thấy nhau”. Còn khi tôi nói “Tôi đang gặp rắc rối/khó khăn” thì cả hai từ “meet” và “see” đều sai mà phải dùng từ “encounter” với nghĩa “đối mặt với một điều/người mà mình không mong muốn”.

Ví dụ thứ hai là từ “nhận ra” trong tiếng Việt khi dịch sang tiếng Anh sẽ có hai từ “realize” và “recognize” và hai từ này hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau. “Realize” là “nhận ra một điều gì trước đây mình chưa từng có khái niệm về nó” ví dụ “I realized that my parents have sacrificed a lot for me” (Tôi chợt nhận ra/hiểu ra bố mẹ đã hi sinh rất nhiều cho tôi). Còn “recognize” nghĩa là “nhận ra một điều gì mình đã có khái niệm về nó từ trước” (tiền tố “re” có nghĩa là “again”, gốc từ Latin “cogn” có nghĩa là “nhận thức” và hậu tố “ize” để xác định đây là động từ). Vì vậy nếu bạn đưa một tấm ảnh cho ai đó xem và hỏi người ta có nhận ra người trong hình là ai không, bạn phải dùng từ “recognize” chứ không thể là “realize” được.

Ví dụ thứ ba là cùng một từ “nuôi” trong tiếng Việt, tiếng Anh có sáu từ với khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể dùng thay thế cho nhau được và được chia thành hai cụm khái niệm lớn khác nhau: Cụm thứ nhất dành cho các loài vật bao gồm những từ: a) “raise”: nuôi một con vật để khai thác kiếm lợi từ nó như nuôi heo, nuôi bò, nuôi gà… b) “breed”: nuôi để làm giống, và c) “keep” : nuôi một con vật để làm cảnh. Cụm thứ hai dành cho con người bao gồm: a) “bring up” hoặc “rear” hoặc “raise”: dùng để chỉ việc nuôi dạy con cái, b) “support”: dùng để chỉ việc cung cấp tiền bạc cho một người không đủ khả năng tài chính (ví dụ: “He supported his younger brother through college” Anh ta nuôi em trai học đại học) và c) “take care of”: chăm sóc cha mẹ khi về già. Thử tưởng tượng nếu bạn không hiểu nghĩa những từ này mà cứ mặc định chúng là từ đồng nghĩa theo kiểu tiếng Việt rồi dịch cụm từ “nuôi cha mẹ” thành “keep my parents” hoặc “bring up my parents” thì kinh khủng tới mức nào.

Những ví dụ mà tôi nêu ở trên là 3 trong hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn những ví dụ về sự chặt chẽ về ngữ nghĩa trong từ ngữ tiếng Anh và sự qua loa, hời hợt trong tiếng Việt về nghĩa từ. Nếu cần thiết tôi sẽ liệt kê cả một danh sách vài chục trang giấy. Và đó chỉ là ở mức độ từ ngữ thông dụng chứ chưa nói đến từ ngữ mang tính chất chuyên ngành hoặc hàn lâm. Sự chuẩn xác về ngữ nghĩa này khiến cho người sử dụng tiếng Anh ít khi nào hiểu sai bản chất của khái niệm được đề cập và rất khó chơi trò lập lờ đánh lận con đen đánh tráo khái niệm qua mặt người khác.

2. Từ ngữ trong tiếng Anh có những dạng thức khác nhau và từ loại khác nhau, không thể lẫn lộn: Từ ngữ trong tiếng Việt không có sự biến thể trong cùng một từ (số ít, số nhiều, dạng bị động, chủ động, tính từ, trạng từ, danh từ…) nhưng tiếng Anh thì một từ có nhiều biến thể dùng với những mục đích hoàn toàn khác nhau. Lấy ví dụ từ “hạnh phúc” trong tiếng Việt vừa có thể là tính từ, vừa có thể là danh từ và cũng có thể là trạng từ. Nhưng trong tiếng Anh thì không thể. Nếu bạn muốn dịch câu “Hạnh phúc không mua được bằng tiền” thì bạn phải hiểu rằng “hạnh phúc” ở đây là “happiness” (danh từ) chứ không phải là “happy” (tính từ). Còn muốn nói “một gia đình hạnh phúc” thì phải dùng từ “happy” (tính từ) để đặt trước “family”. Và nếu muốn dịch câu “họ sống với nhau rất hạnh phúc” thì phải dùng trạng từ “happily” chứ không phải là “happy” hoặc “happiness”. Thật là thảm họa cho ai học tiếng Anh mà không quan tâm tới loại từ mà chỉ hiểu sơ sài về nghĩa từ “hạnh phúc” là “happy”.

Trong tiếng Việt chúng ta có thể nói “gà rán” hoặc “chảo rán” mà không hề cảm thấy có gì sai nhưng tiếng Anh thì không thể. Thứ nhất từ “rán” là “fry” vốn là động từ nên không có thể đặt trước danh từ “chicken” hay “pan” để làm một tổ hợp tính từ + danh từ. Để dùng từ “fry” làm tính từ, bạn phải chuyển nó thành dạng tính từ. Và việc chọn dạng tính từ thích hợp cũng không phải là dễ dãi sao cũng được vì dạng tính từ của từ “fry” có dạng V-ing (present participle) là “frying” để chỉ công dụng của một vật và dạng V3 (past participle) là “fried” để chỉ tính bị động của hành động. Nếu nói “chảo rán” thì bạn đang nói tới “công dụng của cái chảo” nên bắt buộc phải dùng là “frying pan”. Còn nếu bạn muốn nói về “gà rán” có nghĩa là “gà được/bị rán lên” thì bạn phải nói là “fried chicken” mới đúng.

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn chỉ đơn giản là ghép hai từ với nhau để tạo thành từ mới, nhưng khi bạn sử dụng tiếng Anh, bạn phải cân nhắc xem hai từ đó là loại từ gì, có đứng chung với nhau được hay không? Nếu từ loại đã phù hợp, bạn lại phải xét tiếp là từ đó được dùng ở dạng thức gì, có phù hợp với mục đích cần sử dụng hay không? Đó là cả một quá trình suy nghĩ logic, không thể hời hợt và tùy tiện.

Có bạn sẽ nói rằng “từ đó giờ tiếng Việt dùng như vậy đấy rồi có chết ai đâu. Người Việt ai mà chả biết “gà rán” là “gà được rán lên”, còn “chảo rán” là “chảo dùng để rán.” Điều này đúng là không hại gì khi bạn chỉ sử dụng tiếng Việt mà không cần sử dụng tiếng Anh. Nhưng nếu bạn học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh thì bạn sẽ thấy ngay vấn đề của nó:

a. Bạn không bao giờ sử dụng được tiếng Anh đúng cách để nói và viết vì bạn mặc kệ những nguyên tắc về từ vựng của tiếng Anh. Điều này cũng giống như bạn đến chơi nhà người khác nhưng bất chấp những nguyên tắc ứng xử của gia đình người ta mà bắt người ta phải hiểu mình.

b. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được tiếng Anh vì bạn không hiểu được mỗi dạng từ của cùng một từ đều có ý nghĩa khác nhau. Học những ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của tiếng Latin như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, bạn không thể chỉ cầm cuốn từ điển ra để học từ vựng một cách máy móc vì sự thay đổi dạng thức của một từ trong những ngữ cảnh khác nhau.

Ở trong phần bài viết này, tôi chỉ mới chạm tới lớp vỏ bên ngoài của ngôn ngữ là từ vựng. Tôi vẫn còn chưa nói đến cấu trúc văn phạm và phát âm. Hẹn các bạn ở phần tiếp theo. Để viết một bài, tôi phải tốn rất nhiều công sức. Hi vọng các bạn đừng phản biện theo kiểu cảm tính. Xin cám ơn (còn tiếp)

Nguồn bài: FB Vien Huynh