Biển Đông: Tàu Trung Quốc vẫn hoạt động tại vùng biển Việt Nam (Thụy My)

Bản đồ do giáo sư Ryan Martinson, trường Hải chiến Hoa Kỳ cập nhật hôm nay cho thấy nhóm tàu này từ ngày 18 đến 20/7 vẫn liên tục hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam. Trong khi theo Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, thì nếu các nước khác khi có những hoạt động tại khu vực 200 hải lý trên, nếu ảnh hưởng đến quốc gia ven biển, thì phải được phép của nước này. (RFI)



Hôm nay 20/07/2019, theo ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson, chiếc tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hộ tống vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở bãi Tư Chính. Bắc Kinh hiện vẫn giữ im lặng sau khi bị Hà Nội tố cáo đích danh vi phạm chủ quyền, và yêu cầu rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bản đồ do giáo sư Ryan Martinson, trường Hải chiến Hoa Kỳ cập nhật hôm nay cho thấy nhóm tàu này từ ngày 18 đến 20/7 vẫn liên tục hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam. Trong khi theo Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, thì nếu các nước khác khi có những hoạt động tại khu vực 200 hải lý trên, nếu ảnh hưởng đến quốc gia ven biển, thì phải được phép của nước này. 

Tuần trước, tàu Haijing 35111 của tuần duyên Trung Quốc đã thao tác một cách mà theo mô tả của CSIS là « đầy đe dọa » đối với các tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan của Nhật mang tên Hakuryu-5, do tập đoàn quốc doanh Nga Rosneft (ROSN.MM) thuê, hoạt động tại lô dầu 06.1 của Việt Nam, ở cách Việt Nam 370 km (230 hải lý) về hướng đông nam. 

Theo quan sát của các chuyên gia, Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh cỡ lớn đến bãi Tư Chính, nhằm gây sức ép lên Việt Nam trước khi xây dựng xong bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Tuy tình trạng này đã diễn ra nhiều tuần qua, nhưng đến hôm qua Hà Nội mới phản ứng bằng một tuyên bố mạnh mẽ, tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/7 tuyên bố « Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông ». Tuy nhiên sau khi bị Việt Nam tố cáo đích danh hôm qua, đến nay chưa thấy có phản ứng gì về phía Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không đáp ứng lời kêu gọi của đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương về việc thiết lập một cơ chế liên lạc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. 

Trên Twitter, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton kêu gọi « tôn trọng chủ quyền và quyền tự do hàng hải », chỉ trích các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc đối với các láng giềng Đông Nam Á.

Ngay sau tuyên bố của bộ Ngoại Giao Việt Nam, trên mạng xã hội Việt Nam, nơi mà thông tin về tàu Trung Quốc vốn đã rò rỉ từ mấy ngày qua, xuất hiện rất nhiều bài viết đả kích thái độ ngang ngược của Bắc Kinh, và cả những lời kêu gọi có hành động phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc.

RFI