Vì sao chúng ta chưa đồng ý với nhau? (Việt Hoàng)

Việt Nam vẫn còn cơ hội để thay đổi và tiến lên vì không phải quốc gia nào cũng có tư tưởng chính trị. Chúng ta đang tiến rất nhanh và gần bắt kịp thế giới. Khi người Phương Tây đầu tiên đặt chân đến Việt Nam chúng ta tụt hậu khoảng 2000 năm so với thế giới. Hiện nay chúng ta chỉ còn chậm trễ khoảng vài chục năm. Chính vì đi quá nhanh nên chúng ta mệt mỏi. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) trong hơn 30 năm qua đã ‘hành hạ’ trí thức Việt Nam một cách khá ‘đau đớn’ và kết quả đạt được rất khả quan. Ba lập trường căn bản của Tập Hợp từ lúc ra đời là ‘Dân chủ đa nguyên, Bất bạo động, Hòa giải và Hòa hợp dân tộc’ đã gần như thuyết phục được trí thức và người dân Việt Nam. (Việt Hoàng)
 
Bài viết ‘Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn’ của ông Nguyễn Gia Kiểng trên Thông Luận và trang Facebook cá nhân đã đạt được một lượng người đọc khá lớn với 420 bình luận.
Bài viết đặt câu hỏi ‘Tại sao đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có được một lực lượng dân chủ có tầm vóc?’ (1). Theo tác giả thì có 3 lý do chính :
- Lý do thứ nhất là chúng ta, người Việt Nam, rất thiếu văn hóa tổ chức, rất thiếu khả năng hợp tác để hành động có tổ chức.
- Lý do thứ hai là người Việt Nam rất thiếu, quá thiếu, kiến thức chính trị.
- Lý do thứ ba là chúng ta có một quan hệ quá phức tạp đối với sự thực và lẽ phải.
Các bình luận về bài viết dù nhiều nhưng vẫn chưa đi sâu và trả lời cụ thể vào câu hỏi. Đa phần người đọc đều giữ thái độ im lặng và gần như không có ý kiến cực đoan, bài bác. Có lẽ im lặng trong trường hợp này đồng nghĩa với ‘đồng ý’.
Một trong những ý kiến đưa ra để biện hộ cho câu chất vấn đau nhức đó mà dễ thấy nhất và dễ đồng ý nhất là ý kiến cho rằng các tổ chức đối lập không thể hình thành vì bị đảng cộng sản đàn áp từ trong trứng nước. Điều này không hoàn toàn đúng và chỉ là lý cớ vì hải ngoại thì sao? Nơi đó không hề có đàn áp và mọi người hoàn toàn tự do kết hợp với nhau thành các tổ chức và hơn nữa lại có sự góp mặt của nhiều tù nhân chính trị nổi tiếng bị trục xuất khỏi Việt Nam ?
Sự thật là chúng ta chưa đồng ý và chưa đồng thuận với nhau để xây dựng nên những tổ chức chính trị có tầm vóc là vì chúng ta xem nhẹ sức mạnh của tư tưởng chính trị. Không có Kinh thì không thể có Đạo, không có một ‘tư tưởng chính trị’ để gắn kết các thành viên thì không thể có các tổ chức chính trị đúng nghĩa. Sự thực là Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được một tổ chức chính trị nào thật sự có tầm vóc.
Sự trầm lắng của phong trào dân chủ Việt Nam thời gian qua là kết quả không thể tránh khỏi của lối đấu tranh chính trị mà lại thiếu ‘tư tưởng chính trị’. Không nên thất vọng vì đây là thời gian tĩnh lặng để những người Việt Nam còn ưu tư trăn trở với đất nước ngẫm nghĩ lại con đường đã đi qua và chuẩn bị một hành trang tư tưởng cho đoạn đường trước mặt. Đã đến lúc phong trào dân chủ Việt Nam cần đi vào chiều sâu, đầu tư cho tư tưởng và trí tuệ trước khi bắt tay vào các ‘hành động’ cụ thể. Suy nghĩ phải luôn đi trước và dẫn đường cho hành động. Khi các phương pháp cũ đã thất bại thì nên suy nghĩ về một cách thức mới có tính khả thi và thuyết phục.
‘Dân chủ’ là tập hợp của nhiều giá trị mang tầm tư tưởng chứ không giản dị là một vấn đề cụ thể ‘có hay không’ (yes/no). Ngắn gọn thì ‘dân chủ’ là một ‘hệ tư tưởng’ mà chúng ta quen gọi là ‘ý thức hệ’ và chính ý thức hệ sẽ quyết định cho mọi chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia cũng như các tổ chức chính trị. Ai cũng thấy là ‘ngưu tầm ngưu mã tầm mã’, dù không ưa nhau nhưng các nước độc tài và cộng sản luôn đứng chung phe với nhau ví dụ quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Cuba, Việt Nam-Nga...Các nước dân chủ Phương Tây cũng thế, họ luôn dễ dàng đạt được đồng thuận với nhau trong mọi vấn đề dù có khác biệt. Bằng chứng là chưa bao giờ có các cuộc chiến xảy giữa các nước dân chủ với nhau. Một ví dụ nữa là thái độ của người dân Hong Kong và Đài Loan đối với Trung Quốc cho dù họ cùng là một dân tộc.
Trong bài viết của mình ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định rất đúng khi cho rằng: ‘‘Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý’.
Đằng sau mỗi quyết định cụ thể đều là hệ quả của một niềm tin nào đó, tức là một hệ giá trị tư tưởng có sẵn từ trước trong tâm hồn mỗi người. Cái này gọi là phản xạ có điều kiện. Ví dụ ở một nước văn minh thì người dân luôn tuân thủ luật giao thông, họ dừng xe chờ đèn đỏ dù giữa đêm khuya và đường phố không có ai. Còn tại Việt Nam thì nếu không thấy công an giao thông thì đa số đều vượt đèn đỏ dù là giữa ban ngày đông đúc. Một người tử tế lương thiện sẽ hành động khác với một kẻ côn đồ gian trá trong cùng một hoàn cảnh vì niềm tin của họ khác nhau.
Việt Nam vẫn còn cơ hội để thay đổi và tiến lên vì không phải quốc gia nào cũng có tư tưởng chính trị. Chúng ta đang tiến rất nhanh và gần bắt kịp thế giới. Khi người Phương Tây đầu tiên đặt chân đến Việt Nam chúng ta tụt hậu khoảng 2000 năm so với thế giới. Hiện nay chúng ta chỉ còn chậm trễ khoảng vài chục năm. Chính vì đi quá nhanh nên chúng ta mệt mỏi. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) trong hơn 30 năm qua đã ‘hành hạ’ trí thức Việt Nam một cách khá ‘đau đớn’ và kết quả đạt được rất khả quan. Ba lập trường căn bản của Tập Hợp từ lúc ra đời là ‘Dân chủ đa nguyên, Bất bạo động, Hòa giải và Hòa hợp dân tộc’ đã gần như thuyết phục được trí thức và người dân Việt Nam.
Phương pháp đấu tranh bất bạo động rất xa lạ với văn hóa Việt Nam, cụ thể là văn hóa Khổng giáo, được làm vua thua làm giặc, nay cũng đã được nhiều người chấp nhận. Bạo lực dù vẫn xảy ra và dù chính quyền cộng sản vẫn sử dụng một cách bừa bãi nhưng chúng càng ngày càng bị nhận diện và lên án.
Lập trường Hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng thế, chẳng còn mấy ai phản đối. Ngược lại mọi người đều đồng ý và tin rằng điều đó là cần thiết cho một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai.
Dân chủ đa nguyên tức là chấp nhận mọi tiếng nói khác biệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, kính trọng nhau và thậm chí xem sự khác biệt đó như là một sự đa dạng và cần thiết của cuộc sống thay vì vùi dập và tiêu diệt cũng đã được chấp nhận trên mọi miền đất nước và trong mọi thành phần dân tộc.
Không chỉ dừng lại ở đó và không chịu để trí thức Việt Nam ‘nghỉ ngơi’, Tập Hợp còn tiếp tục bắt trí tuệ người Việt tiến về phía trước khi xác quyết rằng ‘chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong cuộc sống’. Làm chính trị, hoạt động chính trị là cống hiến cho một mục tiêu quảng đại và vì thế phải có đạo đức và lương thiện. Tập Hợp đã làm cho không ít người Việt Nam (trong nước lẫn ngoài nước) nổi giận khi chỉ trích một con người quyền lực nhất thế giới là tổng thống Mỹ Donald Trump, một người thiếu đạo đức, thiếu bao dung và sự trang nhã cần có của một người làm chính trị. Chúng tôi không sợ mất lòng vì tin vào lẽ phải, trí tuệ và sự tử tế của con người. Sớm muộn thì sự thật vẫn là sự thật. Trump càng ngày càng phơi bày rõ con người thật của mình. Sự thô lỗ, dối trá, ngược ngạo, kích động nhân tâm và tiền hậu bất nhất của Trump có thể mang lại sự hào hứng và kích thích cho một bộ phận dân chúng Mỹ trong một giai đoạn nhất định nhưng khi sự thô lỗ này kéo dài hết năm này sang năm khác thì sự chán nản và thất vọng sẽ thay thế cho sự hồ hởi. Không ai có thể chấp nhận sự dối trá và thô lỗ mãi như vậy. Nếu không thế thì con người đã không tiến hóa và văn minh như ngày hôm nay. 
Một cố gắng nữa của Tập Hợp là quyết tâm thay đổi văn hóa và tư duy của người Việt trong lĩnh vực chính trị đó là thuyết phục trí thức và người dân Việt Nam xem việc ‘làm chính trị’ là công việc chung mà ai cũng có thể tham gia nhưng hoạt động chính trị là phải có tổ chức chứ không phải các hoạt động và phát biểu mang tính cá nhân của các nhân sĩ. Kết quả cũng rất khả quan, không còn mấy ai vỗ ngực tự hào rằng ‘tôi độc lập, tôi không tham gia vào tổ chức nào’. Nhiều nhân sĩ nổi tiếng đã nhận ra sự hạn chế của bản thân và công khai nói ra điều đó, một trong những người đáng kính về đạo đức và sự lương thiện là Chu Hảo, ông đã viết trong thư chúc Tết Kỷ Hợi (2019) gửi những người quan tâm và ủng hộ rằng: ‘Tôi, cũng như nhiều quý vị và các bạn trong số chúng ta, không có nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ; nhưng có chính kiến trong thực hành phản biện xã hội trên tinh thần khoa học và xây dựng là nghĩa vụ của mỗi người, để xã hội này không rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”’ (2). Ông Chu Hảo đã thành thật và dũng cảm nhận mình là một người ‘phản biện xã hội’ chứ không phải một người ‘có nguyện vọng và năng lực hoạt động chính trị thực thụ’, hai việc này là hoàn toàn khác nhau mà không ít người Việt vẫn hay nhầm lẫn. Chính vì nhầm lẫn nên dư luận đã không dành sự quan tâm cần thiết cho những tổ chức chính trị đứng đắn và nghiêm túc.
Đề nghị và kết luận của ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp đó là: ‘Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc’.
Trật tự thế giới đang thay đổi với sự thoái lui của Mỹ, cường quốc lãnh đạo thế giới từ sau năm 1945 để nhường vai trò đó cho một liên minh dân chủ là Liên Hiệp Châu Âu-Nhật Bản-Ấn Độ và các nước dân chủ khác trên thế giới. Trung Quốc đang đuối sức và sẽ khủng hoảng trong thời gian tới nên không còn là mối đe dọa cho hòa bình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng ta hoàn toàn có quyền nghĩ, mơ và chuẩn bị cho một hành trình mới về một tương lai tươi sáng nếu chung ta chia sẻ và đồng ý với nhau trên các giá trị tư tưởng nền tảng.
Khi nào người dân và trí thức Việt Nam đồng ý với Tập Hợp rằng đấu tranh chính trị là phải đấu tranh có tổ chức và tiêu chuẩn để đánh giá một người đấu tranh chính trị là người đó đã có đóng góp gì cho việc xây dựng một tổ chức nào đó, thì khi đó lịch sử nhất định sẽ sang trang, Việt Nam nhất định sẽ có dân chủ.
Việt Hoàng
(17/7/2019)