Điểm tin Châu Âu - Pháp thông qua luật đánh thuế vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu (RFI)

Ảnh minh họa : Logo các tập đoàn trong GAFA ( Google, Amazon, Facebook, Apple )/AFP/Lionel Bonaventure

Pháp đánh thuế GAFA, Mỹ mở điều tra

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 10/07/2019 ra lệnh mở điều tra về dự luật của Pháp đánh vào các tập đoàn kỹ thuật số. Tiến trình này có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa của Mỹ, làm tăng thêm căng thẳng về thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm nay Thượng Viện Pháp đã chính thức thông qua dự luật đánh thuế vào khoảng 30 tập đoàn kỹ thuật số gồm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple), Airbnb, Instagram… Tỉ lệ thuế là 3%, đánh vào các công ty kỹ thuật số có doanh số trên 750 triệu euro trên thế giới, trong đó có 25 triệu liên quan đến người sử dụng Pháp, tính từ ngày 01/01/2019.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :

« Đại diện thương mại Mỹ sử dụng cùng một công cụ đã từng dùng đến để đánh thuế lên hàng Trung Quốc. Đó là mục 301 của luật năm 1974, cho phép tổng thống áp đặt thuế quan, nếu thấy rằng chính sách thương mại của một nước gây phương hại đến lợi ích Mỹ. Một vũ khí hiếm khi được Washington dùng đến để đánh vào các đồng minh.

Trong một thông cáo, ông Robert Lighthizer tuyên bố : Hoa Kỳ rất quan ngại khi thấy các công ty Mỹ bị sắc thuế về kỹ thuật số nhắm vào một cách bất công, và cho biết ông hành động theo yêu cầu khẩn cấp của tổng thống.

Các tập đoàn kỹ thuật số Mỹ tuần này đã chỉ trích dự luật của Pháp. Đặc biệt Google cho rằng văn bản được soạn thảo không kỹ càng, và mang tính phân biệt đối xử. Các đại biểu Dân Chủ và Cộng Hòa cũng phê phán, và bắt đầu xét đến các biện pháp trả đũa. Trong số những hướng được đề ra, có việc tăng gấp đôi thuế đối với các công dân Pháp thường trú ở Mỹ và những công ty Pháp làm ăn tại Hoa Kỳ ».

Bộ Kinh Tế Pháp hôm nay nhấn mạnh đạo luật trên không hề vi phạm các hiệp ước quốc tế, nếu trả đũa sẽ là bất hợp lý. Paris cho rằng nên ưu tiên cho đối thoại.

Pháp là quốc gia đầu tiên áp « thuế GAFA », sau khi ý định tương tự của Liên Hiệp Châu Âu không đạt được đồng thuận vì Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan tỏ ra ngần ngại.

********************

Ứng viên chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi tân Nghị Viện ủng hộ


Bà Ursula von der Leyen, trả lời báo chí tại Nghị Viện Châu Âu, Bruxelles, ngày 10/07/2019/REUTERS / Francois Lenoir

Nguyên thủ và thủ tướng của tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được thỏa hiệp về ứng cử viên vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, sau nhiều tuần đàm phán cam go. Thế nhưng chưa có gì bảo đảm là bà Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, sẽ được tân Nghị Viện Châu Âu chấp thuận trong phiên bỏ phiếu tuần tới. Hôm qua, 10/07/2019, tại Nghị Viện Châu Âu, ở Bruxelles, Bỉ, ứng cử viên Ursula von der Leyen đăng đàn phát biểu nhằm vận động sự ủng hộ của các dân biểu.

Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

« Tiếp theo Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), đảng bảo thủ mà ứng cử viên vào chức chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu là thành viên, hôm nay, bà Ursula von der Leyen cũng có cuộc gặp ba đảng phái lớn nhất trong Nghị Viện : đảng Xã Hội Dân Chủ, đảng cánh trung Renew Europe và đảng Xanh. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức cần được sự ủng hộ rộng rãi của cả ba nhóm chính trị nói trên để hy vọng có được một đa số, bởi ứng cử viên này không dám chắc có được sự ủng hộ của toàn bộ các nghị sĩ đảng PPE hay không.

Ví dụ, nhiều nghị sĩ phàn nàn là chính phủ các nước thành viên Liên Âu đã không chỉ định bất cử ứng cử viên nào, trong số những người đứng đầu danh sách các đảng phái tranh cử vào Nghị Viện hồi tháng 5. Do vậy, ứng cử viên Ursula von der Leyen phải đưa ra được các bảo đảm khiến các dân biểu Nghị Viện Châu Âu tin tưởng vào các cam kết vì Liên Hiệp của bà. Ứng cử viên vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố : ‘‘Tôi đang ở đây tại Nghị Viện Châu Âu, trái tim của nền dâu chủ châu Âu, bản thân tôi là một người tận tâm vì châu Âu, hoàn toàn tin tưởng vào sự thống nhất của châu Âu’’.

Ứng cử viên Ursula von der Leyen cũng cho biết các mục tiêu đầy tham vọng của bà về Khí hậu, về quản lý dòng người nhập cư, về một châu Âu mang tính xã hội nhiều hơn, và thậm chí có thể dời lại ngày Brexit, để đạt được một thỏa thuận với Luân Đôn.


Tuy nhiên, trong số các nghị sĩ tham dự vào buổi thuyết trình này, một số người cho biết ít được thuyết phục. Đảng Xanh dự kiến sẽ bỏ phiếu chống, đảng cánh trung dường như bị phân hóa, trong lúc đảng Xã Hội Dân Chủ sẽ chỉ bày tỏ lập trường vào tuần tới.

Trong tình trạng kết quả bầu cử không chắc chắn, có thể phải dời lại cuộc bỏ phiếu tại Strasbourg dự kiến vào tuần tới. Kịch bản này không phải là chưa từng có tiền lệ. Năm 2004, ứng cử viên Jose-Manuel Barroso, được chỉ định từ tháng 6, nhưng chỉ chính thức nhậm chức vào tháng 11 »

********************

Pháp bị cáo buộc "bắt cá hai tay" tại Libya



Vũ khí do Pháp chế tạo được tìm thấy trong kho tàng của lực lượng thuộc thống chế Haftar, tại Libya, hồi tháng 06/2019/AFP
Paris lúng túng vì vụ tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ bán cho Pháp được phát hiện trong tay lực lượng võ trang của thống chế Haftar ở phía tây nam thủ đô Libya. Phải chăng Paris chơi trò "nước đôi" trên hồ sơ Libya ? Đâu là quyền lợi và mục đích của Pháp tại Libya ?

Tệ hơn nữa, một số nhà phân tích nêu lên câu hỏi liệu rằng Pháp có vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc nhắm vào quốc gia châu Phi này hay không và tại sao tên lửa chống tăng của Mỹ thường chỉ được dành riêng cho các đồng minh chiến lược thân thiết của Hoa Kỳ lại rơi vào tay Lực Lượng Quân Đội Quốc Gia Libya do thống chế Khalifa Haftar kiểm soát ?

Tiết lộ của báo New York Times về 4 tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ trong tay lực lượng quân sự do thống chế Haftar đứng đầu đã buộc Paris phải nhanh chóng lên tiếng. Cố vấn của bộ trưởng Quân Lực Pháp hôm 10/07/2019 xác nhận 4 tên lửa Javelin tìm thấy trong một căn cứ của Lực Lượng Quân Đội Quốc Gia Libya là của Pháp. Nhưng đó là những loại vũ khí đã bị "hỏng, không còn sử dụng được và được cất giữ để sau này phá hủy". Paris "không vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc" nhắm vào Libya. Tuy nhiên quan chức này không giải thích được vì sao mà những tên lửa chống tăng ấy đã lọt vào tay các chiến binh của thống chế Haftar. Dù vậy giới phân tích nhấn mạnh rằng, tiết lộ của báo New York Times đã buộc Paris phải công khai nhìn nhận là đã duy trì sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Libya. Báo Mỹ bồi thêm : Pháp đã triển khai nhiều lực lượng đặc nhiệm tại Lybia, phần lớn là ở miền đông, cách không xa thủ đô Tripoli. Năm 2016 nước Pháp dưới thời tổng thống François Hollande đã phải thừa nhận có ba lính đặc nhiệm Pháp đã tử vong trong một chiến dịch "dọ thám nguy hiểm", trực thăng của họ bị bắn hạ cách thành phố Benghazi khoảng 45 cây số về hướng nam.

Cho đến nay về mặt chính thức, Pháp công nhận Chính Phủ Đoàn Kết Dân Tộc của thủ tướng Fayez al Sarraj, đóng đô ở Tripoli, nhưng đồng thời vẫn ít nhiều công khai yểm trợ đối thủ của chính quyền này, tức là lực lượng của thống chế Khalifa Haftar, hiện đang kiểm soát miền đông Libya, quan trọng nhất là thành phố Benghazi.

Mùa xuân vừa qua, ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian sau buổi làm việc với thủ tướng Fayez al Sarraj tại thủ đô Tripoli đã đến thăm bản doanh của thống chế Haftar tại Benghazi. Chưa đầy một tháng sau, Paris ngỡ ngàng khi nhân vật này mở chiến dịch chinh phục thủ đô Tripoli.

Lập trường công khai của Pháp là đối thoại với tất cả các bên và Paris là một trong những đối tác châu Âu hiếm hoi có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai phe thù nghịch ở Libya. Nhưng trên thực tế, như một nhà ngoại giao Pháp đã nhận định : "Haftar không phải là một thủ lĩnh tầm thường. Ông ta đứng đầu một đội quân đang kiểm soát đến 70 % lãnh thổ Libya, là nhân vật chủ chốt để tìm một ngõ thoát cho khủng hoảng Libya ".

Paris đã hai lần mời lãnh đạo hai phe phái thù nghịch này đến Pháp để tìm một giải pháp chính trị cho Libya. Những nỗ lực của Pháp tới nay vẫn chưa mang lại kết quả. Tuy nhiên việc mời thống chế Haftar đến Paris càng làm tăng thêm uy tín của nhân vật này. Không chỉ có thế, như Walid Phares, một cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bình luận : vì mục tiêu chống khủng bố Paris kín đáo yểm trợ lực lượng của tướng Haftar bởi nhân vật này là "người duy nhất quét dọn sạch sẽ các ổ thánh chiến" đóng ở miền đông và miền nam Libya. Theo quan điểm của cựu cố vấn cho Nhà Trắng, Haftar, mới có thể ngăn ngừa các chiến binh Hồi Giáo từ Syria trở về và số này là mầm mống đe dọa an ninh của Pháp, của phương Tây.

Một yếu tố thứ nhì khiến Paris có cái nhìn khoan dung với thống chế Haftar với hy vọng nhân vật này, một khi lên cầm quyền, sẽ hỗ trợ ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Libya tràn sang châu Âu.

Điều khiến Pháp khó xử là lực lượng quân sự trong tay thống chế Haftar đã lớn mạnh nhờ có sự yểm trợ của bộ ba Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Ai Cập và như vậy qua việc đứng về phía thống chế Haftar dù là không chính thức, Paris một lần nữa chứng minh rằng, vì mục tiêu chống khủng bố và an ninh, nước Pháp sẵn sàng hậu thuẫn các chế độ độc tài.

********************

Anh Quốc : Hai ứng viên thủ tướng tranh luận trên truyền hình

Hai ứng viên chung cuộc vào chiếc ghế thủ tướng Anh, cựu ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt vào hôm qua, 09/07/2019, đã lên truyền hình tham gia cuộc tranh luận duy nhất trước hạn chót bầu phiếu. Cả hai đã ra sức thuyết phục về chính sách của mình cho dù thăm dò dư luận cho thấy ông Johnson sẽ là người đắc cử.

Trọng tâm tranh luận vẫn là hồ sơ Brexit, với Boris Johnson dứt khoát rời Liên Hiệp Châu Âu vào thời hạn 31 tháng 10 tới đây, trong bất kỳ tình huống nào, trong lúc Jeremy Hunt muốn có cơ may thương lượng lại với Bruxelles để tránh một Brexit thảm hại.

Hiện thời, ông Boris Johnson vẫn bỏ xa đối thủ Jeremy Hunt trong các cuộc thăm dò, trong lúc mà cuộc vận động sẽ kết thúc trong hai tuần lễ tới đây. Cho nên, như theo ghi nhận của Muriel Delcroix, thông tín viên RFI tại Luân Đôn, kết quả cuộc chạy đua giành chiếc ghế thủ tướng đã rõ.

« Trước một Jeremy Hunt nghiêm nghị và thực tế, Boris Johnson đã chơi lá bài quen thuộc, tức tỏ thái độ lạc quan và nghị lực tràn trề của ông. Sự tin tưởng vào sức thuyết phục của ông đã tóm lược được cảm nhận : Cho dù cuộc đọ sức trên truyền hình có thế nào chăng nữa, thì vẫn sẽ không có gì thay đổi về kết quả chung cuộc.

Vả lại báo chí Anh đều nhận định không một chút ảo tưởng nào. Một số báo, như tờ Telegraph hay Daily Mail, đã công nhận là Jeremy Hunt là người thắng trong cuộc tranh luận, ông vừa khéo léo, vừa biết tấn công và đã đánh trúng đối phương vài cú, như chỉ trích việc Boris Johnson không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi, và nhất là luôn tìm cách làm vừa lòng cử tri mà không giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước.

Nhưng các nhà bình luận đánh giá là cuộc tranh luận trên truyền hình sẽ không đảo ngược xu hướng : Boris Johnson đã không phạm sai lầm tối qua và ông dẫn trước đối phương với một khoảng cách xa đến mức mà chiếc ghế thủ tướng ông sẽ ngồi vào trong hai tuần tới đây kể như chắc chắn.

Những đảng viên đảng Bảo Thủ sẽ bỏ phiếu quyết định. Họ đã nhận được phiếu bầu từ thứ Bảy vừa qua, và một nửa đã gởi lại phiếu bầu mà không chờ đợi xem cuộc tranh luận. Đây là dấu hiệu cho thấy là nhiều người đã chuẩn bị cho việc ông Johnson chiến thắng.

Tờ báo Times, vốn rất chống Brexit và rất chỉ trích ông Boris Johnson, trong một bài xã luận cách đây vài ngày, rốt cuộc đã quyết định ủng hộ ông. »

********************

Pháp đánh thuế môi trường trên vé máy bay

Sân bay Orly, ngoại ô phía nam Paris, Pháp/Reuters/Benoit Tessier

Hôm qua, 09/07/2019, bộ trưởng Giao Thông Pháp Elizabeth Borne thông báo là kể từ năm 2020, các hãng hàng không phải trả tiền thuế từ 1,5 euro đến 18 euro trên các vé máy bay đối với các chuyến bay từ Pháp (nhưng không áp dụng đối với các chuyến bay đến Pháp).

Cụ thể, đối với các chuyến bay nội địa và trong khu vực châu Âu, mức thuế sẽ là 1,50 euro trên vé hạng phổ thông và 9 euro trên vé hạng thương gia. Còn đối với các chuyến bay ra ngoài khu vực châu Âu, mức thuế sẽ là 3 euro trên vé hạng phổ thông và 18 euro trên vé hạng thương gia.

Loại thuế mới này sẽ mang lại thu nhập 180 triệu euro/năm cho nước Pháp kể từ năm 2020. Theo lời bộ trưởng Giao Thông Pháp, số tiền này sẽ được dùng để phát triển các phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm hơn, như giao thông đường sắt.

Nhưng theo hãng tin AFP, ngành hàng không đón nhận quyết định nói trên của chính phủ một cách rất lạnh nhạt. Hãng Air France, mà Nhà nước Pháp nắm giữ 14,3% vốn, xem đây là một quyết định « không thể hiểu được », vì theo họ, loại thuế mới sẽ được dùng để tài trợ cho các phương tiện giao thông cạnh tranh với hàng không, trong đó có giao thông đường bộ, chứ không tài trợ cho việc chuyển tiếp năng lượng trong ngành hàng không.

Air France còn lưu ý là với loại thuế mới, chi phí của hãng này sẽ tăng thêm hơn 60 triệu euro, trong khi họ đã mất hơn 180 triệu euro năm ngoái trên các chuyến bay nội địa.

Chủ tịch Hiệp hội các sân bay Pháp Thomas Juin xem quyết định của chính phủ là « vô nghĩa về mặt kinh tế và môi trường ».

Tuy nhiên, theo ông Andrew Murphy, một chuyên gia về hàng không, được AFP trích dẫn hôm qua, Pháp không phải là nước duy nhất ở châu Âu đánh thuế môi trường trên vé máy bay, mà loại thuế này đã có ở các nước Anh, Đức, Ý, Thụy Điển và Na Uy.

Các số liệu của Cơ quan Môi trường châu Âu cho thấy là lượng khí phát thải CO2 của ngành hàng không là 285 gam/hành khách/km, cao hơn nhiều so với các phương tiện vận chuyển khác.