'Bắc Kinh và người biểu tình Hong Kong cần thỏa hiệp khi còn có thể' (Tina Hà Giang-BBC)

Đúng là những người biểu tình và chính phủ Hong Kong cần 'thỏa hiệp với nhau trước khi quá muộn' nhưng có lẽ với sự gia tăng bạo lực từ phía cảnh sát và sự 'giấu mặt' của những người lãnh đạo biểu tình thì khả năng 'thỏa hiệp' ngày càng xa vời. Điều này đặt Bắc Kinh trước tình trạng 'tiến thoái lưỡng nan'. Nếu mềm mỏng thì phong trào phản kháng sẽ gia tăng cường độ và yêu sách nhưng nếu gia tăng bạo lực thì sự phẫn nộ của người dân sẽ càng tăng cao và cuối cùng sẽ là sự bế tắc. Như THDCĐN đã phân tích và nhận định là các cuộc 'cách mạng đường phố' (không có một lực lượng chính trị dẫn dắt và lãnh đạo) sẽ sớm muộn rơi vào bế tắc. Đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi. Cho đến bây giờ vẫn chưa ai biết rõ là tổ chức chính trị nào đứng sau và lãnh đạo các cuộc biểu tình này và vì thế TQ có muốn đối thoại cũng không biết đối thoại với ai.


Bắc Kinh đang tuyệt vọng tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc trầm trọng tại Hong Kong, nơi mà các cuộc biểu tình từ hơn hai tháng nay đã làm tê liệt nhiều sinh hoạt của vùng đặc khu hành chính này, Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định. 

Trong bài Beijing's HK Strategy, tác giả Adam Ni nói mục đích ngắn hạn của Bắc Kinh là chấm dứt sự leo thang liên tục của các cuộc biểu tình lớn, bằng vũ lực nếu cần; và mục tiêu dài hạn là đưa thành phố và người dân Hong Kong vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, kiểm soát Hong Kong y như phần còn lại của đại lục.

Ông Adam Ni vạch ra rằng để đạt được những mục tiêu trên Bắc Kinh có một chương trình hành động sáu điểm, gồm:
  • Hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền và cảnh sát Hong Kong, khuyến khích và kích hoạt chiến thuật cứng rắn hơn với người biểu tình;
  • Tạo mặt trận thống nhất giữa giới kinh doanh và tinh hoa Hong Kong với các lực lượng thân Bắc Kinh;
  • Tăng việc tuyên truyền, đưa ra những thông tin sai lệch để phỉ báng giới biểu tình, tìm sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đại lục cũng như gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế;
  • Đánh vào hầu bao những công ty hay tổ chức ủng hộ biểu tình như hãng Cathy Pacific;
  • Đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp bằng vũ lực để dẹp biểu tình nếu cần; và,
  • Tăng cường các nỗ lực hội nhập kinh tế và kết nối nhằm đưa Hong Kong vào quỹ đạo kinh tế của PRC.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 13/8, giữa lúc có tin Trung Quốc đang chuyển quân tới khu vực biên giới với Hồng Kông, Adam Ni nói rằng tình hình hết sức cấp bách, và Bắc Kinh cùng giới biểu tình cần phải 'nhanh chóng thỏa hiệp khi còn có thể.'
Adam Ni: Tình hình hiện giờ luôn luôn dao động và chúng ta khó có thể dự đoán hành động của người biểu tình. Chính sách "không lãnh đạo", "lỏng như nước" và kết nối mạng mà các cuộc biểu tình này được tổ chức khá là độc đáo. 

Nhưng chiến lược của giới biểu tình có hiệu quả hay không phụ thuộc vào mục tiêu được đặt ra. Nếu thành công được đo lường bằng yêu cầu ban đầu là gỡ bỏ dự luật chống dẫn độ, thì họ đã thành công, mặc dù việc chính thức hủy bỏ dự luật chưa xảy ra. 

Tuy vậy, người biểu tình đã không thành công với những yêu cầu rộng lớn hơn, năm yêu cầu chính được đưa ra trong những tuần gần đây. Tôi nghĩ rằng tình hình leo thang liên tục, mức độ gia tăng bạo lực của cảnh sát và sự can thiệp từ Bắc Kinh, nếu có, sẽ có thể thay đổi tình thế. 

Một lần nữa, rất khó để dự đoán việc gì sẽ xảy ra ngoài việc nói rằng tôi không thấy hai bên sớm gặp nhau trong thời gian trước mắt, vì ở cấp độ cơ bản nhất có một sự mâu thuẫn: Bắc Kinh muốn khẳng định quyền kiểm soát với người Hong Kong và người dân Hong Kong thì đang chống lại điều này. 

Một sự thỏa hiệp sẽ là điều cần thiết hoặc một trong hai bên phải nhượng bộ, nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.

BBC: Nhiều người lo sợ rằng nếu tình trạng này tiếp tục, thảm sát tương tự như vụ Thiên An Môn năm 1989 không tránh khỏi. Ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh có thể đưa quân đội đến Hong Kong để đè bẹp người biểu tình? Và Trung Quốc sẽ phải trả giá cho hành động này thế nào, nếu điều đó xảy ra?

Adam Ni: Vụ thảm sát Bắc Kinh năm 1989 diễn ra trong bối cảnh chính trị xã hội và thời điểm rất khác so với tình hình ở Hong Kong ngày nay. Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu quyết tâm can thiệp bằng vũ lực và đàn áp các cuộc biểu tình nếu tình trạng này leo thang.

Theo tôi, đây sẽ là biện pháp cuối cùng của Bắc Kinh, khi giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất ổn liên tục ở Hong Kong gây nhiều bất lợi cho sự cai trị của họ hơn là cái giá họ phải trả cho một cuộc đàn áp đẫm máu. Tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể đưa ra phán quyết rằng tình hình ở Hong Kong cần đến sự can thiệp của quân đội bất kể là cần phải trả giá ở mức nào, nhưng chúng ta hiện đang chưa ở thời điểm đó.

Ngoài ra ngày 1/10 là kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC), đây là một ngày quan trọng. Bắc Kinh có muốn đánh dấu ngày lịch sử này bằng máu? Tôi nghĩ là không. Tuy nói vậy, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thận trọng, không nên hoàn toàn loại bỏ trường hợp này. 

BBC: Có hai lối suy nghĩ, đó là sự gia tăng bạo lực của cảnh sát sẽ khiến người biểu tình cuối cùng phải phục tùng, và ngược lại, khi cảnh sát gia tăng bạo lựcthì người biểu tình sẽ trở nên bất chấp hơn. Ông nghĩ sao?

Adam Ni: Tôi nghĩ rằng bạo lực cảnh sát nhiều hơn đơn giản sẽ khiến người dân Hong Kong phẫn nộ tức giận hơn, và tạo thêm sự ủng hộ của công chúng đối với người biểu tình. Cảnh sát sẽ phải sử dụng lực lượng áp đảo để phá vỡ ý chí và sự phản kháng của người biểu tình, và tôi không thấy họ có máu lạnh để làm điều đó. Thế nhưng lực lượng có vũ trang của Trung Quốc thì có.

BBC:Ông có nghĩ rằng các hoạt động tuyên truyền, thông tin sai lệch của Trung Quốc trong việc dán cho người biểu tình những nhãn như ''bạo loạn'' và thậm chí ''khủng bố'' đã gây được ảnh hưởng lên dư luận quốc tế và công chúng

Adam Ni: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc định hình và thao túng dư luận trong Trung Quốc đại lục. Nhưng bên ngoài đại lục, tuyên truyền của họ khá kém hiệu quả. Thông tin sai lạc, tuy nhiên, vẫn gây ra nhiều hết sức bất lợi. Tôi nghĩ mục tiêu chính của Bắc Kinh là tràn ngập môi trường truyền thông và làm loãng những tường trình vẽ nên hình ảnh tốt cho người biểu tình, và tạo ra nghi ngờ trong tâm trí mọi người. Đây là điều mà Trung Quốc đã ngày càng làm tốt hơn - kể câu chuyện theo phiên bản của mình.

BBC: Bài viết của ông nói rằng qua biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã cắt đứt một cách hiệu quả sự hỗ trợ cho người biểu tình như của công ty Cathay Pacific. Điều ông nói liên quan đến hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng về mặt tài chánh, ngoài việc gây quỹ trực tuyến rất thành công, người biểu tình còn có thể có nguồn tài trợ nào khác

Adam Ni: Tôi nghĩ nguồn hỗ trợ tài chánh của quần chúng là chiến lược tốt nhất cho người biểu tình. Lấy tiền từ chính phủ hay các tập đoàn nước ngoài sẽ làm suy yếu cách công chúng đánh giá về sự liêm chính của họ và cho Bắc Kinh vũ khí để đặt vấn đề về động cơ và ý định của người biểu tình.
BBC:Cuối cùng thì xung đột theo ông sẽ được giải quyết như thế nào? Ông có lời khuyên nào cho Bắc Kinh?

Adam Ni: Bắc Kinh cần phải hiểu rằng không phải mọi thách thức đối với chính quyền của họ đều là điều bất lợi. Và trên thực tế, một phản ứng cứng rắn sẽ gây ra sự kháng cự mạnh hơn nữa khiến mọi việc cứ ở trong một vòng luẩn quẩn. Họ nên dừng chu kỳ này, trước hết bằng cách giảm bớt những lời cường điệu và giải quyết sự bất bình của người biểu tình. 

Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn bị coi là lùi bước vì sợ rằng sẽ bị cho là mềm yếu và điều đó sẽ làm phe biểu tình đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa, nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng con đường mà họ đang đi, áp dụng các chiến thuật hung hăng sẽ phản tác dụng, giống như chính sách của Trung Quốc trong quá khứ đã trực tiếp dẫn đến tình trạng bất ổn ngày hôm nay. 

Nếu Bắc Kinh không muốn phải đối mặt với sự đối kháng dài hạn của người Hong Kong, thì họ cần phải giảm căng thẳng, thay vì gieo rắc thêm hạt giống cho những cuộc xung đột tương lai.

BBC: Về phía người biểu tình, ông khuyên họ nên làm gì? 

Adam Ni: Người biểu tình đang leo thang căng thẳng theo cách mà tôi nghĩ khiến cho công chúng khó có thể tiếp tục ủng hộ phong trào này trong thời gian dài. 

Đời sống kinh tế và xã hội của Hong Kong ngày càng bị ảnh hưởng, và theo thời gian, điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ của cộng đồng mà từ trước cho đến nay vẫn hỗ trợ các cuộc biểu tình. Người biểu tình cần gặp Chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh ở một khoảng giữa. 

Tôi biết nói điều này sẽ không làm cho bất cứ bên nào vui. Nhưng đó là điều cần phải được nói: Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp. Quá trình đó cần phải xảy ra ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được, nếu điều đó chưa quá muộn.